05-05-2021 - 08:59

Truyện ký ĐÊM THÀNH SEN của Nguyễn Xuân Diệu

Tạp chí Hồng Lĩnh số 176 hân hạnh giới thiệu truyện ký "Đêm Thành Sen" của tác giả Nguyễn Xuân Diệu

 

đÊM THÀNH SEN

                    Truyện ký   

Đầu tháng 4 - 1975 đang an dưỡng ở đoàn 70 (Quân khu 4) tôi nhận được tin đơn vị lên đường vào chiến trường tham gia Tổng tấn công đang dừng lại dưới chân núi Đại Nài để huấn luyện bổ sung. Mừng quá, tôi tức tốc lên Ban chỉ huy xin trở về đơn vị. Cầm giấy tờ trong tay, tôi tạm biệt anh em mang ba lô hăm hở lên đường. Khi chiếc xe vận tải quân sự dừng lại bến xe thị xã Hà Tĩnh, trời đã chạng vạng tối. Bầu trời đang ngan ngát tím hoàng hôn, bỗng dưng mây từ đâu ùn ùn kéo về rồi mưa ào ạt đổ. Đang lơ ngơ giữa thị xã vắng hoe, vắng hoắt mà tôi chưa một lần đến, nhìn ngược, ngó xuôi xem có nơi nào vừa để tạm trú, vừa hỏi đường, bỗng có người đội mũ cối, mang ni lông tùm hụp bấm đèn pin đi đến. Một giọng con gái trong veo vẻo cất lên:

- Mời đồng chí bộ đội vô đây!

Đang mong tìm người lại tự dưng gặp, tôi hí hửng bước theo cô gái vào ngôi nhà liu riu ánh đèn bão. Cô gái cởi áo mưa. Lúc đó tôi mới sững người hiểu rằng mình đã “bị bắt”. Trên vai cô gái là khẩu CKC và bên cánh tay là chiếc băng đỏ. Cô ta hỏi tôi, giọng lạnh tanh:

- Đề nghị đồng chí cho xem giấy tờ!

- Vẽ! - Tôi cười nụ rồi mở ba lô moi đủ giấy tờ ra trao cho cô gái -. Cô ta đến bên ngọn đèn bão, săm soi đọc. Đọc xong, cô thở ra:

- Anh bộ đội thông cảm cho. Thời chiến mà! Thấy anh loay hoay giữa trời mưa to, gió lớn, nhìn ngược, ngó xuôi, nên em phải hỏi đó thôi!

Vừa bỏ giấy tờ vào ba lô cóc, tôi vừa ngoảnh lại, nửa đùa, nửa tán:

- Nhìn mặt mũi tôi hiền khô như ri mà cô nghĩ tôi là gián điệp à? Vậy chứ cô làm gì ở đây?

- Anh hơi coi thường dân quân tự vệ đấy! Anh tưởng chỉ bộ đội các anh là biết đi Tổng tấn công răng? Cả tháng ni bọn em cũng nỏ có đêm mô ngủ trọn. Trực chiến phục vụ Tổng tấn công mà anh! Nào đứng gác chỉ đường cho xe vô tuyền tuyến. Nào đưa bộ đội các đoàn thu dung về đơn vị. Nào đón xe chở thương binh đến các viện quân y… Bận tối mặt, tối mũi, anh ơi…!

- Ôi trời! Con gái Hà Tĩnh gan góc quá ta! - Nghe em nói, tôi hít hà - Đêm hôm vắng vẻ thế ni mà trực chiến chỉ có một mình!

- Dạ, cũng có một con bạn nữa. Nhưng mẹ hắn ốm, em trực thay luôn cho hắn ở nhà chăm mẹ. Tội lắm anh ơi! Nghe mấy anh thương binh ra kể cha hắn vừa hy sinh ở Quảng Trị. Còn anh, mần chi mà xuống chỗ ni?

- Tôi nghe nói đơn vị trên đường đi Tổng tấn công đang dừng chân ở Đại Nài…!

- Có phải đơn vị đặc công không? Rứa thì đúng rồi, em biết! Chiều ni họ đang tập leo trèo chi đó nghe nói để đánh thành phố. Kiểu ni chắc là sắp toàn thắng rồi, anh nhỉ?

Dừng lại một lát như nghĩ ngợi điều gì, cô gái tiếp:

- Giờ anh cứ ngồi đây uống cốc nước nóng cho ấm bụng, nghỉ ngơi cho khỏe. Đợi mưa gió bớt bớt, em chỉ đường cho. Từ đây đến Đại Nài cũng gần…!

Tôi mừng lắm. Trong khi cô gái loay hoay pha nước, tôi lặng lẽ quan sát căn nhà. Đây là ngôi nhà tạm, hai gian, tường gạch, lợp tranh. Phòng ngoài đặt chiếc bàn gỗ nhỏ và bốn chiếc ghế tựa cũ kỹ. Phòng trong kê chiếc giường cá nhân nước gỗ đen xỉn sát tường. Những giọt mưa dột từ mái tranh rơi lõm bõm xuống chiếc xô sắt tây đã lưng lửng nước. Đang nhìn, tự dưng tôi thấy người ớn lạnh, hai thái dương đau buốt, đầu nặng chình chịch. Trước mắt tôi cả căn phòng đảo lộn, quay tròn. Người rét run lên, tôi lập cập mở túi cóc ba lô lấy hộp thuốc Quy-nin dự phòng, bỏ mấy viên vào mồm nuốt vội. Cô gái hốt hoảng chạy đến, đặt tay lên trán tôi:

- Oa làng! Răng người anh nóng khiếp như ri? Anh sốt rét mất rồi!

Vừa run lẩy bẩy, tôi vừa lao thẳng vào chiếc giường cá nhân nằm co quắp. Vớ đại cái chăn chiên của cô gái để trên đầu giường trùm kín người, tôi lắp bắp:

-Rét…rét quá! Chăn màn tôi để trong ba lô… cảm… cảm phiền cô lấy giùm… Rét… rét chi rét lạ!

Cô gái lật đật mở ba lô, ôm chăn màn đến đắp cả lên người tôi. Tôi cuộn tròn người lại, đưa hai cùi tay kẹp chặt thái dương vẫn thấy đầu mình nhói như có hàng trăm mũi kim châm vào. Cái rét cuộn ra từ lồng ngực, làm tôi run bần bật. Khá lâu rồi, ở đoàn an dưỡng, tôi có sốt nữa đâu. Có lẽ suốt 3 giờ đội cái nắng chang chang trên thùng xe, lại đột ngột dầm phải mưa đầu mùa nên ký sinh trùng sốt rét nó thừa cơ ngóc đầu dậy vật mình! Tôi gồng người chống lại cơn sốt, cố nén tiếng rên. Đang vật vã, bỗng tôi thấy như có ai ôm lấy mình và một cái gì đó thật mềm mại, thật ấm áp, ép sát người tôi. Một thứ hơi ấm cùng mùi thơm lạ lẫm tôi chưa thấy bao giờ. Tôi ngủ thiếp đi trong mùi hương nồng nàn và hơi ấm quấn riết lấy mình như thật, như mơ, mơn man ấy…!

Khi tỉnh giấc, người nhẹ hẳn, tôi tung đống chăn lồm cồm ngồi dậy, nhận ra chiếc bàn phòng ngoài đã được đưa vào đặt bên cạnh giường tôi đang nằm. Cô gái ngồi trên chiếc ghế tựa, như một hộ lý trực bệnh nhân. Có lẽ nhiều đêm rồi mất ngủ, cô đang ngoẹo đầu gối lên đôi cánh tay khoanh trên bàn, ngủ ngon lành. Mái tóc đen nhánh của cô xõa tung phủ kín gần nửa mặt bàn. Từng đợt gió tràn đến từ hướng cầu Phủ, ào qua cửa sổ trống hoác, lạnh tê, lạnh tái. Tôi rón rén đứng dậy lấy chiếc áo quân phục của mình, nhẹ nhàng đi tới, khoác lên vai cô gái, rồi cứ thế ngồi yên tựa vào thành giường nhìn cô gái ngủ. Khuôn mặt cô bị mái tóc đen dày che kín, chỉ còn lộ ra chiếc mũi màu sứ trắng ngần, thanh tú như một nét vẽ. Cặp môi mòng mọng chúm chím như đang mỉm cười. Tôi cứ ngồi lặng lẽ, như thể nếu đánh động, người con gái đẹp như một thiên thần trước mắt tôi sẽ tan biến như một giấc mơ…

Có lẽ lâu lắm, tôi không còn xác định được thời gian, cô gái khẽ cựa mình đưa tay dụi mắt. Cô ngẩng đầu lên, ngơ ngác nhìn tôi:

- Oa làng! Em vô duyên quá! Con gái con lứa ai lại ngủ quên trời đất như ri…!

Tôi cười:

- Nếu còn mệt, cô cứ ngủ đi, tôi thức trực cho.

- Ai lại rứa - Cô gái ngượng nghịu - Anh mới sốt dậy nên phải ngủ để lấy sức chứ, ngày mai ra mặt trận còn phải thức nhiều. Chà, khi anh sốt, nóng chi lạ, nóng ơi là nóng! Em cứ lo lo là…!

Nghe cô nói thế, chợt nhớ vòng tay mềm mại, bộ ngực mềm ấm và mùi thơm da thịt con gái kỳ lạ mới gặp lần đầu trong đời khi mình đang chống chọi với cái rét của cơn sốt, tôi đã mang máng hiểu ra. Sau này nghe những đồng đội từng trải nói tôi mới biết khi đang sốt, nếu được hơi ấm của người khác giới truyền vào, như một phép lạ, cơn sốt sẽ nhanh chóng rời khỏi mình. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, có lẽ cô gái đã dùng hơi ấm thân thể mình sưởi ấm cho tôi. Tôi bồi hồi:

- Thế thì chúng mình cùng thức vậy. Mấy khi được thức thế này…

Chúng tôi ngồi lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Thỉnh thoảng như vô tình, hai đứa quay mặt lại và bắt gặp ánh mắt nhau, cả hai vội vã quay đi. Cô gái bỗng cười vang:

- Anh kể chuyện chi đi chớ! Không lẽ cứ ngồi như ri à?

Tôi cười xí xóa. Tiếng mưa ràn rạt ngoài trời gợi nhớ trong tôi những mùa mưa chiến trường. Rồi tôi kể:

- Mưa to thật! Những đêm mưa thế này, đi công đồn thật vất vả, nhưng cũng thật sướng. Bởi khi tiềm nhập vào đồn địch đứa nào đứa nấy cứ là ướt như chuột lội, lại rét căm căm. Nhưng bù lại, lũ giặc chủ quan, nên cứ ru rú trong hầm. Thế là lính ta cứ ung dung bò vào, trườn vào tận nơi, tung thủ pháo. Thế là thắng lợi!

Cô gái bật cười như nắc nẻ:

- Oa làng! Tức cười quá đi mất! Chắc là anh chưa có người yêu…?

- Ờ…ờ…Mà sao cô biết hay vậy?

- Thì…thì…có ai nói chuyện với con gái lại kể toàn chuyện chiến trường, chuyện bò trườn, đánh đấm. Rứa nên em nghĩ rứa thôi!

Tôi cười buồn:

- Đang chiến tranh mà cô! Yêu đương làm gì để người ta phải đợi chờ, phải nhớ mong, phải lo lắng, thêm khổ. Lỡ ra…!

Cô gái nhìn tôi, cái nhìn thật lạ:

- Anh nói chi lạ rứa? Đợi chờ biết là buồn, là lo, là khổ. Nhưng đợi chờ cũng có niềm vui, có hạnh phúc, có hy vọng chứ anh. Dẫu chẳng ai mong tình yêu mình hóa đá, nhưng có mấy ai không ngả mũ, chẳng cúi đầu trước đá Vọng phu?!

Tôi chưa biết trả lời em ra sao thì ngoài xa chen trong tiếng mưa sầm sập, vọng đến tiếng gà eo óc gáy. Đưa tay xem đồng hồ, tôi nói thảng thốt, tiếng “anh” bất chợt bật ra:

- Ba giờ rưỡi rồi, anh phải về đơn vị cho kịp. Lỡ ra đơn vị hành quân sớm lại không gặp. Các binh đoàn quân ta đang tiến về Sài Gòn. Trận quyết chiến cuối cùng này anh không thể không có mặt!

Em lặng lẽ đứng dậy, lặng lẽ xếp chăn màn của tôi cho vào ba lô. Tiếng em hụt hẫng:

- Tệ thật! Em coi giấy tờ của anh mà nỏ nhớ chi cả. Anh tên chi hè?

- Anh tên là Đan - Nguyễn Xuân Đan ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Còn em?

- Dạ, em là Tuyết, Phan Thị Tuyết ở Thành Sen ni!

Im lặng một lúc, tiếng em đượm buồn:

- Ta lên đường thôi anh!

Chúng tôi đi bên nhau dưới màn mưa nhòa nhạt. Qua cầu Phủ, Tuyết dừng lại. Em chỉ tay về con đường chạy qua cánh đồng hun hút trong mưa đêm:

- Nếu không bận trực, em sẽ đưa anh tới nơi. Chừ anh cứ đi thẳng đường ni, chạm cái ngã ba bên ngọn rú trồi lên giữa đồng là Đại Nài đó!

Rồi em khẽ khàng cởi chiếc khăn dù hoa đang quàng trên cổ mình, nhón chân quàng cho tôi, dịu dàng:

- Đây là chiếc khăn dù bố em đưa về từ mặt trận Điện Biên Phủ. Khi em vào dân quân bố cho em. Giờ anh vào chiến trường, anh giữ lấy để ngụy trang và quàng cho ấm. Anh chưa hết sốt mà. Với lại, biết đâu ngày chiến thắng, nó sẽ là của tin để chúng mình nhận ra nhau…!

Tuyết chớp chớp mắt. Người em đứng sát ngay trước mặt, gần đến nỗi tôi nghe rõ nhịp tim em dưới vồng ngực căng tròn đập liên hồi. Đôi mắt em ngước nhìn tôi, thăm thẳm, giằng níu.

Sáng hôm sau, đơn vị tôi hành quân. Chúng tôi băng qua những con đường ngập nắng phương Nam ngổn ngang xe pháo, quần áo, súng ống địch vứt bỏ trên đường tháo chạy, tiến thẳng về Sài Gòn. 17 giờ 15 phút ngày 26 - 4 - 1975, sau trận nã pháo dữ dội của pháo binh ta, được xe tăng yểm trợ, đại đội tôi cùng tiểu đoàn bộ binh chia làm hai mũi ào ạt tấn công căn cứ Nước Trong, một cái chốt chặn trong vành đai phòng thủ Sài Gòn. Tôi ôm khẩu B41 lao lên đúng tầm để diệt một lô cốt địch đang điên cuồng nhả đạn về phía cửa mở, bỗng thấy hông mình lạnh buốt.  Sờ tay xuống, thì ra một mảnh đạn cối của địch đã chém vào đó, vết thương rộng hoác. Băng cá nhân rơi đâu mất. Mà với vết thương đó, băng cá nhân cũng không băng được. Chợt nhớ đến chiếc khăn dù em trao quàng trên cổ, tôi vội cởi ra quấn mấy vòng nơi vết thương, cột chặt lại. Gắng hết sức, tôi quỳ xuống nâng khẩu B41 lên vai nhằm thẳng vào lô cốt địch. Khi chớp lửa quả đạn bùng lên soi rõ từng mảng bê tông vỡ toác, tung tóe, cũng là lúc mắt tôi hoa lên, tối sầm lại. Tôi ngất lịm đi…

Những đoàn xe qua Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh tư liệu

Sau ngày đất nước toàn thắng, tôi phải điều trị vết thương rồi an dưỡng tận Ninh Bình, tôi chưa về Thành Sen được. Khi trở lại tìm em, tôi mới ngớ người. Tìm đến căn nhà tôi “bị bắt” ngày nào, căn nhà không còn nữa. Giữa thị xã đang hồi sinh, người khắp nơi đổ về, có bao cô gái tên Tuyết, tôi biết tìm em nơi đâu? Bao nhiêu năm qua rồi, ánh mắt em trong đêm mưa tầm tã ấy, trong lòng tôi chẳng thể nào nguôi ngoai được. Mỗi lúc nhớ về em, người con gái Thành Sen trong đêm vào trận Tổng tấn công lịch sử năm ấy, tôi lại đưa chiếc khăn dù “của tin” ra mân mê từng sợi vải và thấy mình thật có lỗi. Phải chi ngày ấy, khi chia tay, tôi nói được với em một lời…!

N.X.D

. . . . .
Loading the player...