24-01-2023 - 11:30

Truyện ký HỒI ỨC LÀNG TRÌNH của Tác giả Trần Hành Sơn

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Quý Mão (197+198) phát hành tháng 1/2023 trân trọng giới thiệu Truyện ký HỒI ỨC LÀNG TRÌNH của Tác giả Trần Hành Sơn

TRẦN HÀNH SƠN

HỒI ỨC LÀNG TRÌNH

                                                                                                      Truyện ký

 

Làng tôi xưa gọi là làng Trình (nay thuộc xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Sừng sững trước cổng làng là cây đa trăm tuổi “ba nhánh bảy chồi”. Đã từng chiêm ngưỡng nhiều cây đa cổ thụ nhưng không ở đâu có cây đa như đa làng Trình. Đó là cây đa trông vừa cổ kính, kỳ dị vừa nghiêm nghị đã trải qua năm tháng phong trần buồn vui, đau khổ của trần thế. Thân đa xù xì, da bạc phếch, lốm đốm trắng mốc, rễ đan thành những bức nhũ buông thõng như lọng vua, lọng chúa. Chùm gốc đa gồm nhiều thân, ở giữa là gốc đa chúa, to lớn dễ đến dăm người ôm không xuể…Đó là cây đa hoàn toàn thoát tục, như đã trải qua khổ hạnh tu hành.

Nằm cạnh đường cái là giếng làng, bạn đời của cây đa.

Giếng có từ lúc nào, ai đào và xây nên nó cũng chẳng biết, chỉ nhớ khi tôi lớn lên đã lon ton theo mẹ ra giếng tắm. Tuổi thơ tôi gắn liền với giếng cùng vô vàn kí ức thiêng liêng. Giếng hình tròn, bán kính khoảng 1,5 m, to lớn đồ sộ chiếm cả một góc làng. Thành giếng rộng được gia cố bằng xi măng, bên trong nhiều chỗ rêu phong và cây dương xỉ như minh chứng cho mọi người biết nó đã có từ lâu đời. Xung quanh giếng là những bờ cây mụ bà, cây dứa ... có những khoảng cây tua tủa buông xuống thảm cỏ xanh cạnh giếng trông như những cánh tay. Đêm hè, chúng tôi thường rủ nhau ra giếng tắm và nằm trên thảm cỏ - nhất là những đêm trăng sáng. Trước mặt chúng tôi, trông về phương Đông là cánh đồng lúa cùng bàu cá và dãy ao làng. Trăng dào dạt trên thảm cỏ, trăng in hình lung linh đáy giếng, trăng vằng vặc khắp cánh đồng.

Xế về hướng Tây Bắc là vùng ao hồ mênh mông, thơ mộng. Từ những năm 75 về trước vùng đất này có thể nói là nơi đẹp nhất của làng Trình. Một hồ nước rộng khoảng năm mẫu; quanh năm nước trong xanh soi bóng cây dừa, chuối và vô vàn cây ăn quả khác. Quê tôi còn gọi là Bàu như để khắc ghi công đào đất cất bờ của cha anh. Tôi còn nhớ những năm 66,67 gì đó cha tôi cùng các trai làng Trình ngày đêm cật lực đi đào đất. Khi bọn trẻ con chúng tôi bắt đầu đi ngủ, cũng là lúc tiếng tù và rúc lên cùng với tiếng mõ, trống… tạo thành một bản nhạc hùng tráng thúc dục mọi người ra đồng đào đất để tránh máy bay Mỹ. Tiếng xẻng, cuốc, tiếng kĩu kịt của đòn gánh, tiếng chân bước thình thịch, hối hả…

Bàu là nơi lũ trẻ chúng tôi nô đùa, một phần cuộc sống được bắt nguồn từ đó và trở thành hành trang vào đời. Những ngày hè mãi mãi không bao giờ quên. Ban ngày nắng như thiêu đốt, chúng tôi đứa nào cũng trần như nhộng hì hụp, ngụp lặn bắt tôm tép, da đứa nào cũng đen nhánh như cột nhà cháy. Bàu cũng là bể bơi lớn nhất lúc bấy giờ. Làng tôi từ tấm mén anh trước em sau đều uống nước bàu và dạy nhau bơi lội. Bàu cũng là kho hải sản phong phú. Hầu như tất cả các loài cá nước ngọt đều có mặt và đàn đàn lũ lũ sinh sôi, nẩy nở. Chẳng có năm nào bàu cạn rộc nước. Cứ đến dịp rằm tháng Bảy làng lại tổ chức tát bàu. Xóm dưới, làng trên nô nức như đi hội. Tất cả hải sản đều được tập trung đưa về BQT định giá bán cho bà con.

Anh Cả tôi là người phụ trách máy bơm. Sau một thời gian được xã cử đi học lớp cơ khí cấp tốc ở Đức Thọ, anh tôi được bà con giao cho chiếc máy bơm này. Những đêm trăng sáng tiếng máy nổ giòn dã vang lên, nước từ vòi bơm tuôn trắng xóa và chảy len lỏi, lững lờ trên các nẻo đường ra đồng ruộng. Anh tôi ngồi trên chõng tre cùng với các cô gái. Ánh trăng nõn nà, mịn màng trên bờ vai thon thả, lấp lóa trên mái tóc dài và khuôn mặt xinh tươi của các cô gái rồi bất ngờ tỏa ánh sáng trắng bệch trên bệ máy bơm. Trăng chảy tràn trên cánh đồng, róc rách, róc rách tiếng nước đùa trong ruộng lúa. Chúng tôi tập nghi thức đội xong rủ nhau ra xem máy bơm chạy và lội xuống mương bắt cá. Những con cá mái mương, cá rô, cá diếc, cá chép bằng hai ngón tay lượn lờ dưới ánh trăng trông thật dễ thương. Chúng được trả lại bàu ao trong bàn tay phóng sinh của chúng tôi. Các cô gái đã về hết, chúng tôi vào lán chơi với anh. Các trò chơi dân gian được bày ra. Anh làm trọng tài và cổ vũ hết mình. Vầng trăng lên cao, ánh trăng vằng vặc, âm thanh máy bơm hòa tan trong tiếng cười đùa, hò hét. Đồng đã no nước, lúa đang vươn lá phởn phơ.

Làng bát ngát trăng. Đẹp quá! Những khu vườn trĩu quả, những rặng tre mờ ảo, những cánh đồng rộng rãi, những ngôi nhà lúp xúp đang tắm trăng. Hết nô đùa chúng tôi ngồi bên anh thả hồn man mác; rồi nằm ngửa đếm sao trời. Xa xa là khu chăn nuôi le lói ánh đèn dầu như vết son chấm phả trong màn trăng huyền ảo. Hình như gió nồm bắt đầu thổi; những tàu dừa khẽ khàng chuyển động rồi rào rạt như những chiếc quạt khổng lồ nô dỡn dưới ánh trăng. Chúng tôi thiu thiu mắt và thiếp đi trong giấc ngủ ngon lành. Tiếng gà ở khu chăn nuôi cất lên và tiếp theo là bản nhạc hòa tấu khắp làng như giãn trăng ra và dồn bóng đêm về một góc.

Những năm ấy làng tôi bao giờ cũng dẫn đầu phong trào thi đua toàn huyện. Chiến tranh không thể nào khuất phục được tinh thần “Vì miền Nam, vì thống nhất đất nước” của vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Lớp lớp trai làng lên đường tòng quân ra mặt trận, nụ cười chiến thắng lấp lánh trên những rặng dừa, ao cá và đồng ruộng thân yêu!

Hầu hết đàn ông của làng đều đi biển. Khoảng bốn giờ chiều khi mặt trời còn non một cây sào, các trai làng gọi nhau ra biển. Trong ánh hoàng hôn, mặt biển lấp lánh ánh vàng, những chiếc thuyền giong buồm ra khơi. Trong đêm, thuyền và biển, người và cá cùng mơn man với gió và trời! Chẳng có lãng mạn và nên thơ như các nghệ sỹ tưởng tượng đâu - cha tôi kể - cực nhọc lắm! Sóng biển dồi cao, vò xé từng cơn buồn ngủ và say sóng nôn ra nước mật vàng. Hàng muôn âm thanh huyên náo, phải cật lực, kiệt sức kéo lưới, các động tác phải nhanh, dứt khoát. Một con cá hàng tạ mồ hôi mà!

Vui nhất là đi hôi cá. Có buổi thuyền về trong đêm, cá đã được chuyển về kho HTX. Lũ trẻ chúng tôi đi hôi cá. Dọc bờ biển cá còn sót lại khi giũ, giặt lưới, khi cho cá vào rổ tràng lường. Lấp lánh cơ man nào là ánh đèn: đèn bão (một loại đèn dầu), đèn pin quét đi quét lại lia lịa như muôn vàn vì sao rơi xuống biển. Tiếng cười, tiếng hát cùng với những câu hò ví dặm theo gió lào bay xa ra biển, trập triềng trong sóng đại dương. Rồi cá đưa về sân kho HTX. Cô đội trưởng cùng các chị em chia ra từng phần theo số điểm mà mỗi nhà đạt được. Tuyệt nhiên không hề có đàn ông! Họ chỉ biết đánh bắt cá ở biển, còn chia phần là việc của phụ nữ. Nhà tôi cũng được chia phần mặc dù cha tôi không đi biển, nhưng lại là hộ nằm trong làng biển (cha tôi đi công nhân). Mẹ tôi chọn những con to nhất, ngon nhất khi thì nướng để sáng mai mang ra chợ Đình bán, khi thì bày lên mẹt bảo tôi và đứa em gái đi bán rao dọc đường. Số còn lại mẹ tôi kho mặn, hoặc bác mắm để chia cho các con trong bữa ăn.

Thỉnh thoảng Cha tôi về và tham gia đi biển. Buổi trưa tôi phải đưa cơm cho cha. Đó là một “mủng quai” (giống như cái giỏ đan bằng tre) mẹ tôi nén chặt hai bát cơm hấp khoai khô, vài con mắm, dăm quả cà và lọ nước chè. Bữa ăn chỉ vậy mà giữa trùng khơi sóng to gió lớn không bao giờ khuất phục được ông, không bao giờ khuất phục được trai làng biển!

Thích nhất là những ngày hè. Làng chỉ có một con đường lớn vắt qua những cánh đồng rộng rãi và xóm làng trù phú, nhẫy nhượt với vô vàn vườn cây ăn quả. Buổi trưa, bầu trời xanh như ngọc, những cánh đồng sau mùa gặt chỉ còn trơ gốc rạ, đàn bò ung dung gặm cỏ. Chúng tôi ngồi sau rặng tre thả diều. Những cánh diều cong như vành trăng vút lên, lơ lửng, tiếng sáo ru êm trong nồm nam mát rượi. Ôi, những mùa trăng, những đêm trăng đẹp, huyền diệu! Làng hiện lên mờ ảo như mơ! Ánh trăng vằng vặc soi rõ những ngôi nhà, những vườn cây xanh; ánh trăng vắt trên ngọn tre, nồng nàn trên khắp nẻo đường. Trăng tràn trên khu chăn nuôi, nhẫy nhượt trên các cánh đồng, ao làng… Chúng tôi nô đùa dưới trăng suốt đêm, nhiều đứa ngủ trên đống rạ, sớm mai mới trở về nhà.

Nhiều đêm chúng tôi kéo nhau ra biển. Về đêm mặt biển như một thảm đen khổng lồ, những làn sóng lấp lánh ánh bạc nhẹ nhàng đuổi theo nhau vào bờ. Ánh trăng đổ tràn trên thảm biển, xa xa là Hòn Mắt thức giữa trùng khơi. Bầy trẻ chúng tôi tha hồ hét, tha hồ giỡn trong tiếng sóng biển ì ầm với những thảm cát mịn mềm.

Chúng tôi lớn lên tung bay khắp bốn phương trời với hoài bão của tuổi thanh xuân. Mỗi khi trở về làng, những ký ức xưa lại trỗi dậy, phong cảnh lãng mạn, thanh bình với vẻ đẹp trong trẻo của vùng quê hiện lên, hiện lên như những cung bậc trầm tích trong vỉa đất của ông cha. Làng Trình nay đã thành xã Nông thôn mới với vẻ đẹp hiện đại, trẻ trung, dạt dào sức sống. Xuân này, bên gốc đa xưa chúng tôi ngồi cùng nhau nhâm nhi ly café và thả hồn man mác trong khúc ru của quê hương. Những cánh đồng lúa đương thì con gái phả vào không gian mùi hương thanh khiết. Những kí ức xa xưa hiện về đầy thương nhớ...

    Nghi Xuân, Xuân 2023

                            T.H.S

Bình yên (ảnh: Lê Mạnh Thắng)

. . . . .
Loading the player...