06-03-2022 - 07:03

Tĩnh thành bát cảnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số xuân Nhâm Dần 2022 trân trọng giới thiệu bài viết “Tĩnh thành bát cảnh” của tác giả Lê Văn Tùng

Tĩnh thành bát cảnh là tám cảnh đẹp của thành Hà Tĩnh. Cũng chưa hiểu vì sao người xưa lại thường chọn “bát cảnh” (Trường Lưu bát cảnh, Nghi Xuân bát cảnh…) mà không phải là lục cảnh, cửu cảnh, hay thập cảnh… Tám cảnh đẹp của Nghi Xuân lại còn được xếp thành bốn cặp rất cân xứng. Riêng “Tĩnh thành bát cảnh” thì cho đến nay chưa tìm thấy một văn bản nào ghi đầy đủ tám cảnh đẹp của thành Hà Tĩnh. Tuy nhiên đây đó trong các bài viết riêng lẻ về các danh lam thắng cảnh vùng này như Sông Phủ, núi Nài, Tân Giang (Sông Cụt), Văn Miếu….. thì lại thường có câu khẳng định thêm “đây là một trong Tĩnh thành bát cảnh”.  Có những điểm ở xa tĩnh thành đến năm sáu cây số như Chùa Trò (Tịnh Lâm) thì trong văn bia chùa Tịnh Lâm của Tuần phủ Tôn Thất Hân, khắc năm Thành Thái thứ 11 (Kỷ Hợi 1899) ngay từ câu mở đầu cũng đã ghi rõ: “... Núi Sò, chùa Tịnh Lâm là một trong tám cảnh đẹp của tĩnh thành Hà Tĩnh” (trích dịch).

Vậy “Tĩnh thành bát cảnh” là những gì, xin được ghi tóm tắt như sau:

1. Thành Hà Tĩnh

Thành được xây bằng đất năm Quý Tỵ (1833). Đến năm Tân Tỵ (1881), Tự Đức thứ 34 thành mới được xây lại kiên cố bằng gạch và đá ong. Thành xây theo kiểu Vô-băng (tên một kỷ sư người Pháp), một kiểu thành phòng ngự. Thành cao gần 4 mét, có hào rộng 25 mét bao quanh, chu vi khoảng 1,5km, có 4 cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu. Các cổng thành được xây đẹp, kiên cố, trên có vọng lâu làm chòi canh, có trống hoặc chuông để điểm giờ canh gác.

Vì sao thành Hà Tĩnh còn được gọi là Thành Sen (Liên Thành). Có người cho rằng vì thành kiến trúc thành nhiều cánh, trông đẹp như một bông sen. Nhưng lại có truyền thuyết vẫn lưu truyền rằng: Ngày xưa trong đạo thành cũ (gần cầu Phủ), sen đẹp và dày đặc, nhưng sau khi xây xong thành trì Hà Tĩnh, bỗng một đêm mưa to gió lớn, sáng dậy thấy quanh hào thành đầy sen thơm xanh ngát, trong khi ở đạo thành không còn một cây sen nào nữa. Thì ra sen đã “di cư” hết ra Tĩnh thành. Ai cũng cho đây là một điềm tốt, và mỹ danh “Liên Thành” (Thành Sen) xuất hiện từ đó. “Liên Thành” tuy không dùng trong các văn bản hành chính, nhưng trong đời thường lại được sử dụng rất nhiều: Rạp chiếu bóng Liên Thành, Liên Thành thư quán… Cả đến một cuộc thi thơ phú năm 1934 do Tuần phủ Hà Tĩnh phát động cũng có một đầu đề thơ là “Liên Thành hạ vũ” (Trận mưa mùa hạ trên Thành Sen).

2. Võ Miếu

Võ Miếu là một ngôi miếu lớn được xây dựng trên đất Trung Tiết (nay thuộc phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh). Theo một số tài liệu thì Võ Miếu dựng từ đời Tự Đức khoảng 1874, gồm hai tòa nhà. Nhà thượng kiểu trùng diêm, được chạm trổ khá đẹp. Ngoài các tự khí, ở đây còn có tượng Quan Công, bên cạnh là tượng Quan Bình, Châu Xương. Các bộ phận nội ngoại thất liên hoàn chặt chẽ, đăng đối hài hòa.

Cổng tam quan Võ Miếu có quy mô và kiến trúc đẹp, với không gian ba chiều vừa tách bạch, vừa liên hoàn trang nghiêm. Phía trên trang trí mặt hổ phù, chim phượng và cuốn thư, dưới có ba chữ “Quan Thánh Từ”.

 Đây là ngôi miếu đẹp, nguyên vẹn, mang kiến trúc cỗ còn sót lại trên đất Thành phố sau hai cuộc chiến tranh ác liệt và những biến cố đời thường.

Năm 1996 Võ miếu đã được xếp hạng di tích Văn hóa Lịch sử cấp Quốc Gia.

3. Văn Miếu

Văn Miếu được xây dựng năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), ở làng Đông Lỗ (nay thuộc phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh). Sau nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, Văn miếu trở thành một công trình đồ sộ, đẹp đẽ. Miếu có ba tòa nhà chính, xếp hình chữ “môn” và nhà “túc hậu” (thường gọi là nhà mặc áo). Bài vị Chí Thánh (Khổng Tử) và tứ phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử)… đặt ở nhà chính. Hai dãy tả vu, hữu vu thờ “thập triết”, “thất thập nhị hiền”, học quan địa phương cùng các vị tiên hiền tiên bối. Thời ấy ở các địa phương, huyện, xã, làng cũng thường có “hội Văn”, có văn thánh miếu. Việc thờ tự và sinh hoạt trong các Văn Miếu thể hiện sự tôn vinh đạo học, lòng hiếu học và khát vọng được học, đồng thời cũng thể hiện sự tôn vinh nền văn hiến Việt Nam, một nền văn hiến mà trong đó có sự kết hợp đạo Nho và nền văn hóa Việt.

Ngoài việc thờ cúng, Văn Miếu còn là nơi sát hạch (sơ tuyển) các nho sinh trước khi đi dự thi hương, là nơi bình văn, nơi hội họp, sinh hoạt của Hội Tư văn. Vị Hội trưởng Hội Tư văn Hà Tĩnh cuối cùng là Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình (1871- 1949), người can Lộc.

4. Núi Cảm, chùa Nài

Đứng giữa vùng ruộng đồng, làng xóm tươi xanh, Cảm Sơn xinh như một hòn non bộ. Trên núi có hai ngôi chùa, chùa về mái núi phía tây gọi là Cảm Lĩnh, chùa về mái núi phía nam gọi là Chùa Nài - Cảm Sơn tự. Chùa này được dựng từ thời Lê, có thể cùng thời với chùa Thành Sơn (Cẩm Thành), chùa Nghĩa Sơn (Thach Lâm). Núi Nài, chùa Nài, cùng với cây đa, giếng nước… đã trở thành những nét đẹp ven đô gây nhiều ấn tượng sâu sắc: Đầu làng Cảm Sơn núi nhỏ/ Như bức rèm xanh trước ngõ,/Một ngôi chùa cỗ chon von,/ Hoa sim nụ tím nở tròn (Cẩm Lai). Tiến sĩ Dương Thúc Hạp vừa mới bước chân đến Cảm Sơn đã say mê cảnh sắc mà thốt lên rằng:

“Lệ Sơn đông hạ nhất điều chi

Sơn sắc thanh thương nhập thúy vi”

(Mạch từ Nhật Lệ hướng về xuôi

Sắc núi, bức tranh đẹp tuyệt vời)

                                       Lê Văn Tùng (dịch)

Đây là một thắng cảnh đã từng đón rất nhiều văn nhân tài tử đến thăm. Trong đó người để lại nhiều dấu ấn sâu đậm nhất là nhà thơ, nhà dinh điền, Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ. Quanh núi Nài từng là nơi cư trú của một nhóm người tiền sử. Thời chiến tranh Trịnh - Nguyễn đây là một hậu đồn  trọng yếu… Bao nhiêu sự kiện lịch sử quan trọng đã từng đi qua đây, nhưng sự kiện mới mẽ nhất, vang dội nhất là “trận đầu thắng lớn” của quân dân Hà tĩnh anh hùng trong công cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ngày 26 tháng 3 năm 1965.

5. Tân Giang - Sông Cụt

Gọi là “Tân Giang” vì con sông này mới được đào dưới thời nhà Nguyễn, niên hiệu Khải Định thứ 7 (1922). Sông này đào bắt đầu từ sông Rào Cái đoạn chảy qua Đò Hà lên qua cầu Vồng, qua cầu Sở Rượu, đến âu thuyền (phía tây chợ Tỉnh hiện nay) thì hết, không có thượng nguồn nên cũng gọi là “Sông Cụt”. Từ khi có sông Cụt, có âu thuyền gần chợ thì những vạn đò sinh sống trên sông cũng xuất hiện, hàng hóa về chợ cũng phong phú hẳn lên.

Dưới đò trên chợ vui thay,

Ai ai cũng đến nơi này bán buôn.

Năm 1924, khi Khải Định ra đạo dụ thành lập “thành phố” Hà Tĩnh với 8 phố 10 đường thì hai bên bờ sông Cụt cũng hình thành hai con phố. Phía bờ nam là phố Hữu Ngạn, bờ bắc là phố Tân Giang. Tân Giang - Sông Cụt thời ấy nước mặm lợ, nhưng xanh trong lững lờ, hai bên bờ cây bần mọc xanh um, thỉnh thoảng là những khóm dừa, những cây ngô đồng sum suê xanh tốt…

Nhà thơ, nhà danh họa Nguyễn Phan Chánh, dù đã đi muôn nơi, thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh khắp mọi miền đất nước, nhưng con đò, bến nước Tân Giang quê ông vẫn mãi mãi là miền tưởng nhớ:

Bấy lâu tưởng nhớ quê nhà,

Tân Giang bến cũ Nam Hà đò ngang.

Nhiều vị khách qua đây, tuy không ai còn nhớ tên tuổi, nhưng tình cảm của họ thì vẫn lưu gửi mãi trong những vần thơ dầy cảm hứng:

Trên bộ dập dìu xe cộ nhoáng,

Dưới thuyền thấp thoáng cánh buồm bay.

Lâu đài tráng lệ thưa mà đẹp,

Phố xá tầm thường ngó vẫn say.

Tân Giang - sông Cụt cũng còn ghi lại một tội ác lớn của thực dân Pháp, đó là vụ ném bom ngày mồng 3 tết năm Nhâm Thìn (1952). Khi mọi người đang đua thuyền vui xuân trên sông Cụt thì khoảng 10 giờ sáng máy bay Pháp vụt đến ném bom xối xả, sát  hại một lúc 21 người. Đến nay và mãi mãi về sau “ngày giổ chung” ấy là một ký ức đau thương không thể nào quên.

6. Chợ Hà Tĩnh

Chợ được xây dựng từ năm 1915, đến khoảng 1925 được nâng cấp và sửa sang lại. Chợ là trung tâm buôn bán của cả tỉnh nên gọi là Chợ Tỉnh. Địa điểm chợ tỉnh ngày ấy nay là công viên Lý Tự Trọng. Chợ có bờ rào bê tông song sắt bao quanh, toàn bộ nền chợ được lát gạch Cẩm Trang, có bốn nhà bán hàng gọi là đình chợ. Chợ họp thường xuyên, nhưng mỗi tháng có sáu phiên chính, họp vào các ngày mồng một, mồng sáu, mười một, mười sáu, hai mốt, hai sáu âm lịch. Ngày chợ phiên hàng hóa mọi nơi đổ về rất phong phú. Các hàng thực phẩm tươi sống phải có lưới sắt hoặc vải màn bao che, thịt lợn phải có dấu thú y mới được bán. Chợ Hà Tĩnh thời đó không lớn, nhưng có tiếng là sạch và đẹp nhất miền Trung..

Đường phố quanh chợ thời ấy tuy là những đoạn đường ngắn, nhưng đều là những con đường có tên. Phía bắc chợ là đường Luy- Xiêng Lơ-Me, nay là  đường Phan Đình Phùng; phía nam là đường Tôn Thất Hân, nay là đường Đặng Dung; phía tây là đường Cao Thắng, nay là một đoạn của đường Phan Đình Giót; phía đông là đường Nguyễn Thiệp, nay là đường Cao Thắng. Phố xá quanh chợ gọi chung là phố Hoàn Thị, đều là những dãy phố sầm uất đông vui.

7. Nài Giang - sông Phủ

Rào Cái là một con sông lớn của tỉnh Hà Tĩnh, bắt nguồn từ nhiều khe suối trên dãy Trà Sơn, có chiều dài 74Km. Rào Cái khi chảy qua những vùng đất khác nhau có những tên gọi khác nhau. Phần chảy qua xã Đại Nài gọi là sông Nài (có tài liệu ghi là Nại - Nại Giang). Trong đó đoạn chảy qua phủ lỵ Hà Hoa (Hà Thanh) xưa, sau là phủ lỵ Thạch Hà dài khoảng 3-4 Km gọi là sông Phủ, chiếc cầu bắc qua sông ở đây cũng gọi là cầu Phủ. Đặc biệt Nài Giang- sông Phủ làm cho nhiều người biết đến còn vì những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình “Nài Giang phong thủy ái kỳ quan”, một vế câu đối trước cổng đình Nủi, một ngôi đình cũ thuộc xã Đại nài xưa cũng đã phần nào nói lên điều đó. Cũng không hiểu từ bao giờ sông Phủ được các học giả gọi là Sông Nghiêu. Cử nhân Đặng Văn Bá (1873-1931), một yếu nhân của Hội Duy Tân quê ở đây đã đạt tên hiệu là “Nghiêu Giang”. “Nghiêu” có thể được phiên âm từ chữ “Neo” mà ra, đồng thời các vị cũng muốn ví đoạn sông đẹp, thịnh vượng, hiền hòa như Nghiêu, Thuấn.

Sông Nài cũng đã từng chứng kiến cảnh đại quân Tây Sơn qua đây. Nay một đoạn của tờ “Hịch gọi đò” thời đó nay nhiều người vẫn còn thuộc:…“Ngang nhiên chi tường/Bùng binh chi quân/Cấp tại giang biên/Tốc bát giang thuyền/Giải thanh bề bề bộn bộn/Bất lai tắc trảm trảm tru tru…./Tư truyền”.

Sông Rào Cái - Sông Nài - Sông Phủ hiền hòa ngày nay, không chỉ là nơi chứng kiến các sự kiện lịch sử, mà đã từng là bãi chiến trường, là biên viễn, là phên dậu một thời của nước Việt cổ.

Sông Phủ sóng đôi với núi Nài từ xa xưa đã trở thành một biểu tương đẹp đẽ của một vùng quê ven đô nghĩa tình và nhân hậu: Quê em sông Phủ núi Nài,/ Tình cao hơn núi nghĩa dài hơn sông.

8. Núi Nghĩa, chùa Trò

Nghĩa Sơn còn gọi là núi Sò, dân địa phương lại quen gọi Rú Trò. Núi thuộc xã Đức Lâm cũ, nay là xã Tân Lâm Hương. Nghĩa Sơn không lớn, nhưng ở vào một địa thế rất đẹp. Dưới chân núi có ao rộng mênh mông, lại có sông Rào Cái vòng quanh phía ngoài ôm lấy làng lấy núi, tạo cho ngọn núi nhỏ này một phong cảnh sơn thủy hữu tình xinh đẹp.

Trước năm 1930 giáo sư người Pháp Le Breton, Hiệu trưởng trường Quốc học Vinh đã phát hiện đây là một khu di chỉ và đạt tên là di chỉ Nghĩa Sơn hay di chỉ Đức Lâm (sách An Tĩnh cổ lục XB 1936). Sau này các nhà khảo cổ học Việt Nam đã xác định được hai khu di chỉ ở đây, đó là khu di chỉ Rú Trò và khu di chỉ Phái Nam. Các khu di chỉ ở đây rất phong phú và có ba niên đại: 4.160 + 70 năm, 4.120 + 60 năm, và 4.030 + 45 năm.

Trên núi Nghĩa Sơn có ngôi chùa cổ, cũng gọi là Nghĩa Sơn tự, Tịnh Lâm tự hay chùa Trò. Chùa Tịnh Lâm là một trong những ngôi chùa khá cổ còn lại của Hà Tĩnh. Trong chùa hiện còn có hai bia đá, một tấm được dựng từ năm Tân Vị, niên hiệu Đức Long, đời Lê Thần Tôn (1631) ghi công đức thập phương quyên cúng xây chùa.

Một đôi câu đối bằng chữ Hán trong chùa còn lại cũng phần nào diễn tả được cảnh nước mây kỳ thú nơi này, Thái Kim Đỉnh dịch: “Thuyền từ vượt sóng sông trăng đó/Tòa báu vờn mây núi đá đây.”

Tấm bia thứ hai là của Tuần Phủ Hà Tĩnh Tôn Thất Hân, khắc năm Thành Thái thứ 11 (Kỷ Hợi -1899) cũng bày tỏ những cảm xúc sâu sắc trước cảnh quan sông, núi, ao, chùa, và cùng với Cảm Sơn, Nài Giang… Nghĩa Sơn đã góp phần tạo nên “Tĩnh thành bát cảnh”. Bài văn bia ấy được trích dịch như sau:

“Cổ Nghĩa Sơn tự, nay là Tịnh Lâm tự thuộc xã Đức Lâm, huyện Thạch Hà. Núi Sò, chùa Tịnh Lâm là một trong tám cảnh đẹp của tỉnh thành Hà Tĩnh.

… Lúc nhàn, vui hứng, tôi cùng ông Bố Chánh, Án Sát lên núi này xem hình thể, phong cảnh: Núi này quả nhiên là một hòn núi nhỏ nổi lên hình con cá và cũng giống như hình cánh diều vậy. Bàu trong, sông ngoài ôm lấy hình cá núi. Nơi đây có bia, có chùa người trước đã dựng nên làm cho tôi cảm động. Phỏng di tích đã lâu lắm. Thời Lê Đức Long tu sửa lại còn trước nữa chưa rõ vì thiếu căn cứ vết tích cụ thể… Phía trước, núi đá như một cái cổng vào, có bàu rộng bên trong, bên ngoài sông lớn vây quanh như bức tường xanh, tả hữu có hai chùa Thành Sơn và Cảm Lĩnh. Cảnh đẹp của vùng này nhóm lại ở đây… Mặt trời chiếu không đem lại mưa móc, mà đem lại tươi đẹp, phồn vinh cho nhân dân. Từ thiền đây đã đưa mọi người qua từ bến mê sang bến giác”… Từ tu sửa chùa, dựng bia, đúc chuông mà đến nay đã gần 400 năm rồi. Di chỉ thì có niên đại những 4.180 + 70 năm. Núi non, chùa chiền ở đây thật đúng là danh lam và cổ tích.

Học theo cách người xưa, để dễ nhớ, xin tạm xếp Tĩnh thành bát cảnh thành 4 cặp như sau:

- Liên Thành cảnh sắc  -   Võ Miếu linh từ

(cảnh đẹp Thành Sen)        (đền thiêng Võ Miếu)

- Cảm Lĩnh giai sơn      -    Nài Giang tú khí

(núi xinh Cảm Lĩnh)           (khí lành Nài Giang)

- Tân Giang đoãn thủy  -   Văn miếu trường thanh

(sông ngắn Tân Giang)         (tiếng lưu Văn Miếu)

- Tĩnh Thị danh thương  -  Tịnh Lâm cổ tự

(chợ đẹp Hà Tĩnh)                (chùa cổ Tịnh Lâm)

L.V.T

. . . . .
Loading the player...