Tạp chí Hồng Lĩnh số 225 phát hành tháng 5/2025 trân trọng giới thiệu Truyện ngắn Gia sư của Tác giả Thái Sơn
GIA SƯ
Truyện ngắn
NGUYỄN THÁI SƠN
Ánh mắt nó nhìn tôi lạ lắm. Ngưỡng mộ, quyến luyến, da diết, gần gũi… Chắc chắn đó là tất cả lý do để tôi trở thành gia sư bất đắc dĩ!
Tôi là kẻ bất tài, vô dụng. Suốt mấy chục năm cuộc đời chẳng làm nên trò trống gì. Tài sản đáng kể mà tôi có, cho đến lúc nghỉ hưu non, chỉ có một căn nhà cấp bốn chó nằm lòi đuôi và một cây guitar cũ. Một tấm bằng thạc sĩ văn hoá nghệ thuật với một mớ chứng chỉ hỗn độn tiếng Việt lẫn tiếng Anh và ít bài thơ tự sáng tác, ngợi ca tình yêu rỗng toẹt và ngu ngốc… Tóm lại, tôi nghèo như thổ tả! Đã nghèo còn mắc bệnh hoang tưởng, cứ nghĩ mình là thiên tài!
Khi Đồng, ông ngoại thằng bé, đề nghị tôi làm gia sư, tôi hơi ngạc nhiên và chần chừ. Nhưng khi hắn đưa ra mức lương 10 triệu một tháng, thì tôi phải đắn đo. Nghỉ hưu non vài năm, tôi nhận ra tiền bạc thiếu thốn, hụt hẫng. Tôi phải nuôi mình với một đứa con gần ba mươi tuổi không có khả năng lao động, với mức lương hưu chỉ chưa đầy 6 triệu một tháng. Cầm cái bằng thạc sĩ đến mấy trường đại học xin dạy thỉnh giảng không chỗ nào nhận. Đến trường quèn cấp tỉnh cũng bị từ chối. Lý do là đã đủ biên chế, nếu nhận tôi, giáo viên cơ hữu sẽ bị mất việc…
Đồng là chủ doanh nghiệp vận tải ô-tô. Rất giàu. Hắn có cả một cơ ngơi đồ sộ, rộng hàng ngàn mét vuông, toạ lạc bên quốc lộ 51. Một căn biệt thự to nhất khu vực Ngã tư Vũng Tàu. Tôi không tài nào hiểu được, tại sao người ta lại có thể làm giàu được đến thế? Đồng thích chơi sang hay giao du với giới nghệ sĩ, thích tụ tập bạn bè, toàn những kẻ có máu mặt để ăn nhậu, hát hò và khoe mẽ. Tôi biết Đồng là do cô bạn ca sĩ Phương Linh, nguyên giảng viên Nhạc viện Hà Nội, lôi đến nhà Đồng hôm sinh nhật lần thứ 60 của hắn, đệm đàn cho cô. Riêng khoản đàn hát thì tôi có biệt tài, với nữa, tôi dễ tính, chẳng đòi hỏi gì.
… Nó tên Duy, 6 tuổi. Gầy nhỏ, làn da trắng xanh, tóc xoăn. Những lọn tóc quấn vào nhau, dính bết vào trán vì mồ hôi. Nó đứng cạnh khi tôi lên dây, thử đàn. Nó chăm chắm nhìn, không nói gì. “Cháu thích đàn à”? Nó gật đầu, bẽn lẽn. Tôi đưa cây đàn cho thằng bé. Nó không dám cầm nhưng vẫn đưa bàn tay ra, quẹt qua quẹt về những sợi dây. Tiếng rèng rèng nổi lên. Thằng bé đỏ mặt ngước nhìn tôi, ánh mắt không dấu được vẻ ngượng ngùng, thích thú.
Khi tiệc tan, Duy vẫn ngồi nguyên chỗ cũ chờ tôi. Nó vẫn vậy, nhìn tôi mà không nói một lời. Không nói, nhưng tôi biết, dù bữa tiệc có kéo dài thêm vài giờ nữa, nó vẫn ngồi đó chờ đợi. Thằng bé làm tôi băn khoăn. Có điều gì đó sâu xa hơn cả sự ngưỡng mộ trong ánh mắt nhìn của nó. Tha thiết lắm. Nồng nàn lắm… Nó làm tôi bỗng nhớ về tuổi thơ xa xôi của mình.
Hồi đó chiến tranh còn chưa xảy ra, Mỹ chưa đánh phá miền Bắc. Tôi khi đó cũng 6 tuổi, bằng tuổi thằng Duy bây giờ, đang học vỡ lòng. Dịp hè, dưới cây cột đèn toả thứ ánh sáng vàng vọt, tù mù, cha tôi hay ngồi gảy đàn măng-đô-lin cho bọn trẻ con trong dãy phố Lê Bình chúng tôi múa, hát. Lũ trẻ tụ tập rất đông. Vui lắm. Tôi thường say sưa, ngơ ngẩn lắng nghe tiếng đàn réo rắt. Khi đó, trong mắt tôi, cha tôi là một thiên tài. Thi thoảng cha cho tôi học đánh đàn. Đôi khi ông cũng dạy cho tôi học đọc, viết những nốt nhạc loằng ngoằng trên dòng kẻ. Tôi thầm mong một ngày nào đó sẽ có thể đàn, hát điêu luyện như cha mình…
Khi lũ máy bay gầm rú, oanh tạc thị xã quê tôi thì những đêm hè vui vẻ đó không còn nữa.
Chiến tranh kéo dài, khốc liệt, tiếng đàn của cha tôi cùng những đêm múa hát chỉ còn là kỉ niệm. Mãi sau này, khi lang thang đi sơ tán hết nơi này, nơi nọ; và cả khi đã lớn khôn, phiêu bạt khắp phương trời kiếm ăn, tôi mới nhận ra rằng, những thời khắc yên bình, hiếm hoi đó quý giá biết nhường nào!
Tôi ở lại nhà Đồng đến hết ngày hôm đó. Thằng Duy rất thích chơi đàn guitar và tỏ ra có năng khiếu. Suốt buổi chiều nó ôm chặt cây đàn của tôi không rời, chăm chú lắng nghe và hăm hở làm theo mọi điều tôi chỉ dẫn. Đồng ngồi cạnh, im lặng dõi theo. Rốt cuộc, một cái hợp đồng miệng giữa tôi với Đồng được thoả thuận. Tôi trở thành gia sư.
Tôi đến nhà Đồng mỗi buổi sáng, buổi chiều thằng Duy đi học ở trường. Lúc đầu tôi chỉ dạy cho Duy chơi đàn, về sau, khi đã quá thân quen, tôi dạy dỗ, kèm cặp nó tất cả những gì nó cần. Tiếng Anh, tiếng Việt, toán, luyện chữ… Tất tật. Từ khi có tôi thằng bé trở nên chăm chỉ học hành và ngày càng tiến bộ rõ rệt. Tôi quý thằng bé vì nó ngoan ngoãn, dễ thương. Duy cũng quý mến tôi, có lẽ vì tôi là người duy nhất thực sự quan tâm, chăm sóc nó.
Nhà Đồng rất đông người. Ngoài vợ chồng Đồng, thằng Duy và mẹ nó, còn có thằng Thành là con trai út, em mẹ thằng Duy, cùng vợ với 3 đứa con của nó. Đồng là chủ tịch hội đồng, vợ Đồng, bà Hoàng, kế toán trưởng, thằng Thành, tổng giám đốc. Công nhân, lái xe ta-xi, người làm công… nườm nượp ra vào. Ai cũng tất bật lo lắng làm ăn.
Không ai để ý đến thằng Duy và mẹ nó. Mẹ thằng Duy bị bệnh tim, bại liệt và nhiều bệnh khác. Mới đầu, khi nghe Đồng giới thiệu qua về gia cảnh, nói con gái bị bệnh, bị chồng bỏ, tôi không quan tâm lắm vì nghĩ không liên quan. Khi đã trở nên thân thiết, chính thằng Duy giới thiệu tôi với mẹ nó. Nó níu tay tôi, lôi đi, nằng nặc đòi đưa tôi đi gặp mẹ. Ánh mắt trong veo đượm buồn của nó da diết nhìn tôi. Tôi chợt hiểu vì sao ngày đầu tiên gặp, nó đã nhìn tôi và cây đàn của tôi như thế. Sâu thẳm hơn, xa hơn sau ánh mắt đó, là tình mẫu tử thiết tha, đã để tôi không nỡ chối từ…
Căn phòng ở tầng hầm nơi mẹ thằng Duy nằm hầu như tách biệt hẳn với căn nhà 7 tầng lầu phía trên. Một nơi hoàn toàn yên tĩnh, không có tiếng còi xe hơi, không cả tiếng bước chân người. Im ắng như một ngôi nhà mồ. Máy lạnh mở 24/24, ánh sáng đèn neon nhờ nhờ.
Tôi bước vào phòng. Nàng nằm nghiêng, hướng về phía cửa. Thằng Duy nói, mẹ cháu tên Hương, nhưng tôi thích gọi là Nàng hơn vì nhiều lý do. Nàng nằm đó, cơ thể chỉ còn da bọc xương. Mỏng dính. Mong manh. Bất động. Có cảm tưởng như nàng nằm đó từ hàng trăm, hàng ngàn năm rồi. Lâu lắm. Không thể đoán nàng bao nhiêu tuổi. Ba mươi, bốn mươi, cũng có thể là năm, sáu mươi… Tôi giật mình nhận ra gương mặt nàng thật đẹp. Một vẻ đẹp thiên thần, nửa thực, nửa hư. Một gương mặt mà tôi cảm thấy vừa xa lạ, vừa rất quen thân. Gương mặt giống Đức Mẹ Maria mà tôi đã từng ngắm trong nhà thờ khi còn nhỏ. Gương mặt vừa giống người mẹ đã khuất của tôi, vừa giống người vợ đã chia xa của tôi; nhìn kỹ lại thấy giống con gái tôi…
- Mẹ ơi, con kêu thầy giáo đến đàn cho mẹ nghe - Thằng Duy đến bên cạnh nàng, nói khẽ.
Tôi ngồi xuống cạnh giường, nhẹ nhàng đặt tay lên trán nàng. Không sốt, cũng không quá lạnh. Có lẽ nàng nhận ra hơi ấm từ bàn tay tôi. Gương mặt thiên thần của nàng có vẻ hơi thay đổi.
Tôi đàn cho nàng nghe một khúc Bài ca hy vọng. Nàng nghe được tiếng đàn. Tôi đọc thấy điều đó trên gương mặt nàng. Một chút gì đó thay đổi biểu cảm trên gương mặt bất động đó. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để làm tôi cảm thấy bâng khuâng…
*
Gương mặt thiên thần của nàng ám ảnh tôi, làm tôi không nguôi nhớ. Nàng bị bệnh viện trả về, sắp chết. Nàng bị mọi người bỏ rơi… Tất cả những chuyện đó đã để tôi cảm thấy thương nàng. Đúng! Nhưng đó không phải là lý do để tôi luôn muốn ở cạnh nàng. Không chỉ có thế. Tôi vốn là một kẻ si tình. Chính xác hơn là si mê cái đẹp. Tôi yêu phụ nữ đẹp. Tôi luôn nghĩ rằng, trên thế gian đàn bà là thứ đẹp nhất, kỳ diệu nhất mà tạo hoá đã sinh ra. Với tôi, mỗi khi được gần gũi phụ nữ thì đó không chỉ đơn thuần là sinh hoạt tình dục, mà chính xác hơn, tôi đang thưởng thức vẻ đẹp của tạo hoá. Tôi luôn trân trọng điều kỳ diệu đó. Tệ hại hơn, là tôi chỉ thích phụ nữ đẹp không thôi. Điều đó đã làm tôi phải trả giá, nhưng tôi chấp nhận. Bởi tôi là một kẻ xấu xí. Thuở nhỏ, bạn bè gọi tôi là thằng “Lương Cóc rỏm”. Nghĩa là cóc ké, khó ưa. Nhỏ thó. Mặt quắt. Da đen. Tóc quăn tít… Tóm lại là rất xấu xí. Là vậy, nhưng tôi chỉ thích những cô gái đẹp. Thật oái oăm. Có lẽ bởi vậy mà tôi chưa từng được yêu. Không có bất cứ cô gái nào để mắt đến tôi suốt cả một thời trai trẻ! Thời đi học, cả phổ thông lẫn chuyên nghiệp, tôi cố sức tìm kiếm một tình yêu. Tôi sẵn sàng đi bộ xuyên đêm để đưa đón một cô gái từ trường cấp 3 về nhà; hoặc có thể mỗi một chiều thứ bảy lại đạp xe chở cô bạn từ Phúc Yên về Hà Nội, rồi chiều hôm sau trở về trường 50 km, theo chiều ngược lại. Tôi có thể đàn, hát hoặc thổi sáo cho bạn gái nghe bất cứ lúc nào, bao lâu khi cô ấy muốn… Nhưng, tất cả sự hào hiệp, sự cao cả của tình yêu mà tôi dâng hiến đều vô nghĩa. Bởi vì, tôi xấu xí!
Lần đầu tiên được yêu làm tôi suốt đời không thể nào quên. Tôi thích gọi đó là yêu, đơn giản chỉ vì tôi muốn thế. Hôm đó tôi đi từ nhà đến trường sau đợt nghỉ tết. Đoạn đường Vinh - Hà Nội đi tàu hoả. Tàu chợ. Khách đông nghẹt, đứng ngồi la liệt, không có chỗ len chân, người ta phải chen nhau đứng cả chỗ nối toa, bậc lên xuống, phòng vệ sinh… Bẩn thỉu, hôi hám. Nồng nặc mùi mồ hôi người, mùi gia súc. Tàu chạy ì ạch, chậm rì. Tôi vẫn trốn vé như mọi lần. Và may mắn tìm được một chỗ ngồi kín đáo trong đống hàng hoá của mấy mụ buôn trong một khoang vệ sinh. Một chỗ rất êm vì vừa ấm áp, có thể tránh được ánh đèn với cặp mắt soi mói của mấy tay kiểm soát vé, vừa có thể ngả lưng. Khuya, tôi đang chập chờn, liu thiu ngủ theo nhịp lắc lư của đoàn tàu thì có ai đó khẽ đập vào chân. Giật mình, tưởng bị soát vé, bỗng có tiếng cười khích khích. “Ngồi gọn vào cho em ngồi với”- Một giọng con gái thào thào. Chật cứng rồi, ngồi vào đâu? Tôi sẵng giọng. “Duỗi chân ra, em ngồi vào lòng”. Vẫn cười khích khích, cô gái kéo chân tôi. Toa-let không có đèn, tối đen như mực. Không nhìn thấy mặt cô gái, tôi chỉ đoán cô còn trẻ, nhờ nghe giọng nói. Cô gái ngồi quay lưng lại phía tôi, mái tóc dài xoã vào mặt tôi, toả mùi khen khét. Tôi vòng tay ra trước, ôm chặt lấy cô, cảm thấy cặp vú căng, nhọn, ấm áp. Tôi không biết chuyện gì đã xẩy ra nữa. Ấm. Nóng. Đê mê… Gần sáng, cô gái chia tay tôi để xuống ga Thanh Hoá. Cô xuống tàu, bỏ lại mình tôi với tâm trạng trống huơ, trống hoác. Ngẩn ngơ. Tôi chợt nhớ mình không biết tên cô là gì nữa…
Rồi tôi lấy vợ. Vợ tôi rất đẹp. Tôi yêu cô ấy. Đúng hơn là tôi yêu vẻ đẹp của cô ấy. Yêu đến mức, tôi không quan tâm đến bất cứ thứ gì khác, ngoài sắc đẹp. Dòng dõi, học vấn, nhân cách, quá khứ… Tất cả, với tôi đều vô nghĩa. Đến nỗi, tôi cũng không biết vợ tôi có yêu tôi hay chỉ yêu dòng dõi trí thức của tôi, hay đơn giản hơn, chỉ là giây phút mềm lòng khi nghe tiếng sáo của tôi? Nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc, dù sau này tôi đã phải trả giá đắt cho sự ngông cuồng đó. Vợ tôi đã dứt áo bỏ tôi mà đi sau khi sinh cho tôi hai đứa con vẫn còn thơ dại cùng với sự nghèo hèn, túng quẫn. Tôi không trách cô ấy, bởi lẽ, tôi quá xấu xí, còn vợ tôi thì quá đẹp. Phải sống với người chồng vừa nghèo, vừa xấu như tôi chắc cô không vui. Vây quanh cô ấy có quá nhiều những gã đàn ông có tiền, biết nói lời đường mật.
*
Những giây phút bên nàng tôi lại có cảm giác lâng lâng say như những ngày đầu mới cưới. Tôi say sưa ngắm gương mặt đẹp như thiên thần của nàng. Tâm trạng, cảm xúc giống hệt như khi ngắm người yêu đang say ngủ. Tràn ngập yêu thương, hạnh phúc. Sâu thẳm hơn, tự trong tim óc tôi cảm nhận một cách rất chắc chắn, rằng tình yêu thương mà tôi dành cho nàng sẽ được đền đáp một cách công bằng nhất. Sẽ không có bất cứ sự phản bội, bất trắc nào, dù chỉ là trong ý nghĩ. Chắc chắn rồi, với gương mặt nửa thực nửa hư của nàng, tấm thân mỏng manh của nàng, sẽ không bao giờ có thể xảy ra chuyện đó. Và cuối cùng, tình yêu của tôi dành cho nàng, tình yêu nàng dành cho tôi sẽ là trọn vẹn, đủ đầy.
Tôi vẫn dạy dỗ thằng Duy, nhưng cố giành thời gian đến với nàng nhiều hơn. Ban đầu chỉ đơn giản là đàn một bản nhạc, hay hát cho nàng nghe một ca khúc trữ tình nào đó. Dần dà, tôi chăm sóc nàng mọi thứ.
Người giúp việc, một mụ già béo và lười, có nụ cười đôn hậu, dần lảng xa nàng, phó mặc cho tôi. Chắc bà ta vui lắm, tránh xa được thứ của nợ hôi hám. Tôi quanh quẩn bên nàng cả ngày. Không hiểu sao tôi lại cảm thấy vui thích vì chuyện đó. Ở bên nàng tôi luôn có cảm giác là chính mình hơn, trung thực và can đảm, không cần phải gồng mình lên, làm mình làm mẩy hay hoa hoè hoa sói, đỏm giáng và giả tạo trước cái lung linh ảo thuật của cuộc đời. Tôi không còn chúi mũi, căng óc để làm những bài thơ duyên dáng và đần độn, không bổ béo gì cho mình nữa…
Đều đặn mỗi ngày, vào lúc năm giờ, trước giờ ăn tối là tôi bế nàng đi tắm. Tôi chăm sóc nàng tất tật mọi việc, nhưng riêng việc tắm rửa là tôi để ý hơn. Phòng tắm chật và kín đáo cho nên về mặt tâm lý tôi cảm thấy mình thoải mái hơn khi tiếp xúc với nàng. Lâu dần, tôi nhận thấy, có vẻ như nàng cũng mong ngóng, háo hức chờ đợi giây phút này. Tôi thả nàng vào bồn nước ấm, rồi bắt đầu mơn man, nhẹ nhàng kỳ cọ làn da mỏng tang của nàng. Mỗi ngày, những ngón tay của tôi một cách vô thức, dừng lại lâu hơn ở những vị trí nhạy cảm trên cơ thể nàng, tôi cảm nhận một cách rất rõ gương mặt nàng có những thay đổi, dù rất không rõ ràng.
Hơn một lần, tôi tự dằn vặt, liệu tôi có là một kẻ biến thái khốn nạn hay không? Tôi nghiêm túc trả lời mình rằng tôi không hề có ý đó. Tất cả, đơn giản chỉ là vấn đề muốn giành lại sự sống cho nàng. Không hơn! Tất nhiên tôi là một con người, hơn nữa, tôi yêu nàng, cho nên tôi có tình cảm riêng với nàng. Và dĩ nhiên, tình cảm đó sẽ thể hiện qua hành vi, là điều không thể tránh. Lý sự vậy, tôi quyết định tiến xa hơn một bước. Thay vì mát xa cho nàng trong làn nước ấm, tôi làm mát xa khô bằng chính cơ thể mình. Tôi tin, một cơ thể khoẻ mạnh với hơi ấm của tình yêu đích thực chắc chắn sẽ truyền cho nàng nhiều sức sống, nhiều cảm hứng hơn!
Mỗi chiều, tôi nằm vào bồn tắm khô, bế nàng đặt lên người mình rồi nhẹ nhàng chà xát, dịch chuyển cơ thể trần truồng nhẹ bẫng và thanh thoát của nàng trên thân thể cũng hoàn toàn thoát y của tôi. Cách này có vẻ hiệu nghiệm hơn rất nhiều lần so với việc mát xa cho nàng trong nước ấm. Cảm giác như chỉ một lúc sau người nàng ấm lên, làn da mềm mại hơn và thoang thoảng mùi hương…
Không hiểu do sự chăm bẵm tận tuỵ của tôi, hay những bài hát tôi hát cho nàng nghe bằng cả trái tim đã đánh thức nàng. Và rồi, điều kỳ diệu đã xảy ra! Sự sống trong con người nàng trỗi dậy. Sức khoẻ của nàng dần phục hồi. Làn da mỏng, trắng xanh của nàng sắc hồng thở lại, gương mặt trở nên có sinh khí hơn. Những ngón tay dần cử động được nhiều hơn…
Một lần, khi tôi tắm cho nàng, đang bế nàng trần truồng trên tay, nàng bỗng mở mắt nhìn. Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, xa lạ. Nàng nhìn quanh, rồi đăm đăm nhìn tôi. Ngạc nhiên pha lẫn một chút sự xấu hổ. Tôi đọc thấy điều đó trong ánh mắt nàng. Tôi sung sướng đến độ muốn phát khóc, hét to lên: “Sống rồi!”
Nàng sống lại thật, trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người. Cả nhà xúm quanh nàng mừng rỡ hỏi han, trò chuyện. Vui nhất là thằng Duy, nó cười nói cả ngày, điều mà trước đây chưa từng có. Sức khoẻ của nàng hồi phục rất nhanh, tuy thế, vợ chồng Đồng vẫn quyết định nhờ tôi săn sóc như cũ. Đồng hứa trả cho tôi mức lương 30 triệu một tháng, nhưng tôi nói, tôi làm việc này không phải vì tiền nên chỉ xin nhận mức lương cũ.
… Bên tôi, nàng rất vui, cười nói suốt ngày. Có vẻ như nàng không mấy quan tâm về “xuất xứ” của tôi, coi sự hiện diện của tôi như một điều hiển nhiên vậy. Nó giống như cách tôi nghĩ, quan niệm của mình khi lấy vợ. Chỉ có hiện tại, không có quá khứ, không quan tâm đến tương lai. Điều duy nhất quan trọng, đó là tình yêu. Yêu và được yêu! Nàng nói với tôi đủ thứ chuyện trên đời. Rằng, nàng từng ước mơ trở thành ca sỹ, việc không thành nên nàng đi học sư phạm nhạc hoạ, trở thành cô giáo dạy nhạc. Nàng yêu những ca khúc trữ tình, da diết, kiểu như Hạ trắng hay Diễm xưa… Nhưng giờ thì nàng chỉ thích nghe tôi hát. Những bài hát của tôi làm nàng xúc động. Rằng, nàng sẽ yêu tôi say đắm, mãi mãi. Lời nàng phát ra từ cái miệng xinh xắn, đôi môi đang dần thắm lại, cùng với ánh mắt nhìn đắm đuối, trông thật dễ thương. Và tôi tin. Tôi tin nàng bằng một niềm tin từ đáy lòng.
Rồi một ngày đẹp trời, có nắng êm và gió nhẹ, tôi đưa nàng ra ngoài đi dạo trên một chiếc xe lăn. Đó là lần đầu tiên sau hơn 3 năm trời nàng ra khỏi căn phòng như nhà mồ dưới tầng hầm. Vườn nhà nàng rộng, có nhiều lối đi dọc theo những hàng cây cao, toả bóng mát. Nàng say sưa ngắm nhìn bầu trời, khu vườn, lắng nghe tiếng bầy chim sẻ líu ríu trên những tàng cây…
Tôi cung cúc đẩy xe cho nàng đi dạo mỗi chiều, lặng lẽ ngắm nhìn gương mặt thiên thần của nàng, như một đứa trẻ, say sưa ngắm nhìn mọi thứ lạ lẫm xung quanh. Lòng tôi tràn ngập một niềm vui lâng lâng. Lần đầu tiên trong đời mình tôi làm được một việc thực sự có ý nghĩa. Văng vẳng trong đầu tôi câu giáo lý nhà Phật “Cứu một mạng người hơn xây 7 tháp phù đồ”. Tôi cười thầm, đã có một khoảng thời gian dài, rất dài, tôi vẫn hằng nghĩ, những câu thơ tôi viết cũng giống như việc xây Tháp phù đồ!
N.T.S