26-01-2022 - 08:09

Truyện ngắn TẾT THẦY của Tống Phú Sa

Tạp chí Hồng Lĩnh số Xuân Nhâm Dần 2022 xin giới thiệu Truyện ngắn Tết thầy của tác giả Tống Phú Sa

TỐNG PHÚ SA

TẾT THẦY

                   Truyện ngắn

Những ngày cuối năm, bầu trời đẫm nước. Cha hí húi cắt tỉa hàng mạn hảo trước sân. Bao quanh vườn nhà tôi là những hàng mạn hảo. Cả cái ngõ dài quanh co là hai hàng mạn hảo xanh ngăn ngắt. Tháng một lần, cha tôi lại bắc chiếc ghế gỗ có bốn chiếc chân lim nặng trịch cắt tỉa từ trong sân cho đến ngoài đường lớn. Phải mất mấy ngày cha mới làm xong. Nhìn khuôn mặt giãn ra đầy hứng thú của cha, tôi biết ông rất vui.

Nhà tôi gần đường lớn. Vườn rộng nhưng một nửa nằm sâu vào phía trong làng. Cha tôi kể, ngày xưa ông nội tôi lấy bà, nhà nghèo không có nổi một miếng đất cắm dùi đành đem vợ ra miếng đất hoang cuối làng dựng lều tìm kế sinh nhai. Ông nội có nhiều tài vặt, lại cần cù siêng năng nên cuộc sống dần khấm khá. Ông bà sống tằn tiện, quanh năm chỉ ăn củ chuối, củ doong…Trong góc bếp nhà bà luôn có một nồi mắm tép. Những con tép ông nội nhặt được sau đường bừa, những con ngửa bụng trong những ngày đồng đất trắng xóa heo may. Tép trắng bằng hai ngón tay được rửa sạch và vùi trong vại muối. Cứ mươi ngày, bà lại đảo vại lên, chọn những con ăn muối trong lại như keo, bỏ vào nồi đất, đâm dập nghệ tươi, hành củ nấu lên cho đến khi sánh như chẻo. Mỗi bận, ba đứa con xếp hàng, giơ những chiếc bát đựng củ chuối xắt lát đứng chờ. Bà nội lấy muỗng gỗ miết vào thành nồi cho chẻo cá dính vào, rồi thận trọng chia cho các con mỗi người mỗi ít. Cha là con út trong nhà, lại khó nuôi từ nhỏ nên được ưu tiên phần hơn. Mỗi bận, bà đều lựa những chổ có nhiều xương cá để miết vào bát cho cha. Xương cá ủ muối giòn rụm, bỏ vào mồm đã nghe rau ráu. Cha lớn lên nhờ củ chuối muối trường, củ chuối om nghệ, củ chuối nấu um. Dăm bảy hôm được vét chẻo cá chưng trong nồi đất.

Ba đứa con của ông bà chỉ có cha là người được học. Bác cả đi bộ đội khi chưa tròn mười bảy tuổi. Bác hi sinh trong trận vượt sông Thạch Hãn đánh vào Quảng Trị. Bác gái hơn cha một tuổi, đi dân công hỏa tuyến. Hòa bình lập lại, bác lên lâm trường chè làm công nhân. Lâm trường thiếu thốn đủ bề, khí hậu khắc nghiệt nên tuổi xuân vùn vụt trôi qua. Bác không trở về làng mà xin một miếng đất nhỏ dựng nhà và nhận giữ trẻ cho công nhân nông trường. Bác mất năm sáu mươi ba tuổi vì bệnh thấp khớp nặng.

Năm cha mười hai tuổi, ông bà quyết định cho đi học chữ. Đó là một quyết định vô cùng khó khăn và trọng đại. Khó khăn vì muốn theo học, phải vượt qua hai quả đồi và một con sông để ra phố huyện. Trong làng, chỉ có một vài hộ có máu mặt mới dám gửi con lên phố. Cha kể, năm ấy giêng hai mà thời tiết vẫn rét thấu xương. Ăn tết xong, cha giục mẹ xay ba mủng đong lúa, bỏ vào cối đá thanh giã cho thật trắng rồi đổ đầy hai cái đạy lớn. Sáng ấy, khi cỏ trên đồng đất vẫn còn ngậm sương, ông cõng cha trên lưng, bà mang hành lý nhằm hướng có chữ mà đi. Phải mất nửa ngày cuốc bộ không nghỉ, ông mới đưa được cha đến nơi cần đến. Đó là một ngôi nhà lá năm gian. Cửa nhà được che chắn bằng những tấm rèm lớn, đan bằng nứa đập dập. Bên trong là những bục cửa bằng gỗ, lan can được kết khéo bởi những thanh tre chuốt láng mịn. Nhà không có gì đáng giá ngoài một chiếc tủ lớn đựng đầy sách.

Người đàn ông thấp đậm có mái tóc cột búi sau ót rót nước chè vối từ ấm tích đem đến tận tay cho cha. Không biết vì quãng đường quá xa hay cử chỉ rất thân tình của ông mà cha đã uống một hơi hết sạch. Đó là chén nước vối ngon nhất mà cha từng uống. Sau những bàn bạc của người lớn tuổi, cha được gửi lại nhà thầy để học chữ. Phải mất một năm làm chân chạy vặt, khi thì mài mực, khi đổ dầu cho những chiếc đèn trên giá, khi sắp lại án thư, cha mới chính thức nhập học. Người dạy chữ cho cha không ai khác là người đàn ông thấp đậm, có mái tóc cột búi sau ót. Thầy tên Bình, nhưng người trong nhà thường gọi ông Lắm. Thầy Cả Lắm. Không biết tên gọi Cả Lắm có từ khi nào, nhưng nghe học trò của thầy kể lại, ngày còn trai trẻ, thầy yêu một cô gái tên Lắm. Cô Lắm đẹp người đẹp nết lại con nhà quan nên chàng trai bụng mang đầy chữ nhưng nghèo rớt mồng tơi như thầy đành ôm hận để người yêu sang sông. Từ độ ấy, người làng thường nhìn thấy trên đỉnh núi Mồng Gà, chàng trai Cả Lắm mài bút nghiên rèn chữ. Năm bốn mươi tuổi, Cả Lắm dựng lều dạy chữ. Tiếng lành đồn xa, những người có tiếng trong làng gửi con theo học thầy Cả Lắm.

Cha được thầy Cả Lắm dạy chữ. Nhà thầy nuôi học chừng bảy tám người. Học trò tối đến, trải mền ngủ trên chiếc sạp gian cuối cùng. Thầy Cả Lắm cầm đèn dầu soi một lượt, đẩy cho những chiếc đầu thẳng thớm trên những chiếc gối bông đã cũ rồi mới yên tâm về giường. Hàng ngày, tầm độ tám giờ sáng, bọn trẻ lớn có, bé có ngồi xếp hàng trên những chiếc bàn liền ghế kết bằng hom đã lên nước nhẵn bóng. Cha là đứa trẻ được thầy cưng nhất vì rất sáng dạ. Chữ cha viết thanh thoát, nét bút mềm mại cách đều nhau. Lực cầm bút rất nhẹ khiến màu mực không loang trên giấy gió. Thầy Cả Lắm cầm bài viết của cha soi dưới ánh mặt trời, vuốt vuốt chòm râu đã có nhiều sợi trắng, nói:

- Tâm của con luôn hướng về cái thiện. Khi viết chữ, con không nghĩ đến vinh danh.

Thầy Cả Lắm dạy chữ một nhưng rèn người một trăm. Học ở nhà thầy, thời gian mài mực trên ghế chỉ tính trên đầu ngón tay. Thầy chia đám trẻ ra nhiều nhóm và phân chia công việc để làm. Những đứa có tính cách hiếu động, thiếu kiên nhẫn thường được thầy giao cho những việc Tĩnh như bóc lạc, nhặt thóc. Đứa nhút nhát, rụt rè thầy giao tiền ra phố mua rau, mua ngò hay bán buôn những thứ vặt vãnh nhà trồng được. Đứa tính tình nóng nãy, thiếu kiềm chế, thầy giao việc giám sát, quản lý những đứa trẻ khác. Nhà thầy vì thế mà luôn sạch sẽ, ngắn nắp, đông người nhưng không cần người giúp việc, mọi việc cứ đâu ra đấy.

Thầy Cả Lắm giữ cha đến năm mười sáu tuổi thì kêu ông bà nội đến mang cha về. Khi cha đang nhảy lò cò ngoài sân thì bên trong, thầy Cả Lắm nắm lấy bàn tay gầy xương xẩu của bà ngoại nói:

- Thím đúng là người phúc đức, nhân hậu. Cậu nhà được nhận từ Thím những điều thiện nghĩa đó.

Ông bà nội mừng chảy nước mắt, ở lại nhà thầy Cả Lắm một đêm. Bữa cơm tối hôm ấy có thịt gà bà mang đến. Thịt được nấu với măng tre và nấm mít. Mười mấy con người quây quần trên chiếc mươn bóng nước kê ở giữa sân, ánh sáng là ngọn đèn dầu lạc chỉ đủ soi rõ gương mặt của thầy. Bữa cơm nào cũng thế, thầy Cả Lắm luôn chọn ngồi gần nồi. Thầy xới cơm chia phần cho các con tùy theo sức ăn của từng đứa. Đứa háu đói, ăn không biết no, thầy luôn độn thêm cho củ khoai to tướng hoặc miếng cháy cuối nồi.

Ánh đèn dầu leo lét, chảy nhòe trước mắt cha. Thầy Cả Lắm rưng rưng khi xới bát cơm đầy có ngọn, gắp thêm một miếng ức gà dúi vào tay cha. Cha cúi đầu, nước mắt chực ứa.

Cha theo ông bà nội về làng, mang theo những gì học được từ thầy Cả Lắm để lập thân. Mỗi năm vào ngày mồng ba tết, thể nào ông bà ngoại cũng đưa cha vượt hai ngọn đồi, mang theo dăm chục trứng gà đến chúc tết thầy. Mấy năm chiến tranh loạn lạc, ông bà nội già yếu, cha không có điều kiện để đến thăm thầy, nhưng trong lòng vẫn canh cánh không nguôi. Cha lấy vợ, sinh được bốn người con. Anh chị em tôi trở thành  học trò của cha. Bắt đầu một câu chuyện, hay một việc làm cụ thể, cha thường nhắc đến thầy Cả Lắm. Cha nói, ở đời hơn nhau ở chữ Nghĩa. Rồi cha kể, kể thật nhiều những câu chuyện nhân văn mà thầy Cả Lắm đã dạy cho cha.

Nhớ và biết ơn thầy Cả Lắm, cha trồng xung quanh nhà những hàng mãn hảo xanh tốt. Cha nói, thú vui lớn nhất của thầy Cả Lắm là cắt tỉa hai hàng mạn hảo trong tiếng chơi chắt, chơi chuyền của đám trẻ. Cũng có khi là tiếng đọc bài thánh thót, là âm thanh tươi vui của những bài đồng dao.

*

Phải đến chiều hai mươi chín tết, hai hàng mạn hảo chạy vòng quanh ngõ nhà tôi mới được cắt tỉa xong xuôi. Cha ngồi co chân trên chiếc ghế gỗ lim có bốn chiếc chân nặng trịch, ngắm thành quả mĩ mãn rồi nói vọng lên nhà trên:

- Cái Ngần sắp xếp việc nhà, sáng mồng ba theo cha đi chúc tết Thầy nha con!

Tôi dạ nghe rõ lớn, trong lòng rưng rưng. Nhìn cha ngồi tĩnh lặng  ngắm hai hàng rào mạn hảo xanh ngăn ngắt, ngắm làn khói dần len trên những mái nhà cuối xóm, tôi biết lòng cha đang nhớ ông bà nội, nhớ thầy Cả Lắm.

Hàng năm, thể nào ngày mồng ba tết, cha cũng ngược làng đi chúc tết thầy Cả Lắm. Cha kể, chừng bảy tám năm sau khi cha về làng, gia đình của thầy Cả Lắm gặp biến cố lớn. Thầy bị quy vào thành phần, của cải không có bao lăm nhưng bị tịch thu hết. Thầy dọn đến ở trong môt ngôi nhà dựng tạm dưới chân rú. Học trò không còn theo học thầy. Tên gọi thầy Cả Lắm cũng dần bị lãng quên. Người ta gọi ông Cả Lắm, lão Cả Lắm. Những ngày tháng cuối đời, thầy sống tằn tiện nhờ vào dăm gốc sắn, một vài ổ gà. Thầy trồng lại quanh nhà những hàng mạn hảo xanh tốt. Những chiều mặt trời xuống núi, thầy Cả Lắm lại tỉ mẫn cắt tỉa hai hàng mạn hảo. Trong tiếng vi vút của những hàng phi lao, thầy Cả Lắm như nghe lại tiếng cười nói ríu ran, tiếng chơi chắt, chơi chuyền của lũ trẻ.

Thầy Cả Lắm sống gần đến tuổi chín mươi thi đi. Thầy ngủ một giấc thật dài rồi không trở dậy. Ngày thầy Cả Lắm mất, cha cũng kịp về đưa tang. Đám tang thầy lặng lẽ mà ấm áp. Mộ của thầy được đắp bằng nhiều viên đá thanh. Trước mộ là tấm bia bằng đá do chính tay cha viết tặng. Nét chữ mềm mại thanh thoát của cha muốn gửi gắm tấm lòng kính yêu vô hạn đối với người đã nằm sâu trong lòng đất.

*

Ngày mồng ba tết hàng năm, dù mưa phùn hay gió bấc, cha vẫn vượt quãng đường xa hàng chục cây số để Tết Thầy. Những năm gần đây, sức khỏe không còn tốt nên mình cha không thể đi. Tôi chở cha bằng xe gắn máy. Gió u u thổi. Gió kể cho cha về thầy Cả Lắm, về hai hàng mạn hảo xanh tươi. Hai cha con tôi bày lễ dưới chân ngôi mộ đắp bằng đá thanh. Bao nằm mà ngôi nhà vĩnh hằng của thầy Cả Lắm vẫn vẹn nguyên. Cha kể cho thầy nghe những chuyện vui nhưng từ đôi mắt cha lại chuồi ra những giọt nước mắt nóng hổi.

Cha nhớ thầy Cả Lắm !

                                   27/12/2021

                                              T.P.S

 

. . . . .
Loading the player...