21-08-2023 - 00:53

Truyện ngắn BẠN CÙNG TÊN của Tác giả Trần Hậu Thịnh

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu Truyện ngắn BẠN CÙNG TÊN của Tác giả Trần Hậu Thịnh

trần hậu thịnh

bạn cùng tên         

                              Truyện ngắn

 

Con tàu Đại Dương lừ đừ cập bến Cửa Ông. Từng đợt sóng xô bờ tung bọt trắng xóa rồi neo lên mớp đá những mẫu rác vỡ vụn tươm tả. Đàn hải âu vỗ cánh bay lên như chào đón vị khách lâu ngày trở về. Ninh Hải khệ nệ với một cái va ly lớn bước ra khỏi boong tàu. Nơi mé nước, chỗ tiếp giáp giữa bến và bờ là một chiếc xe của cục Hàng hải đã đậu sẵn đang chờ anh sau chuyến hải trình dài.

Thấy Ninh Hải bước ra, người tài xế khúm núm mở cửa: Mời anh lên xe.

Ninh Hải như không nghe lời tài xế, anh lặng lẽ ngước mắt nhìn hàng phượng vĩ đỏ rực trên đầu. Vào hạ tiếng ve râm ran như nhắc lại buổi chia tay của tuổi học trò thời quá vãng. Chần chừ một lúc Ninh Hải trả lời: “À! Hôm nay tự dưng tôi muốn đi bộ một lúc. Anh cứ về trước đi!” Dứt lời, anh chậm rãi bước đi. Đường phố như được trang trí thảm đỏ. Ninh Hải bước chậm rãi như đếm chuỗi thời gian đi qua cuộc đời. Phút chốc anh thấy chênh chao trong hoài niệm về một thời sinh viên áo trắng và ngày tan trường với những cánh phượng hồng lưu luyến buổi chia tay.

Một ông xe ôm từ xa trông thấy khách sộp, ông hớn hở vù ga phóng tới. “Lên xe em chở một đoạn sếp!”

Ninh Hải nhìn người xe ôm với vẻ mặt không vui.

“Tôi thích tản bộ”.

Người xe ôm thất vọng quay ngoặt xe biến mất sau hàng phượng vĩ xù xì rồi chìm vào con phố ồn ào.

Ninh Hải đang miên man như một liêu trai lạc lối giữa chốn địa đàng thì điện thoại đổ chuông “Chồng của em đâu rồi. Em đã bật máy lạnh và chuẩn bị mấy món thức ăn, giờ nguội rồi nè”. Ninh Hải bước nhanh hơn.

*

Ngôi nhà bốn tầng tráng lệ nằm ở ngã tư đường lớn chỉ mình Huyền Trang, người vợ mới cưới năm tháng của anh ở khiến Ninh Hải chạnh lòng. Anh như còn nghe văng vẳng bên tai lời nói của vợ trong đêm tân hôn “Chồng ơi! Mình đi làm xa gì nữa, xa chồng em buồn lắm” mà thật không thể giải thích làm sao cho vợ hiểu. Đời người, miệng ăn núi lở, mình còn làm được ra tiền mỗi người cứ phải cố một tí.

Đằng xa người vợ mặc váy trắng đứng dưới tán ô xanh, thỉnh thoảng lại có ngọn gió vờn qua, làm người và ô cứ nghiêng nghiêng như đang ngã ngớn. Chân Ninh Hải bước nhanh hơn với cả con tim đập thánh thót trong lồng ngực. Khoảng cách hai vợ chồng dần thu hẹp. Thấy chồng, Huyền Trang như không kìm nổi, cô chạy ra. Cây ô bị gió làm cô giật lùi ra. Cô chao đảo suýt đâm đầu vào người đi xe ôm đang chạy phía sau. Người xe ôm phanh xe két, nghe cả mùi cháy khét lẹt trên mặt đường buông một câu chửi đổng một câu: “Ngứa mỡ hả?”.

Ninh Hải hơi chột dạ khi nhận ra đây là ông xe ôm mà mình đã gặp đầu chiều. Anh chưa kịp xin lỗi thì ông ta đã vù ga biến mất, để lại một làn khói bạc.

Huyền Trang gấp ô trao tay chồng. Cô giành lấy va ly và nũng nịu:

“Sao anh không đi xe cho nhanh lại đỡ mệt. Để người ta chờ. Lần này về là phải cho em một thằng cu rồi anh muốn đi đâu thì đi”. Ninh Hải ghé vào tai vợ thì thầm: “Nhất định vậy rồi vợ yêu ạ. Anh sẽ đặt tên cho con chúng ta là Hoàng Hải. Em có biết Hoàng Hải nghĩa là gì không? Là một ông vua của biển đấy”

Một người đàn ông có lẽ không có hạnh phúc gì bằng được sống trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi sang trọng của mình với một người vợ quyến rũ và chiều chuộng. Xong bữa cơm tối đằm thắm, lại có chút men nồng của rượu nặng, vợ chồng họ lên giường với ý nguyện đêm nay sẽ sản sinh một quý tử như mong ước. Và đặt tên là Hoàng Hải. Chắc chắn như thế. Bây giờ họ chỉ có mơ ước ấy thôi.

Hai vợ chồng đang quấn quýt như đôi sam cạn thì có tiếng chuông cửa réo liên hồi. Hai người giật mình bừng tỉnh. Huyền Trang vẻ bực bội dụi mắt rồi nũng nịu gỡ vòng tay âu yếm của chồng lạch bạch bước xuống. Vừa đi cô vừa thả giọng bực bội: Thằng nào mà nhấn chuông liên tục thế không biết.

Ngoài khóe cửa lùa, một người đàn ông nước da đen sạm và bị cụt cánh tay phải xuất hiện: “Xin lỗi chị, ở đây là nhà anh Ninh Hải đúng không ạ…”

Huyền Trang liếc nhìn: “Thưa ông đúng rồi đấy, nhưng hôm nay là ngày nghỉ, có việc gì quan trọng không?”

Người đàn ông trả lời: “Chẳng có gì quan trọng đâu chị ạ!”

Huyền Trang liếc nhìn khách hời hợt: “Nếu không có việc gì quan trọng, mời anh ngày mai tới gặp, chồng tôi vẫn ở nhà. Ông xã lái tàu biển thường xuyên đi xa lâu ngày mà. Tôi nói ông hiểu chứ!”

Người đàn ông cười ngượng như nhận ra cái vô duyên của mình, ông đứng nhìn Huyền Trang đi vào phía chân cầu thang. Chẳng biết làm gì hơn, anh lặng lẽ quay gót ra đi. Bên hàng phượng vĩ tiếng ve râm ran gọi bạn sầu làm lòng anh buồn man mác.

Ninh Hải thấy vợ bước vào liền hỏi: “Ai vậy em”.

Huyền Trang trả lời: Không biết cái thằng cha nào, giọng lơ lớ miền Trung, hơi gầy, da đen sạm lại cụt cánh tay phải, tự xưng là bạn của anh.

Ninh Hải đặt tay lên trán chốc lát rồi trả lời vợ: Đời anh chưa bao giờ có thằng bạn nào như thế, em gắng kiểm tra lại cửa, nhớ khóa cẩn thận, thời buổi này thiếu gì kẻ tích cực phát huy sự nhầm để “đập hộp” khi chủ nhà lơ đễnh đấy. Em yên tâm ngày mai anh sẽ gỡ bỏ cái chuông ấy đi. Giờ em ra xem nó có lân la ở đó nữa không?

Huyền Trang bước ra kiểm tra khóa. Người khách lạ chẳng thấy đâu. Ở nách cửa xuất hiện một mảnh giấy. Huyền Trang rút ra không thèm xem. Mẫu giấy có mấy lời, chữ viết nghệch ngoạc như người mới xóa mù chữ. Huyền Trang đưa mẫu giấy cho chồng xem. “Ninh Hải thân mến, đã gần 20 năm cách biệt, nay mình mới ra thăm đất cảng, thăm lại mái trường xưa, thăm sức khỏe những người thầy và bạn cũ. Tình cờ biết địa chỉ của cậu, mình ghé vào hỏi thăm. Mình ngố quá vì tới hơi sớm làm mất giấc ngủ của vợ chồng cậu. Hẹn 5 giờ chiều mai gặp lại. Ký tên: Bạn cùng tên N.H”.

Ninh Hải từ khi nhận mảnh giấy, khuôn mặt đầy đăm chiêu, anh mở toang cửa sổ nhìn ra ngoài trời. Ngoài kia những bóng đèn điện vẫn dửng dưng tỏa sáng. Tiếng ve đã bớt ồn ào hơn. Trong thời điểm này, bức thư chẳng làm phương hại tới gia đình và người thủy thủ, nhưng nó như một đoạn băng ghi hình quay chậm đủ lôi Ninh Hải về quá khứ thời sinh viên ê chề và sống động. Có lúc nó như một hòn đá đang đè nặng lên trái tim. Khắc khoải. Anh không muốn kéo quá khứ về thực tại. Nhưng quá khứ như một con quái thú có bản năng nó chỉ khơi dậy khi cuộc đời không yên lặng, nó bùng lên đưa đau thương đã qua chèn vào niềm hạnh phúc đang có.

Một lát sau anh lặng lẽ bước nói với Huyền Trang “Sáng mai em ra chợ mua cho anh một ít đồ nhắm thật ngon nhé. Anh có bạn”

*

Năm ấy trường Đại học H mở lớp chiêu sinh khóa mới. Mọi thí sinh nam độ tuổi mười tám đôi mươi trên mọi miền đất nước lại hội tụ về địa điểm thi. Trong đó có một thí sinh tên là Ninh Hải và người kia là Nam Hải.

Nam Hải, sinh ra ở miền đất trung du tỉnh Quảng Nam, quê Nam Hải đất cằn sỏi đá, nhưng những con người sinh ra ở đây luôn thủy chung và nặng nghĩa ân tình như đất dính Quảng Nam, như men rượu Hồng Đào.

Còn Ninh Hải sinh ra nơi phố cảng Quảng Ninh. Nơi đây đất mỏ thân yêu, gắn liền với cuộc sống của những người thợ hầm lò lam lũ và đen đúa, cùng những con tàu rẽ sóng ra khơi. Từ buổi còn thơ ấu phố cảng đã dìu dắt và hình thành trong lòng Ninh Hải những ước mơ hoài bão: Phải làm chủ những con tàu để khám phá bao nhiêu điều bí ẩn của Đại Dương bao la. Thế rồi ngày đấu trí của những sĩ tử cũng đến. Số báo danh của Nam Hải và Ninh Hải cũng chỉ cách nhau một đơn vị. Hai người cùng vào một phòng thi, ngồi cùng nhau một ghế. Hai tháng sau kết quả mùa thi cũng mỉm cười với họ. Cả hai cùng đậu rồi cùng học chung một lớp và cùng chung đèn sách trong một căn phòng sáu mét vuông ở ký túc xá của trường. Họ xem nhau như anh em ruột. Từ một chùm nho, quả xoài của miền Trung đưa ra, cho đến một con sò, con mực nơi cửa biển đưa đến họ đều dành cho nhau phần hậu. Tốp sinh viên trong trường thường gọi đùa họ là một cặp tình ái bê đê.

Tình bạn đang thắm như men nồng, tương lai đang mở ra trước ngưỡng cửa cuộc đời thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam bước vào thời kỳ khốc liệt. Bọn Khơme Đỏ thường xuyên gieo rắc tội ác cho đồng bào mấy tỉnh biên giới. Nhà cửa tan hoang, máu người đã đổ. Lúc này mọi sinh viên là người cầm bút tuyến trước nhưng đều là người lính tuyến sau. Tất cả đều chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cởi tà áo thư sinh để khoác lên mình bộ quân phục người lính khi Tổ quốc kêu gọi.

Một hôm từ trường học về ký túc xá, Nam Hải ngạc nhiên khi thấy Ninh Hải vẻ mặt thất thần đang thả màn bí mật thảo một bức thư. Nam Hải hỏi thăm thì Ninh Hải trả lời: “Chết tao rồi mày ơi, họ tên tao đứng đầu tiên trong danh sách đăng ký quân dự bị đợt một. Thế nào thì tao cũng phải vào lính. Đài báo loan tin chiến trận trong ấy khốc liệt lắm. Thế là gần 3 năm đèn sách vất vả mọi niềm hy vọng của tao đến đây đã tiêu tan”. Vừa nói Ninh Hải vừa đưa bức thư viết dở nhờ cầu cứu mong được thoát khỏi danh sách dự bị đợt một cho Nam Hải xem. Nam Hải xem xong liền vứt mảnh giấy xuống đất như vứt xác một côn trùng và động viên bạn: “Đi bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ của thanh niên. Rồi đây, kẻ trước người sau có gì mà cậu lo toáng lên thế. Sống chết hay công danh mỗi người đều có số phận”. Ninh Hải như bị xúc phạm, liền gắt gỏng: “Cậu học trường tuyên huấn từ hôm nào vậy, mình không cần sự dạy bảo và mớ lý thuyết suông của cậu”. Nam Hải lại bình tỉnh nhẹ nhàng: “Thế cậu bảo ai cũng lo vào đại học để mai đây giàu sang thì ai đi đánh giặc để bảo vệ sự bình yên cho đất nước khi có giặc xâm lăng. Mình rất tiếc là diện con một nên chưa có danh sách đợt này”. Ninh Hải to tiếng: “Cậu dám hy sinh như vậy thì lên ban quân sự nhà trường đăng ký đi. Ở lại học để lấy bằng sau này làm một thuyền trưởng hay kỹ sư mới khó còn lao đầu vào khói lửa như một con thiêu thân thì dễ ợt”. Nam Hải im lặng. Ninh Hải thở dài nói tiếp:

“Rồi đây mình lên đường vào trận mạc, căn phòng nhỏ bé này nhường cho cậu, cậu lại có thầy cũ, bạn mới mất gì đâu mà không an ủi mình”.

Thế là tình bạn cao đẹp được vun đắp trong ba năm nay bỗng tan tành sau mấy câu cãi vã. Im lặng chốc lát, Nam Hải nói dõng dạc: “Thôi được, để mình lên hội đồng nhà trường xin đăng ký đi lính đợt này, nếu đạt nguyện vọng thì hai đứa cùng sống chết với nhau. Và nếu vì sự nghiệp để vinh danh cho tương lai sau này thì cậu cứ ở lại trường học hành. Nam Hải này sẽ sang tên đổi họ cho Ninh Hải”. Thế rồi tình bạn lại gắn kết như buổi ban đầu, nhưng một tuần sau không hiểu lý do gì, con đường nào mà mọi người lại thấy Nam Hải trút lại bộ quần áo thư sinh, tuyên thề dưới lá cờ Tổ quốc, khoác lên mình bộ quân phục người lính. Còn Ninh Hải vẫn âm thầm ở lại đeo đuổi khát vọng vinh quang. Lúc chia tay Nam Hải không quên gửi lại người bạn cùng tên quê Quảng Ninh tập sách còn dang dở và mấy dòng lưu bút.

Đã năm giờ chiều, cái nắng xiên khoai đổ dài trên những mái nhà lô nhô. Trong ngôi nhà đầm ấm của vợ chồng họ vẫn một mâm cơm lạnh ngắt. Huyền Trang giục chồng mấy lần nhưng chỉ nhận được câu trả lời là buồn thiu: “Em đừng nóng ruột, hãy ráng chờ bạn anh tý. Chẳng sao, người ta chờ anh cả năm trời đó em ạ”.

Huyền Trang cứ đoán mò trong thắc thỏm: Việc gì đến nó sẽ đến. Không biết người bạn của chồng mình thế nào? Chẳng nhẽ lại là ông cụt ấy sao? Cô hy vọng không bao giờ con người ấy lại xuất hiện trong ngôi nhà này.

Nóng ruột lại có chút ân hận, Ninh Hải bần thần bỏ mặc vợ, một mình mở cửa chạy thốc ra ngoài đường với hy vọng gặp được người bạn cùng tên năm xưa. Giờ chắc đang ở một gốc cây hay một quán cóc nào đó. Anh vừa chạy ra cổng thì lại gặp ngay ông xe ôm đang dựng xe ở gốc phượng vĩ, màu hoa nay đã úa màu. Ninh Hải chưa kịp hỏi han thì ông xe ôm đã lên tiếng: Nhà anh đó phải không ạ. Ban nãy tôi thấy một người bị cụt tay phải đứng trước cổng rất lâu vẻ đợi chờ, sắc mặt bâng khuâng như nóng ruột lắm.

Ninh Hải vội hỏi: Vậy ông ta đâu? Đi về hướng nào. Ông biết không?

- Tôi không để ý ạ! Ông xe ôm trả lời bâng quơ và hướng mắt nhìn xa xăm như đợi chờ ai đó.

Ninh Hải tiến lại gần và nhẹ nhàng: Giờ bác chở em vài vòng, xung quanh mấy góc phố ở đây được không? Bao nhiêu tiền em trả.

Ông xe ôm lắc đầu: Cảm ơn ông, tôi đang hẹn một người khách tí họ ra đây, chở về Cẩm Phả, nên không đi được ạ!

Ninh Hải thất vọng sờ tay vào túi quần nắm bóp tiền rồi gọi một taxi đang đậu gần đấy. “Anh cho tôi dạo mấy vòng. Nhớ đi chậm để tôi còn quan sát…”.

Chiếc taxi chậm rãi lăn bánh. Chừng ba mươi phút sau lại quay về chỗ cũ. Cửa mở, Ninh Hải bước ra khỏi xe, lặng lẽ đi vào nhà. Gặp Huyền Trang anh cố giữ tâm trạng vui vẻ “Vào ăn cơm đi em. Giờ chắc đã lạnh ngắt rồi”. Huyền Trang vui vẻ: À, thứ đó không dùng nữa, em đã nấu cơm mới và thay thức ăn cho anh.

Ngồi vào mâm cơm nhưng sắc mặt Ninh Hải vẫn bần thần như vừa qua một cuộc thôi miên. Anh không muốn kể về quá khứ cho vợ nghe. Ninh Hải im lặng chờ đợi. Bến cảng vẫn tiếng còi tàu giục giã. Hàng phượng vĩ vẫn đội hoa lên đầu trong tiếng ve râm ran báo hiệu một mùa thi Đại học nữa lại tới. Trên mọi nẻo đường tất bật hôm nay, ai hay, ai biết còn có một người đàn ông đang làm lại cuộc đời từ bàn tay trái.

                                           T.H.T

ảnh nguôn ITN

 

 

 

 

 

 

. . . . .
Loading the player...