24-01-2022 - 08:37

Tạp chí Hồng Lĩnh đổi mới và phát triển trên chặng đường mới

Đề án "Phát triển Tạp chí Hồng Lĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" được UBND tỉnh thông qua là dấu ấn nổi bật của công tác Hội và phong trào VHNT Hà Tĩnh trong năm 2021. Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Nhâm Dần (185+186) trân trọng giới thiệu bài viết "Tạp chí Hồng Lĩnh đổi mới và phát triển trên chặng đường mới" của đồng chí Trần Nam Phong, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh.

       Hà Tĩnh là địa phương có truyền thống nổi bật, đặc sắc về văn hóa và cách mạng. Lịch sử 190 năm hình thành, phát triển (1831-2021), 30 năm tái lập (1991-2021) tỉnh Hà Tĩnh càng làm sâu sắc thêm những giá trị cốt lõi đó. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và thách thức, cả hệ thống chính trị vừa tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai năm 2020 vừa triển khai nhiệm vụ sau Đại hội Đảng, đặc biệt triển khai quyết liệt các giải pháp và nguồn lực chống dịch Covid-19, Hà Tĩnh vẫn đạt được những kết quả tích cực về phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trước thềm năm mới 2022, Hội Liên hiệp VHNT, đội ngũ văn nghệ sỹ và đông đảo công chúng yêu thích VHNT phấn khởi đón nhận Quyết định số 4031 ngày 10/12/2021 “V/v phê duyệt Đề án phát triển Tạp chí Hồng Lĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

       Năm 2022 là năm kỷ niệm 30 năm (1992-2022) Tạp chí Hồng Lĩnh ra số đầu tiên, chặng đường ghi nhận sự đóng góp xứng đáng của các thế hệ cán bộ, hội viên, cộng tác viên nhất là đội ngũ cán bộ, viên chức Cơ quan Văn phòng Hội và Tạp chí Hồng Lĩnh. Từ đó đến nay, Tạp chí đã ra được 184 số báo trong đó có nhiều số đặc biệt, trang webste lượng truy cập ngày càng tăng, thực sự là diễn đàn trao đổi văn hóa, VHNT của lực lượng văn nghệ sỹ trong tỉnh, khu vực và hướng tới cả nước. Hồng Lĩnh thu hút được sự góp mặt của nhiều thế hệ cầm bút, tạo ra không gian sáng tạo văn hóa, VHNT đa dạng, phong phú góp phần tô đậm, lan tỏa truyền thống văn hóa, VHNT đất Hồng Lam và thực hiện nhiệm vụ chính trị qua các thời kỳ phát triển của tỉnh nhà, đồng thời tiếp tục là “bệ phóng” cho các thế hệ kế cận. 

       Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường, định hướng XHCN đã và đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức; văn hóa đọc xuống cấp; do nhiều lý do, việc đầu tư cho Tạp chí Hồng Lĩnh nhiều năm qua còn rất hạn chế. Tiếp tục thực hiện quan điểm đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển và yêu cầu Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án Phát triển Tạp chí Hồng Lĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là kết quả việc sáp nhập, tích hợp một số nội dung cơ bản của Tạp chí Văn hóa vào Tạp chí Hồng Lĩnh trên tinh thần đổi mới nội dung, hình thức trong tình hình mới. Sau đây là một số nội dung chủ yếu:

       Về tổng thể: Đến năm 2025, Tạp chí Hồng Lĩnh tiếp tục được đổi mới trở thành tạp chí Văn học nghệ thuật (VHNT) chất lượng cao trong khu vực Bắc  Trung bộ, thu hút được lượng bạn đọc lớn trong và ngoài tỉnh đối với hai loại  hình tạp chí in và tạp chí điện tử. Về nội dung: Tiếp tục nâng cao chất lượng tác phẩm VHNT, đảm bảo các tác phẩm, bài viết đăng tải trên tạp chí in và tạp chí điện tử vừa hiện đại, phong phú, vừa giữ được bản sắc truyền thống của văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam, kế thừa và phát triển các thành tựu văn hóa, văn học, nghệ thuật của tỉnh Hà Tĩnh. Về xu hướng phát triển: Tiếp tục xây dựng và phát triển Tạp chí Hồng Lĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo đảm bảo cân đối, hài hòa, hợp lý giữa các lĩnh vực văn học, nghệ thuật và văn hóa; góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần và thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phát triển phù hợp với xu hướng phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện đại. Về lượng phát hành của tạp chí in: Tăng cường chất lượng nội dung các chuyên mục và hình thức trình bày, in ấn đẹp; tăng số trang, tăng số lượng phát hành năm 2022: 1.500 cuốn, năm 2023: 1.700 cuốn, năm 2024: 1.800 cuốn, năm 2025: 2.000 cuốn. Giai đoạn từ 2026-2030 phấn đấu đạt từ 2.500 đến 3.000 cuốn/số/tháng. Về xuất bản điện tử: Thực hiện xuất bản điện tử theo quy định của pháp luật, tăng cường chất lượng nội dung và hình thức của Tạp chí trên môi trường Internet theo xu hướng hiện đại; thu hút đông đảo độc giả trong và ngoài tỉnh, hướng đến việc quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, quảng bá những giá trị, đặc trưng văn hóa Hà Tĩnh đến với độc giả trong nước và quốc tế. Số lượng truy cập của bạn đọc Tạp chí Hồng Lĩnh điện tử phấn đấu đạt 5.000-7000 lượt/ngày. Từ năm 2025 đến năm 2030 đạt trên 10.000 lượt/ngày.

       Tập trung cao cho việc tổ chức triển khai các hoạt động quảng bá văn hóa, văn học, nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng phục vụ công chúng, bạn đọc và văn nghệ sỹ thông qua các chương trình chuyên môn và xã hội hóa của Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh. Hội và Ban biên tập Tạp chí sẽ từng bước nghiên cứu xây dựng Qũy “Tặng thưởng Hồng Lĩnh” và Qũy “Nghĩa tình Hồng Lĩnh”, tăng cường  quảng cáo, đổi mới phát hành tạp chí để tăng nguồn thu phục vụ cho phát triển.

       Để triển khai tốt các mục tiêu trên, với tinh thần kế thừa các thành quả thời gian qua, Ban Chấp hành Hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự nỗ lực quyết tâm, năng động sáng tạo của tập thể Ban biên tập Tạp chí thực hiện hiệu quả một số giải pháp sau đây:

       Thứ nhất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Cơ cấu đội ngũ Ban Biên tập và các bộ phận chuyên môn: Tạp chí Hồng Lĩnh được bố trí 13 biên chế, thuộc biên chế của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ Tạp chí Hồng Lĩnh in và điện tử. Cơ cấu tổ chức: Kiện toàn các vị trí: 01 Tổng biên tập, 01 Phó tổng biên tập trong Quý I năm 2022. Bộ phận thư ký tòa soạn và biên tập viên, phóng viên của Tạp chí: Sắp xếp các vị trí phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, phát huy tối đa sở trường của đội ngũ viên chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn cụ thể của Tạp chí (01 thư ký tòa soạn, 05 biên tập viên kiêm phóng viên, 01 kỹ thuật viên chế bản, 01 chuyên viên công nghệ thông tin đảm nhiệm tạp chí điện tử). Bộ phận trị sự, hành chính, phát hành: Tiếp tục được đào tạo bài bản để bảo đảm tốt nhất cho công tác chuyên môn và các hoạt động của Tạp chí, xây dựng chiến lược phát hành.

       Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên. Tăng cường quan  tâm đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, tư tưởng và đạo đức gắn với  chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực quản lý báo chí cho đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên Tạp chí. Xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Hồng Lĩnh là  những cây bút chủ lực, có tên tuổi của Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh và nền văn học Việt Nam hiện đại. Mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, các chuyên gia (trong và ngoài tỉnh) trên các lĩnh vực phù hợp, một số bài báo cần có phản biện, qua đó phấn đấu xây dựng Tạp chí Hồng Lĩnh được tính điểm khoa học (có chỉ số ISSN). Tăng cường phát triển mạnh mạng lưới cộng tác viên Tạo điều kiện cho hội viên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh phát huy sở trường, ý tưởng sáng tạo, thu hút những người chưa phải là hội viên tham gia các cuộc thi sáng tác, có nhiều bài viết chuyên sâu đăng trên Tạp chí. Tiếp tục chú trọng bài viết của các nhà văn lão thành, các cây bút trẻ có tên tuổi tham gia các bài viết chuyên sâu; hợp tác với các nhà phê bình lý luận  hàng đầu của đất nước.

       Thứ hai, nâng cao chất lượng nội dung: Tiếp tục phát huy mối quan hệ về chuyên môn, nghiệp vụ với Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Viện Văn học, các Hội chuyên ngành VHNT Trung ương (Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Âm nhạc Việt Nam...) và Tạp chí của Hội Liên hiệp VHNT các tỉnh, thành phố trong cả nước để xây dựng lực lượng cộng  tác viên chuyên ngành cho các chuyên đề văn hóa, văn học nghệ thuật. Tổ chức hoạt động chuyên đề hàng năm để Tạp chí luôn có bài viết chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người đọc, định hướng thẩm mỹ công chúng thông qua các bài viết, các tác phẩm văn học nghệ thuật với tiêu chí phản ánh  sâu sắc, sáng tạo, gắn với thực tiễn đời sống và thực hiện nhiệm vụ chính trị của quê hương, đất nước, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa Hà Tĩnh trên mỗi ấn phẩm của Tạp chí. Đặt hàng bài viết chuyên gia đối với các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học, các nhà văn hóa học và các nhà nghiên cứu văn hóa, văn học trong tỉnh, trong nước và quốc tế để có các bài viết chất lượng cao, có tính định hướng về quan điểm thẩm mỹ, phù hợp với yêu cầu phát triển của nền văn hóa, văn học tỉnh nhà.

       Thứ ba, nâng cao chất lượng hình thức: Đổi mới cách thức trình bày, minh họa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công  nghiệp hoá, hiện đại hoá và công nghiệp 4.0, đảm bảo tiêu chí hiện đại song vẫn giữ được bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa Hà Tĩnh. Xây dựng cơ chế cộng tác với các họa sỹ, nhà nhiếp ảnh trong và ngoài tỉnh để thu hút nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc hỗ trợ cho các phương án minh họa và trình bày bìa.

       Thứ tư, nâng cao chất lượng hoạt động Tạp chí điện tử sau khi  được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động: Việc thiết lập phiên bản điện tử của Tạp chí Hồng Lĩnh thực hiện từ Quý I năm 2022. Quý III năm 2022 báo cáo UBND tỉnh tiến độ triển khai, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động. Có kế hoạch đào tạo kỹ thuật cho đội ngũ chuyên trách Tạp chí điện tử. Thu hút cộng tác viên là phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và  địa phương có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt  để phục vụ yêu cầu nhanh nhạy của báo chí điện tử. Thực hiện hoạt động quảng cáo trên Tạp chí Hồng Lĩnh điện tử đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và sự phát triển của Tạp chí.

       Thứ năm, giải pháp tăng số lượng phát hành Tạp chí: Xây dựng cơ chế hợp tác với các sở, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, các khu di tích lịch sử, khu du lịch, hệ thống thư viện, các trường học để tăng số lượng phát hành. Xây dựng các phương án phát hành tối ưu nhất đảm bảo hiệu quả, không  lãng phí; thường xuyên điều chỉnh phát hành theo nhu cầu thực tế. Xúc tiến việc phối hợp các đại lý trong nước để phát triển phát hành; tăng cường phát hành tại các vùng có nhiều công dân Hà Tĩnh đang sinh sống. Liên kết với Trường Đại học Hà Tĩnh, Sở Giáo dục Đào tạo phát hành qua hệ thống thư viện ngành giáo dục, liên kết với Bưu điện tỉnh phát hành qua mạng lưới Bưu điện Văn hóa xã, phường. Tổ chức phát hành lẻ tại các điểm du lịch, các sự kiện văn hóa.v.v...

       Thứ sáu, phát huy hiệu quả các hoạt động xã hội hóa, duy trì giải Cống hiến thuộc giải VHNT Nguyễn Du; các giải VHNT hàng năm theo lĩnh vực, chuyên đề. Tổ chức các cuộc thi để tạo không khí sáng tác và thu hút bài viết chất lượng. Có các giải thưởng ưu tiên cho cây bút trẻ người Hà Tĩnh để phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ kế cận.

       Thứ bảy, về các chuyên mục trên tạp chí Hồng Lĩnh: Bao gồm các chuyên mục cố định như: Thời luận; Văn xuôi; Thơ,; Đất và người Hà Tĩnh; Cửa sổ Văn hóa, Văn học; Nghiên cứu, phê bình; Sáng tác Nghệ thuật; Dành cho nhà trường; Các chuyên mục không cố định như: Trao đổi; Chân dung văn nghệ sỹ; Công việc bút mực; Đọc sách; Tin Văn hóa, Văn nghệ.

       Thứ tám, về phát hành và nhuận bút: Tăng 30% nhuận bút so với hiện nay (năm 2021), chủ yếu nhờ sự đầu tư của ngân sách Nhà nước như đã đầu tư cho các loại hình báo chí khác trên địa bàn Hà Tĩnh. Tăng lượng phát hành hiện nay (từ 1000 bản/số lên 2000 bản/số vào năm 2025.Số lượng truy cập của bạn đọc Tạp chí Hồng Lĩnh điện tử phấn đấu đạt 3.000-7000 lượt/ngày. Từ 2025 đến năm 2030 đạt trên 10.000 lượt/ ngày Mở thêm các chuyên mục mới để phục vụ bạn đọc Internet, đưa thêm hình ảnh, nhạc phẩm, clip về Hà Tĩnh lên Tạp chí Hồng Lĩnh điện tử để tăng lượng truy cập của bạn đọc. Tổ chức quảng cáo trên Tạp chí Hồng Lĩnh điện tử. Bên cạnh việc đầu tư phát triển chất lượng nội dung - hình thức và số lượng phát hành, Tạp chí Hồng Lĩnh cũng triển khai một số chương trình phát triển văn hóa xã hội, tận dụng các nguồn lực xã hội góp phần cho sự nghiệp phát triển chung như: chương trình “Tặng thưởng Hồng Lĩnh”, chương trình “Nghĩa tình Hồng Lĩnh”.         

       Nhân dịp này, Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh trân trọng cảm ơn Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND - UBND và các Sở ban ngành liên quan đã lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện giúp đỡ Hội và Tạp chí Hồng Lĩnh thời gian qua. Trong thời đại bùng nổ thông tin, việc đầu tư đổi mới nội dung, hình thức tạp chí in và nâng cấp tạp chí điện tử là hướng đi đúng và kịp thời cần thiết. Tuy nhiên để cân bằng giữa cái “cần thiết” và cái “có thể”, Hội Liên hiệp VHNT, Tạp chí Hồng Lĩnh sẽ tiếp tục tăng cường đoàn kết, nỗ lực triển khai có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp đã đề ra, mong muốn nhận được sự quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành, sự đồng hành của hội viên, cộng tác viên để Tạp chí Hồng Lĩnh thực sự là nhịp cầu góp phần đưa các giá trị văn hóa, VHNT Hà Tĩnh đến với bạn đọc gần xa.

Hà Tĩnh 1/2022

T.N.P

. . . . .
Loading the player...