Tạp chí Hồng Lĩnh số 200 phát hành tháng 4/2023 trân trọng giới thiệu Truyện ngắn NHỮNG SAI LẦM ĐƯỢC THA THỨ của Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc
ĐÀM QUỲNH NGỌC
NHỮNG SAI LẦM ĐƯỢC THA THỨ
Truyện ngắn
Khi người đàn bà mất hút trong màn đêm, tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Ngày hôm sau, theo lời hẹn đã nhắn cho ông Viên, tôi lên facebook cả ngày đến mấy lần để tiếp tục câu chuyện nghiêm túc và bàn về trách nhiệm, không đùa giỡn như ngày trước. Nhưng trang facebook của ông ấy đã tắt đèn hoàn toàn. Tất cả chìm vào khoảng trống hư vô mênh mông…
- Chiều nay có bận việc gì không, tôi có chuyện muốn nói - Viên, tên của một nick trên mạng tình cờ gặp, rồi kết bạn đã nhiều năm, chưa gặp mặt ngoài đời bao giờ, qua vài lần tương tác thấy hợp, nên hay nói chuyện đủ thứ trên trời dưới đất, tránh nhàm chán, muốn cuộc sống phong phú thú vị hơn. Hôm nay Viên đang muốn nói chuyện gì khác mà có vẻ nghiêm túc, ràng trước mới nói sau nhỉ? Tôi đang nghĩ ngợi, loay hoay sắp xếp mọi thứ để kết thúc công việc của một ngày cuối tuần. Không gian ở miền núi, trung du thường đến tối nhanh hơn ở thành phố và đồng bằng.
- Chuyện gì quan trọng không anh ơi, vẫn chuyện lẩu hàng ngày của chúng ta, nhỉ?
Tôi nói, rồi cười, những câu chuyện không đầu, không cuối thường ngày, nhắn hỏi lại qua loa cho có không khí, chẳng có gì quan trọng, trêu đùa vui là chính. Tôi nghĩ vậy, gọi nick name này bằng “anh” theo thói quen khi thấy chữ “nam” ở phần giới thiệu giới tính, thực tế không biết người bạn này bao nhiêu tuổi, nghề nghiệp gì, phần kê khai để trống, chắc đã ẩn, giấu kín. Hai người giao ước ngầm không bao giờ gọi nhau qua video zalo hay messenger. Khuôn hình ảnh đại diện chỉ thấy duy nhất bông hoa tím đang nở rực rỡ, địa chỉ cũng không có, hình như đang ở một nơi nào đó xa lắm trên trái đất đầy bí ẩn. Tôi cảm nhận vậy, và cũng chỉ đoán lờ mờ như thế, dừng hiểu biết thông tin về nhau ở mức độ đó. Trong các bài viết Viên đưa lên facebook ít khi có hình ảnh chân dung về chủ tài khoản, nếu có, chỉ hình đám đông lao xao minh họa cho khỏi trôi bài. Qua nói chuyện, nhắn tin có lúc gọi tôi bằng “O”, có lúc bằng “Em”. Tôi tự hiểu đối tác sinh ra tại miền Trung qua cách xưng hô, nơi đó mưa gió lũ lụt, hạn hán và đói nghèo quanh năm. Trao đổi hàng ngày Viên thường hỏi: Quê nhà có gì mới không em? “Cửa bể chiều hôm” có nhiều thuyền về tấp nập cá đầy khoang? Cá thửng, cá thèn, cá thu có tràn trề rổ rá theo các bà các chị tỏa về mọi nơi không? Lúa, ngô, khoai, lạc có được mùa hơn mọi năm? Có lúc tôi trả lời, lúc không, đôi khi nghe rồi ngủng ngoẳng cái đầu: Sao anh không về quê hương mà cứ hỏi… vu vơ, thông tin bây giờ đầy trên mạng, báo chí cũng nhiều mà? Viên cười chảy nước mắt bằng hình ảnh động zalo rồi nhắn tin: Thông tin có nhiều, nhưng trực tiếp biết từ nhắn tin của người quê hương, độ chính xác không báo chí nào bằng.
Tiếng nói, nụ cười, ánh mắt, lối sống chân thành dân dã, mộc mạc ấm áp đã làm nên chính danh quê hương đó O à?
Biết thế thôi, ít khi tôi hỏi kỹ về cội nguồn của bạn qua online. Quan hệ trên mạng vốn ảo mà. Hôm nay biết vậy, ngày mai biến mất, “sắc sắc không không” tìm hiểu nhau kỹ càng khác chi tìm chim, rắc rối thêm cuộc sống. Chúng tôi vốn chuyện trò theo thói quen, kiểu cảm hứng, được chăng hay chớ, chuyện bà rằn về cuộc sống muôn nơi: Nông thôn vừa có lũ lụt, thiệt hại vô cùng cả người và của; đô thị giá cả các mặt hàng đồng loạt tăng; chuyện về dịch Covid đã bão hòa; người nổi tiếng cặp bồ bị bắt tại khách sạn; kẻ có chức quyền xâm hại trẻ con ngay trong cầu thang; vụ anh em, mẹ con trong một gia đình phóng xăng đốt do tranh chấp đất đai; các vụ tham ô, tham nhũng, công tác từ thiện giúp đỡ nạn nhân do hỏa hoạn, mưa bão… vv được nhắc nhở hàng ngày. Tuyệt đối không bao giờ hỏi chuyện riêng tư của nhau.
- Hôm nay là một câu chuyện nghiêm túc đây à nha, quan trọng là O có bận không thôi, hay lại đang chuẩn bị tất bật ra chợ mua cá trích nấu canh lá lằng thôi nhỉ?
Một câu nhắn, kèm theo hình ảnh động đang cười phô bộ răng trắng, bất chợt, tôi cũng cười theo. Mà, sao người này biết trước tôi đi chợ mua những gì theo sở thích được nhỉ? Viên đang muốn nói chuyện gì? Hình như gã biết nhiều về bạn facebook là tôi đã nhiều? Tôi nhìn đồng hồ mới hơn bốn giờ chiều, mùa đông đang đến sầm sập, bao việc đang chờ đợi cần phải làm ngay để chuẩn bị vào đêm.
“Ngái ngôi chi mà anh nỏ về” - Lời tiếng hát theo giọng quê tôi được cài vào điện thoại thay chuông bỗng vang lên (Xa xôi chi mà anh không về). Chữ “Mẹ” hiện lên ở phần danh bạ. A lô, chuyện chi đó mẹ? Hôm nay về nhà sớm nha, ăn cơm để còn tham gia cuộc họp xóm bình bầu gia đình nghèo nhận hỗ trợ. Xóm trưởng đã gọi. Chuyện này thì tôi đã rõ. Tháng trước, mưa bão qua rồi, nhưng lũ lụt lại tràn về do tích nước ở các nhà thủy điện, không chịu nổi, phải xả. Tức nước vỡ bờ, ào ạt đổ về như vũ bão, nhiều nơi không lường, tính trước, trôi cả nhà cửa, đến tội. “Lá lành đùm lá rách”, “Chị ngã em nâng”, dân giúp dân lúc khó khăn chứ ai vào đó nữa. Cơ khổ. Cuộc họp xóm tối nay không thể vắng được. Họp để bàn cách giúp người hoạn nạn vất vả nhọc nhằn để vươn lên, không giúp người ta thì lúc vận đen đến mình, ai giúp?
Tíc tắc, tíc tắc tiếng chuông tin nhắn từ điện thoại, Viên hỏi O về nhà chưa? Nơi tôi đang ngồi gần mười hai giờ rồi O ạ? Thôi chết, tưởng Viên đã tắt máy rồi, hóa ra đang chờ mình trả lời. Tôi nhắn lại, có chuyện chi đó anh ơi? À, O có biết Mộc không? Một người bạn thân với tôi từ thuở ấu thơ, nó mất rồi. Mất trôi trong lũ lụt vừa qua, tôi muốn nhờ O một chuyện. Mộc nào? Tôi nghĩ mãi. Tên người thì nhiều, anh Viên cho biết thêm thông tin nữa đi. Tin nhắn ở điện thoại lại hiện lên dòng chữ: Mộc, một cựu chiến binh bị lũ cuốn trôi do cứu người trên địa bàn đang cư trú đó.
Trời, Mộc là một người tôi quen biết trong xã hội, đã từng gặp giao lưu vài lần do tình cờ không thân thiết. Ông ta là cựu chiến binh, sống với vợ và hình như có hai đứa con trai rất đẹp, bảnh bao, ngoan hiền. Đôi mắt ông Mộc rất buồn như có điều gì đó đang day dứt trong lòng nhưng chưa nói ra, dù rằng bản thân năng nổ hoạt bát với công việc chung, sẵn sàng hy sinh vì tập thể. Và đen đủi, ông đã qua đời hôm lũ ống tràn về cuốn theo tài sản, bao người trở tay không kịp. Ông Mộc nhanh tay lao theo dòng lũ cứu người đang bị đuối nước chơi vơi. Ông cứu được đồng loại, nhưng lũ đã lấy ông thế mạng. Đau xót quá. Tiếng kêu khóc ai oán suốt mấy ngày mưa bão vì mất nhà, mất cửa, mất cả người thân. Báo chí và trang mạng đưa tin khắp nơi. Có lẽ vì thế nên Viên biết tỏ tường về Mộc chăng? Có điều, giờ tôi mới biết Viên quan tâm tới Mộc và dân quê tôi. Nhưng Viên biết để làm gì? Có điều gì liên quan tới một con người qua đời chăng? Viên muốn nhờ là điều gì mà có vẻ như đang… khuất tất? Tôi tò mò nhắn hỏi Viên đã gặp Mộc ngoài đời chưa? Đã kết bạn facebook chưa? Chưa O ạ, Mộc không lập facebook, tôi chỉ biết vợ ông ấy và những đứa con đang ở với mẹ. Thôi chết, càng hỏi, tôi càng thấy rắc rối về các mối quan hệ của họ như mớ bòng bong vô định.
“Ngái ngôi chi mà anh nỏ về…”. Lời hát ngọt ngào mộc mạc chân quê từ điện thoại lại vang lên lần nữa. Tính mẹ hay lo, việc gì chưa làm được là bà cứ đi vào đi ra, ăn không ngon, ngủ không yên, cho dù chỉ là việc nhỏ nhất. Mẹ báo tin về nộp tiền điện, tivi, wifi đã quá hạn gần tuần rồi, nhân viên đang chờ. Chiều tối còn có cuộc họp, con quên rồi à? Hôm nay quan trọng, bắt đầu vào cuộc sớm đó con ơi. Tiền tivi, điện, nước mới nộp chưa lâu, sao hôm nay lại đến thu nữa, không biết có nhầm lẫn không nhỉ? Mà có lẽ từ giờ nộp các loại tiền bằng cách chuyển tài khoản khỏe hơn, đỡ nghe điện thoại lích kích suốt ngày gọi, mất thời gian nghe quá. Thế này thì phải dừng câu chuyện với Viên ở đây thôi nhỉ, có gì lưu bút, nhắn tin, ai lên facebook tương tác sẽ nhận thấy. Ngày mai câu chuyện sẽ tiếp tục, đi đâu mà vội. Tôi nghĩ vậy, nhắn tin vội vàng cho Viên, tắt Laptop, gập sổ làm việc, rồi khóa cửa. Kết thúc của một ngày làm việc.
Cuộc họp xóm dân cư gần như đông đủ, không khí ảm đạm, buồn bã, hậu quả lũ lụt vẫn còn trước mắt mọi người. Nhà cửa đổ tan hoang, tài sản trôi, vật nuôi chết đã chôn, giải quyết xong, nhưng thứ mùi khăn khẳn khó chịu sau mùa mưa bão còn lưu. Đau lòng hơn, ông Mộc, cựu chiến binh, qua đời ngay trên mảnh đất sinh sống do cứu người bị đuối nước thành công, nhưng chính ông lại không qua khỏi. Giờ, phải xử lý những vấn đề còn tồn đọng. Nhiều tiếng nói lao xao. Hỗ trợ cho nạn nhân bị thiệt hại do thiên tai bằng quần áo, vật dụng, tiền bạc, làm lại nhà cửa đã trở thành thói quen, có cần bàn thêm những vấn đề gì nữa mà ầm ĩ vậy? Có người lên tiếng nói ủng hộ nộp tiền ngay và luôn, năm trăm ngàn nhé. Người khác nói, tôi cũng vậy. Người nữa hô lên, tôi một triệu, nhớ ghi tên vào sổ không lại phải tiếp các vị đi vận động lần nữa. Có tiếng cười nhôn nhao, tiếng người cự lại tóe ra trong cuộc họp. Hầu hết, đa số đóng góp bằng tiền, quần áo cũ quyên góp sau, coi là nghĩa vụ với cộng đồng.
Người làm công tác Mặt trận ghi tên vào sổ, thu tiền không kịp. Đến chín giờ tối, cuộc họp kết thúc, ai về nhà nấy, thì con người biết làm gì về cách đối phó với thiên tai, dịch dã bằng cách đóng góp của ít lòng người, lá lành đùm lá rách.
Tôi là người về cuối cùng của cuộc họp, không phải, đang còn một người đàn bà nữa đang loay hoay chưa về hay họ vừa tới mà tôi không để ý? Hình như lần đầu tiên tôi gặp bà trong không gian phòng họp này. Đó là một người đàn bà, cho đúng hơn là gương mặt một bà già hiện ra. Bà đẩy mũ liền áo ấm đang che đầu về phía sau, hiện ra mái tóc trắng toát, da mặt cũng trắng, vì ăn trầu nên môi bà đỏ chót, đôi mắt đen nổi rõ sâu hun hút đầy khó hiểu sâu thẳm. Bà già tự nhiên ngồi vào ghế, hỏi thì thào, tôi ngồi ở đây được không cô? Vâng, bà cứ ngồi tự nhiên. Cô có biết ông Viên không nhỉ? Viên nào? Có phải người bạn trên không gian mạng chiều nay vừa nói chuyện với tôi? Đúng vậy cô, chính người đàn ông đó đã nói với tôi nên gặp cô, một con người có hiểu biết sẻ chia với con người. Ôi, hóa ra trên cõi đời này vẫn có người để ý đến tôi? Và ông Viên với người đàn bà này có mối quan hệ từ lâu, mà tôi không hề biết? Cả hai người này đã hiểu về tôi? Ôi, cuộc sống của màn hình phẳng, không thể giấu kín được gì khi con người đã muốn tìm hiểu về nhau? Đúng, đúng như vậy, tôi có biết ông Viên. Tôi luống cuống thừa nhận thông tin với người đàn bà vừa xuất hiện. Không gian của trời khuya, lành lạnh, chuyện trò với người chưa thân thiết, chưa hiểu biết về nhau nên có cái gì đó gờn gợn, mông lung thiếu tự tin.
Bà già chợt nhếch môi nhè nhẹ: Cô chưa biết lý do vì sao tôi lại xuất hiện ở đây phải không? Tôi là vợ ông Mộc, về danh nghĩa như vậy. Vì sao tôi biết cô? Do ông Viên mách mối dẫn đường thôi. Chuyện hơi dài dòng chút, tôi không phải thành viên của cuộc họp hôm nay. Tôi tìm đến địa chỉ này chờ cô mãi, chờ cuộc họp tan có chuyện muốn nói với cô.
Trời đã hơi khuya, tôi nhìn đồng hồ. Từ điện thoại lại vang lên tiếng hát: “Ngái ngôi chi mà anh nỏ về” âm thanh nhắc nhở giục giã. Giọng mẹ ngái ngủ khuya rồi, họp đã tan, làm chi mà chưa về nghỉ à con? Tôi trả lời mẹ tý nữa con về. Người đàn bà gặp bất ngờ trong đêm nói hay cô về nghỉ đi, kẻo mẹ trông, mai tôi lại đến. Không sao, bà cứ nói đi, có chuyện gì vậy?
Người đàn bà kể, tôi biết ông Viên từ thời thanh niên cô ạ. Ngày ấy chúng tôi có tình cảm với nhau, cùng làng cùng xóm gặp gỡ thường xuyên, hứa hẹn nhiều. Hai gia đình đã tác thành đôi lứa, ủng hộ cặp đôi nên vợ nên chồng. Đám cưới đơn giản nhưng vui và ấm cúng theo ý nguyện. Nhưng rồi chiến tranh bùng nổ khốc liệt lan khắp đất nước. Thanh niên nam nữ theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường ra chiến trường. Anh Viên đang độ tuổi sung sức đầy khí thế hào hứng ra đi với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Trong chiến tranh, người lính đi biền biệt, vợ trẻ vò võ chờ trông, thiếu thốn đủ điều, nhất là tình cảm khó nói nên lời. Nhiều người vợ trẻ trở thành vọng phu héo hon đợi chờ. Nhưng có những người không cam lòng trở thành tượng đá, mà tự mình “xoay xở” cho nhu cầu của con người. Đời người chỉ sống có một lần, đúng sai không tránh khỏi. Có những sai lầm được tha thứ, nhưng có người thì không…?
Người đàn bà tóc trắng, nhìn trước, sau, như thể có người đang nghe trộm câu chuyện, dù rằng trong đêm khuya, vắng lặng không một bóng người. Bà già nói rất nhỏ, nhỏ đến mức ghé vào tận tai tôi mới nghe được. Người lính hy sinh nhiều vì chiến thắng, vì hoà bình của đất nước, nhưng trong tình yêu thì ai cũng ích kỷ cả thôi. Ích kỷ, nhưng thiêng liêng cô có hiểu không? Tình yêu đồng hành với thần tượng, khi người ta đã chọn thì đương nhiên họ tự cho mình là quyền sở hữu. Tôi nói vậy không biết cô có cùng quan điểm không? Tôi lặng người hiểu điều người đàn bà muốn nói, nỗi buồn của người đàn bà vắng chồng trong chiến tranh khổ sở như thế nào. Bà già kể, tôi có hai đứa con trai, nhưng không phải là con của chồng tôi, tức là không phải con của ông Viên.
- Thế con ai?
- Con của ông Mộc cô à?
- Trời đất ơi, thế bà có nói cho ông Viên biết sự thật không?
- Có cô ạ. Sau chiến tranh ông ấy trở về ở với tôi một thời gian, lúc đó tôi có một đứa con với ông Mộc rồi, thêm đứa con với chồng nhưng không nuôi được vì dị dạng. Cha nó đã bị nhiễm chất độc da cam. Ông Viên lặng lẽ bỏ nhà đi đến một nơi xa lắm không cho biết địa chỉ cụ thể rõ ràng. Thời gian gần đây ông ấy liên lạc với tôi khi biết ông Mộc đã qua đời. Ngày ông Viên bỏ nhà ra đi, cha đẻ của con tôi quay lại cùng chung sống và chúng tôi có thêm đứa con nữa trong bối cảnh như thế, trớ trêu lắm cô ạ. Bù đắp lại, tôi có hai đứa con giỏi và ngoan, thương xót cho hai người đàn ông hạnh phúc không được trọn vẹn. Chiến tranh đã đi xa, tưởng rằng cuộc sống đã bình yên, nhưng số phận đen đủi, mất mát vẫn chưa buông thả tôi, thiên nhiên khắc nghiệt, lũ lụt đã lấy mất người cha của các con. Ông Mộc cũng đau đớn và dằn vặt lắm khi sống với tôi, nhưng giờ thì đã về trời khi làm việc thiện. Cầu mong ông thanh thản.
Tôi lặng người khi nghe câu chuyện của người đàn bà tóc trắng trong đêm. Chiến tranh tàn phá con người thật khủng khiếp. Tuổi trẻ làm sao hiểu nổi sự mất mát về vật chất và tinh thần cả đất nước phải gánh chịu. Số người mất đi không còn hiện diện ở cõi đời được tính bằng con số. Nhưng số người từ chiến trường trở về đầy thương tích, mất một phần thân thể, mất tình cảm, chia rẽ đôi lứa và tan nát gia đình, thì khó bù đắp thiệt thòi được. Còn người đàn bà này, biết lúc nào nguôi ngoai khi nói về chiến tranh? Bà kể chuyện buồn nhói tận tim gan, nhưng không khóc, tiếng nói đều đều điềm đạm như thể đã quen với nỗi đau của cuộc đời.
Tôi hỏi một câu hết sức vu vơ, bà kể tôi nghe thì giúp được gì? Bà nói ít ra trên cõi đời này cũng phải có một người biết chuyện của tôi, chia sẻ. Và ông Viên đã cho tôi địa chỉ của cô, chia sẻ, tin tưởng. Dù sao tôi cũng cảm ơn cô đã chịu khó nghe chuyện này. Tôi phải về, chào cô. Bà già nói rồi vội vàng ra đi bất ngờ như lúc bà đến, tôi đứng nhìn theo, giống như người bị đơ, chân không bước được, có sức mạnh nào đó níu tôi đứng nguyên tại chỗ, chỉ trân trối nhìn theo, không kịp hỏi tên bà là gì? Địa chỉ nhà ở đâu? Đến lúc ý thức được bản thân cần phải làm gì thì không thấy người đàn bà tóc trắng ở đâu.
*
Câu chuyện trên đây trở lại trong trí nhớ, tôi chép lại những gì xảy ra đến từng chi tiết hôm đó. Khi người đàn bà mất hút trong màn đêm, tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Ngày hôm sau, theo lời hẹn đã nhắn cho ông Viên, tôi lên facebook cả ngày đến mấy lần để tiếp tục câu chuyện nghiêm túc và bàn về trách nhiệm, không đùa giỡn như ngày trước. Nhưng trang facebook của ông ấy đã tắt đèn hoàn toàn. Tất cả chìm vào khoảng trống hư vô mênh mông. Cuộc sống của ông Viên sau đó ra sao tôi cũng không biết nữa, cũng không biết hỏi ai? Thấy mình bất lực trước màn hình, tôi trân trối nhìn mãi mỗi dòng chữ ông Viên nhắn lại: “O đã gặp vợ của ông Mộc rồi phải không? Nhờ O giúp đỡ chia sẻ tâm tư nỗi lòng mà họ đang chịu đựng. Ai cũng khổ, tất cả tại chiến tranh gây ra. Tạm biệt O”.
Đ.Q.N