30-09-2022 - 00:10

Tùy bút TÌNH NGƯỜI LÍNH ĐẢO của Tác giả Nguyễn Xuân Diệu

Tạp chí Hồng Lĩnh số 193 tháng 9. 2022 xin giới thiệu Tùy bút Tình người lính đảo của tác giả Nguyễn Xuân Diệu

NGUYỄN XUÂN DIỆU

TÌNH NGƯỜI LÍNH ĐẢO

                                                                                                                        Tùy bút

 

Thật may mắn trong đời mình đã dăm lần tôi được đến với những người lính đảo. Từ những hòn đảo gần bờ của các tỉnh Khu Bốn như Hòn Mê, Hòn Mắt, Hòn Ngư, Sơn Dương, Cồn Cỏ…đến các đảo xa Trường Sa Lớn, Song Tử Tây…Tôi thường háo hức về với đảo mùa biển động. Ở đất liền ấy là những ngày “tháng tám trời thu xanh thắm”. Nhưng ở đảo, lính đảo thường gọi bằng cái tên thật gợi: mùa Trăng, mùa Mây!

Mà đúng là mùa Trăng, mùa Mây thật! Khoan nói về trăng, khi mặt trời chưa ngoi lên mặt biển, mây trắng mịt mù như dâng lên từ muôn con sóng bạc đầu, giăng giăng khắp đảo, đậu cả lên vai, quấn quanh nòng súng người lính. Rồi chiều xuống, chẳng hiểu từ đâu, mây cứ cuồn cuộn kéo về giăng lũy, giăng thành lớp lớp chân trời…

Tôi đã gặp gỡ, quen thân với nhiều người lính đảo. Thường thì họ có chung gương mặt cương nghị, sạm nắng gió, dãi dầu biển mặn và có chung nỗi nhớ da diết đất liền. Một trong những người lính để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi là Trần Ngọc Hiệp, một người lính đồng hương với tôi. Hiệp quê ở xã Đan Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Hiệp đã về với đảo, ở lại với đảo gần năm mùa biển động. Khi tôi hỏi anh về nỗi nhớ, Hiệp tâm tình: “Nhiều khi nỗi nhớ làm người ta mềm lòng. Nhưng với người lính đảo, nỗi nhớ càng da diết bao nhiêu càng cho chúng tôi chắc thêm tay súng!” Lời nói thật giản dị. Người lính sống nơi ầm ào sóng gió này vốn ăn sóng, nói gió nên rất giản dị khi nói về mình. Nhìn Hiệp, nhìn những người lính đảo đang ôm súng dõi mắt ra khơi xa trập trùng sóng, tôi nghĩ: “Đó là nỗi nhớ của những đứa con dũng cảm về Mẹ - Tổ Quốc mà bổn phận của họ - những người lính đảo - được giao sứ mệnh thiêng liêng trấn giữ cho Mẹ bình yên, cho vẹn tròn trung hiếu!”

Tôi đã từng đi cùng các tổ tuần tra trên các đảo và cùng những người lính sát vai ngồi trên bờ sóng, hướng nòng súng ra phía biển. Sóng trào dâng, òa vỡ như những vành hoa trắng bên ghềnh đá. Những người lính nói vui: “Cái ông nhạc sĩ nào đó yêu quá hóa…ngẩn ngơ (!) Chẳng phải “Ngày xưa biển chưa có sóng như bây giờ” đâu! Từ ngàn đời nay biển vẫn sóng. Từ ngàn đời nay Đảo vẫn gió. Những con sóng ào ạt. Những cơn gió mặn mòi. Từ ngàn đời nay, biển đã yêu, anh ạ!” Nghe những người lính đảo nói và tôi nhìn vào mắt anh và nhìn ra biển. Đôi mắt anh đọng cả biển vào đó và biển - biển mênh mông xanh, một màu xanh huyền hoặc. Mặt trời lên, đảo ngập trong thứ ánh sáng chát chao, nồng nã. Những đàn hải âu chao cánh, kêu ríu ran, quấn quýt quanh những người lính đảo. Sống cùng lính đảo, tôi biết thêm, khi nói về mình họ giản dị bao nhiêu thì lại thật sâu sắc khi nghĩ về hòn đảo mình đang trấn giữ. Một lần trên đảo Song Tử Tây, Trần Ngọc Hiệp rủ rỉ với tôi: “Ở đây xa đất liền thật. Nhưng chứng tôi hiểu rằng đất liền gần lắm, ngay giữa trái tim mình. Bởi đảo là núm ruột của Mẹ - Đất Liền. Núm ruột của đất mẹ nối dài ra biển khơi. Sứ mệnh của chúng ta là phải giữ gìn, bảo vệ núm ruột ấy để Mẹ yên lành. Phải không anh?”

Đứng ở đây, hơn bất kỳ ai, người lính đảo hiểu tấm lòng của mẹ. Có người mẹ nào không yêu quý những đứa con. Đứa con nào càng xa, càng gian khổ, càng lắm hy sinh, tình yêu của mẹ càng tha thiết bội phần. Nỗi nhớ của mẹ không hóa đá mà hóa thân thành sạn chai nơi bàn tay; hóa thân thành nếp nhăn hằn trên khóe mắt. Bàn tay mẹ cuốc bẫm, cày sâu làm nên hạt lúa, củ khoai dành dụm gửi ra cho những đứa con ngoài đảo xa những gì mình chắt chiu từ mồ hôi, nước mắt. Bàn tay của mẹ dịu dàng như cánh cò bay lả, bay la, đung đưa à ơi cánh võng, nuôi những đứa con khôn lớn, biết cầm chắc cây súng giữ gìn biển khơi, gìn giữ cuộc đời! Khóe mắt của mẹ sớm hằn những nếp nhăn bởi ngày đêm đăm đắm dõi theo những đứa con đang trấn giữ nơi đảo xa vời vợi , giữa ngàn trùng khơi sóng vỗ, thao thiết mong cho biển lặng, gió lành…!

Cũng như lòng mẹ, có đứa con nào không yêu quý mẹ. Nơi đảo xa, có những đứa con trung hiếu đang vững vàng trong sóng gió, dạn dày trong bão táp, phong ba. Vì Mẹ, họ biết chịu đựng, biết vượt qua muôn vàn thử thách. Vì Mẹ, họ biết hy sinh. Có tình yêu nào cao cả bằng sự hy sinh vì tình yêu, cho tình yêu như tình yêu người lính đảo!

Tháng năm năm nay, Trần Ngọc Hiệp hết hạn ở lại đảo, để trở về đất liền. Anh sắp được sống những ngày gần gũi với người thân, với người vợ và đứa con anh yêu quý đang ngày đêm mong nhớ, đợi chờ. Nhưng những ngày này biển đang động. Biển “muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Những bóng đen ma quái vẫn ngày đêm rình rập trên vùng biển quê hương. Vì chủ quyền thiêng liêng của Biển - Đảo Tổ Quốc, vì biết bao xương máu của ông cha đã đổ xuống cho những núm ruột của Mẹ hiền; cùng với nhiều đồng đội, Hiệp tình nguyện ở lại với đảo. Câu chuyện dài Sơn kể với tôi về hòn đảo của mình cứ như một điều nung nấu; như thể anh và đồng đội của anh được sinh ra trên hòn đảo vậy. Câu chuyện về những chuyến ra đảo giữ gìn đất đai cốt nhục non sông của những người lính thú Hải đội Hoàng Sa, Triều Nguyễn - dù biết một đi không trở lại, họ vẫn kiên gan vượt trùng khơi bằng tấm lòng “trung quân, ái quốc”. Câu chuyện về người lính hôm qua ngẩng cao đầu trong mưa bom, bão đạn Đế quốc Mỹ, bảo vệ từng tấc đất ngàn lần thiêng liêng cha ông để lại; lẫn vào câu chuyện về người lính hôm nay cần mẫn, kiên trung rưới biết mấy mồ hôi và cả máu đào xuống đảo, giữ gìn cho núm ruột Mẹ yên lành!

Và tôi biết tự trái tim mình, cũng như Trần Ngọc Hiệp, cũng như những người lính đảo, biết bao triệu con tim đang ngày đêm hướng về đảo, hướng về biển; nhớ về những người lính xưa và nay từng sống, chết cùng đảo như nhớ về những người ruột thịt của mình!

                        N.X.D

Đảo Sơn Dương- Hà Tĩnh (ảnh nguồn ITN)

 

. . . . .
Loading the player...