03-07-2023 - 02:07

Truyện ngắn KẸO BỘT của Tác giả Phan Trung Tuyến

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu truyện ngắn KẸO BỘT của Tác giả Phan Trung Tuyến

NGUYỄN TRUNG TUYẾN

KẸO BỘT        

                              Truyện ngắn

Đời hắn, nếu kể cho ra tấm ra món thì cũng nếm được kha khá mùi cao lương mỹ vị, có thiếu chăng là món gan rồng tỉ phượng hắn chưa được thưởng thức nữa mà thôi. Thế nhưng hắn vẫn cứ thấy thiếu, thấy thèm mấy thứ chẳng đâu vào đâu.

Hôm nay, cô vợ lại ngạc nhiên vì không biết hắn kiếm đâu ra gói kẹo bột, cô vợ phàn nàn:

- Anh tìm đâu ra thứ ấy! Mình thiếu cái gì ăn mà ăn mấy thứ nhiều đường ấy chẳng tốt cho sức khỏe.

Hắn cười:

- Kệ! Thấy ngon thì ăn. Không ai ngăn được đâu nhé!

Nói cho vui vậy. Thực ra thì…

Cả nhà đi vắng cả. Hắn đang thơ thẩn một mình ngoài ngõ thì bà Ký Hai thong thả bước tới. Bà đến thật gần bên hắn. Hắn cảm nhận được hơi thở từ miệng bà ngậm nhâm nhẩm miếng trầu phả ra mùi thơm áp áp, dễ chịu. Bà cầm tay hắn, nghiêng đầu xuống sát mặt hắn, ôn tồn hỏi:

- Nhà mày cả thảy có mấy anh em?

Được Bà Ký để ý hỏi tới, lòng  hắn mừng khôn xiết tả. Bởi vì hắn biết sau câu trả lời thì ít ra hắn cũng sẽ được bà cho một cái kẹo bột. Hắn còn tham lam nghĩ: bà Ký nhiều lần đã phát kẹo bột cho trẻ con trong xóm nhưng anh em nhà nó đã có đứa nào được bà phát cho đâu! May chi bây giờ được bà cho tất cả anh em trong nhà mỗi đứa một cái thì thật sướng đời! Hắn sẽ sung sướng cầm gói kẹo về chia phần, ai cũng được mút kẹo bột.

Bà Ký Hai rời làng khi còn nhỏ. Chẳng ai biết bà đi những đâu, làm những công việc gì. Không biết ách tắc chỗ nào trong bộ máy sinh nở mà mãi về già bà Ký Hai cũng không đẻ đái được đứa con nào. Giang hồ chi tử chán, khi tuổi đã xế chiều thì bà về quê dựng một căn nhà nhỏ hai gian thông thống từ trong ra ngoài. Ai muốn tá túc? - Kệ!

Người làng quen gọi là bà Ký Hai vì trước đây thỉnh thoảng mỗi khi về làng thì bà nói là vợ của ông ký lục cho Tây trên phố. Bà con trầm trồ:- vợ ký lục cho Tây đâu phải chuyện chơi? Hèn chi mà bà Ký Hai giàu đẹp thế!

Khi về quê ở hẳn thì bà không mai danh ẩn tích được nữa. Trước đây bà làm nghề mại dâm trong các nhà thổ. Cũng vì một chút bất cẩn mà bà nói ra chứ nào ai biết đâu! Không sao, bà con thương bà ký giả hơn vì bà Ký Hai hào phóng chứ không phải là bà ký thật.

Những năm đầu mới về làng, hầu hết đồng tiền tích cóp được bà dùng để mua quà cho các nhóc trong xóm.  Bà thương chúng, chúng thương bà bởi mối dây liên hệ từ những cái kẹo bột. Trong người bà Ký Hai không thể thiếu hai thứ: túi trầu cau chợ Thượng và gói kẹo bột mà bọn trẻ cứ nghĩ gói kẹo ấy là của chúng nhờ bà giữ hộ.

Nhân thể cũng muốn góp ý với bà Ký Hai một chút - Tuy sống hào phóng với trẻ nhỏ nhưng tính bà lại rất thích nghe nịnh hót. Hễ ai nịnh là bà dỏng tai lên nghe, đôi mắt hấp háy vẻ mãn nguyện sung sướng lắm và khi đó thì bà có gì cũng lôi ra cho người nịnh tất tần tật. Bà chơi rất thân với các dì các mẹ có tài nịnh hót ấy. Các dì các mẹ có con nhỏ luôn tranh nhau nịnh hót nên con cái càng được bà Ký cho nhiều kẹo bột hơn nữa. Ai không biết nịnh bà Ký thì con cái họ chịu thiệt, chúng sẽ rất buồn vì phải đứng nhìn thèm những cái kẹo bột ngọt gắt ngon lành trong tay những đứa trẻ khác.

Nghe bà Ký hỏi thế thoạt đầu thì hắn mừng. Sao mừng? Vì hắn thì chưa từng được thưởng thức kẹo bột để biết nó ra làm sao, nó như thế nào. Với hồn trẻ thơ trong sáng và thánh thiện, hắn cũng như những đứa trẻ kia, chúng xem bà hơn hẳn mọi vị thánh thần nào hết. Hắn đã được nghe bọn trẻ nói với nhau rằng: - hễ bà Ký Hai hỏi đến đứa nào thì ắt hẳn bà sẽ cho đứa đó những cái kẹo bột.  Đương nhiên đứa trẻ ấy không biết được đã có sự giật dây của mẹ nó với bà Ký. Bây giờ tự dưng bà Ký hỏi hắn thì hắn không mừng sao đặng?

Nghe bà Ký hỏi, hắn mừng đến nỗi quên luôn nhà có mấy anh em.

Nghĩ ngợi một lúc rồi hắn lí nhí:

- Để con vào đếm đòn cái đã!

Đòn là mảnh gỗ nhỏ đóng đinh kê lên bới hai cái đế. Cha hắn đóng cho mỗi đứa một cái. Đòn ai nấy dùng, cấm tranh đòn của nhau mà phải roi. Cả buổi, chúng đi đâu đó mỗi đứa một việc chỉ đến lúc mẹ chúng bày mâm cơm ra thì chúng mới lục tục kéo nhau về đông đủ. Các vị liền lôi đòn đã đánh dấu hiệu riêng, thu dấu từ mọi xó xỉnh mọi ngóc ngách ra và đặt ngồi đúng vị trí quanh mâm cơm. Khi ăn thì cắm đầu cắm cổ ăn, ăn xong mỗi đứa liệu kiếm đường mà đi một nơi vì gần nhau là sẽ sinh sự và choảng nhau ngay. “Lính buổi mai cai lính buổi chiều”, mấy đứa nhỏ luôn bị các ông anh lớn tuổi hơn cà khịa bắt nạt vô cớ cho nên xong bữa là chúng “tẩu vi thượng sách”- mỗi đứa tìm một đường tháo ngay.

Do vậy, việc hắn chạy vào nhà bếp lôi đòn ra. Đòn là số liệu phản ánh chân thực và chính xác nhất để trả lời đúng: “Nhà mày cả thảy có mấy anh em?”

Thế nhưng khi hắn đếm đòn xong chạy ra chưa kịp thưa thì bà Ký Hai đã đi sang nhà khác rồi. Tiếc cái kẹo bột. Hắn tự giận trách mình đếm đòn hơi lâu.

Chính xác là nhà có mười anh em ruột, một người con gái mới được ba tuổi ôm đòn đi lẫm chẫm không may bị ngã vào nồi canh đang sôi bị bỏng nặng không cứu được. Ông Trời bắt cô đi như thế nếu không thì là mười một. Tuy nhiên, sau này anh em ai cũng lập ban thờ bà cô và ai cũng cảm nhận và nói với nhau rằng: - Bà cô cực kỳ thiêng. Cùng mười người con, nhà hắn nuôi thêm bốn người con của o dượng nữa. O dượng mất đột ngột do người ta bày cho – cạo vỏ cây xoan đâu sắc lên thật đặc rồi uống thì sẽ chữa được các bệnh hắc lào, tổ đỉa, chấy rận, ghẻ lở. O dượng nghe theo, uống mấy bát nước ấy thì… tắc tử. Vậy là mười bốn người. Để đảm bảo an toàn sinh mệnh cho mười bốn đứa, thầy phù thủy bảo phải nuôi hai người con nuôi - một trai, một gái để hai đứa con nuôi này gánh tội gánh nạn cho mười bốn đứa kia. Vậy là cả thảy có mười sáu đứa. Cũng vì đòn đã nhiều lại vất bừa bãi lung tủng nên trước khi đếm hắn phải tìm đòn từ mọi xó xỉnh tập hợp lại, đã thế hắn lại đếm hơi lâu, hắn cứ sợ sót đòn nên đếm đi đếm lại mãi. Đếm hết mười đầu ngón tay rồi lại đếm tiếp mười ngón tay nữa, khó lắm chứ đâu chuyện dễ?

Đến bữa ăn tất cả lại lục tục kéo nhau về.

Bữa ăn cho cha được mẹ bày soạn riêng trong cái mâm đồng đặt trên bàn bát tiên - cái bàn có tám cặp chân kép, mặt bàn màu đen nổ sơn lỗ chỗ. Đứa nào cũng đã lăm lăm sẵn đôi đũa trên tay. Chúng chỉ cần chờ người cha nghiêm khắc ngồi xuống bên bàn và cầm đũa lên và gật đầu thì chúng nhất loạt hô: “Mời cha ăn cơm! Mời mẹ ăn cơm!”. Sau thủ tục mời cha mời mẹ là đến lượt chúng. Đứa thì tranh môi múc canh, đứa thì tranh đũa bếp xới cơm, đứa gắt gỏng: “Xích xa cái nồi kia tí với!”… Riêng hắn, nhớ cái kẹo bột hồi sáng nên nhân bữa ăn đông đủ hắn khắc nhớ lại số anh em thêm lần nữa để may chi bà Ký Hai trở lại hỏi thì hắn sẽ trả lời cho nhanh. Hắn dừng việc và cơm vào miệng và dùng đầu đũa chỉ từng gương mặt một rồi tự khẳng định: “Đúng, mười sáu! Không sai.”. Bất chợt, hắn nhìn cha đang thong thả sau bữa cơm ung dung xỉa răng, uống nước. Hắn nhìn bàn tay cha và bỗng nhận thấy những viên kẹo bột cũng to bằng đốt ngón tay cái của cha, cũng sàm sạm màu đất, cũng thô ráp như đốt ngón tay cái của cha. Hắn chậc lưỡi - “ Thôi, nằm bên cha, mút đốt ngón tay cái của cha cũng như mút cái kẹo bột vậy.” - Tự an ủi và hắn quên ngay câu chuyện không vui hồi sáng.

*

Dạo này không thấy bà Ký Hai đi chơi. Nhà bà Ký cũng vắng bóng những đứa trẻ, kể cả những đứa từng ăn ở với bà như con như cháu trong nhà cũng không thấy chúng đâu nữa.

Vì sao lại thế?

Tối hôm ấy đi bắt bọ vừng với chúng bạn, hắn mới biết cơ sự.

Thường khi, cuối tiết thanh minh đầu tiết cốc vũ ấy là mùa sinh nở của bọ vừng. Con bọ vừng to hơn cái kẹo bột một tí. Cứ nhập nhoạng chiều là bọn trẻ cả xóm đi dò trên mặt đất, hễ chỗ nào có dấu đất ủi lên thì moi chỗ đó sẽ bắt ngay được con bọ vừng. Đến tối hẳn, bọ vừng đội hang bay lên vần vũ rồi bám trên các ngọn cây phi lao. Ấy là mùa chúng đội đất lên trời tìm bạn tình và làm chuyện ấy với nhau rồi đẻ trứng. Đầu hôm chúng bay ồn ào đến khuya thì từng đôi, từng đôi chúng quặp chặt vào nhau, con đực nhỏ, con cái to béo đẫy đà. Buổi chiều thì bọn trẻ bắt bọ vừng trên mặt đất - con nào hớ hênh đội đất lên sớm là bị tóm. Đêm xuống thì chúng đốt đuốc lên đi bắt. Bọ vừng thấy ánh sáng lao vào bị lửa đuốc nứa cháy phừng phừng thiêu cánh và rơi xuống ngay. Một đứa cầm đuốc chạy trước, dăm ba đứa chạy theo, hễ con nào rụng xuống là cả bọn lao vào vồ ngay - bách phát bách trúng. Mùi mồ hôi, mùi khói đuốc nứa, mùi hăng hăng cứt bọ vừng ỉa ra trong túi quần áo, ấy là mùi thơm tho của bọn trẻ trong mùa bắt bọ vừng.

Khuya. Chúng tụ tập tất cả lại làm món bọ vừng trứ danh và nói với nhau đủ chuyện và sau đó tiếng nói chuyện sẽ thưa dần lịm dần. Khi đã ngủ thì đại bác nổ bên tai cũng không thể đánh thức chúng được nữa. Chúng ngủ lăn lóc trên nền đất, đứa nằm ngoẹo đầu bên này, đứa chổng mông bên nọ, đứa ú ớ chèm chẹp cái miệng, đứa thì nước dải chảy ra theo nhịp thở phì phò như rắn hổ mang kêu…

Món bọ vừng ngon đến cỡ nào?

Chúng lột hết tất cả các túi quần áo, lột tất cả các cạp lận quần ra, tập trung lại số bọ vừng tất cả đã bắt được. Bọn con trai bẻ hết chân, cánh, vặt đầu từng con một; bọn con gái xé đít, lôi ruột bọ vừng ra rồi khéo tay nhét vào đít những hạt đậu vang cho căng đầy bụng từng con một. Đậu vang là những trái đậu chưa bị chín khô, vỏ đang mới chuyển từ màu xanh sang màu vàng khi đó hạt đậu chưa cứng, cứ bóc vỏ và lấy ra những hạt mềm, mẫy, thơm thơm mùi đậu non sắp chín. Xong xuôi, chúng bắc bếp lên rang. Biết chừng bọ vừng sắp chín thì chúng cho muối, ớt cay, lá chanh thái chỉ vào rồi lại tiếp tục rang đều cho đến khi nước và mỡ trong bọ vừng đã cạn sin sít thì chúng bày món rang nóng hổi thơm nức mũi ấy lên tàu lá chuối. “Ngóng” (nóng), chúng vừa thổi phù phù vừa nhai rau ráu. Vị ngọt thơm của thịt bọ vừng quyện với béo thơm của đậu vang, lại quyện với mùi thơm của lá chanh, lại có cái cay cay của ớt. Thật là món nguyên thủy ngon khó cưỡng.

Vừa ăn, chúng vừa nói chuyện ồn ào:

- Mẹ tao nói bà Ký Hai là con điếm đấy!

- Con điếm là con gì?

- Tao không biết.

- Mẹ tao dặn từ nay không được đến nhà bà Ký Hai nữa. Lây bệnh. Chết.

- Bệnh gì ?

- Tao không biết.

Có đứa vặc lại:

- Không biết thì nói làm gì ? Thế mà cũng chuyện !

Đứa kia liền đập lại ngay :

- Mẹ tao nói với tao thì tao nói lại thế! Mày không nghe thì nút lỗ tai lại. Cút xéo đi! Về mà đi hỏi người lớn.

Nghe đám bạn nói vậy, hắn chạnh thương bà Ký Hai ốm đau mà không ai thăm nom đoái hoài. Mùi thơm của miếng trầu và câu hỏi của bà: - ‘‘Nhà mày cả thảy có mấy anh em?’’ cứ hiện lên lởn vởn trong đầu hắn. Thật ra, người lớn trong xóm nghèo này đã ai cầm tay, nghiêng đầu mà hỏi hắn một câu như thế đâu!

*

Trong bữa cơm chiều hôm ấy, cha hắn ôn tồn nói :

- Bà Ký Hai mất rồi! Chiều nay cha cùng chú Hữu và mấy anh em đã tắm rửa khâm lượm vào quan cho bà rồi! Trưa mai, đến giờ ngọ thì bà con sẽ đưa bà đi, các con nhớ đi mà cầm cờ đưa tang cho cho bà.

Không ồn ào như những bận ăn khác. Trước một người đi, ai nấy nghe tin đều ngậm ngùi. Hắn xúc động hình dung thấy - trưa mai hắn đi tiễn bà Ký Hai. Tay hắn cầm cán cờ, lá cờ tam tài phơ phất trên đầu hắn, hắn sẽ nói với lá cờ tang rằng hắn thương bà!

Đám tang bà Ký Hai thưa thớt người đưa. Khi đưa quan tài rời căn nhà nhỏ, dăm mươi người trước đây vốn dĩ rất quen thân với bà - họ đứng thập thò trước ngõ nhìn ra như thể có ý sau này sẽ nói với mọi người rằng: - ‘‘Hôm đó tôi cũng có mặt trong đám’’. Nhưng khi đến nghĩa địa thì chỉ còn lại mấy người cùng cuốc xẻng hạ huyệt lấp mộ và mấy đứa trẻ lom khom cuốn lại những chiếc cờ tam tài nữa mà thôi.

Cũng đành vậy. Một đời lang bạt kỳ hồ, không con cái, không người thân họ hàng, ai thương mướn khóc vay cũng chỉ đến với hồn ma nhiều tiền lắm của, còn bà thì chẳng có gì. Thôi thì, giả như trong cuộc mưu sinh bà đã nằm lại đâu đó trong vô định rồi thì sao! Kiếp người là thế! Thôi thì, cõi đời là cõi tạm. Hắn nghĩ thế nên cảm thấy bà Ký Hai ra đi như thế thì cũng là cái sự ra đi thanh thản ung dung của một kiếp người.

                           Tháng 4/2023

                                   N.T.T

. . . . .
Loading the player...