Tạp chí Hồng Lĩnh số 194 tháng 10-2022 xin trân trọng giới thiệu Truyện ngắn NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRƯƠNG CHI của Tác giả TRẦN THỊ TÚ NGỌC
Trần THỊ TÚ NGỌC
NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRƯƠNG CHI
Truyện ngắn
Tôi gặp Trương Chi lần đầu tiên khi chàng cắm sào bên bờ lở của một dòng sông không tên tuổi. Đó là ngày giữa mùa xuân, mặt sông ngùn ngụt khói. Chàng đứng trên mạn thuyền dõi mắt nhìn theo lũ cá mất ngủ quẫy chiếc đuôi xanh lè giữa đám cỏ rong phiền muộn. Xa xa phía bờ bên kia, mấy đám rác luẩn quẩn không chịu trôi bốc mùi tanh ẩm lên cơn gió trái chiều.
Thoạt tiên tôi không nhận ra Trương Chi trong hình dáng một người đàn ông mặc bộ quần áo vải thô đã bợt, đầu trần, chân trần, hai cánh tay để trần đến khuỷu. Cặm cụi gỡ đống lưới bám đầy rong rêu trên chiếc thuyền gỗ già nua nứt nẻ, dáng vẻ nhẫn nại của chàng trông giống hệt như tất cả những người đánh cá vẫn ngày ngày cắm mặt xuống đáy sông mỏi mệt kiếm sống qua ngày. Tôi đã gặp họ trong rất nhiều lần rong ruổi dọc theo các bờ ngang bãi dọc, ngạc nhiên vì cái cách họ chấp nhận cuộc sống nghèo khó, buồn bã và đơn điệu ngày nối ngày như một điều hiển nhiên. Khi nhìn thấy ống kính máy ảnh của du khách hướng về phía mình, họ bối rối cố tìm cách sửa lại nếp nhàu trên mặt thành một nụ cười gượng gạo. Những bức chân dung đó khiến tôi ái ngại đến nỗi một đôi lần đã cố tình làm nhòe nét nhân vật khiến trưởng ban biên tập khi duyệt bài phàn nàn mãi không thôi.
Nhưng lần này tôi không đến đây vì công việc như mọi khi. Tôi vừa chấm dứt hợp đồng với tòa soạn báo bằng một lá đơn nghỉ việc ngắn gọn gửi qua hòm thư điện tử, đồng thời nhắn lại cho Vũ vài dòng trước khi dừng liên lạc một thời gian. Tôi chưa hình dung được Vũ sẽ cảm thấy như thế nào bởi việc này là lựa chọn quá khó khăn. Khoác chiếc ba lô màu xám với những đường sọc đỏ đen buồn tẻ lên vai, tôi đi lang thang như như một nghệ sĩ tự do và đơn độc.
Người đàn ông đánh cá nghe thấy tiếng chân tôi chạm mặt nước khiến vòng sóng lan ra động vào mép con thuyền. Rời mắt khỏi đống lưới ngổn ngang trước mặt, chàng hướng về phía tôi với một cái nhìn nửa như thương hại, nửa như trách móc:
- Đây không phải chỗ dạo chơi đâu. Thêm một bước nữa là hụt xuống xoáy sâu đấy.
Hai chân tôi bỗng nhiên tê cứng lạnh buốt. Vài phút trước tôi vừa nổi hứng tháo giày vứt lại trên bờ để lội ra một quãng hái bông súng ma đỏ rực lạ lùng giữa hoàng hôn, thế rồi câu nói của người đàn ông đánh cá khiến tôi nhận ra mình lỡ đà, mặt nước lặng lờ xung quanh đã chuyển sang màu đen kịt ầm ì dọa dẫm.
Một cách bình thản và cẩn trọng, Trương Chi nhẹ nhàng nhảy khỏi thuyền, bước lại gần đưa tay cho tôi níu lấy. Không kịp nghe nói lời cảm ơn, chàng lên thuyền nhanh chóng nhổ sào định quay mũi rời đi. Tôi vội vã nhặt giày lên chạy chân trần đuổi theo.
- Cho tôi đi cùng một đoạn với.
Tiếp theo đó là một quãng dài lặng lẽ. Người đàn ông im lìm chèo thuyền, cắm sào, gỡ lưới, trả lời những câu hỏi của tôi với vẻ uể oải nhát gừng. Mãi cho đến khi tôi tình cờ nói bạn mình từng viết một câu chuyện về huyền sử trên dòng sông này, chàng mới đột ngột hỏi:
- Vậy ra bạn cô là nhà văn?
Tôi gật đầu dẫu thoáng thấy lòng bối rối. Hơn ai hết tôi hiểu rõ trong thời đại của mình cái danh xưng này đang có những góc nhìn khác đi quá nhiều so với ngày xưa.
- Tôi cũng từng biết một nhà văn - Chàng nói với vẻ dè dặt - Một người đàn ông họ Nguyễn, tài hoa, cô đơn và kiêu hãnh. Ông ấy giống như hòn than âm ỉ ủ lửa dưới lớp tro dày xám xịt, có thể bùng lên thiêu cháy mọi thứ chỉ bằng một hơi thổi nhẹ đến bất ngờ.
Đó là lúc tôi nhận ra chàng là Trương Chi.
*
Tôi không chắc Trương Chi mình gặp có phải là Trương Chi trong những câu chuyện được truyền tụng lại hay không. Chàng chẳng có gì ngoài một chiếc thuyền gỗ nhưng rõ ràng không phải kẻ nghèo hèn. Gương mặt sạm nắng và hai bàn tay chai sần vì làm lụng nhưng dung mạo chàng không hề xấu xí như người đời vẫn kể. Thậm chí trông chàng rất đẹp trai với sống mũi thẳng cùng ánh nhìn tỏa sáng lấp lánh. Có dòng sông bất tận trải dài trước mặt và bầu trời rộng lớn trên đầu, chàng thả lưới, buông câu rồi cất lên tiếng hát.
Tiếng hát của chàng ngày ấy từng làm xao xuyến trái tim Mị Nương, người con gái duy nhất của quan Thừa tướng sống nơi lầu son gác tía.
Cứ mỗi tuần trăng lại có đôi lần Trương Chi mang các sản vật mình đánh bắt được đến cổng sau dinh thự Thừa tướng, những người đầu bếp sẽ trả tiền cho chàng để mua loại tôm cá tươi ngon nhất. Chàng cần tiền để đổi lấy vài thứ thiết yếu cho đời sống hàng ngày của mình dẫu việc đổi chác ấy khiến chàng khó xử. Cũng như những người quen với lối sống tự do giữa thiên nhiên khoáng đạt, tâm hồn có phần ngây thơ chất phác, Trương Chi không biết định giá những thứ mình có. Công sức lao động vất vả của chàng được trả một cách rẻ mạt. Hơn thế nữa, họ còn làm cho chàng tin rằng cái giá rẻ mạt đó là hoàn toàn xứng đáng.
Một lần nọ khi chàng vừa rời khỏi cổng dinh Thừa tướng với vài đồng bạc vụn ít ỏi trong túi thì bỗng nhiên có người hầu gái từ phía sau hớt hải đuổi theo bảo chàng dừng lại. Người đó lấm lét nhìn ngó xung quanh rồi trao vào tay chàng một thứ, thầm thì bảo:
- Tiểu thư nhà ta tặng cho ngươi. Về đến nhà rồi hãy mở ra.
Trương Chi ngạc nhiên quá đỗi. Chàng có nghe dân gian bảo rằng Thừa tướng có một người con gái vô cùng dịu dàng xinh đẹp. Thỉnh thoảng trong những đêm trăng thanh vắng một mình lênh đênh nơi sông nước, Trương Chi mơ tưởng đến nàng và điều đó làm chàng xấu hổ. Chàng hiểu rõ thân phận của mình. Ngay đến dung mạo của nàng như thế nào chàng cũng không hy vọng có cơ hội được nhìn thấy, thế mà hôm nay lại được nàng đích thân tặng một món quà. Trương Chi vui sướng trên suốt quãng đường về như thể có con chim ca hát nhảy nhót trong lồng ngực. Chàng còn rất trẻ. Những người trẻ tuổi luôn tin vào tình yêu.
Mị Nương tặng chàng một đôi giày vải. Đôi giày vừa khít với chân chàng một cách lạ lùng.
Trương Chi chưa bao giờ đi giày. Chàng cũng không nghĩ sẽ có ngày mình đi giày. Chàng là một người đánh cá, chàng để chân trần.
Nhưng Mị Nương là con gái nhà quan, nàng đủ khôn ngoan và tỉnh táo ngay cả khi yêu. Sau mấy tháng mòn mỏi ốm tương tư, nàng đã khiến cha buộc phải nhượng bộ mời Trương Chi đến gặp. Thừa tướng tính toán cân nhắc rất lâu trước đó. Ông biết Trương Chi có một giọng hát tuyệt vời, nếu sở hữu chàng, ông có thể làm cho những bữa tiệc tiếp đãi quan khách linh đình ở phủ đệ của mình thêm phần hấp dẫn.
Trương Chi hiển nhiên không thể đi chân trần đến dinh quan Thừa tướng. Chàng mặc bộ quần áo tươm tất nhất, đi đôi giày đẹp nhất nàng đã chuẩn bị sẵn cho chàng.
Có nhiều dị bản khác nhau trong dân gian kể về lần gặp gỡ này. Người ta nói rằng Trương Chi hát rất hay nhưng lại mang một gương mặt vô cùng xấu xí. Khi Mị Nương trông thấy chàng, nàng vỡ mộng nên cho chàng ra về, không còn thiết tha gì nữa. Trương Chi tủi cho thân phận nghèo hèn của mình, buồn rầu mà chết, trái tim hóa thành khối ngọc sáng long lanh.
Hầu hết mọi người đều tin vào kết thúc đó, trừ Nguyễn.
Nguyễn đã viết nên một câu chuyện hoàn toàn khác về Trương Chi. Chàng chính là người quyết định rời đi sau lần duy nhất cả hai bên gặp mặt.
Chàng ngẫm nghĩ.
Chàng thất vọng.
Chàng khạc nhổ.
Chàng văng tục.
Chàng từ trên thuyền bước thẳng xuống xoáy nước giữa đáy sông.
Lần đầu tiên đọc câu chuyện này của Nguyễn, cũng như tất thảy mọi người, tôi giật mình kinh ngạc.
*
Nguyễn là nhà văn nổi tiếng.
Tôi có dịp gặp ông khi một tạp chí văn chương tổ chức cuộc gặp gỡ thân mật với các cây viết trẻ để chuẩn bị phát động cuộc thi truyện ngắn, ông nhận lời đến dự vì mối quan hệ thân tình với bên tạp chí và có lên bục phát biểu vài lời. Tôi ngưỡng mộ Nguyễn từ lâu nên vô cùng háo hức bởi lâu rồi chưa từng thấy ông xuất hiện trước công chúng. Khác với những trang viết sắc bén như dao của mình, Nguyễn nói năng một cách chậm rãi, thậm chí khó khăn, đôi lúc phải dừng lại rất lâu để loay hoay tìm từ thể hiện chính xác điều mình muốn diễn đạt. Kết thúc bài phát biểu trong tiếng vỗ tay rào rào của những người hâm mộ, Nguyễn vội vàng bước khỏi bục, gương mặt nhẹ nhõm như vừa thoát ra khỏi gánh nặng.
Năm đó Nguyễn gần bảy mươi tuổi. Lưng ông hơi còng và mái tóc phủ màu thời gian bạc trắng. Tôi giở cuốn tuyển tập truyện ngắn vừa mới được xuất bản của ông với các bức minh họa tuyệt đẹp của nhiều họa sĩ nổi tiếng, băn khoăn dừng lại rất lâu nơi chân dung tác giả in ở trang bìa. Người đàn ông trong bức ảnh nhìn tôi với cái nhìn bình thản, thấu suốt và ngạo nghễ. Khoảnh khắc ấy tự nhiên tôi muốn khóc.
Hôm đó Nguyễn chỉ ngồi cách một hàng ghế nhưng tôi đã không đến gần để xin ông chữ ký lên cuốn sách, để hỏi thêm một vài thứ về nghề viết văn hay đơn giản là có thể lắng nghe rõ hơn điều ông đang chia sẻ với vài tác giả trẻ xung quanh. Tôi cố buộc mình đứng xa Nguyễn để giữ trọn vẹn những hình dung trong tâm tưởng về ông.
Chỉ đến giờ phút này, khi đối diện với Trương Chi, bỗng nhiên tôi thấy lòng ngập tràn nuối tiếc. Tôi không có gì khác để kể cho Trương Chi nghe về Nguyễn ngoài những điều chàng đã biết. Thậm chí chàng còn biết rõ Nguyễn hơn bất cứ người nào.
- Ông ấy đã ở đây, ngay trên chiếc thuyền này - Gương mặt Trương Chi thoáng qua một nụ cười mơ hồ - Chúng tôi cùng nhau uống hết chén này đến chén khác. Dĩ nhiên là Nguyễn không say. Ông ấy đã từng sống mười năm ở vùng núi Tây Bắc, nơi người ta nấu sắn hoặc ngô ủ cùng loại men lá đặc biệt thành thứ rượu nặng đến nỗi từng ngụm trôi qua cổ họng tưởng chừng như nuốt lửa.
- Hẳn là hai người có nhiều điều để nói với nhau - Tôi nhìn Trương Chi qua ánh lửa của mẻ un vừa mới nhóm lên. Trời đã tối từ lúc nào, trên mặt nước mênh mông những con thuyền nhỏ bắt đầu sáng đèn le lói.
Trương Chi khẽ lắc đầu:
- Ông ấy hầu như không nói gì cả. Sự im lặng và sức chịu đựng của Nguyễn thật đáng kinh ngạc.
Tôi kể với Trương Chi những điều mình đọc được trên báo về ông. Người ta viết rằng những năm tháng sau này Nguyễn gần như sống trong lặng lẽ. Ông dành hầu hết thời gian để vẽ tranh và đề thơ lên gốm mộc Bát Tràng rồi mang tặng bạn bè. Dường như với gốm, Nguyễn tìm được niềm an ủi khi đi qua những nốt lặng của cuộc đời. Con người dữ dội trong văn chương ấy ở bên ngoài vô cùng trầm mặc và nhẫn nại.
Chàng trầm ngâm nhìn ra phía xa, nơi dòng sông ngập trong bóng tối:
- Sự xuất hiện lạ lùng của Nguyễn đã khiến tất cả mọi thứ đều thay đổi. Tôi hy vọng có thể gặp lại ông ấy để hỏi một điều.
Trương Chi cắm sào bên bờ lở của dòng sông không tên tuổi. Chàng chờ đợi suốt nghìn năm.
*
Tôi quyết định dừng chân nơi bến thuyền hoang vắng của Trương Chi, đó là tháng Ba năm nào không còn nhớ nữa. Bàn viết được tôi kê trước mái hiên căn nhà lợp lá, phía trước là dòng sông xanh chảy qua cánh đồng xanh nằm bên dưới bầu trời rộng lớn phủ màu xanh. Thành phố lùi lại một nơi nào đó rất xa với những ô cửa kính chớp sáng suốt ngày đêm. Nhiều lúc tôi nghĩ nếu có ai đó ở một thiên hà khác nhìn thấy thành phố của chúng ta, hẳn họ sẽ nghĩ giống loài sinh sống ở đây không bao giờ ngủ.
Vũ cũng thường có thói quen thức nhiều về đêm. Tôi trôi từ cơn mơ trắng sang cơn mơ xanh giật mình tỉnh dậy thấy anh vẫn đang mải miết trải cơn mơ không màu của mình trên giấy. Vũ làm ở công ty truyền thông Thiên Á còn tôi là phóng viên tập sự tại tờ Thời báo. Chúng tôi sống như những người trẻ khác trong vòng xoáy của một thời đại mà các giá trị đổi thay chóng mặt, ngày ngày vắt kiệt mình hy vọng tìm được chỗ trụ lại nơi thành phố và đêm đêm đuổi theo giấc mơ bỏ phố về rừng.
Tôi quen Vũ ở đường sách tháng Ba khi hai đứa vô tình chạm tay vào nhau trên cuốn bìa cứng duy nhất của Nguyễn còn lại nơi quầy trưng bày. Anh bỏ tay ra cùng với một nụ cười còn tôi bỗng nhiên thấy lòng bối rối:
- Anh có thể nhường cuốn này cho em được không ạ, em xếp hàng từ sớm nhưng vẫn chưa đến lượt.
- Vậy ra cô bé là người hâm mộ Nguyễn - Anh nhìn tôi với ánh nhìn ấm áp - Anh đã đọc Nguyễn từ lâu rồi mà vẫn luôn say đắm mỗi khi bước vào thế giới chữ nghĩa lạ lùng của ông ấy. Nếu em đồng ý thì anh xin phép mua tặng em nhé, biết đâu sau này chúng ta có thể cùng đọc chung.
Mãi rất lâu về sau tôi mới biết những gì Vũ nói hôm đó chỉ có một nửa là sự thật. Trên giá sách đồ sộ ở phòng làm việc tại nhà anh, tôi tìm thấy toàn bộ sách của Nguyễn từ những cuốn bìa mềm đầu tiên cho đến các ấn bản đặc biệt khổ lớn bìa da nhập khẩu, ruột in trên giấy mỹ thuật cao cấp thấy rõ đường vân. Vũ đọc hầu hết mọi thứ liên quan đến Nguyễn, thế nhưng mỗi khi chúng tôi tình cờ nói chuyện về ông, anh không thể nào dấu được một cái nhìn đầy vẻ hoài nghi:
- Nguyễn tưởng rằng có thể đảo lộn mọi trật tự bằng mớ chữ nghĩa thâm trầm bí hiểm. Thế nhưng càng về sau ông ấy sẽ càng thấm thía cái giá phải trả cho tham vọng của mình.
Lúc đó hình như có một ngọn khói vừa bốc lên từ chén trà huyết mộc đang ủ trên bàn. Tôi lơ đãng đuổi theo ngọn khói để mặc cuốn sách đang đọc dở dừng lại ở trang hai trăm ba mươi mốt, nơi Nguyễn kể những câu chuyện hoàn toàn khác về các nhân vật lẫy lừng trong lịch sử. Bộ ba tác phẩm này đã đưa lại cho ông rất nhiều vinh quang và cay đắng cùng những tranh cãi bất tận đến bây giờ. Tôi biết Nguyễn sẽ không bao giờ hối tiếc về con đường đã chọn. Ông chấp nhận mọi thứ bằng lòng can đảm của một người cầm bút dấn thân.
- Em nghĩ Nguyễn chỉ đơn giản muốn đi tìm ý nghĩa cuộc sống trong một trật tự đang đổ vỡ.
Vũ mỉm cười khuấy trà làm những vòng sóng đỏ cuộn lên từ đáy chén:
- Anh lại cho rằng Nguyễn là một con sói khôn ngoan. Ông ấy thành công vì được trời ban cho tài năng và cả sự liều lĩnh. Từ một ông giáo vùng cao, Nguyễn vụt trở thành ngôi sao sáng trên văn đàn như con sói đơn độc cất lên tiếng hú đầy khác biệt.
- Em không thích cái cách anh nói thế về Nguyễn.
- Anh không thích cái cách Nguyễn giễu cợt mọi thứ bằng một giọng điệu vừa khinh bạc vừa tàn nhẫn. Thay vì chữa lành vết thương, ông ấy khoét sâu vào những vết thương đã lở loét bốc mùi.
Dĩ nhiên là sau đó chúng tôi nhanh chóng ngừng tranh cãi với nhau bởi có rất nhiều thứ để hai kẻ đang yêu bận tâm hơn là sách vở. Thế nhưng vào lúc này đây, khi ngồi một mình trong căn nhà lợp lá giữa cánh đồng xanh, tôi bỗng nhận ra rằng những bất đồng nho nhỏ giữa chúng tôi giống như vết rạn vô hình trên chiếc bình gốm mỏng manh. Một ngày nào đó bỗng dưng chiếc bình vỡ tan để lại vô vàn nuối tiếc.
*
Trương Chi thả lưới bên bờ sông. Trời lất phất mưa và hoa súng ma vươn mình bung nở trên mặt nước. Tôi đi lang thang dưới những giọt nước mắt của bầu trời, tự nhiên thấy mình cô đơn quá đỗi. Hôm qua Vũ vừa gọi điện nói rằng đang cùng các cộng sự tiến hành một chiến dịch truyền thông rộng rãi về Nguyễn nhân dịp ông được đề cử vào danh sách nhận một giải thưởng tầm cỡ quốc gia. Cuối cuộc nói chuyện giọng anh trầm xuống thật khẽ: “Quay về đi Thụy Khanh, anh nhớ em quá chừng”.
Tôi cũng nhớ thành phố vô cùng, ở đó tôi từng nắm tay Vũ đi qua tháng ngày thanh xuân với những trang sách mở ra bên khung cửa sổ. Thế nhưng giờ đây mọi thứ đã mờ đi sau lớp bụi phủ dày. Lần nọ tôi vô tình đọc được bài viết của Vũ trên một hội nhóm công khai có hàng trăm nghìn người theo dõi, ngạc nhiên thấy anh chia sẻ cho những bạn trẻ mới vào nghề cách nương theo dòng chảy của sự kiện để làm ăn, dùng chiến thuật đưa tin nhằm hạ bệ uy tín người này hoặc lăng xê người khác tùy theo hoàn cảnh. Dĩ nhiên Vũ không kí tên thật nhưng tôi nhận ra anh bởi đã từng thấy bản thảo để trên bàn. Vũ giải thích rằng mạng xã hội chỉ là là thế giới ảo mà thôi, tôi im lặng không nói gì. Vết rạn vô hình trên chiếc bình gốm sâu hơn một chút.
Chúng ta biết tin vào điều gì trong một thế giới lẫn lộn giữa hai bờ ảo thực. Một loạt bài viết về Nguyễn bỗng nhiên xuất hiện dày đặc trên báo chí vào lúc ông đang trải qua cơn tai biến lần thứ hai. Vì sao sáng nhất trên bầu trời sắp tắt. Vài ngọn đuốc muộn màng đốt lên liệu có ích gì. Nguyễn đã đi trọn vẹn cuộc đời mình trong một hành trình sáng tạo tận hiến và cô độc, chưng cất những giọt nước mắt giữa nhân gian để phần mặn xót về mình.
Tôi không đọc xem Vũ và cộng sự của anh viết gì về Nguyễn trong lúc này. Hai chúng tôi đã rẽ về hai ngả vĩnh viễn cách xa nhau, chẳng thể nào trở lại như ngày xưa cũ. Trên đời này ta luôn phải trả giá cho mỗi sự lựa chọn của mình. Tôi đưa kí ức ra hỏa thiêu trong một buổi chiều tháng ba mịt mù sương phủ, tàn tro rắc xuống dòng sông không tên tuổi chảy bên rìa thành phố như một nghi lễ tiễn biệt chuỗi ngày buồn.
Chính vào lúc ấy tôi tình cờ gặp Trương Chi. Chàng nhắc tôi rằng chỉ cần bước hụt một bước sẽ rơi vào xoáy nước.
Nguyễn đã từng viết rằng ở trên trời, trên mặt đất, trên biển cả và các dòng sông đều có những hốc đen bí mật. Những xoáy nước trên sông là những hốc đen như thế.
Thế nhưng đã lâu rồi chúng tôi không còn đọc những câu chuyện cũ.
Tôi quên. Vũ cũng quên.
Thành phố tháng Ba chật kín mọi ngả đường. Hôm qua Trương Chi hỏi nếu chàng đi về phía đông người ấy, liệu có cách nào tìm thấy Nguyễn hay không. Tôi buồn bã lắc đầu. Tôi không kể cho Trương Chi biết Nguyễn đang sống những ngày cuối đời trong đau đớn vì bệnh tật. Chưa có giải thưởng nào xứng đáng với ông. Không có tượng đài nào được dựng lên. Và có lẽ rất lâu sau này mới có một con đường khiêm tốn nào đó mang tên Nguyễn.
Trong lần gặp gỡ duy nhất ấy, Trương Chi nói với Nguyễn rằng chàng đã rất khó khăn khi quyết định sẽ rời đi.
Họ uống rượu cùng nhau trên chiếc thuyền gỗ neo giữa tháng Ba mịt mù sương khói. Trương Chi chờ đợi ở Nguyễn một lời khuyên nhưng ông chỉ lặng lẽ nhìn về thăm thẳm trời đêm. Nguyễn thường yên lặng như thế phía sau từng trang viết, như vẫn luôn điềm tĩnh trước mọi chuyện xảy đến trong đời.
Chiều nay tôi trở lại bên bờ lở của dòng sông không tên tuổi, ngậm ngùi báo cho Trương Chi biết tin Nguyễn vừa từ giã cõi đời. Trương Chi im lặng rất lâu trước khi chậm rãi đẩy con thuyền trôi, để lại đằng sau một khoảng trống mênh mông không gì bù đắp được. Nguyễn từng viết rằng ông biết một cái kết khác về câu chuyện Trương Chi nhưng chưa bao giờ kể.
Nguyễn giữ bí mật đó cho riêng mình mang về miền mây trắng.
Mặt sông sao vắng quá. Tôi nhận ra mình cô đơn biết bao nhiêu.
T.T.T.N