28-04-2022 - 16:04

Trích tiểu thuyết VỌNG ĐẤT, TRỜI ĐỒNG LỘC của Nhà văn Đào Thắng

Tạp chí Hồng Lĩnh xin trân trọng giới thiệu đoạn trích Tiểu thuyết VỌNG ĐẤT, TRỜI ĐỒNG LỘC của Nhà văn Đào Thắng

ĐÀO THẮNG

VỌNG ĐẤT, TRỜI ĐỒNG LỘC

                                                   Trích tiểu thuyết

       ...Chúng ta đã chậm hơn địch. Khi ta còn họp bàn thì cả đàn máy bay phản lực Mỹ đã ào đến dội bom vào ngã ba nơi ta đặt quyết tâm phải bảo vệ bằng được. Ông Quang Minh đứng ở đầu đoạn hào rộng. Sau lưng ông cán bộ các đầu mối đang đứng nhấp nhô nhìn ra mặt đường. Ông ép ngực áo vào thành chiến hào, đất đỏ mới đắp bổ sung rơi ào ào sau tiếng nổ của bom. Hai tốp A6 có máy bay tiêm kích F4 bay kèm bảo vệ thay nhau bổ nhào rải bom. Mỗi chiếc mang hai mươi tư trái bom cỡ 500 bảng anh (250 kilogam). Mỗi tốp bốn chiếc ném bom hai đợt. Còn một tốp A4 sáu chiếc có hai chiếc F8 hộ tống lượn bên ngoài chờ đến lượt lao xuống. Những ngày đầu cuộc ném bom hạn chế đang dư thừa máy bay, chúng không dùng các tốp nhỏ hai chiếc. Sáu chiếc hàng không mẫu hạm gồm: Hancock; Kitty Hawk; Midway; America; Saratoga; và siêu hàng không mẫu hạm Constellation chạy bằng năng lượng nguyên tử. Tất cả phải trực chiến. Có lúc máy bay ở hai tàu cùng cất cánh. Ở thời điểm này người yếu bong vía không to gan lớn mật xem sơ đồ tầu chở máy bay và các loại tầu hộ tống dàn từ ngoài khơi Hòn Mê đến biển Đèo Ngang đã bủn rủn chân tay. Khói bom trùm kín núi Trọ Voi. Pháo cao xạ 37 ly tiểu đoàn 8 Bình - Hà nhận lệnh của Tỉnh đội Hà Tĩnh nổ súng vào các tốp A6 do trận địa bố trí sau dãy núi Mác nên góc bắn bị khuất nhiều. Tham mưu trưởng Trần Nghiên quay vào hầm nhấc máy điện thoại gọi về Sở chỉ huy trung đoàn. Trung đoàn trưởng Kỳ Nam đang trực chỉ huy. Trần Nghiên hỏi vội:

- Ta chưa có lệnh nổ súng hả anh?

- Lệnh rồi. Các ông ấy đang giục. Nhưng còn hai đại đội pháo cao xạ 57 ly chiếm lĩnh ban ngày pháo chưa kịp vào công sự.

Trần Nghiên kiên nhẫn thuyết phục trung đoàn trưởng Kỳ Nam:

- Ta phải cho bắn anh ạ!. Đằng nào thì hỏa lực phòng không cũng đã bộc lộ rồi. Bình Hà đã khai hỏa. Ngày mai, có thể ngay sau trận này Đảng ủy và ban chỉ huy sẽ thay đổi cách đánh. Chúng sẽ biết các trung đoàn pháo phòng không “húc nhau” với chúng ở Truông Bồn đã qua các điểm dừng chân và chốt ở đây, ở Đồng Lộc, ngay ngã ba này. Chúng sẽ chế áp trận địa.

Trong khi Tham mưu trưởng Trần Nghiên đang nói với Trung đoàn trưởng  Kỳ Nam thì trận đánh đã diễn ra, đại đội 4 ở đồi Ngô Đồng đã bắn liền hai điểm xạ ngắn (từ 03 đến 04 viên một điểm xạ).

Ngay lập tức các tốp máy bay bốc lên cao. Bọn F4 và F8  đi theo hộ tống, vòng ra ngoài, hạ thấp, nghiêng cánh quan sát, gió Tây thổi mạnh khói đầu nòng pháo ở các trận địa pháo cao xạ 57 ly  tan nhanh. Bọn máy bay quan sát bằng mắt thường, đường bay lắt léo, không ổn định, các trận địa quay pháo im lặng theo dõi, một lúc sau, những chiếc máy bay hết bom lao nhanh ra phía biển để lại khung trời ngạt khói.

Ở trận địa đại đội Một pháo cao xạ 57 ly, trinh sát trẻ Hồ Hoàng Long, giống như đại đội trưởng Trần Hát, anh đứng tựa vào thành hầm công sự pháo. Chiếc mũ sắt cài chặt cọ vào gờ đất thành một vết xước dài nhìn sâu. Anh nhìn thẳng vào đôi mắt sáng, nhìn lâu không chớp vào đôi mắt của người đại đội trưởng tài hoa và dũng cảm. Cái nhìn bộc lộ sự suy nghĩ căng thẳng. Trinh sát Hồ Hoàng Long vừa gợi chuyện vừa thăm dò đánh với đại đội trưởng. Theo em, hai bên, hai lực lượng tinh nhuệ vẫn đang thăm dò nhau. Cách đây mấy ngày, đài BBC của Anh quốc vẫn bình luận ca ngợi Đại tướng Jonh Taylo. Vị tướng nắm quyền điều hành, chỉ huy Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Vị Đại tướng năm sao được các tướng lĩnh Hội đồng Tham mưu Liên quân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tôn là vị tướng thông minh nhất thế giới. Với kiểu châm chọc hài hước kiểu Anh, Đài BBC đã dán tặng cho ông chiếc “Vương miện Hoa hậu thế giới”.

Hình như ông ta hiện không có mặt ở bộ tư lệnh tiền phương Thái Bình Dương. Ông vắng mặt để khi quay lại có quyền phê phán cái hạ sách của cuộc ra quân định dùng số lượng lớn máy bay, tầu chiến, bom đạn áp đảo đối phương của những người cộng sự.

Ông Quang Minh trở lại hầm chỉ huy dùng máy điện thoại thúc các đơn vị ra mặt đường. Các đại đội thanh niên xung phong 552, 555, mang cuốc, xẻng, xe cút kít, quang gánh ra lợi dụng các hàng cây còn lại trên sườn núi Trọ Voi. Chị em sang sửa gấp một chút các hố cá nhân và các hố hầm ếch bên bờ hào. Dồn lực lượng khắc phục ngay các bờ hố bom ăn vào mặt đường. Các tổ máy gạt xông ra đường làm thật nhanh, rồi rút nhanh. Ông thì tin vào máy gạt với các cán bộ đầu mối sau trận đánh, ông thấy đợt ném bom vừa rồi, máy bay Mỹ đã đối đầu với lực lượng phòng không mạnh, chúng sẽ bàn định cách đánh mới, chúng chưa trở lại.

Tham mưu trưởng Trần Nghiên bỏ xe chạy bộ về Sở chỉ huy trung đoàn. Trung đoàn trưởng Kỳ Nam đứng trong hố chỉ huy. Anh đeo cáp trực tiếp nhận lệnh trên: Tất cả các trận địa của trung đoàn pháo cao xạ Tân Trào vào trực cấp I. Bộ đội ngồi trên mâm pháo ăn cơm, quần áo người nào chưa nhuộm thì phải khoác vòng lá ngụy trang.

*

Máy bay vừa mới ném bom xong, san lấp hố bom giữa ban ngày thật là nguy hiểm. Người đông, rất đông rải ra cả tuyến phải đến cả ngàn con người. Nếu máy bay địch quay lại rải bom bi thì thương vong không thể đếm hết. Nhưng quyết định dũng cảm như liều lĩnh của Quang Minh đúng ở cả hai khía cạnh: Thứ nhất: Máy bay Mỹ phát hiện hỏa lực mạnh của ta, cả pháo cao xạ 57 ly trận địa còn nguyên sáu khẩu. Máy bay F4, F8, bay quan sát mắt thường chắc chắn nhìn rõ các khẩu pháo cao xạ 57 ly to kếnh càng. Chúng phải tìm cách đối phó cho khoa học và hiệu quả, ném được bom vào ngã ba, máy bay không bị rơi chúng chưa thể quay lại ngay. Về phía ta cũng phải xem tinh thần anh chị em thế nào. Có ai run sợ không dám ra mặt đường hay không? Khả năng của người và phương tiện khắc phục hậu quả sau trận bom nổ đến đâu. Thời gian hết bao nhiêu. Lực lượng bố trí chờ ở các hướng đã hợp lý chưa?

Ông Quang Minh theo đường hào ra ngã ba, đặt hai khuỷu tay chống nạng. Ông nhẩy lên thành hào, ra mặt đường. Chị em đang khênh cái đầm bằng gỗ san mặt cho phẳng. Ông đi đến, nhấc thử cái đầm bằng gỗ nghiến nặng sái tay, ông hỏi:

- Nặng rứa, các o khiêng lên đặt xuống được bao lâu?

- Chúng cháu nện mặt đường, khi nào xe qua được thì mới ngừng.

- Có quả mô trúng mặt đường không các cháu?

- Không có quả mô, Giôn Sơn ném chỉ ngoạm đi một phần đường thôi chú ạ.

Ông chìm giọng:

- Các cháu ở đại đội nào?

- Dạ 552 ạ!

- Tiểu đội mấy?

- Thưa chú. Tiểu đội Bốn ạ.

Ông ghi lại trong đầu một con số. Ông nhìn các cô gái còn non trẻ, mới mười tám, đôi mươi, hai mươi hai tuổi là cùng. Họ đều còn ở tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi yêu và lấy chồng. Tự nhiên ông thấy xúc động. Phận gái liễu yếu, đào tơ, thời chiến tranh đánh nhau với thằng Mỹ giàu có nhất, mạnh nhất trên toàn cầu, các cháu phải ra đối mặt, đối đầu với bom đạn và sự chết chóc. Rồi ông lại nghĩ khác, con trai quê mình vào bộ đội, vào sâu, đánh thẳng với lính Mỹ hi sinh còn nhiều hơn. Ông tự nhủ: Ở đất nước mình nổi lên đánh ngoại xâm đầu tiên cũng là phụ nữ, như Bà Trưng, Bà Triệu chứ đâu có phải mấy ông mày râu, sức dài, vai rộng. Không nhưng mà, nhưng mà các cụ dạy yếu trâu thì còn hơn khỏe bò. Trâu này nào đã ụ vai, còn bò thì đang còn (tuổi me, bê) thèm vú mẹ.

Ông hỏi lại:

- Các cháu ban nãy nói ở tiểu đội mấy?

- Dạ! Tiểu đội Bốn ạ !!!

- Vậy các cháu có phải là quân của tiểu đội trưởng Võ Thị Tần không?

- Dạ vâng, đúng đấy ạ!

- Vậy các o đều là ngài Hà Tĩnh quê ta cả. Bác biết có o ở Sơn Bằng, Hương Sơn, có o ở Đức Thọ, o thì ở Can Lộc. Có o mô ở Nghi Xuân không hả?

- Dạ! Có ạ

- Rứa thì học cụ Nguyễn Du nhà mình, cụ Nguyễn Du thường đi bộ men theo dãy núi Hồng Lĩnh, qua đò Cài hát Phường vải thâu đêm với các o con gái trẻ nổi tiếng họ Nguyễn Huy, Trường Lưu, o Úy, o Sạ hát hay, đối đáp tài  thâu đêm. Tài ba như cụ Nguyễn Tiên Điền có lúc phải thua ôm nợ, về nhà thức thâu đêm không ngủ, hôm sau mới đặt thơ đối lại được.

Mà các o con gái Nghi Xuân, hậu duệ cụ Nguyễn Tiên Điền, Uy Viễn tướng công hát ví dặm tài và lẩy Kiều hay hạng nhất. Ca trù Cổ Đạm đào nương nổi danh có thể sánh ngang các ca nương kinh kỳ. Chúc các cháu phát huy truyền thống quê hương, lập nhiều thành tích, giữ thông đường Đồng Lộc. Ta phải vật cho Mỹ thua một keo ở ngay ngã ba Đồng Lộc nhà mình. Thôi các cháu tạm dừng nghỉ lấy sức. Mấy o đập mạnh quả đầm gỗ, giữ nguyên nó như vậy dựa vào nhau cười ròn tan. Một o lấy giọng cất lên câu ví phường vải rồi hai o cùng hát. Có một thoáng mà đã có sáu, bẩy o nhập cuộc

Sau khi trả lời ông Quang Minh, các o tiếp tục hái hoa chua me đất đang nở tím ngát ở sườn núi cạnh lối mòn có hai lối, một lối vào trung tâm ngã ba, một lối rẽ vào căn hầm các cô vẫn trú ẩn khi máy bay đánh phá.

Ông nhẩm con số Mười rưng rưng. Chúng nó như con mình, cháu mình. Rồi o tiểu đội trưởng lúc đầu rất nghiêm trang, đưa ánh mắt nhìn như đếm từng người. Cô tiến lên mấy bước đứng vào vị trí giữa hàng ngang. Tất cả lặng im ngóng nhìn bầu trời mùa hạ xanh xa hun hút. Có thể từ điểm xanh xa kia đang giấu một sự hiểm nguy. Cô tiểu đội trưởng cất tiếng dõng dạc:

- Cả đất nước Việt Nam ta đang cất cao tiếng hát át tiếng bom. Các đơn vị bạn ơi, ở nơi trung tâm ngã ba Đồng Lộc chưa lúc nào ngớt tiếng bom, tiếng pháo bắn trả máy bay Mỹ. Các bạn ơi! Chúng ta cùng hát ví phường vải, cho tiếng hát ví phường vải át tiếng bom nào.

Ông bước tiếp trên mặt đường mới được vá lành. Sau lưng ông cất lên tiếng hát phường vải tha thiết của các cô gái. Lòng ông trĩu nặng, … một nỗi đau lớn. Ông chưa ngờ tới chỉ thời gian ngắn sau đó, cả tiểu đội này sẽ hi sinh và tên tuổi các cô đi vào bất tử.

                                                                                                            Đ.T

Ảnh nguồn ITN

. . . . .
Loading the player...