05-02-2024 - 07:00

Tản văn TRỞ VỀ VỚI TẾT QUÊ XƯA của Nhà văn Đào An Duyên

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Giáp Thìn (209+210) năm 2024 trân trọng giới thiệu Tản văn TRỞ VỀ VỚI TẾT QUÊ XƯA của Nhà văn Đào An Duyên

ĐÀO AN DUYÊN

Trở về với Tết quê xưa...

                                                                                          Tản văn

Mỗi dịp cây mai đầu ngõ được cha tỉ mẩn ngắt hết những chiếc lá già là cả nhà tôi lại hối hả chuẩn bị mọi thứ cho Tết Nguyên đán. Sống xa quê đã lâu, song cha tôi vẫn muốn giữ lại những cái Tết quê cho con cháu, dù chỉ là chút không khí phảng phất hương xưa.

Cha đóng quân mãi tận phương Nam xa xôi. Trong kí ức tuổi thơ tôi là những cái Tết quê đơn sơ bên mẹ. Mỗi độ xuân về, việc đầu tiên mẹ làm là mua cho chị em chúng tôi mỗi đứa một bộ quần áo mới. Thường là quần đen áo trắng mặc Tết rồi để mặc đi học luôn, đó cũng là bộ quần áo duy nhất chúng tôi được sắm trong năm. Khỏi nói niềm vui trẻ thơ ấy nó réo rắt ngân nga thế nào. Cho đến mãi bây giờ và có lẽ cả mai này nữa, cái niềm vui ấy không bao giờ trở lại khi thời gian cứ dần lấy đi những trong trẻo vô ưu.

Mấy ngày giáp Tết là những ngày rộn rã nhất. Nhà nào cũng tất bật chuẩn bị cho Tết. Vui nhất phải kể đến việc đụng lợn. Thời đó người ta nuôi lợn mất cả năm. Tháng giêng thả một con lợn nhỏ vào chuồng, giao cho trẻ con trong nhà việc thái rau, băm bèo, nấu cám. Nhà nào mát tay và chăm tốt thì đến Tết con lợn nặng cả tạ. Thế là mấy nhà chung nhau, mỗi nhà một phần. Thường thì việc thịt lợn diễn ra vào khoảng ngày hai tám, hai chín Tết ở tại nhà chủ nuôi lợn. Tất cả được chia rất công bằng. Chỉ có bộ lòng và tiết canh là được làm luôn tại chỗ, các gia đình tập trung lại ăn một bữa, rồi ai mang phần về nhà ấy. Sau khi có thịt lợn sẽ tiến hành gói các loại giò chả và đặc biệt là gói bánh chưng. Đám trẻ nhỏ chúng tôi thường được phân công việc rửa và lau khô các loại lá gói bánh, gói giò... Những đêm giáp Tết hình như chẳng nhà nào ngủ. Họ thức để canh nồi bánh chưng, canh nồi giò luộc, hay có khi cũng chỉ là thức để hân hoan đón Tết. Bên bếp lửa nồng đượm than hồng, trong tiết trời rét ngọt cuối đông, đàn ông thì nhâm nhi chén rượu gạo ấm nóng, đàn bà nhí nhách với mẻ thóc nếp rang. Làng quê những ngày ấy rộn ràng lắm. Tiếng cối đá giã giò lốp bốp, tiếng người í ới gọi nhau, tiếng nói cười vang vang rộn rã, mùi đồ ăn xào nấu thơm lừng... Tất cả tạo nên một không khí tươi vui rạo rực. Cái từ "ăn Tết" ở quê thật chính xác. Bởi quanh năm lam làm, chỉ có Tết mới là dịp người ta được nghỉ ngơi ăn uống. Và nhà nào cũng cố lo một cái Tết tươm tất, nhất là cho trẻ nhỏ.

 “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”.

Mẹ dạy chúng tôi câu đó từ khi còn rất nhỏ. Sáng sớm mồng một mẹ đưa chúng tôi sang chúc Tết ông bà và họ hàng bên nội. Mồng hai là bên ngoại và mồng ba chúng tôi đi chúc tết thầy cô giáo. Tuần tự năm nào như năm ấy. Có một việc tôi rất thích là sáng mồng một được theo bà nội tôi đi lễ chùa. Bà nội lưng còng, xách chiếc túi cói chắp tay sau lưng, miệng bỏm bẻm nhai trầu, lò dò đi trên bờ đê. Tôi tung tăng trong đôi dép nhựa Tiền Phong to hơn chân và bộ quần áo mới tinh còn nguyên nếp gấp bên cạnh bà. Thỉnh thoảng tôi chạy vượt lên trước, lúc tụt lại phía sau, lâu lâu mỏi quá lại bắt bà cõng. Mưa xuân lất phất, cỏ bắt đầu lun phun màu mạ non trải dài dọc triền đê sau một mùa đông ngủ vùi, tôi thả dép xách lên tay, đặt bàn chân trần xuống cỏ... Bà tôi giờ thành người thiên cổ, nhưng những mùa xuân thơm ngát hương cỏ non cứ mãi tươi xanh như thế trong tôi. Thỉnh thoảng, gặp một bà cụ bàn tay nhăn nheo đầy vết đồi mồi, miệng bỏm bẻm nhai trầu, kí ức tôi lại vụt hiện về cái đường bờ đê mướt xanh cỏ non và bà nội tôi lưng còng lò dò đi trong mưa xuân liu riu mờ bụi.

Tôi xa quê. Những cái Tết quê cũng dần lùi xa trong khắc khoải. Nhu cầu ăn uống giờ cũng chẳng còn nhiều nên lòng cứ nguôi dần cái nhu cầu "ăn Tết". Tết bây giờ, cây cảnh, hoa Tết đương nhiên là đi mua, bánh mứt đi mua, giò chả đi mua, cả bánh chưng cũng đi mua... Chỉ cần có tiền thôi là ba mươi phút siêu thị đã có đủ cái tết tươm tất. Giờ lớp trẻ còn quan niệm tết là để nghỉ ngơi sau một năm học tập, làm việc vất vả. Họ rủ nhau đi du lịch chứ không nhất thiết phải về nhà với cha mẹ. Cha tôi vẫn đụng lợn, vẫn gói bánh chưng để giữ lại ít nhiều không khí Tết cho con cháu. Những ngày giáp tết, tôi thích lang thang ra vùng ngoại ô, xem người ta thịt lợn gói bánh, như để tìm về với quá vãng xa xôi. Tôi vẫn cứ ngoái nhìn mãi những cái Tết ấm áp và luôn muốn níu lại mãi những xa xưa ấy. Tết trong tôi chính là những âm thanh ríu ran, là tiếng người vào ra, là ngọn lửa ấm gian bếp, là bữa cơm có đầy đủ các thành viên gia đình.

Cơn mưa nhỏ lay phay đổ xuống chiều sao mà giống mưa xuân quê nhà. Bất chợt, tôi lại thèm cái cảm giác đặt bàn chân trần lên đám cỏ non xanh lun phun và mơ về một cái Tết quê rộn rạo đến ấm lòng…                                   

                                                                                                      Đ.A.D

. . . . .
Loading the player...