29-03-2016 - 09:26

Thơ viết về Hà Tĩnh của nhà thơ Lê Duy Phương

Xin trân trọng giới thiệu chùm thơ của nhà thơ Lê Duy Phương, người từng có nhiều năm gắn bó với quê hương Hà Tĩnh.


 
  Nhà thơ LÊ DUY PHƯƠNG
Sinh ngày 01 tháng 5 năm 1941
Quê quán Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội nhà báo Việt nam
Công tác ở Hà Tĩnh 1965 đến !976, năm 1975 là Uỷ viên UBKH Hà Tĩnh, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Văn Nghệ  Hà Tĩnh khóa II
Công tác ở Nghệ Tĩnh 1976 đên 1991, Phó Chủ nhiệm UBKH Nghệ Tĩnh, có hai khóa Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh.
Công tác ở Hà Tĩnh 1991 đến 2000 tham gia Tỉnh ủy, Ủy viên UBND Giám đốc sở KH & ĐT Hà Tĩnh
Năm 2000 đến nay ở Hà Nội Chủ nhiệm CLB thơ Nguyễn Công Trứ ( Ngành Kế hoạch & Đầu tư mở rộng)
Tự bạch:  Mọi chức tước là khách quý đến nhà rồi đi, chỉ có nàng thơ ở với ta mãi mãi
Tác phẩm: Trên 20 cuốn thơ người lớn và thiếu nhi, trong đó có ba trường ca. Văn xuôi hai cuốn Hồi ký và Trần Quang Đạt người con Xứ Nghệ.
Giải thưởng:
- Giải thơ báo Văn Nghệ: Một khuyến khích năm 1973 bài Nơi giấu xe, một giải ba năm 2000 bài Chùa sư nữ 
- Giải nhất trường đại học chùm thơ trường đại học KTQD
- Giải nhất Tổng cục Thống kê bài Bài ca con số
- Giải khuyến khích viết về Giao thông Vận tải: Cuốn truyện ký Trần Quang Đạt người con Xứ Nghệ (  do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Hội nhà văn tổ chức)
Giải Nhì VHNT Nguyễn Du ( Hà Tĩnh) cuốn Cỏ dại Trời xanh

Nhà thơ Lê Duy Phương  ( ngoài cùng, bên phải sang, hàng thứ hai)
cùng cán bộ văn hóa, văn nghệ Hà Tĩnh chụp ảnh lưu niệm với nhà văn Nguyễn Đình Thi năm 1969

 
Xin trân trọng giới thiệu chùm thơ do tác giả tự chọn viết về Hà Tĩnh:
 
NHỚ KỲ ANH
Mấy năm giặc đánh quê hương
Ai vô trong đó cũng thương đồng bào
Bàn tay ai đã vẫy chào
Đêm nhìn không rõ vẫn xao xuyến lòng
Ánh đèn em gái giao thông
Dẫn đoàn xe chạy giữa lòng đất quê
Ngụy trang cành lá ai che
Mà xanh xanh mãi đoàn xe không cùng
Tiếng thơ vang giữa bão bùng
 Đèo Ngang ơi nữ anh hùng trẻ măng
Nhớ ngày xe đến Kỳ Lâm
Chia nhau củ sắn trắng ngần tay em
 
Nước Xanh thành nỗi niềm riêng
Bao giờ nước chảy đồng lên hỡi người
Xe vui ghé chợ lưng đồi
Nón ai che nửa miệng cười bâng khuâng
 
Chưa về thăm lại Kỳ Ninh
Đã nghe Hối Lổ quê mình làm xong
Hỏi người biết bấy nhiêu công
Nắng trưa mưa sớm thỏa lòng người ơi
 
Giang Phong đất rộng bời bời
Hạn đau mặt đất lòng người bấy nay
Lẽ nào ta lại bó tay
Đất chung thủy với người đây lâu rồi
 
Đường ra ta ghé lại Voi
Vội chi anh lái mà còi giục vang.
                       Mùa thu 1967, năm hạn hán lớn

 
Tàu vào bến.  Ảnh: Bảo Phan
 
  BẮT ĐẦU TỪ ĐÓ
 

Tháng ba anh lên ăn dâu rừng
Quả vàng chua anh đem về cho vợ
Ăn quả chín cái ngon thành nỗi nhớ
Tháng sáu anh lên ăn sim
Nắng tháng sáu sim chín tròn đọng mật
Suối trăm con không bao giờ anh khát
 
Anh lên bây giờ mời anh xem bò trâu
Béo như quả dâu là con bò giống
Béo như quả sim là con trâu mộng
Đàn trâu bò này qua bom đạn bốn năm
Chúng tôi nuôi bằng mồ hôi và máu
Trâu bò bị thương nhiều đồng chí khóc
Anh đừng lo chúng tôi khó nhọc
 
Anh cứ đi giữa đồng cỏ bao la
Sẽ được nghe suối reo và cỏ hát
Nghe gió đến bốn bề bát ngát
Anh sẽ yêu như chính ở quê mình
 
Sáng mai ra anh sẽ thấy bình minh
Hàng triệu mặt trời treo đầu ngọn cỏ
Những chú bê bé nhỏ
Nghịch như trẻ con
Đứng soi mình bên những hố bom
Nhưng uống nước chúng lại tìm xuống suối
 
Còn về chiều ở đây mát rợi
Khi gió đi đồng cỏ hẹp dần
Màu trời bàng bạc thủy ngân
Và sương tím phủ mờ ngọn núi
Cho đêm xuống trăng vàng vời vợi
Chúng tôi về lán cỏ thân yêu
Lợp cỏ thưng phên nắng gió đã nhiều
Cửa mở suối về qua lặng lẽ
Tấm ván kê làm chiếc giường nằm
Lấy hộp đựng đồ làm tủ hai ngăn
Ngăn quần áo và ngăn sách vở
Vui bên ngọn đèn là trang sách mở
Nâng cuộc đời bằng lớp học ban đêm
Những người chăn bò trên đồng cỏ
-  Chúng tôi bắt đầu từ đó
Đến những dự định mai sau
Cho đồng cỏ Thầu Đâu
Trâu nhiều như sim tháng sáu
Bò nhiều như dâu tháng ba.
                     Mùa xuân 1969



TUYÊN NGÔN Ở KỲ ANH
 
Ở đây có một cuộc chiến tranh đã đi qua
Những cơn bão khủng khiếp đã đi qua
Sự tàn phá ở lại
Ở lại cái nghèo
Những con người ở đây nói rằng
- Không thể nghèo mãi được
 
Khi ở đây biển dâng tôm cá
Đất dâng mùa màng
Rừng dâng nhiều gỗ quý
Con người lam lũ
Muôn đời bên nhau sống chết nghĩa tình
Họ cũng có quyền no ấm
Cho nên
-  Không thể nghèo mãi được
 
Ngăn lại đừng cho nước biển ào lên
Lấy đồng nuôi con tôm
Ngăn núi lại thành hồ lớn
Để bông lúa chín vào mùa thu
 
Dựng nghìn năm lên ơi cây cột điện
Dựng mênh mông lên ơi những bến cảng
Dựng trăm năm lên ơi phố và chợ
Dựng mười năm lên ơi những cánh rừng
Dựng muôn đời lên ơi những con người
Những con người Kỳ Anh phải thế
-  Không thể nghèo mãi được
  
Ở đây có những mgôi trường những mái nhà
Dám thách thức với bão
Và ở đây có những con người dám đi qua
Gian khổ khó khăn
Tất cả đang bắt đầu
Với tuyên ngôn
-Không  thể nghèo mãi được
 
 Mùa xuân 1993, mùa hoạch định chiến lược phát triển tỉnh Hà Tĩnh
 
 
GỬI  BẠN
 
Khi Hà Tĩnh thóc thừa dân hết đói
Những xóm nghèo cũng bớt nghèo nàn
Khi Vũng Áng đang náo nức chờ đợi
Con tàu hun hút mặt đèo Ngang
 
Khi cửa khẩu gió ngàn thổi mát
Vầng trăng treo tỏa sáng Việt Lào
Mấy trăm tỷ mỗi năm về đổi khác
Đương Tám ơi xe chạy cứ nao nao
 
 
Và Sông Rác Sông Tiêm cùng Kẻ Gỗ
Soi cuộc đời no ấm những miền quê
Ôi thị xã đường vui bừng mặt phố
Xe đón ai đi xe chở ai về
 
Điện sáng cả vùng sâu xa nhất
Đương ta đi nối những niềm yêu
Trường xay mới vui lên bao ánh mắt
Tiếc cho ai đã ngả bóng chiều
 
Xin gửi bạn tình quê hương xứ sở
Quy hoạch làm ăn đang được hiện dần
Và thơ bạn lại vang lên lần nữa
 Niềm tự hào nước mắt bỗng rưng rưng” (1)
 
(1) thơ Duy Thảo Chiến thắng trời quê 1975
 
 
 LỜI TẠ LỘI
 
Ở Vinh sang hay từ Hà Nội đến
Ai hỏi em cô gái Tiên Điền
Cho anh được vào thăm cụ Nguyễn
Đại thi hào và Uy viên tướng công
 
Anh đừng hỏi Nguyễn Du có nhà không
Cũng đừng khen truyên Kiều sao hay thế
Cụ giận đấy vì lời quê góp nhặt
Để mua vui cho khách đến thăm nhà
 
Cụ đi vắng nhưng cụ nghe cả đấy
Cả cái thời anh Vương Trọng làm thơ
Nấm mộ nhỏ nén hương thơm là được
Cụ không ưng xây lớn với cúng thờ
 
Dân nhà cụ Nghi Xuân còn nghèo lắm
Trẻ học đường trường lớp đủ chi đâu
Làm lụng thế mà chẳng giàu lên được
Ai mua Kiều cụ bán góp cho quê
 
Cụ còn bảo đừng quên thăm cụ Trứ
Nhà kinh bang tế thế ở đất này
Thời hội nhập các con phải nhớ
Học lấy những điều mà cụ Trứ mê say
 
Thưa với cụ chúng con từ Hà Nôi
Nghệ An vào  Hà Tĩnh ra đây
Thắp nến nhang thơm vài lời tạ lỗi
Chưa làm chi cho mảnh đất này.
                             Hà Nội 13/4/2007

Văn nghệ sĩ Hà Tĩnh thăm Khu di tích Dại thi hào Nguyễn Du
. . . . .
Loading the player...