15-08-2023 - 03:08

Từ cung nữ Bích Châu đến Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Từ cung nữ Bích Châu đến Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao” của tác giả Phạm Quang Ái

1. Hà Tĩnh là vùng đất phên dậu phía Nam của quốc gia Đại Việt. Trên con đường Nam tiến để bảo vệ đất nước và mở rộng biên cương của cha ông ta từ các triều đại Lý – Trần cho đến thời Hậu Lê, vùng đất Hà Tĩnh “địa linh nhân kiệt” đã ghi dấu nhiều chiến tích với những truyền thuyết, huyền thoại đã và đang hiện diện cùng với những di tích văn hóa – lịch sử khá dày đặc trên dải đất này. Điều đặc biệt là trong số các di tích còn lại, có những di tích gắn liền với các bà hoàng, các bậc mẫu nghi thiên hạ, được nhân dân tôn thờ vì đã có công lớn đối với sự nghiệp bình Chiêm để bảo vệ và mở mang bờ cõi Đại Việt của các triều đại.

2. Mở đầu là Cung phi Nguyễn Thị Bích Châu. Đây là nhân vật không có tên trong sử sách chính thống nhưng trong truyền thuyết bà lại là người có công trạng lớn với nhà Trần. Bà đã từng dâng Kê minh thập sách, nêu lên 10 sách lược cực kỳ sáng suốt để làm cho nước nhà hưng thịnh. Công trạng lớn nhất của bà gắn liền với cuộc Nam chinh của vua Trần Duệ Tông (1337 – 1377) từ tháng 12 năm 1376 đến tháng 3 năm 1377. Tương truyền, khi quân Trần Duệ Tông đi đến cửa bể Kỳ Hoa (nay là xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh) thì trời nổi phong ba bão táp. Cung phi Bích Châu đã tình nguyện làm vật tế thần để trời yên bể lặng cho đoàn quân Nam chinh của nhà Trần thuận lợi tiến vào Nam. Cuộc Nam chinh của Trần Duệ Tông thất bại, kéo theo là sự sụp đổ của triều Trần một thời gian ngắn sau đó nhưng tên tuổi, sự tích và minh triết giữ nước của người cung nữ lại được nhân dân truyền tụng và rọi ánh hồi quang cho các triều đại về sau. Sau này đến thời vua Lê Thánh Tông, vào năm 1471, cũng đi đánh Chiêm Thành, đền quân nhà vua qua chỗ bà Bích Châu đã trầm mình. Bà hiện lên báo mộng cho vua Lê và xin được làm lễ giải thoát. Nhà vua đã làm lễ cầu giải thoát cho bà và lập đền thờ ở cửa biển, phong làm Chế Thắng phu nhân. Đó là theo truyền thuyết về Cung nữ Bích Châu trong truyện truyền kỳ Hải Khẩu linh từ (Đền thiêng cửa bể) của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Còn trong tập thơ Minh lương cẩm tú của Lê Thánh Tông có chép bài thơ Hà Hoa hải môn lữ thứ (Nghỉ lại ở cửa biển Hà Hoa) như sau:

Hà Hoa đáo xứ vũ sùng triêu,

Hoàn hải mang nhiên tứ vọng diêu.

Xúc thạch du du vân luyến tụ,

Bài nham húng húng lãng tùy triều.

Thủy Tiên đàm thượng yên hà cổ,

Chế Thắng từ trung thảo mộc kiều.

Túy ỷ song bồng ngâm ý phát,

Thi hoài khách tứ bội vô liêu.

Đỗ Ngọc Toại dịch thơ:

Mưa mai mù mịt cửa Hà Hoa,

Ngắm biển mênh mang bốn phía xa.

Mây mến đầu non lơ lửng đứng,

Sóng theo con nước rập rờn qua.

Thủy Tiên đầm nọ đầy sương ráng,

Chế Thắng đền kia rực cỏ hoa.

Say tựa mui thuyền càng nẩy hứng,

Lòng thơ dạ khách khó khuây khoa.

Bài thơ có có kèm theo lời nguyên chú của Lê Thánh Tông: “Bên trái cửa biển có núi Bàn Độ (Thiên Nam dư hạ chép là bàn Khánh), dưới chân núi có đầm nước từ các nơi đổ về, thổ dân thường thấy hai tiên nữ từ trong đầm đi ra, lên núi chơi ở chỗ bàn cờ. Chế Thắng là cung nữ của vua trần Duệ Tông. Nhà vua Nam chinh, tới Kỳ Hoa gặp gió to, thuyền không qua được, nhà vua bèn trai giới bí mật cầu đảo, đặt người cung nữ ấy lên chiếc mâm vàng, để trôi trên mặt nước dâng cho thủy thần. Do có chuyện báo ơn đó, nên thường linh ứng. Người dân bèn lập đền thờ ở bên trái cửa biển. Nay trong Tự điển là thượng đẳng thần. Vũng dưới gọi là Vũng Nàng (Loan Nương)”. Như vậy, từ bài thơ và lời chú thích của chính nhà vua, chúng ta biết được rằng, khi Lê Thánh Tông qua đây, chốn này đã có đền thờ Chế thắng phu nhân, chứ không phải như trong truyện Hải khẩu linh từ của Đoàn Thị Điểm, kể rằng, khi Lê Thánh Tông Nam chinh qua đây mới lập đền.

Đền thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu tại xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh - Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

3. Nhân vật nữ thứ hai là Hoàng hậu Bạch Ngọc. Cuộc đời bà là dấu nối lịch sử hết sức ý nghĩa giữa nhà Trần và nhà Hậu Lê. Điều đặc biệt, theo truyền thuyết dân gian và thần tích, Phật phả, bà cũng là vợ vua Trần Duệ Tông. Bà tên thật là Trần Thị Ngọc Hào, con gái ông Trần Công Thiệu ở làng Tri Bản (nay là xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), được tuyển vào cung làm vợ vua Trần Duệ Tông, sinh hạ công chúa Trần Thị Ngọc Hiên, hiệu Huy Chân. Năm 1377, vua Trần Duệ Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành bị tử trận. Sau đó, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần rồi nhà Minh mượn cớ “phù Trần diệt Hồ” để xâm lược nước ta. Trong hoàn cảnh đó, Hoàng hậu Bạch Ngọc đem theo 573 người rời bỏ Thăng Long về quê để sinh cơ lập nghiệp. Đến núi Trà Sơn (vùng giáp giới 3 huyện Can Lộc, Đức Thọ, Hương Khê ngày nay), bà đã cùng cung nhân tôi tớ ở ẩn tại đây (lúc này đoàn của bà chỉ còn lại 170 người), chiêu mộ nhân dân được 3.000 người, sau vài chục năm đã lập nên nhiều làng xóm, khai khẩn ruộng đất được 3.965 mẫu, xây dựng nhiều kho cất trữ lương thực, nhiều trại chăn nuôi với đàn gia súc lên tới hàng ngàn con...

Năm 1424, khi nghĩa quân Lam Sơn từ căn cứ địa Thanh Hóa vào Nghệ An chiếm được thành Trà Long (Tương Dương) và hương Đỗ Gia (Hương Sơn và Hương Khê ngày nay). Đầu năm Ất Tị (1425), Đỗ Gia trở thành căn cứ quân sự chủ yếu của nghĩa quân Lam Sơn, sở chỉ huy của Bình Định Vương Lê Lợi đóng tại thành Lục Niên trên núi Thiên Nhẫn. Hoàng hậu Bạch Ngọc đã đến yết kiến Bình Định Vương Lê Lợi, xin hiến toàn bộ tiền, lương thực, thực phẩm đã tích trữ được cho cuộc kháng chiến chống giặc Minh và gả công chúa Huy Chân cho thủ lĩnh quân Lam Sơn. Sau chiến thắng giặc Minh, non sông thu về một mối, Lê Lợi lên làm vua (1428), nhớ công đức của bà, nhà vua đã phong tước cho bà là Mẫu Quận công, Bảo Chính công thần. Về sau, bà đã xin nhà vua xây dựng Chùa Am, rồi cùng con gái là công chúa Huy Chân và cháu là công chúa Trang Từ (con của công chúa Huy Chân và Lê Lợi) tu hành tại đó. Bà mất ngày 22 tháng 6 niên hiệu Hồng Đức. Chùa Am – Diên Quang Tự (Đức Thọ) là nơi thờ tự bà.

4. Khác với hai vị nữ trung hòa kiệt nói trên, Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao là nhân vật lịch sử có thật 100% với tiểu sử, hành trạng, chức tước được ghi chép lại khá đầy đủ trong chính sử. Theo Đại Việt sử ký toàn thư của nhà Hậu Lê, Khâm định Việt sử thông giám cương mục của nhà Nguyễn, Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn,  thì Ngô Thị Ngọc Dao (1421 - 1496), người làng Động Bàng, huyện Yên Định, phủ Thanh Hóa (nay là xã Định Hoà, huyện Yên Đinh, tỉnh Thanh Hóa). Ông nội bà tên Ngô Kinh, là gia thần của Lê Khoáng (cha Lê Thái Tổ), về sau được phong Thái phó. Cha bà tên Ngô Từ, là gia thần của Lê Thái Tổ, được phong Thái bảo, vì có công cung cấp quân lương, ngay trong những ngày đầu kháng Minh.

Nhờ có người chị là cung tần của Lê Thái Tông (1423-1442), nên bà Ngô Thị Ngọc Dao có dịp theo chị vào hậu cung chơi. Nhà vua trông thấy, liền tuyển bà làm cung tần. Năm Canh Thân (1440), bà được phong làm Tiệp dư, ở cung Khánh Phương. Trước đây, Lê Thái Tông đã có 2 bà phi là Lê Ngọc Dao (con Đại tư đồ Lê Sát) và Lê Thị Lệ (con Tư khấu Lê Ngân). Khi Lê Sát và Lê Ngân bị xử tội năm 1437, hai người bị phế bỏ. Sau đó Thái Tông sủng ái bà phi Dương Thị Bí và sinh ra con trưởng là Lê Nghi Dân năm 1439. Năm 1440, Thái Tông bắt đầu sủng ái Nguyễn Thị Anh và lấy cớ Dương Thị Bí kiêu ngạo nên truất làm Minh nghi. Năm sau một người con trai thứ hai là Lê Khắc Xương ra đời, nhưng mẹ cũng không được vua yêu. Cùng năm đó Nguyễn Thị Anh sinh được Lê Bang Cơ (1441-1459), Thái Tông liền truất Lê Nghi Dân, con của Dương Thị Bí, khi ấy mới 2 tuổi, làm Lạng Sơn vương và lập Bang Cơ làm Thái tử. Khi nghe Ngô Thị Ngọc Dao có thai, Nguyễn Thị Anh sợ đến lượt mẹ con mình bị phế, nên đã vu khống Ngọc Dao và xin Thái Tôn khép tội voi giày, nhưng nhà vua chỉ khép vào tội phát lưu (đày đi xa). Biết chuyện, Nguyễn Trãi bàn với vợ thứ là Nguyễn Thị Lộ, lúc này đang làm Lễ nghi học sĩ, vào xin vua cho đổi sang án giam, và được vua chấp thuận. Nhờ vậy, mà Ngọc Dao chỉ bị giam ở chùa Huy Văn (nay là chùa Dục Khánh), ngõ Văn Chương, trong kinh thành Thăng Long. Ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), Ngô Thị Ngọc Dao sinh ra Lê Tư Thành (tức Lê Thánh Tông, 1442-1479) tại chùa này, rồi cũng vì sợ Nguyễn Thị Anh tiếp tục ám hại, Nguyễn Trãi cho người đưa mẹ con bà trốn biệt ra trấn An Bang (Quảng Yên, nay là một phần của Quảng Ninh).

Sau khi vua Thái Tông đột ngột qua đời, xảy ra cuộc chiến tranh chấp ngôi vị của các vị hoàng tử và các bà hoàng khác rất khốc liệt trong một thời gian dài. Cuối cùng hai vị trung thần Nguyễn Xí và Đinh Liệt hợp sức làm một cuộc đảo chính thành công và phò trợ Lê Tư Thành lên ngôi, tức vua Lê Thánh Tông, và Ngô Thị Ngọc Dao trở thành Quang Thục Hoàng thái hậu. Theo chính sử, Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao mất năm 1496, niên hiệu Hồng Đức thứ 26.

Nơi mất và năm mất của Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, hiện nay có hai nhóm tài liệu chứa đựng những thông tin rất khác nhau. Nhóm thứ nhất, gồm các thư tịch cổ như Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ thực lục, quyển 13), Đại Việt thông sử (Hậu phi truyện), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 24) và gần đây hơn là quyển Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Khắc Thuần (tr. 472)...Tất cả đều cho rằng bà mất vào ngày 26 tháng 2 (nhuận) năm Bính Thìn (1496), thọ 75 tuổi. Riêng Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi rõ Thái hậu Ngọc Dao mất vào giờ Hợi, tức khoảng 21 giờ đến 23 giờ tối, vì bị cảm nặng sau khi về bái yết Lam Kinh (Thanh Hóa). Còn Khâm định Việt sử thông giám cương mụcĐại Việt thông sử thì chép bà mất vì bệnh kiết lỵ Về nơi mất, nhóm sách này đều viết bà mất ở điện Thừa Hoa, tức nơi ở của bà ở kinh đô Thăng Long.

Nhóm thứ hai, gồm 25 đạo sắc phong, gia phả họ Phan hiện còn lưu giữ ở xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tất cả đều ghi Thái hậu Ngọc Dao mất ngày 25 tháng 3 năm Tân Mão (1471), khi mới 50 tuổi.

Theo lời kể của người dân địa phương, thì vào năm 1471, sau khi cùng con là Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, về dọc đường, bị lâm bệnh nặng và mất tại cửa Sót (nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Nhà vua đành phải mai táng mẹ tại trang Đồng Cần, xã Quang Chiêm (nay thuộc xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Chẳng bao lâu sau, vua sai người chọn đất, cải táng hài cốt của bà về vị trí cũng gần đó. Trước khi trở về Thăng Long, vua Lê còn cấp trăm công đất cho cậu ruột (em Thái hậu Ngọc Dao) cùng năm người họ Phan, vốn là bà con bên ngoại của Thái hậu, ở lại canh tác, lấy hoa lợi, lo việc tế tự và trông coi mộ phần. Kể từ đó, ở trang Đồng Cần mới có một chi họ Phan, mà nguồn gốc ở Thanh Hóa. Người dân ở trang Đồng Cần còn khẳng định rằng: Sát bên cạnh đền thờ[5], có một ngôi mộ cổ. Đấy mới thật là mộ của Thái hậu Ngọc Dao. Hiện tại, ở Hà Tĩnh có hai di tích thờ bà. Một là đền Đồng Cần ở Đức Thịnh (Đức Thọ), hai là đền Bà Chúa ở Cẩm Dương (Cẩm Xuyên).       

5. Chúng ta biết rằng một vị Hoàng thái hậu có công bảo hộ cho cả một triều đại xán lạn như triều vua Lê Thánh Tông thì việc nhân dân các địa phương lập đền thờ vọng bà là việc đương nhiên. Và Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao không chỉ được thờ ở Hà Tĩnh mà còn được thờ ở nhiều nơi tại Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc. Vấn đề ở đây là thời điểm và nguyên nhân của sự từ trần của bà. Như đã nói trên, tất cả các tài liệu chính sử đều ghi là bà mất năm 1496 và mất vì bệnh già. Còn truyền thuyết, thần tích, gia phả dòng họ có liên quan ở Hà Tĩnh lại ghi là bà mất năm 1471 và mất khi theo xa giá vua Lê Thánh Tông đi Nam chinh. Vậy vì sao lại có sự khác nhau như thế? Câu hỏi này đã được giới sử học đặt ra nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải. Theo chúng tôi biết thì Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển XII, chép rằng, năm 1471, trên đường Nam chinh trở về: “Mùa hạ, tháng 4, vua dừng lại ở Nghệ An. Ngày mồng 8, vua đến sông Phi Lai. Vua thấy Hoàng thái hậu ngồi thuyền, có thái tử theo hầu, vội đi thuyền nhẹ đến, thay áo, lên thuyền rồi về hành điện ở Thiên Phái.” (ĐVSKTT, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội; tr.471). Theo chú thích của các dịch giả ĐVSKTT thì sông Phi Lai là tên con sông ở xã Phi Lai, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Như thế thì tuy không có chuyện Quang Thục Hoàng thái hậu theo xa giá đi tòng chinh nhưng lại có việc bà đã không quản đường xa trở ngại để đón vua trở về. Tuy nhiên, địa điểm bà đến đón lại là ở Nga Sơn, Thanh Hóa, chứ không phải một địa chỉ nào đó ở Hà Tĩnh.

Vậy truyền thuyết về việc Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao tòng chinh, từ trần và yên nghỉ ở vùng đất Hà Tĩnh chỉ có thể giải thuyết bằng ý đồ tốt đẹp của các triều vua sau của nhà Hậu Lê muốn một bậc mẫu nghi thiên hạ có công lớn đối với sự trùng hưng của triều đại mình được thờ tự và linh hiển trên vùng đất vốn là phên dậu từ xưa của quốc gia Đại Việt. Hơn thế, ở vùng đất này, trước đó, đã có những bậc nữ trung hòa kiệt như Chế Thắng phu nhân, Hoàng hậu Bạch Ngọc được nhân dân địa phương thờ phụng, tôn kính. Vả chăng, chính Lê Thánh Tông, con trai Quang Thục Hoàng thái hậu, trong cuộc Nam chinh năm 1471 đã chứng kiến sự linh hiển của Chế Thắng phu nhân trong tâm thức của nhân dân địa phương xứ này. Làm như thế, một mặt, triều đại Hậu Lê và các triều đại sau càng cũng cố uy tín của mình ở cả cõi âm và cõi dương; mặt khác, giáo dục từ trong sâu thẳm tâm linh sự biết ơn của dân chúng đối với những nhân vật có công với sơn hà xã tắc của triều đại mình. Và bao trùm lên tất cả là muốn củng cố cho dân chúng ý thức về sự nhất thống giang sơn, sự vững bền của xã tắc dưới sự cai trị của các triều đại.

6. Với những di tích, truyền thuyết, huyền thoại về những bậc nữ trung hào kiệt nói trên ở Hà Tĩnh, vùng đất này đã xác lập nên một truyền thống đáng tự hào, có sức ảnh hưởng lâu dài về vai trò cũng như tinh thần xả thân vì giang sơn, đất nước của người phụ nữ Việt. Đó là những người phụ nữ dù ở vị trí cao sang, dù trong thực tế xã hội đương thời họ không phải gánh vác trách nhiệm với sự tồn vong của đất nước và triều đại nhưng họ đã không ngần ngại cống hiến tài năng, sinh mạng của mình cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

P.Q.A

. . . . .
Loading the player...