13-05-2021 - 21:34

Tản văn THƯƠNG GỬI THÁNG TƯ... của Đào An Duyên

Tạp chí Hồng Lĩnh số 176 hân hạnh giới thiệu tản văn "Thương gửi tháng Tư" của Đào An Duyên

 

THƯƠNG GỬI THÁNG TƯ...

                    Tản văn   

       Tháng Tư bỏng rát nắng trên những con đường bụi đỏ, tháng Tư gieo neo trên những phận người nằm xuống muôn nẻo rừng già, tháng Tư trong lòng tôi cứ réo rắt giai âm bi hùng cho người ở lại. Tháng Tư, tháng Tư…

       Tôi mân mê những kỉ vật của người đã xa trước di ảnh vương vất khói hương, cha tôi vẫn nhìn chúng tôi hàng ngày, bộ quân phục màu cỏ úa vẫn mãi một màu cỏ úa neo vào thời gian. Tháng Tư, thật tình cờ, một người quen đã gửi cho tôi tấm ảnh thời còn trẻ của cha đang lưu giữ tại phòng truyền thống cửa khẩu Cầu Treo. Chúng tôi không ai còn hình dung được nét mặt cha mấy chục năm về trước nữa, người duy nhất có thể còn hình dung được, đó là mẹ. Tôi hay mường tượng về miền đất bán sơn địa lọt thỏm giữa vùng gió Lào cát trắng ấy, mường tượng về chuyện tình của cha mẹ tôi khi xưa. Có thể tôi lãng mạn, có thể đầu óc tôi mộng mơ, nhưng tôi luôn nghĩ đến việc một ngày, có thể sẽ đúng vào dịp tháng Tư đang lưng chừng thế này, tôi sẽ về ngồi bên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sẽ thăm lại nơi xưa cha mẹ tôi đã gửi gắm quãng thời gian tươi đẹp nhất của cuộc đời mình. Sông có thầm thĩ với tôi lời của tháng năm neo gửi lại, và núi có còn cất giữ cho chúng tôi những kỉ niệm đằng đẵng của đời người. Tôi đã từng nghĩ ra rất nhiều tình huống, nhiều dự định sẽ thực hiện nếu một ngày được trở lại nơi ấy. Trong những giấc mơ, những dự định ấy cũng theo tôi bềnh bồng bềnh bồng…

Đôi bờ Ngàn Sâu ( ảnh nguồn internet)

       Cha tôi năm ấy, chàng thư sinh xứ Huế dấn thân vào cuộc đời binh nghiệp. Miền đất có rừng có rú có sông có ngàn đất Hà Tĩnh ấy chọn ông như một mối lương duyên. Cha trở thành chiến sỹ công an vũ trang (giờ là bộ đội biên phòng), và gặp mẹ, một cán bộ xã tràn đầy nhiệt huyết. Anh chị em chúng tôi lần lượt ra đời cũng trên miền đất mà cha mẹ tôi đã nên duyên ấy. Cả cuộc đời ông bà, có lẽ tài sản lớn nhất chính là anh chị em chúng tôi và rất nhiều những kỉ vật - như chứng nhân của những tháng năm cha mẹ tôi cống hiến thanh xuân cho công việc mà họ đã chọn. Những kỉ vật ấy, khi cha tôi đi xa, mẹ bảo chúng tôi lồng vào khung kính, trang trọng đặt bên di ảnh, để ngày ngày, bà được nhìn thấy chúng, cũng như được nhìn thấy cha.

       Mẹ bảo, trong số các con, không ai được như cha. Cha chất phác, lành hiền trong cả nếp nghĩ, vóc người và giọng nói. Suốt cuộc đời ông, ngay cả khi đã hoàn thành nhiệm vụ về nghỉ hưu vẫn phải bươn chải lo cho gia đình. Nghĩ đến cha, tôi hay nghĩ về ngôi nhà xây bằng đá ong nằm chênh vênh trên lưng chừng đồi. Ngôi nhà được gom góp dựng xây từ đôi bàn tay và công sức của cả gia đình sau khi ông đã về nghỉ hưu. Ngôi nhà phải leo qua cả quãng dốc mệt nhoài và ướt đẫm mồ hôi mới chạm được vào bậc cửa…

       Mỗi tháng Tư về, nhìn đồng đội của cha nghiêm ngắn trong những bộ quân phục, gương mặt rạng rỡ, nụ cười tươi tắn, tay bắt mặt mừng ôm chầm lấy nhau rồi nắm mãi lấy bàn tay gầy guộc lớp lớp nếp nhăn chồng chất, tôi luôn nghĩ về cha với tất cả những gì đẹp đẽ nhất tôi luôn cất giữ ở trong lòng. Với tôi, có những niềm thương nhớ không nhất thiết phải nói ra, không nhất thiết phải kể lể, không nhất thiết phải nhắc lại, chỉ im lặng thôi, nhưng mãi mãi day dứt tận thẳm sâu trái tim mình.

       Lớp người như cha tôi rồi mỗi ngày sẽ dần thưa vắng. Phải chấp nhận một ngày, một ai đó sẽ lui hẳn vào kí ức và chỉ còn là kỉ niệm, chỉ có thể nghĩ về họ, nhớ đến họ, mà không được nhìn thấy họ. Dẫu điều đó thật khó khăn, nhưng vẫn phải chấp nhận nó. Và tôi, biết ơn tấm ảnh của người bạn gửi đến như một nốt ngân nhẹ nhàng rung lên giữa tháng Tư đỏ nắng. Tôi lại mường tượng một ngày, mình sẽ ngồi bên con sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố. Từ đâu đó vẳng lại một điệu ví dặm thiết tha, ngọt như miền dấu yêu mà mỗi người luôn cất giữ cho riêng mình.

Đ.A.D 

. . . . .
Loading the player...