29-11-2016 - 10:07

Tưởng nhớ người thầy siêu giỏi Trần Quốc Nghệ

"Tôi đã từng làm việc với nhiều nhà thông thái nhưng chưa bao giờ gặp một bộ óc uyên bác như thầy Trần Quốc Nghệ. Chính vì vậy mà tôi mới gọi thầy là “siêu giỏi”... Những buổi nói chuyện không chỉ cung cấp cho tôi những kiến thức uyên bác của thầy mà hơn thế, qua các câu chuyện đó đã dạy cho tôi đạo lý làm người...”.Một người thầy được các học trò danh tiếng như danh sách vừa nêu tôn vinh là “siêu giỏi”, “một nhân cách lớn”, “thanh cao mà bình dị”... thì có thể nói đó là sự “bảo đảm bằng vàng” cho một tấm gương đáng để những thế hệ sau noi theo" Nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của thầy giáo, hội viên Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh ( 27/11/1996- 27/11/2016), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu chùm bài viết của GS Hà văn Tấn, nhà văn Nguyễn Khắc Phê và tác giả Đặng Hữu Trung.


TRẦN QUỐC NGHỆ- NGƯỜI THẦY SIÊU GIỎI
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

 
          10 năm trước trên báo Tiền Phong, nhà văn Nguyễn Quang Thân đã có bài viết Người thầy của mười mấy ông Tiến sĩ. Thử kể một số tên tuổi các học trò của người thầy ấy: nhà sử học Chương Thâu, GSTS Phan Đình Diệu, GS Hà Văn Tấn, GSTS Hà Học Trạc, nhà nghiên cứu Hà Xuân Trường, GSTS Phan Hữu Dật, ông Lê Xuân Tùng - nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội, GS Phan Huy Lê, nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến...Quê hương thầy Trần Quốc Nghệ ở bên dòng sông Phố của Hà Tĩnh, nhưng xứ Huế lại là nơi thầy theo học suốt từ cấp I đến lúc thi tú tài tại Trường Khải Định (nay là Trường Quốc Học).
            Thân phụ của thầy đậu cử nhân năm 25 tuổi dưới triều Nguyễn; hồi cụ Phan Bội Châu bị giam lỏng trên dốc Bến Ngự, mỗi khi có dịp đến đàm đạo chuyện văn chương thế sự với cụ Phan, ông thường cho thầy đi theo. Vì thế thầy sớm hiểu trách nhiệm và lẽ sống của kẻ sĩ trong cuộc đời, háo hức muốn được thể hiện lòng yêu nước của mình, dù có khi đó chỉ là việc đánh dằn mặt mấy đứa “Tây con” hỗn láo.
            Cũng từ đó thầy nổi danh ở Huế, nhất là khi thầy trở thành nhà vô địch quyền anh hạng lông của Trung kỳ. Chuyện thầy đêm khuya vượt tường rào khu nội trú Trường Khải Định ra phố trừng trị những tên “culít” (cảnh sát) ức hiếp dân lành không phải là chuyện hiếm. Thế nên có người đã gắn cho thầy biệt danh “Le Terreur de Hue” (Kẻ gây kinh hoàng xứ Huế). Sau này, khi dạy học ở Vinh, thầy đã cho tên phó sứ Pháp một bài học ngay trong một buổi lễ ở trường.
            GS Hà Học Trạc viết: “Thầy tuy chỉ là một giáo viên trung học... nhưng qua tự học, tự bồi dưỡng, thầy xứng đáng được xếp vào danh sách những người VN có kiến thức uyên bác về tiếng Pháp và văn học Pháp ở nước ta...”.
            Thật ra, từ những năm 1980 - 1990, thầy còn dạy văn học phương Tây, dạy tiếng Pháp, tiếng Anh tại các trường Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Tổng hợp, Bách khoa, Y, Dược, Nông nghiệp Hà Nội cho các giáo viên chuẩn bị đi làm chuyên gia ở nước ngoài. Tự học, tự bồi dưỡng mà thành tài được như thầy Nghệ hẳn phải là rất công phu, nhưng GS Hà Văn Tấn khi tôn vinh thầy Nghệ “siêu giỏi” lại ghi nhớ bài học quí nhất của thầy là kiểu tư duy độc lập. GS Hà Văn Tấn viết: “Một hôm thầy đến thăm tôi và nói rằng: “Tấn ạ, không phải tất cả những câu của Khổng Tử đều không thể thêm bớt...”.
            Trong qua trình học tập, nghiên cứu của tôi, tôi đã cố gắng rèn luyện kiểu tư duy đó. Trước mọi vấn đề, bao giờ tôi cũng hết sức tìm tòi một nhận xét không giống ai, của riêng mình. Tôi dần dần nhận ra đó chính là ảnh hưởng của thầy Trần Quốc Nghệ... Tôi đã từng làm việc với nhiều nhà thông thái nhưng chưa bao giờ gặp một bộ óc uyên bác như thầy. Chính vì vậy mà tôi mới gọi thầy là “siêu giỏi”... Những buổi nói chuyện không chỉ cung cấp cho tôi những kiến thức uyên bác của thầy mà hơn thế, qua các câu chuyện đó đã dạy cho tôi đạo lý làm người...”.Một người thầy được các học trò danh tiếng như danh sách vừa nêu tôn vinh là “siêu giỏi”, “một nhân cách lớn”, “thanh cao mà bình dị”... thì có thể nói đó là sự “bảo đảm bằng vàng” cho một tấm gương đáng để những thế hệ sau noi theo.
 
TƯỞNG NHỚ THẦY TRẦN QUỐC NGHỆ
Đặng Hữu Trung

            Thầy Trần Quốc Nghệ là một người văn võ toàn tài và đức độ. Thầy xuất thân từ một gia đình nhà nho hiếu học (thân phụ đậu cử nhân lúc mới 25 tuổi dưới triều nhà Nguyễn) tại xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. 
       Thầy học từ cấp I đến tú tài tại Trường Khải Định (sau này là Quốc học Huế). Trong thời gian này Thầy vừa học văn vừa học võ (Thầy đã đoạt chức vô địch quyền Anh hạng lông của Trung kỳ). Thầy đã dạy học ở nhiều nơi, trong đó có Trường Phổ thông cấp 3 Vinh và Trường Phổ thông cấp 3 Phan Đình Phùng Hà Tĩnh (trong những năm 60, 70 của thế kỷ XX). Ngoài những kiến thức học được ở trường, Thầy là một tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự bồi dưỡng. Vì vậy, Thầy có được một kiến thức rất uyên bác về văn học, sử học Việt Nam và Văn học phương Tây, đặc biệt là văn học Pháp. Thầy cũng rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh và biết tiếng Hán, tiếng Bồ Đào Nha…, chủ yếu do tự học nhờ một trí nhớ tuyệt vời. Số học trò được thầy dạy có thể tính tới hàng ngàn, trong đó có nhiều người sau này nổi tiếng trong giới khoa học và các lĩnh vực khác như: GS Phan Huy Lê, GS. NGND Hà Văn Tấn, GS.TSKH Phan Đình Diệu, GS.TS Hà Học Trạc, GS.TS Phan Hữu Dật, Nhà nghiên cứu Hà Xuân Trường, GS Lê Xuân Tùng (nguyên UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội), GS.TS Chương Thâu,…*
       Tôi có may mắn được học thầy Trần Quốc Nghệ hai môn Văn và Sử cùng với một số bạn đồng khóa 1963-66 như Nhà thơ TS. Lê Thành Nghị, PGS.TS Phan Xuân Biên, PGS.TS Lê Đình Sỹ, nhà thơ Nguyễn Trọng Bính,... Chúng tôi, lúc bấy giờ, là những học sinh “từ quê lên tỉnh” học, phải ở trọ nhà dân quanh trường, điều kiện học tập rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ vì chiến tranh, và đến giữa khóa học lại theo trường sơ tán từ Thị xã Hà Tĩnh lên vùng rừng núi xã Thạch Xuân. Trong hoàn cảnh như vậy, chúng tôi ít có thời gian rỗi để bày tỏ tâm sự hoặc tới nhà thăm các thầy cô. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn được các thầy cô yêu mến vì là những học sinh chất phác, ngoan ngoãn, chăm học. Và riêng với thầy Nghệ, có thể nói, Thầy hết sức thông cảm và thương học sinh. Thầy thừờng bất ngờ ghé thăm nơi ở của chúng tôi để biết tình hình sinh hoạt, học tập của học sinh, dù lúc bấy giờ tuổi Thầy đã cao và không phải là Giáo viên chủ nhiệm lớp. Với chiếc xe đạp tồi tàn “bộ phận nào cũng kêu trừ cái chuông” Thầy cũng đã từng nhiều lần đạp xe hàng chục cây số đến tận nhà của học sinh bị ốm đau để thăm hỏi hoặc tìm hiểu tình hình và động viên tinh thần học tập đối với những người có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.
       Thầy Nghệ sống rất thanh bạch, dản dị và thân thiện với mọi người. Thầy không những chỉ gần gũi, quan tâm tới học sinh của mình mà cả với những người dân khi ở nơi sơ tán. Sau này, khi đã ra trường nhiều năm với những trải nghiệm nhất định trong cuộc sống, chúng tôi mới được một số bạn của Thầy kể cho nghe  trong cuộc đời Thầy cũng có nhiều niềm vui và nỗi buồn. Do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ còn nặng “bệnh” lý lịch và lại là một người cương trực, thẳng thắng nên Thầy đã có lúc bị hiểu oan và chịu những thiệt thòi. Tuy vậy, với phẩm chất của một nhà giáo chân chính, từng trải, có nghị lực và tấm lòng vị tha nên Thầy đã vượt qua được chính mình và mọi sự đố kị để tập trung vào chuyên môn và suốt đời dồn hết sức lực, tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Những bài giảng của Thầy không những có nội dung phong phú, sâu sắc mà còn rất hấp dẫn, cuốt hút, tạo niềm say mê đối với học sinh, nhất là những khi được nghe Thầy giảng về truyện Kiều, Chinh Phụ ngâm hay về lịch sử cổ đại. Thầy luôn muốn truyền đạt cho học sinh tình yêu khoa học và phương pháp tư duy độc lập, sáng tạo. Thầy đúng là “một ông đồ xứ Nghệ” trong thời đại mới! Từ đó, chúng tôi càng thấy khâm phục, thương yêu và kính trọng Thầy gấp bội. Từ sâu thẳm trái tim, chúng tôi và các thế hệ học trò của Thầy luôn kính phục, yêu mến và tôn vinh Thầy là Người thầy “siêu giỏi” như GS. NGND Hà Văn Tấn, một học trò cũ của Thầy, nổi tiếng “thông kim, bác cổ” khẳng định.     
          Riêng bản thân tôi cũng có nhiều kỷ niệm với Thầy rất sâu đậm, không thể nào quên! Sau khi rời Trường Phổ thông cấp 3 Phan Đình Phùng-Hà Tĩnh thân yêu, tôi được ra nước ngoài học tập và sau đó lại đi công tác xa liên tục nên mãi đến sau năm 1980 tôi mới được gặp lại Thầy, khi đã nghỉ hưu, Thầy ra Hà Nội ở với con gái trong Khu tập thể Kim Liên và dạy tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha cho một số người chuẩn bị đi làm chuyên gia ở các nước châu Phi. Trong lần đầu gặp lại người Thầy kính yêu sau bao năm xa cách, tôi rất hồi hộp vì không biết Thầy còn nhớ người học trò cũ cách đây đã hàng chục năm không?. Song thật ngạc nhiên và cảm động là khi tôi chưa kịp cất tiếng chào Thầy thì từ xa Thầy đã bước tới và gọi đúng tên tôi. Đúng là Thầy vẫn có một trí nhớ tuyệt vời như xưa (các bạn tôi nói rằng, Thầy vẫn còn nhớ tên của hầu hết học sinh Thầy đã từng dạy). Sau đó tôi còn được gặp Thầy một vài lần nữa nhưng sau đợt công tác nhiệm kỳ mấy năm ở nước ngoài về nước thì tôi nghe tin Thầy đã mãi mãi đi xa. Nghe tin đó, lòng tôi tê tái vì thương nhớ Thầy.
         Tháng 10 năm 2006, nhân dịp kỷ niệm 40 năm khóa học sinh 1963-66 tốt nghiệp lớp 10, tôi cùng một số bạn từ Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác đã trở về thăm lại mái trường xưa (nay đã đổi tên thành Trường THPT Phan Đình Phùng và chuyển về địa điểm mới) và thăm các thầy cô cũ. Song trong niềm vui được gặp lại các bạn bè và với lãnh đạo Nhà trường chúng tôi lại cảm thấy buồn và trống vắng vì phần lớn các thầy cô giáo cũ của chúng tôi giờ đã vắng bóng, chỉ còn lại vài ba người nay cũng đã nghỉ hưu và già yếu. Trong không khí xúc động khó tả chúng tôi đã cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa và tưởng nhớ tới những người thầy kính yêu đã mất như thầy Đàn, thầy Vượng, thầy Thanh và nhất là thầy Nghệ với những tình cảm chân thành, kính trọng nhất. Tôi đã viết mấy vần thơ sau đây kính dâng lên linh hồn của thầy Trần Quốc Nghệ:
 
THƯA THẦY!
                   
Chúng con lại trở về đây 
Thăm ngôi trường cũ, cô thầy, Thầy ơi!
Bao năm góc biển chân trời  
Lòng con luôn nhớ những lời dạy, răn.
Cho dù tóc đã hoa râm 
Vẫn là trò nhỏ muôn năm của Thầy.
Sông kia dẫu có vơi  đầy
Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy chẳng quên!                                 
Mát-xcơ-va, ngày 16.11.2009
 Đặng Hữu Trung

Nhớ người thầy “siêu giỏi” Trần Quốc Nghệ của chúng tôi 

Giáo sư Hà Văn Tấn
 
      Tôi được học Thầy Trần Quốc Nghệ những năm trường Phan Đình Phùng rời về xã Ngu Lâm - Đức Thọ - Hà Tĩnh. Thầy Nghệ là người Thầy đã để lại những ảnh hưởng to lớn đối với tôi trong suốt cuộc đời.
       Ở trường Phan Đình Phùng, Thầy có rất nhiều giai thoại. Tài năng của Thầy được truyền qua nhiều thế hệ học sinh, làm cho bọn học sinh chúng tôi rất ngưỡng mộ Thầy: Thầy đã từng là võ sĩ quyền Anh có hạng, Thầy là người giỏi Pháp Văn ít người bì kịp.v.v Hình ảnh của Thầy còn mãi trong lòng chúng tôi. Nhớ nhất đôi mắt lác của Thầy. Bọn học sinh chúng tôi kháo nhau là Thầy đánh quyền Anh thường thắng chính là nhờ đôi mắt lác đó.Thầy thường ăn mặc giản dị. Nhớ những lúc lên lớp, Thầy gãi lộn cả hai túi quần ra ngoài, bọn chúng tôi nhìn hai túi quần và cười, Thầy biết, chỉ nói một câu: “Mình tra rồi mà” (Tra là già, tiếng địa phương Hà Tĩnh). Có cậu học sinh nào đi tắm giặt trong con sông nhỏ chảy qua Ngu Lâm, trước cửa trường, mà Thầy biết được, thế nào Thầy cũng gọi vào, gửi giặt hộ Thầy cái áo hay cái quần. Đối với chúng tôi, việc giặt hộ Thầy đã trở thành thói quen và coi đó là một vinh hạnh.
Những buổi lên lớp của Thầy cuốn hút chúng tôi bằng sự phân tích sâu sắc, những ý thật độc đáo bất ngờ, kích thích tính sáng tạo ở chúng tôi, buộc chúng tôi phải suy nghĩ, tìm tòi. Tôi chỉ tiếc là không nhớ hết những điều Thầy giảng. Nhưng sau này, mỗi khi gặp lại những hoàn cảnh tương tự, thì trong óc lại hiện lên những dòng chữ của Thầy, của riêng Thầy.
Chẳng hạn, tôi nhớ mãi một hôm Thầy đến thăm tôi và nói rằng: “Tấn ạ, không phải tất cả những câu của Khổng Tử đều không thể thêm bớt, ví dụ như câu “Tứ hải giai huynh đệ” (bốn biển đều là anh em) thì chỉ cần nói “Tứ hải giai huynh” thế là đủ (bốn biển đều là anh). Hay như khi Khổng Tử nói “Tri chi vi tri, bất tri vi bất tri thị tri dã” (biết thì làm ra biết, không biết thì làm ra không biết, ấy là biết vậy) thì theo mình, nên nói “Tri chi vi bất tri, thị tri dã” (biết thì làm là không biết, ấy là biết vậy) thế là đủ và sâu sắc hơn.”
Tôi thấy những lời Thầy nói, mình phải chiêm nghiệm suốt đời và trong lời Thầy, tôi nhận thấy một tư duy độc đáo và độc lập. Trong quá trình học tập và nghiên cứu của tôi, tôi đã cố gắng rèn luyện kiểu tư duy đó. Trước mọi vấn đề, tôi bao giờ cũng hết sức tìm tòi một nhận xét không giống ai, của riêng mình. Tôi dần dần nhận ra đó chính là ảnh hưởng của Thầy Trần Quốc Nghệ.
Trong thời gian Thầy ra Hà Nội để dạy Pháp văn, Thầy hay đến thăm tôi ở 20 Phan Huy Chú. Thầy đi một chiếc xe đạp mini Liên Xô, đến nhà tôi, Thầy thường gác xe đạp vào gốc cây trong sân rồi gọi vọng lên “Tấn ơi Tấn”. ở gác hai, tôi nghe tiếng Thầy thì chạy xuống nhà đón Thầy. Bên cái bàn nước bằng tre, Thầy nói đủ chuyện, nào chuyện bản dịch Kiều của Nguyễn Khắc Viện đến các văn bản chữ nôm của Nguyễn Trãi. Chính những lần nghe Thầy nói chuyện này tôi mới thấy hết cái uyên bác của Thầy.
Tôi đã từng làm việc với nhiều nhà thông thái nhưng chưa bao giờ gặp một bộ óc uyên bác như Thầy. Chính vì vậy mà tôi mới gọi Thầy là “siêu giỏi”. Nhớ một lần, Thầy khoe với tôi đã đọc câu đối ở nhà thờ Đặng Tất, Đặng Dung ở Tùng Lộc, Can Lộc và khen mãi câu đối đó:
Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ
Anh hùng bất nhị, nhị anh hùng
Thầy tấm tắc khen mãi chữ “vô song” và “bất nhị” trong câu đối. Vì “bất nhị” còn có nghĩa là “không thờ hai chúa”. “Quốc sĩ” hay “anh hùng” chỉ có một, nhưng ở đây có đến hai người là Đặng Tất và Đặng Dung. Cái hay là ở chỗ đó.
Tôi đã học tập được nhiều điều qua những buổi nói chuyện của Thầy Nghệ. Những buổi nói chuyện không chỉ cung cấp cho tôi những kiến thức bằng đầu óc uyên bác của Thầy mà hơn thế, qua các câu chuyện đó đã dạy cho tôi đạo lý làm người. Thầy là người cương trực, không bao giờ luồn cúi ai, là một tấm gương cho chúng tôi.
Tôi thường nhớ lại những người Thầy đã có ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này của tôi trong các trường mà tôi đã được học, như Thầy giáo Ngụy Cao Hiền hồi tôi học cấp II, Thầy Đào Duy Anh hồi tôi học Đại học và Thầy Trần Quốc Nghệ lúc tôi học cấp III. Cho đến giờ tôi vẫn nghĩ là được học Thầy Trần Quốc Nghệ là một điều may mắn đối với tôi trong đời và đó cũng là niềm hạnh phúc.
 
. . . . .
Loading the player...