11-10-2022 - 14:24

Tản văn THƯƠNG NHỚ BẾN ĐÒ XƯA của tác giả NGUYỄN TRỌNG THANH

Tạp chí Hồng Lĩnh số 193 tháng 9.2022 giới thiệu Tản văn THƯƠNG NHỚ BẾN ĐÒ XƯA của tác giả NGUYỄN TRỌNG THANH

NGUYỄN TRỌNG THANH

 

 

 

 

THƯƠNG NHỚ BẾN ĐÒ XƯA

                                                                         

                     

                                                                                               

                                  

                                                                                       Tản văn

 

Từ bao đời nay, con sông Lạc (hay còn gọi là Lạc Giang), hợp lưu của sông Rác và sông Gia Hội chia đôi bờ Hoá Dục (Cẩm Lĩnh), Nhượng Bạn (Cẩm Nhượng) vẫn xuôi chảy hiền hòa dịu êm và lững lờ rồi đổ ra biển cửa Nhượng. Nhìn thuyền bè xuôi ngược trên dòng Lạc Giang, bao ký ức yên đằm tưởng ngủ quên của tuổi thơ trong tôi bỗng dưng ùa về. Nơi đây, xưa kia là bến đò cửa Nhượng. Bến đò là đoạn đầu của chặng đường hơn chục cây số mà bà nội và mẹ tôi, cùng người làng thường đòn gánh đè vai cuốc bộ vào buôn bán ở chợ Voi (huyện Kỳ Anh) hay gần hơn là chợ Thá, chợ Lụi, chợ Cầu, chợ Biền (huyện Cẩm Xuyên) đội nắng chang chang vào mùa hè hay đẫm ướt sương giá rét buốt vào mùa đông.

Tôi nhớ những ngày giáp tết, bà nội và mẹ lại đi chợ sắm sửa bao nhiêu thứ, nào nếp thơm, nào đậu xanh, nào lá dong, nào lá chuối, nào sợi giang và mật mía để làm bánh dâng cúng tổ tiên. Đợi đến giao thừa thành kính thắp nén hương thơm với ước nguyện, mong cầu giản đơn là cháu con sang năm mới được “chân cứng, đá mềm”, dồi dào sức khỏe…Và để kịp đi những chuyến đò đến phiên chợ ấy, những người bà, người mẹ quê tôi đã phải dậy từ sáng tinh mơ, khi gà mới gáy những tiếng đầu tiên báo hiệu ngày mới bắt đầu. Họ vội vàng sửa soạn những chai nước mắm sóng sánh màu cánh gián đậm đà hương vị biển khơi, những hũ mắm tôm, những gói cá - mực khô, những rổ cá được nướng từ chiều hôm trước cho vào quang gánh rồi tất bật ra bến sông. Kết thúc phiên chợ làng xa, khi các bà, các mẹ bước thấp bước cao về tới nhà, trên những mái tranh trong làng chài bên bờ biển đã bắt đầu tỏa khói lam chiều. Thức khuya dậy sớm để lao động và tảo tần mưu sinh đã hun đúc nên ở những người phụ nữ ấy sự dẻo dai bền bỉ đến phi thường.

Biển, sông có những ngày bình yên nhưng cũng có những ngày giông bão. Vào những ngày biển động, mưa gió, con đò nhỏ lắc lư chồng chềnh giữa dòng sông mênh mông sóng nước với bao hiểm nguy rình rập. Chỉ một khúc sông ngắn vậy mà biết bao bà mẹ đi mãi không về. Tại nơi bến đò năm xưa ấy, bạn tôi đỏ hoe mắt nháo nhác cùng đoàn người đi tìm mẹ…

Khúc sông gần cửa Nhượng, nơi có những chuyến đò ngang không chỉ “chở” áo cơm, đèn sách, tương lai của bao thế hệ con người nơi đây mà còn chở nặng ân tình, ước vọng của những người phụ nữ sớm khuya xuôi ngược. Hình ảnh những bà những mẹ đi chân đất, xắn quần đến gối, đòn gánh đè vai nâng đỡ chúng tôi trên đường dài vạn dặm. Rồi một ngày cây cầu được xây để nối đôi bờ, những con đò ngang cứ thưa dần thưa dần và vắng bóng hẳn.

Giờ đây, cây cầu nối đôi bờ Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh được xây vững chãi bề thế tạo thành điểm nhấn độc đáo trên con đường quốc phòng ven biển Hà Tĩnh, nối từ huyện Lộc Hà, huyện Cẩm Xuyên vào đến huyện Kỳ Anh. Con đường được ví như dải lụa mềm chảy qua bao làng mạc, ruộng đồng; qua những dòng sông và cửa biển; qua xanh thẳm, trùng điệp núi, rừng... Một bức tranh thủy mặc non xanh, nước biếc, mây trời giao hòa với nhau. Bởi ở đó, nằm sát với cửa biển là núi Tượng Lĩnh tựa con voi khổng lồ an nhiên vươn vòi hút nước như một sự nhào nặn kỳ vĩ của tạo hóa. Nối liền với núi Tượng Lĩnh nơi có ngọn hải đăng thao thức đêm đêm là dãy núi Giăng Màn (một nhánh của dãy Trường Sơn trùng điệp) kéo dài từ Tây Nam Hà Tĩnh đến Tây Bắc Quảng Bình. Sự ra đời của con đường quốc phòng còn tạo nên động lực thúc đẩy giao thương kết nối giữa Khu Kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh) với những nhà máy, công trình công nghiệp thể hiện vóc dáng vạm vỡ với Khu du lịch Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên), mở ra những tiềm năng phát triển, của một vùng đất vốn nhiều gian nan, vất vả trong ký ức của biết bao người.

                                                                                                        N.T.T

Cầu Cửa Nhượng (Ảnh: Hương Thành)

. . . . .
Loading the player...