19-07-2022 - 03:19

XƯỞNG HỌA CỦA CHA TÔI, HỌA SĨ NGUYỄN PHAN CHÁNH   

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, bút hiệu Hồng Nam, sinh ngày 21/7/1892, tại thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết – huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh (nay là phường Tân Giang, Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là một trong những sinh viên khoá đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, là Uỷ viên Thường vụ Hội Văn hoá cứu quốc tỉnh Hà Tĩnh năm 1945, sau này tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khoá I, Đại biểu Quốc hội khoá III. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh rất thành công về vẽ lụa, có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Chơi ô ăn quan”, “Trăng lu”, “Trăng tỏ”, “Cô gái rửa rau”, “Tiên Dung tắm”, “Tiên Dung và Chử Đồng Tử”, “Sau giờ trực chiến”… Tác phẩm của ông đã được triển lãm ở nhiều quốc gia và Nguyễn Phan Chánh được coi là người đặt nền tảng cho tranh lụa Việt Nam hiện đại. Ông đã được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật (truy tặng trong đợt 1 - năm 1996). Nhân dịp Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Danh họa Nguyễn Phan Chánh(21/7/1892 - 21/7/2022) , Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyệt Tú "Xưởng họa của cha tôi, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh" và bài viết " Danh họa Nguyễn Phan Chánh" của họa sĩ Lê Anh Tuấn

                                        XƯỞNG HỌA CỦA CHA TÔI,

                                         HỌA SĨ NGUYỄN PHAN CHÁNH                                                                                            

                                                                                 

 

Ngôi nhà số 65 Nguyễn Thái Học vốn của cụ Cự Linh, một chủ thầu khoán lớn của Hà Nội thời Pháp. Biệt thự có ba tầng, mỗi tầng bốn phòng to nhỏ khác nhau. Biệt thự được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp, nhưng lại trang trí mái, cửa ngõ theo kiến trúc Tàu. Sau giải phóng thủ đô, biệt thự trở thành cơ quan của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sau đó, cơ quan chia thành chỗ ở cho một số văn nghệ sĩ.

Cha tôi được Hội Mỹ thuật Việt Nam phân cho một căn phòng nhỏ mười bốn mét vuông ở gác hai ngôi nhà ấy. Căn phòng vừa dùng làm xưởng vẽ của cha tôi vừa là chỗ ở cho gia đình. Hồi mới ra Hà Nội, cha tôi ở cùng Nguyệt Lệ và Phan Cảnh. Ông đã sống và sáng tác gần ba chục năm ở đây.

Khách yêu tranh đến thăm họa sĩ thường tìm phòng tranh của cha tôi. Họ ngạc nhiên khi thấy cha tôi chỉ vào chiếc bàn con cũ kỹ bên cạnh chiếc giường:

- Phòng tranh của tôi đây.

Thật vậy, họa sĩ đã đặt giá vẽ đơn sơ lên chiếc bàn. Có khi, ông đem khung tranh dựng lên tường và ngồi xổm trên giường vẽ hoặc trải chiếu trên nền nhà.

Họa sĩ Mai Trung Thứ, bạn học cùng khóa với cha tôi, sống và làm việc ở Pháp. Trong một lần về thăm Việt Nam, ông tìm đến thăm cha tôi. Lúc ấy, cha tôi đang ốm. Ngồi bên cạnh giường, ông Thứ ngơ ngác nhìn quanh rồi ngập ngừng hỏi:

- Xưởng họa của bác ở đâu?

Cha tôi cười:

- Phòng này cơ quan phân cho. Tôi vừa ở vừa vẽ ở đây.

Họa sĩ Mai Trung Thứ nắm tay cha tôi, nghẹn ngào không nói gì.

Sống cùng tầng hai với cha tôi, có nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Sát vách là phòng của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Sau đó, nhà văn Nguyễn Đình Thi chuyển đi. Vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam, Thanh Hương về ở phòng ấy. Mồng một Tết, nhà văn Vũ Tú Nam thường mời cha tôi đến “xông nhà”. Các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam: Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Trần Đông Lương, Văn Giáo sống ở gác ba. Dưới gác một, từ cổng đi vào có phòng tranh và chỗ ở của họa sĩ Song Văn. Phòng của họa sĩ Mai Văn Hiến ở phía sân sau biệt thự.

Sống giữa các bạn đồng nghiệp nhưng cha tôi không tham gia vào các cuộc tranh luận, các bữa tửu trà của giới họa sĩ trẻ. Không hút thuốc, không uống rượu, ông sống theo phong cách điềm đạm của nhà nho. Có lẽ dấu ấn của nghề nghiệp thời trẻ đi dạy học in đậm trong cha tôi từ phong cách vẽ đến lối sống.

Nhà không có bếp. Hàng ngày, Nguyệt Lệ phải xách cà mèn đi lấy hai suất cơm đặt của hàng cơm bình dân Tân Gia Ba. Hàng cơm này ở cách biệt thự 65 Nguyễn Thái Học hai nhà. Bà hàng cơm tốt bụng, thương ông họa sĩ nghèo, hiền lành. Bà biết hai suất cơm chia ba người nên hay cho thêm quả cà, ít dưa chua hoặc rưới nhiều nước sốt món thịt kho tàu. Cà mèn đem về được ủ trong chăn giữ cho nóng trước khi ăn. Cha tôi sống rất điều độ. Hàng ngày, sau khi ăn sáng, ông thong thả xếp cặp giấy bút, xuống nhà lấy xe đạp đi dạy học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Bữa trưa xong, nghỉ một lát, ông lấy bút, màu ra vẽ mê mải đến chiều tối.

Cha tôi đi dạy Trường Cao đẳng Mỹ thuật được mấy năm thì đến tuổi nghỉ hưu. Cha tôi rất muốn tìm học trò để truyền nghề. Nhưng họa sĩ trẻ hồi ấy thường thích vẽ tranh sơn dầu, ít ai thích vẽ lụa, nhất là vẽ lụa theo phong cách Nguyễn Phan Chánh. Cách vẽ của cha tôi rất công phu. Ông phải quét màu nhiều lớp, sau mỗi lần vẽ, màu lại phải “rửa” lại bằng nước, cứ như vậy lặp đi lặp lại nhiều lần. Vẽ trên lụa không xóa được như vẽ sơn dầu. Chị em chúng tôi không ai theo nghề của cha vì thấy vất vả quá. Thời gian đầu ra Hà Nội, Phan Cảnh vẽ cho xưởng phim hoạt hình để thêm tiền đi học. Em vẽ rất đẹp nhưng lại theo nghề văn. Cha tôi còn dùng kẹo để dỗ Nguyệt Tĩnh cùng đi lấy ký họa. Hai ông cháu mỗi người một xe đạp lang thang lên Hồ Tây. Ông đưa cho cháu bút chì, bắt cháu lấy ký họa các cô gái đang ngồi trên bãi cỏ. Lúc đầu, được ông ngoại khen, Nguyệt Tĩnh chịu khó học vẽ. Sau, Tĩnh phải thú nhận với ông: nghề này đòi hỏi kiên nhẫn lắm, chắc cháu không theo nổi đâu. Rồi ông lại dạy vẽ cho Thắng Lợi. Ông xếp một đĩa quả, bảo cháu vẽ tranh tĩnh vật, vẽ xong sẽ cho ăn. Nhưng rồi Thắng Lợi cũng không theo nghề vẽ của ông.

Tuy cuộc sống khó khăn, cha tôi vẫn giữ thú chơi cây cảnh. Trên ban công bé xíu, ông đặt rất nhiều chậu cây. Những cây cảnh non bộ, những chậu lan đất ngát hương. Cha tôi có một cây si lâu năm trồng trong bể nước với hòn non bộ giả. Trên hòn non bộ, có tượng ông già câu cá, thằng bé chăn trâu, mô hình những ngôi nhà, mái chùa, chiếc cầu… Cha tôi rất quý cây si ấy. Sau khi cha tôi mất, thời kinh tế thị trường, cây cảnh có giá. Mấy cây quý của cha tôi đặt ở ban công bị trộm mất hết.

Tết nào cha tôi cũng giấu mọi người đạp xe lên tận Nhật Tân để chọn mua đào tận vườn. Ông thích cành đào hạnh được cưa từ cây đào ăn quả. Hoa đào chỉ có bốn cánh mỏng màu phớt hồng. Những năm 60, các nhà trồng đào ở Nhật Tân đều biết họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Ông đi tất cả các nhà, ngắm kỹ từng cây để chọn cành, cành đào phải có dáng đẹp tự nhiên, nhiều lá. Tất nhiên, giá không rẻ. Chị em tôi có quy định bất thành văn là không bao giờ hỏi giá cành đào ông mua. Nếu hỏi, sẽ được nghe nói dối. Hàng năm, tất cả con cháu đón giao thừa ở căn buồng nhỏ của cha. Anh Đạo luôn được cha tín nhiệm chuẩn bị dây pháo cho ông đốt. Pháo tép được buộc cùng pháo đùng. Khi đốt, trong tiếng nổ đều đều của pháo tép, chen lẫn tiếng pháo đùng nổ ròn rã. Cha tôi rất vui khi dây pháo nổ hết, không bị xịt quả nào. Cha tôi không bao giờ cúng lễ. Nhưng cha tôi vẫn tin vào pháo Tết. Ông cho rằng, pháo nổ hết là điềm lành cho năm mới. Pháo nổ hết, cả nhà liên hoan cháo và xôi gà. Ăn xong, anh Đạo phải ra khỏi nhà ngay, để kịp quay lại “xông nhà” cho cha. Những năm 60, 70, khi Tết đến, tất cả con cháu đều đến chúc Tết. Cha tôi viết câu đối điều đỏ tươi treo trước cổng nhà 65 Nguyễn Thái Học. Khi ông mất, cả khu tập thể nuối tiếc: “Thiếu hai câu đối của cụ Chánh, Tết chưa đủ vị”.

Nguyệt Tú

 

                             DANH HỌA NGUYỄN PHAN CHÁNH                                                                                            

Nguyễn Phan Chánh sinh ngày 21 tháng 7 năm 1892 tại thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, lấy bút hiệu Hồng Nam (có nghĩa là phía nam núi Hồng Lĩnh quê hương ông). Ông mất ngày 22 tháng 11 năm 1984 tại Thủ đô Hà Nội, an táng tại nghĩa trang Mai Dịch. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I (1957), đại biểu Đại hội liên hoan anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III (1962), đại biểu Quốc hội khóa III nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1964). Nguyễn Phan Chánh sinh ra và lớn lên ở một miền quê văn hiến, nhưng đó là mảnh đất nghèo đang rên xiết dưới hai tầng áp bức thực dân, phong kiến. Mồ côi cha từ lúc mới 7 tuổi. Thân sinh ông là một nhà Nho nghèo, sống một đời thanh bạch và cần mẫn đến trọn đời. Nguyễn Phan Chánh có được cái cốt cách của người cha, cái hiền thục, lam lũ, ẩn nhẫn của người mẹ, cho nên suốt cuộc đời dù có rất nhiều biến động, ông vẫn bình thản vượt qua. Hoàn cảnh gia đình, hiện trạng xã hội lúc bấy giờ là cả một gánh nặng đặt lên đôi vai non trẻ của ông. Nhưng rồi chính những năng khiếu bẩm sinh về hội họa chẳng những nâng đỡ tinh thần ông, mà nó đã trực tiếp cùng ông kiếm gạo nuôi bản thân và gia đình. Hồi ấy, người ta thấy trên con đường chợ Tỉnh vào những ngày hội hè, những phiên chợ tết, một cậu học trò nghèo, áo dài thâm, khệ nệ mang một chiếc bồ đựng đầy tranh ra chợ bán. Độ ấy, ông ở tuổi 14 -15, trẻ đẹp, hồn nhiên, óng ánh như những tranh tùng, mai, cúc, trúc do chính bàn tay khéo léo của ông vẽ ra. Nét vẽ tài hoa ấy về sau để lại cho hậu thế một dòng tranh lụa dạt dào, thấm đẫm tính dân tộc.

Những năm tháng học chữ Hán, chữ Quốc ngữ ở quê nhà đã giúp ông làm quen với tinh thần hội họa phương Đông qua thi pháp và trực họa ước lệ chữ Hán. Thời gian ở Huế, ông có cả một môi trường rộng lớn để tiếp cận với nghệ thuật. Từ kiến trúc lăng tẩm, kinh đô đến tranh vẽ tường, tranh khắc phong cảnh trên khắp cõi Nam ở Cửu Đỉnh, trong đó có núi Hồng - sông Lam quê hương ông. Nếu những ngày vẽ tranh bán chợ Tết ở quê đã nảy mầm hội họa thì ở Huế những mầm non tơ ấy đã được tưới mát bởi nguồn chảy vô tận của nghệ thuật. Sau một thời gian khá lâu ở kinh đô Huế, sống trong cảnh thơ mộng, người hữu tình, càng làm cho tư chất phong tình của người Hà Tĩnh trong ông thêm đằm thắm, đậm đà. Ông vẫn trọn vẹn với khung trời riêng của mình, đó là cảnh và người thôn quê Hà Tĩnh.

Năm 1925, được bạn bè khuyến khích, Nguyễn Phan Chánh thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Gần một trăm thí sinh, ông là người Trung Kỳ duy nhất lọt vào mắt ban giám khảo người Pháp. Thật khó có thể tin được con người bình thường, giản dị, chân quê đến cực đoan này lại đại điện cho xứ Trung Kỳ tại trường Mỹ thuật Đông Dương. Năm năm theo học, ông là một trong 10 thí sinh chính thức được lọc tuyển trong số dân thuộc địa Việt - Miên - Lào.

Giàu vốn sống dân gian, ưa bản sắc dân tộc, buổi đầu tới trường, ông không khỏi bỡ ngỡ với bảng màu vẽ sơn, luật xa gần và phương pháp tạo khối của Tây Âu. Do đức tính kiên nhẫn, ham học hỏi, tình yêu nghệ thuật tha thiết nên chỉ ít năm sau, khi ông được tiếp xúc với những tranh lụa Trung Hoa, lụa Nhật Bản đã nhanh chóng khơi dậy trong ông nguồn cảm hứng sâu xa dòng nghệ thuật Phương Đông. Những nét mực nho dặt dìu lan tỏa đậm nhạt, từng vệt thủy mặc công phá phóng túng gợi mở không cùng... rất thích hợp với nghệ thuật thư họa ông say đắm từ buổi ban đầu cầm bút. Ấy là vào khoảng những năm 1928 - 1930, Nguyễn Phan Chánh bắt đầu nghiên cứu vẽ lụa với tất cả kiến thức và phương pháp dựng hình Châu Âu, nhưng ông giữ nguyên hòa sắc, bố cục, bút pháp Phương Đông truyền thống. Những bức lụa đầu tiên của ông đã thành công rực rỡ từ những năm 1931. Đó là tác phẩm: Chơi ô ăn quan, Em bé cho chim ăn, Rửa rau cầu ao, Bữa cơm, Lên đồng... Đặc điểm nổi bật về nghệ thuật của tranh lụa Nguyễn Phan Chánh là những gam màu nâu ấm, trắng phớt, các độ đậm nhạt điểm tô cho nhau trên một gam màu chủ đạo là nâu, tạo nên một không khí dịu dàng, đằm thắm. Cách tạo hình của ông là diễn tả theo mặt phẳng, lối diễn tả này tiếp thu ở tranh cổ Việt Nam mà ông đã làm quen từ trước.

Những họa sĩ đại diện cho khuynh hướng hiện thực ngoài Nguyễn Phan Chánh phải kể đến Đỗ Đức Thuận, Thang Trần Phềnh, Lê Huy Miến. Họ trân trọng ca ngợi hiện thực nhân bản mà sau này là điểm tựa cho nguồn hiện thực phê phán trong lĩnh vực tạo hình. Tác phẩm đầu tay tham gia đấu xảo quốc tế Pari đã đưa lại vinh dự lớn lao cho tác giả, và chính nó đã làm cho cái nhìn kỳ thị của người Pháp về tạo hình Việt Nam phải thay đổi sâu sắc.

Bút pháp trong tranh lụa Nguyễn Phan Chánh đã làm được điều từ lâu nghệ thuật tạo hình Việt Nam chưa làm được. Thế giới biết nghệ thuật vẽ tranh lụa của Việt Nam qua tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh. Họa sĩ danh tiếng Nhật Bản Phu - gi - ta đánh giá Nguyễn Phan Chánh như một nghệ sĩ có tài năng lớn. Sau khi ra trường, mặc dù tên tuổi ông đã có ảnh hưởng ra tận nước ngoài, nhưng ở Đông Dương, người ta chỉ xếp cho ông một chân dạy học trong trường Mỹ thuật. Sau đó, người ta lại tìm cách thay chân ông bằng một người được lòng nhà chức trách Pháp. Một tờ báo hồi ấy cũng đã phê bình có tính chất cảnh báo: “Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh nghĩ sao mà vẽ người Việt Nam làm ăn cơ cực đến thế? Mục đích ông vẽ để làm gì?” . Thì ra tình yêu của ông đối với những người nông dân lam lũ, đã đưa tài năng ông vượt ra khỏi biên giới đất nước.

Năm 1938, Nguyễn Phan Chánh thuê riêng phòng trưng bày và một mình làm tất cả mọi việc để tổ chức cuộc triển lãm cá nhân tại Hà Nội. Đây là cuộc triển lãm để rồi ông chia tay Hà thành trở về nông thôn, tiếp tục vẽ những người nông dân bình dị, quen thân trên quê hương ông, không cần đếm xỉa đến những thị hiếu đương thời, và mơ ước những ngày hạnh phúc trong tương lai. Mãi đến 17 năm sau khi họa sĩ đã ở tuổi 63, đất nước hòa bình, ông mới trở lại Thủ đô Hà Nội, tiếp tục phát triển và sáng tạo dòng lụa Nguyễn Phan Chánh, dòng lụa của ông, thuộc về ông... Ở quê, hòa nhập với nhân dân trong phong trào Cách mạng tháng Tám đang trào dâng trên khắp đất nước, ông hăng say vẽ tranh tuyên truyền, tranh cổ động. Họa sĩ đã bày tranh lưu động nhiều lần ở khắp các huyện, xã trên quê hương Hà Tĩnh của ông. Chưa đủ, vào những ngày sục sôi này, họa sĩ đã xung phong cùng con cháu đi phá đường, đào hầm, vác dao đi tuần tiễu, đặc biệt là giúp đỡ những cây bút trẻ, vẽ tranh cổ động tuyên truyền cho cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc.

Trong kháng chiến 9 năm (1945 - 1954), Nguyễn Phan Chánh ngừng hẳn việc vẽ lụa, ngọn bút lông của ông đi vào cuộc kháng  chiến chống Pháp. Ông lặng lẽ tồn tại bằng những bức vẽ, truyền ảnh, truyền người, điều mà họa sĩ bất đắc dĩ phải làm... Dòng lụa Nguyễn Phan Chánh tiếp tục chảy khi hòa bình được lập lại ở Miền Bắc. Ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, tranh lụa Nguyễn Phan Chánh được nhân giống, học trò ông kế tục, phát huy trên nền tảng của ông. Như một sự chuyển dòng đích thực, tranh lụa của ông ở giai đoạn này bùng cháy mạnh mẽ. Cái ẩn nhẫn trong ông đã được thay thế bằng một quan niệm nghệ thuật trẻ trung, dồi dào sức sống khả dĩ để tải cái đạo mà Bác Hồ kính yêu của dân tộc là người khởi xướng. Thì ra cái già lại càng dẻo, càng dai. Cách mạng đã cho ông tất cả: Tâm hồn, đề tài và màu sắc. Chân trời mới đã được mở ra: Không hình thức, không công thức, cái đẹp bây giờ ở khắp nơi, chờ đợi sự giao duyên của tâm hồn nghệ sĩ.

Đời làm tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh từ sau Cách mạng tháng Tám mà đỉnh điểm năm 1955 đến năm 1973 đã gặp nhiều may mắn, nó chẳng những dạt dào, no đủ trong tâm hồn họa sĩ mà còn làm tốt tươi những tâm hồn lụa trẻ từ lâu đời ái mộ phong cách lụa Nguyễn Phan Chánh. Với một số lượng đáng kính nể: Hơn 50 bức tranh lụa và nhiều ký họa gói trọn trong 18 năm sáng tác ở tuổi 60 - 80, thật đáng để cho các thế hệ mai sau học tập. Tranh ông đại diện cho dòng lụa dân tộc suốt gần nửa thế kỷ, nhiều triển lãm được khai trương, là bài học bổ ích cho hội họa Việt Nam, là tiếng nói nghệ thuật Việt Nam với thế giới.

Năm 1933 - Triển lãm cá nhân tại Hà Nội.

Năm 1978 - Triển lãm mừng họa sĩ 80 tuổi - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bày 100 bức lụa của ông.

Năm 1982 - Phòng tranh lụa Nguyễn Phan Chánh trưng bày ở Hunggary và tiếp đó là ở một số nước Châu Âu.

Năm 1983 - Phòng tranh lụa Nguyễn Phan Chánh trưng bày ở Bảo tàng phương Đông tại Matxcơva.

Sau khi khi xem triển lãm của họa sĩ Phan Chánh tại Matxcơva, Giáo sư, Viện sĩ Nga nhận xét: “Với nội dung hoàn toàn hiện đại, tranh của ông thường mang chủ đề có tính truyền thống, thậm chí kinh điển: Bà già con trẻ, các cô gái cấy lúa, rửa rau, khâu vá, trẻ con chơi trốn tìm trong sân... Nhưng điều cốt yếu là tất cả những cái đó được nhìn bằng con mắt của một nhà họa sĩ lớn và thấm đầy nhiệt huyết”.

Ở những cuộc triển lãm giai đoạn hai (1955 - 1973) tranh ông đi hẳn về những đề tài sở trường mà một đời ông ấp ủ: Đó là đề tài nông thôn, đề tài thân quen, gần gũi, máu thịt của ông. Không thể kể hết những tác phẩm tiêu biểu trong thời kỳ này: Ta gặp lối diễn hình hoàn chỉnh, bố cục chặt chẽ trong Cô hàng xén, Ba mẹ con, Tổ đan mây, Bữa cơm mùa thắng lợi... Nhưng càng về cuối đời, họa sĩ trình bày quan niệm của mình thông qua những tác phẩm ta thấy ẩn hiện cách nhìn phồn thực giàu sức thuyết phục. Nhà thơ Huy Cận, đồng hương của ông, đã có lý trong bài thơ mừng ông 80 tuổi:

“...Bác tám mươi tuổi rồi ư?

Mà sao trăng tỏ, trăng lu vẫn tình...”

Ở giai đoạn này, bút pháp của ông thong thả, nhởn nhơ mà gợi tả không cùng, màu trong tranh ông lúng liếng, nhập nhòa như say, như tỉnh, hình trong tranh đầy vơi tùy cảm, mở thắt tùy nơi, đôi chỗ cứ như vụng, như đoảng mà khắc khoải lạ thường. Ta như vừa quen, vừa lạ, vừa gần, vừa xa, ông thỏa mãn điều mà mình cần chứ ít bận tâm đến cái ấy là cái gì. Hội họa mà thoát được cái tự nhiên lên được cõi ấy mới cao đạo làm sao? Cứ như tác phẩm Sau giờ trực chiến thì rõ: Hình của ông chẳng gò cho đúng, mà nó thỏa được cái cần của họa sĩ, ông đồng nhất hình và sáng tối, để tranh ông cái thực đã được nhân lên số mũ thỏa đáng, để tác phẩm giữ được cái chân của trần thế mà không mất đi cái siêu phàm của nghệ thuật. Tranh ông dí dỏm, đỏng đảnh nhưng không làm duyên, không phô diễn tầm thường. Hình và màu của ông gợi phía bên trong của tác phẩm, nhưng cũng dư dật cái thỏa đáng bên ngoài. Mảng sáng trong tranh Nguyễn Phan Chánh bao giờ cũng được chú ý và cân nhắc, nó không tả công phu, không bóp nặn, không tìm kiếm một cách cầu kỳ mà nó bình dị giản đơn như những câu đối thoại dân dã. Ở khuynh hướng nói trên hầu như đã là quỹ đạo chung cho hầu khắp các tác phẩm suốt đời của ông.

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sớm tìm được con đường nghệ thuật riêng cho mình mà nhiều bạn học cùng ông phải quay ngang bước dọc vẫn chưa tìm thấy. Tên tuổi của ông sớm đi vào mỹ thuật trong nước và thế giới, thành công của ông đã giúp cho các thế hệ sau này biết rõ mình trong cái vô cùng của nghệ thuật. Có thể nói yếu tố để Nguyễn Phan Chánh đứng vững trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình, đó là tình quê hương, một tình yêu say đắm, cuồng nhiệt đến cực đoan. Nguyễn Phan Chánh yêu những cái bình thường trong cuộc sống, họa sĩ yêu cả những cái êm dịu, thong thả quê mùa như: Buổi tối cho con bú, Rạng ngày cho con bú, Trăng lu, Trăng tỏ... Tác giả khai thác đến cùng kiệt từng chủ đề và đặt tác phẩm vào những hoàn cảnh khác nhau cho cùng một bố cục mà người xem vẫn không nhàm chán. Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh hết thảy là đề tài giản dị, êm ái, bình lặng, cứ quẩn quanh đâu đó. Một cô gái quê rửa chân. Một người đàn bà cũ kỹ xin âm dương, khất đài. Một sớm mai người nhà quê gồng gánh đi chợ... với những gam màu nâu, xanh, nhẹ nhõm đem lại cho tinh thần một cảm giác thư thái.

Tranh lụa hiện đại Việt Nam gần thế kỷ nay, lịch sử mỹ thuật ghi nhận sự đóng góp lớn lao của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Ông đặt nền móng cho chất liệu lụa Việt Nam, với bút pháp nhất quán, độc lập suốt cuộc đời sáng tạo của mình. Họa sĩ bằng tình yêu quê hương với tư chất phong tình và trung thực của người Hà Tĩnh đã tạo dựng một khuynh hướng sáng tạo, lấy bản sắc dân tộc làm nền tảng. Tranh lụa của ông có sắc thái hoàn toàn Việt Nam, không lẫn lộn với tranh Trung Hoa hay Nhật Bản. Tranh lụa của ông đã góp phần lớn lao vào việc cho thế giới biết đến và trân trọng văn hoá Việt Nam. Ông là người tạo dựng dòng tranh lụa thuần Việt, dòng tranh ấy đạo nghiệp thường gọi là “lụa Phan Chánh”. Các họa sĩ yêu tranh lụa của ông, họ học tập, kế thừa và không ngừng phát triển. Dòng tranh lụa Nguyễn Phan Chánh chắc chắn sẽ mãi mãi tồn tại trong cộng đồng nghệ thuật Việt Nam...Hoạ sĩ David Thomas đã có lý khi đánh giá về tài năng của Danh họa Nguyễn Phan Chánh: “Là một thành viên của lớp đầu tiên tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tác động của Chánh không chỉ đối với nghệ thuật của các bạn cùng lớp ông mà còn ảnh hưởng lớn đến cả Văn hóa Việt Nam. Các bức tranh của ông là một phần của tài sản Quốc gia và đang được các họa sĩ Việt Nam nghiên cứu trên mọi phương diện.”

Ghi nhận những đóng góp to lớn của danh họa Nguyễn Phan Chánh với Mỹ thuật Việt, Văn hoá Việt, năm 1996, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng ông giải thưởng cao quý nhất: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (Đợt 1).

Lê Anh Tuấn

. . . . .
Loading the player...