Tạp chí Hồng Lĩnh số Tháng 9-2022 trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Phạm Quang Ái: "Tập Kiều - từ một thú chơi tao nhã đến một phương thức tu từ văn học"
tập kiều - từ một thú chơi tao nhã
đến một phương thức tu từ văn học
Ngay khi mới ra đời, Truyện Kiều không chỉ là nguồn cảm hứng, là đề tài ngâm vịnh của nhiều tao nhân mặc khách, mà còn là chuẩn nghệ thuật để Nguyễn Thiện, cháu ruột Nguyễn Du, nhuận sắc Hoa Tiên, truyện thơ Nôm của Nguyễn Huy Tự, một tác phẩm lớn được sáng tác trước Truyện Kiều. Và câu thơ lục bát Truyện Kiều cũng là nguồn thi liệu quan trọng để Nguyễn Châu Kiều[1], một người em cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du, vận dụng trong sáng tác truyện thơ Nôm Quân trung đối của ông[2]. Từ sự truyền bá của giới nho sĩ, Truyện Kiều đã trở thành lời ăn tiếng nói, sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt vật chất của cộng đồng xứ Nghệ và nhiều cộng đồng khác trên đất nước Việt Nam, kể cả các các dân tộc ít người như dân tộc Nguồn.[3]. Có thể nói vai trò của Truyện Kiều trong đời sống nhân dân Việt Nam còn hơn cả Kinh Thi đối với người Trung Hoa, một tuyển tập thơ ca dân gian được Khổng Tử san định và đem phổ biến như một thứ kinh điển văn hóa với lời cảnh thế nổi tiếng: “Bất học thi vô dĩ ngôn 不学诗,无以言” (không học Kinh Thi thì không biết lấy gì để mà nói)[4].
Trong tất cả những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ chịu ảnh hưởng của Truyện Kiều, thì tập Kiều là hình thức điển hình, độc đáo và phổ biến hơn cả. Từ dân gian cho đến bác học, những sinh hoạt văn nghệ như đố Kiều, lẫy Kiều, vịnh Kiều, nhại Kiều, phỏng Kiều, hát ví đối đáp về Truyện Kiều, sân khấu hóa Truyện Kiều, sáng tác hậu Truyện Kiều…và cả bói Kiều đều ít nhiều có vận dụng hình thức tập Kiều.
Tuy nhiên, xưa nay, các quan niệm về hình thức tập Kiều có sự khác nhau. Có người xem tập Kiều, lẩy Kiều, nhại Kiều là một; lại có người cho rằng đây là các hình thức khác nhau. Vậy tập Kiều là gì? Từ rất sớm, trên tạp chí Nam Phong, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến nhân nhận xét về cái hay của văn Kiều đã cấp cho bạn đọc những ý niệm đầu tiên về tập Kiều: “Xem thế thì Truyện Kiều thật hay đủ giọng, giá người ta muốn tả sự gì, vịnh vật gì, có thể mượn câu trong truyện Kiều mà tập thành ngay được”[5]. Đến năm 1942, nhân soạn cuốn Tập Kiều, Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng đã nêu một định nghĩa tương đối đầy đủ, chặt chẽ về khái niệm tập Kiều: “…Tập Kiều là một lối văn chơi…nghĩa là chắp những câu trong quyển Kiều thành những bài thơ lục bát để đề vịnh hay tả tình, cảnh, ngắn hay dài tùy ý, cốt sao mượn được nhời cụ Nguyễn Du mà phô diễn rõ ràng tứ của mình”[6]. Sau đó, nhà nghiên cứu này còn nêu những “hạn lệ” cụ thể như không được chọn hai câu 6/8 hoặc 8/6 liền nhau trong Truyện Kiều và những câu bát thì được phép bớt đi hai tiếng cuối để thành câu lục nhưng câu lục thì không được phép thêm hai tiếng cuối để thành câu bát. Đây là một trong những định nghĩa sớm nhất, tường minh nhất về khái niệm tập Kiều
Có lẽ, Phạm Đan Quế đã tham khảo định nghĩa của Nguyễn Tường Phượng để giới thuyết khái niệm tập Kiều trong sách Tập Kiều, một thú chơi tao nhã của mình như sau: “…Đó là lựa chọn một số câu Kiều - ở những chổ khác nhau trong 3254 câu của Truyện Kiều - nối vần được lại với nhau để tạo thành một bài thơ mới có ý nghĩa, theo một chủ đề nhất định”[7]. Định nghĩa của ông Phạm Đan Quế, một mặt, tuy có vẻ gọn hơn, khái quát hơn nhưng xem ra lại không chặt chẽ bằng định nghĩa của cụ Nguyễn Tường Phượng. Nhưng, mặt khác, định nghĩa của Phạm Đan Quế lại mở rộng hơn định nghĩa của Nguyễn Tường Phượng về thể thức. Đối với Nguyễn Tường Phượng tập Kiều là “chắp nhặt” câu thơ Kiều “thành những bài lục bát”, còn với Phạm Đan Quế tập Kiều chỉ là để “tạo thành một bài thơ”, không xác định thể loại. Sự mở rộng thể thức này đã phản ánh sự phát triển của hình thức tập Kiều đã trở nên đa dạng, phong phú hơn rất nhiều so với giai đoạn Nguyễn Tường Phượng sưu tập và nghiên cứu về “thú chơi tao nhã này”. Sau định nghĩa, trong phần trình bày tiếp theo, Phạm Đan Quế còn nêu cụ thể ba mức độ tập Kiều:
“1. Từng câu Kiều trong toàn bài đều giữ nguyên như trong văn bản Truyện Kiều. Loại này chỉ có thể là thơ lục bát;
2. Ở mức này, trong một số câu, ta có thể cắt bớt một số chữ, đảo lại một số câu hay đổi một cụm từ nhưng để thay vào đó cũng phải là cụm từ của một câu Kiều khác. Như vậy tức là bài chỉ gồm các chữ trong Truyện Kiều; 3. Mức độ cuối cùng là có thể thay đổi các câu thơ để thay vào bằng bằng những chữ không có trong Truyện Kiều. Đó cũng là trường hợp các từ, các ý mới xuất hiện về sau, thời Nguyễn Du chưa có”
Tuy nhiên, ở đoạn sau, ông có chua thêm: “Thực ra còn rất nhiều bài như vịnh Kiều, phú, án Kim Vân Kiều hay các bài văn tế, hát nói cũng đều đa số dùng câu chữ trong Truyện Kiều. Ở mức độ nào đó, những bài này, cũng là hình thức tập Kiều”[8].
Trước thời điểm ra đời cuốn sách của Phạm Đan Quế 3 năm, năm 1996, nhà Nghệ học Thái Kim Đỉnh đã cho xuất bản sách Thơ văn quanh Truyện Kiều, trong đó, tác giả nhận định “Phỏng theo những áng danh văn mà làm thơ “tập cổ” là chuyện ngày xưa thường có. Nhưng lối “Tập Kiều” thì thật là độc đáo…Tập Kiều thì mượn văn chương, chữ nghĩa Truyện Kiều để viết về bất cứ đề tài gì, chủ yếu là đề tài thời sự, hiện tại”. Tiếp theo, Thái Kim Đỉnh dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Thanh Minh (trong cuốn Thơ văn tập Kiều do Ty Văn hóa Hà Tĩnh xuất bản năm 1966) nói về các lối tập Kiều như sau:
“- Nếu làm thơ lục bát thì có thể lấy luôn hai câu lục bát của Truyện Kiều hoặc lấy câu lục chỗ này, câu bát chỗ khác cùng vần và liền ý với nhau, ghép thành câu rồi cứ thế, nối thành bài.
- Nếu làm thể song thất lục bát thì hai câu thất có thể đặt lời mới, hoặc lấy chữ trong văn Kiều, còn hai câu lục bát thì phải tuân theo như trên.
- Nếu làm thể khác như phú, văn tế, câu đối, thơ luật…thì chọn một câu, nữa câu Kiều hay một số chữ liền nhau trong thơ Kiều (ít nhất là ba chữ) ghép thành câu mới, thích hợp với thể loại mình đang dùng; có thể đảo xuôi, đảo ngược một số chữ của câu Kiều được mượn; cũng có thể thay đổi hẳn hoặc thêm bớt một số chữ cần thiết ở câu Kiều để nói nội dung mới.
- Tập Kiều khác với dùng điển tích. Dùng một tiếng, một hình ảnh của điển tích nào đó thì ý nghĩa của tiếng, của hình ảnh ấy không thay đổi; còn dùng một câu Kiều vào bài “Tập Kiều” thì câu đó đổi ý nghĩa theo nội dung bài mới. Tóm lại, “tập Kiều” là mượn câu chữ có sẵn trong Truyện Kiều để nói về một nội dung mới mà mình muốn.
- “Tập Kiều” cũng khác với “Nhại Kiều”. “Nhại Kiều” là bắt chước giọng thơ, hơi thơ Kiều, đọc lên nghe na ná như câu Kiều, chứ không phải là nguyên văn câu thơ Kiều.”[9]
Như vậy, trong quan niệm của Thanh Minh và Thái Kim Đỉnh, ngoài việc xác định rõ ba mức độ tập Kiều, còn có sự phân biệt giữa tập Kiều, nhại Kiều và lẩy Kiều. Ở một chỗ khác, Thái Kim Đỉnh nêu quan niệm của mình về lẩy Kiều như sau: “ “Ngâm” Kiều là lối ngâm thơ lục bát có giai điệu riêng, có phong cách riêng, rất phổ biến trong nhân dân ta. Cách ngâm này lâu ngày đã trở thành một điệu dân ca quen thuộc.
Cũng là “ngâm” nhưng khi phấn khởi, người ta rút ra, lẩy ra một vài câu thơ Kiều cùng vần chắp nối với nhau, “ngâm” to lên tùy hứng thì là “lẩy” Kiều”[10].
Như vậy, theo cách hiểu của Thái Kim Đỉnh, lẩy Kiều chỉ là hình thức sinh hoạt âm nhạc dân gian, không thuộc phạm vi sáng tác văn chương. Tuy nhiên, khi tuyển những câu đố (có những câu đố đã là bài thơ lục bát hoàn chỉnh) hoặc những bài ca trù - hát nói lẩy Kiều ở mục “B. Một số hình thức dân gian: “Đố Kiều”, “Nhại Kiều”, “Lẩy Kiều” (TLĐD, tr.267-287) thì người đọc vẫn thấy ở những bài đó mang hình thức tập Kiều.
Trong một tài liệu mới xuất bản gần đây, cuốn Truyện Kiều & những kỷ lục, ông Phạm Đan Quế có quan niệm khác về lẩy Kiều: “Lẩy Kiều thực ra là trích dẫn một vài câu Kiều, thậm chí chỉ là lấy một vài chữ trong Truyện Kiều để đưa vào câu nói, bài viết của mình cho văn vẻ, lại khéo léo diễn tả được đúng ý của mình chỉ trong một vài chữ hoặc một vài câu mượn từ Truyện Kiều”[11]. Và ông, cũng như không ít người, đã cho rằng những câu thơ Kiều được vận dụng trong các bài nói/viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điển hình cho hình thức lẩy Kiều. Trong khi đó, hơn 25 năm về trước, trong bài viết “Bước đầu tìm hiểu cách sử dụng phương thức tập “Kiều” trong một số tác phẩm của Hồ Chủ tịch”, cố nhà giáo Lê Kinh Khiên cho rằng “Tập Kiều hay lẩy Kiều là phương thức tu từ đặc biệt, hoàn toàn Việt Nam. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã sử dụng thành công phương thức này; nhưng người tập Kiều rộng rãi, đặc sắc hơn cả là Chủ tịch Hồ Chí Minh”[12]. Đáng lưu ý là những câu Kiều mà Hồ Chí Minh vận dụng trong văn chính luận (nói/viết), ông Khiên đều cho thuộc về phương thức Tập Kiều.
Tương đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Lê Kinh Khiên, từ góc độ ngôn ngữ học, GS Đinh Trọng Lạc đã xem hình thức tập Kiều là 1 trong “99 Phương tiện và Biện pháp tu từ tiếng Việt”. Ông quan niệm rằng: “Tập Kiều là một hình thức dẫn ngữ đặc biệt, cốt ở việc sử dụng những ý hoặc những lời trong Truyện Kiều,…, để tạo nên một sắc thái Kiều trong sự diễn đạt mang lại tính chất dân tộc và tính dân gian rõ rệt cho sự thể hiện một đề tài mới, một nội dung biểu đạt mới.
Tập Kiều thường được dùng chủ yếu trong thơ ca, nhưng cũng được dùng cả trong văn chính luận”[13]
Cũng đứng từ góc độ ngôn ngữ học, nhưng PGS.TS Nguyễn Thái Hòa lại có cái nhìn cởi mở hơn, bao quát hơn về hiện tượng tập Kiều: “Tập Kiều là một biện pháp tu từ đặc biệt, mô phỏng từ ngữ, lời thơ, giọng thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cần phân biệt tập Kiều (mô phỏng phong cách thơ của Nguyễn Du với lẩy Kiều (dẫn, mượn câu thơ trong Kiều)”[14]. Và nhà nghiên cứu này đã cho rằng, bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du của Tố Hữu là một ví dụ điển hình của sự thành công khi dùng biện pháp tập Kiều với cách thức cụ thể là dùng các mô-típ quen thuộc trong Truyện Kiều, hình thức tiểu đối và giọng điệu cảm thương của Nguyễn Du. Có thể thấy, trong định nghĩa này, Nguyễn Thái Hòa đã mở rộng hình thức tập Kiều lên mức độ mô phỏng, nhại, trong đó, có cả việc sử dụng các mô típ hình thức và nội dung tác phẩm, đặc biệt là sự mô phỏng giọng điệu tác phẩm.
Rõ ràng, trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về hình thức ảnh hưởng độc đáo này của Truyện Kiều đối với các loại diễn ngôn văn học và phi văn học, giữa các nhà khảo cứu đã có sự khác biệt và chồng chéo khá nhiều trong quan niệm. Sở dĩ có tình trạng phức tạp trong quan niệm như vậy, là vì phần lớn các tác giả đã xuất phát từ quan điểm từ chương học về lối tập cổ thịnh hành trong văn chương xưa. Đó là quan niệm kết cấu tác phẩm theo lối “tích tự thành cú, tích cú thành chương, tích chương thành thiên” và hàng mớ luật lệ, công thức phức tạp khác do các nhà Nho tạo ra trong quá trình trước thuật, kể cả làm văn chơi như văn thơ tập Kiều. Bởi vậy, họ đã phân loại các hình thức, biện pháp trong tác phẩm một cách rất chi ly, cụ thể; và do đó, mới dẫn tới sự chồng chéo trong ý niệm, khái niệm. Trong khi đó, một kiệt tác có dung lượng lớn như Truyện Kiều mang trong mình nó cả một cấu trúc cực kỳ vi diệu, với vô số mối quan hệ phức hợp của hàng ngàn sự kiện, chi tiết, hình ảnh, chất liệu, phương tiện, thủ pháp. Do đó, tác động, ảnh hưởng của nó tới những sinh hoạt tinh thần, sinh hoạt văn nghệ khác cũng cực kỳ mơ hồ, phức tạp, không dễ gì nắm bắt được một cách rõ ràng để khái niệm hóa, mô hình hóa một cách hẳn hoi.
Ở góc độ tu từ học truyền thống, về cơ bản, chúng tôi đồng thuận với quan niệm của các nhà ngôn ngữ học như GS Đinh Trọng Lạc. Tuy nhiên, dưới ánh sáng của các lý thuyết hiện đại như thi pháp học, lý thuyết trò chơi, ký hiệu học, lý thuyết diễn ngôn và liên văn bản.. chúng tôi nghĩ rằng cần phải xem xét ảnh hưởng của Truyện Kiều đối với việc sản sinh các diễn ngôn văn học một cách đa chiều, đa diện. Nói cách khác, phải mở rộng chiều kích của hình thức tập Kiều lên mức độ của hoạt động liên ngôn, trong các trạng thái có ý thức và vô thức, tự giác và phi tự giác của hoạt động tạo lập các loại ngôn bản có chịu ảnh hưởng của Truyện Kiều. Ở xu hướng này, chúng ta có thể hoàn toàn chia sẻ quan niệm của PGS.TS Nguyễn Thái Hòa trong định nghĩa nói trên của ông. Có như thế mới hình dung được phần nào tầm vóc vĩ đại của Truyện Kiều và tính năng sản vô tận của nó trên hành trình sáng tạo văn hóa của dân tộc.
Đối với sáng tác văn chương của hậu thế, Truyện Kiều không chỉ cấp cho các tác giả chất liệu, nguồn cảm hứng mà còn là những gợi ý, những mô típ, mẫu gốc có khả năng sinh sôi, nẩy nở mãnh liệt trong hoạt động sáng tạo của họ. Sở dĩ Truyện Kiều có được khả năng kỳ diệu đó, theo chúng tôi, là vì nó có hai điều kiện sau đây:
- Về nội dung, Truyện Kiều là bức tranh trăm nghìn tâm trạng, tình huống khác nhau (Phan Ngọc), vì thế, xưa kia Cao Bá Quát mới nhận định rằng: Truyện Kiều là “duyệt thế thi” (thơ trải đời) mà Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự chỉ là “cảnh thế thi” (thơ răn đời). Vì đặc điểm này mà Truyện Kiều vừa tạo ra sức hấp dẫn, cảm thông mãnh liệt vừa tạo ra các tình huống ứng xử tiêu biểu, phong phú để người đời vận dụng trong mọi phương diện sinh hoạt;
- Về hình thức, ở nhiều tầng lớp vĩ mô và vi mô, Nguyễn Du đã tạo ra trong Truyện Kiều vô số những mô-típ, mô hình, điển mẫu lớn nhỏ cho văn nhân hậu thế học tập, vận dụng. Điều này đã được nhiều người khảo cứu, bình giải, đặc biệt trong công trình “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” (NXB KHXH, HN, 1985), học giả Phan Ngọc đã khảo tả một cách công phu, tỷ mỷ. Ở phương diện ngôn từ, Nguyễn Du đã khai thác tối đa mỹ học đối xứng để tạo hàng loạt các cụm từ cố định, các thành ngữ và các kiến trúc câu theo lối tiểu đối. Đây chính là ngọn nguồn và điều kiện thuận lợi để nảy sinh phương thức Tập kiều.
Nói tóm lại, khi một tác phẩm văn chương đã đạt đến sự kết tinh cao độ về hình thức nghệ thuật và nội dung tư tưởng-thẩm mỹ, trở thành tập đại thành của các thành tựu văn chương, văn hóa của một thời đại thì tất yếu nó sẽ trở thành ngọn nguồn tái tạo, sáng tạo vô tận cho các văn chương đương thời cũng như các thời đại sau nó. Và tập Kiều là một phương thức tu từ quan trọng mà các sáng tác chịu ảnh hưởng Truyện Kiều đã sử dụng để tạo ra một hiện tượng độc đáo trong dòng chảy văn học dân tộc.
Phạm Quang Ái
________________
[1]. Ông tên húy Nghi 儀, tên tự Hồng Vũ 鴻羽, biệt hiệu Châu Kiều 朱僑 (lấy tên này với nghĩa là kiều cư ở làng Châu Trần, trấn Sơn Tây), là con trai thứ mười của Nguyễn Nghiễm. Ông sinh năm Quý Tỵ 1773, niên hiệu Cảnh Hưng 景興, con của bà trắc thất họ Nguyễn 阮 (tức Nguyễn Thị Xuân người xã Tiêu Sơn 蕉山), được tập ấm thụ Hoằng tín đại phu, Trung thành môn vệ úy Tung Nhạc bá 嵩岳伯. Lúc nhỏ, ông ở quê mẹ. Ông hiếu học, giỏi làm thơ, lại giỏi nghề y, không thích làm quan. Buổi ấy, trong nước mới yên, lòng người chưa định, ông chỉ vui với thơ, rượu. Năm Ất Tỵ 1845, niên hiệu Thiệu Trị 紹治 năm thứ 5, ông mất ở Châu Trần 朱陳, thọ 73 tuổi. Người Châu Trần 朱陳 thương nhớ ông, hằng năm đều có cúng tế. (Theo Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả 驩州宜仙阮家世譜, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv.1852; tr. 50a-50b)
[2]. Nguyễn Châu Kiều, Quân trung đối, Đông Nam Á xuất bản, Paris, 1996;
[3]. Theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho biết, trong quá trình sưu tầm điền dã dân ca, ông đã phát hiện ra người Nguồn ở Quảng Bình và Hà Tĩnh (tức dân tộc Chứt ở Hương Khê) có một điệu dân ca là hát Truyện Kiều;
[4]. Khổng Tử, Luận Ngữ 論語, Thiên Quý Thị 季氏, tiết thứ 13.
[5]. Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Nam âm thi văn khảo biện, Nam Phong số 18/1918, tr.351;
[6]. Nguyễn Tường Phượng, Tuyển tập Nguyễn Tường Phượng, NXB Văn học, Hà Nội, 1996;
[7]. Phạm Đan Quế, Tập Kiều, một thú chơi tao nhã, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1999; tr. 7;
[8]. Phạm Đan Quế, Tlđd; tr. 8-13;
[9]. Thái Kim Đỉnh, Thơ văn quanh Truyện Kiều, NXB Nghệ An, 1996,; tr. 28-29;
[10]. Thái Kim Đỉnh, TLđd; tr.36
[11]. Phạm Đan Quế, Truyện Kiều và những kỷ lục, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2013; [12] Viện Ngôn ngữ học, Học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980; tr.186;
[13]. Đinh Trọng Lạc, 99 Phương tiện và Biện pháp tu từ tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1994; tr. 79-80;
[14]. Nguyễn Thái Hòa, Từ điển tu từ-phong cách-thi pháp học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2005; tr. 205-206.