19-10-2022 - 07:33

An Ấp - miền quê địa linh sinh hào kiệt

Tạp chí Hồng Lĩnh số 194 tháng 10 trân trọng giới thiệu bài viết "An Ấp - miền quê địa linh sinh hào kiệt" của Nguyễn Khắc Thuần

       Xưa đến nay, nghiên cứu về danh nhân, các học giả đều tìm hiểu kỹ càng quê hương, họ tộc - yếu tố đầu tiên quyết định cho sự hình thành, nuôi dưỡng, phát triển nhân cách, đức độ tài năng, công hiến của danh nhân đó. Theo hướng tiếp cận này, khi tìm hiểu về quê hương, họ tộc của Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn (1675), chúng tôi đã nhiều lần điền giã về An Ấp xưa nay thuộc xã An Hoà Thịnh (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

        An Ấp là một trong những miền quê được nhân dân xứ Nghệ tôn vinh "địa linh, nhân kiệt". Địa linh vì đất này được bồi trúc, tiếp nhận từ linh khí của ngàn núi, ngàn sông. Ngàn Phố không sâu nhưng từ xa xưa đã được xếp vào "linh giang" bởi sông là hợp nguồn của hàng ngàn con suối nhỏ trên dãy Trường Sơn, chảy vòng qua xã An Hoà Thịnh đổ về Tam Soa làm nên một ngã ba sông trên bến dưới thuyền rồi tuôn ra Sông La, Sông Lam hòa vào biển cả. Mỗi mùa lũ lụt hàng năm, sông Ngàn Phố lại bồi trúc ngưng tụ cho An Hoà Thịnh những lớp phù sa từ khí thiêng trời đất của ngàn suối, ngàn núi, ngàn cây trên dãy Trường Sơn. Nhờ những lớp phù sa linh khí này mà đất An Ấp cây cối tươi xanh bốn mùa, lúa sây bông, cây trĩu quả, những làng quê trù phú nước biếc, non xanh đẹp như tranh họa đồ.

Một góc xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn) từ trên cao - Ảnh: Nguyễn Ánh Dương

       Đất đai màu mỡ, phong thủy tốt tươi, cư dân An Hoà Thịnh người trồng lúa, người trồng dâu nuôi tằm dệt vải, người làm sơn tràng đều chuyên cần, chăm chỉ, siêng năng việc học hành, chu đáo việc nước, việc làng xóm, việc họ tộc. Dẫu công việc nặng nhọc nhưng con gái tóc dài như suối, da trắng như ngọc, con trai cao lớn, vạm vỡ. Người An Ấp tự hào về con sông quê hương, bởi dòng sông là nơi ôm ấp nuôi dưỡng bao huyền thoại về một miền sơn cước. Những con thuyền trên sông không to nhưng lại chở nặng những làn điệu dân ca ví dặm thấm đượm tình nước non, xứ sở. Từ xa xưa cho đến hôm nay sông Ngàn Phố được xem như là dòng sông của thi ca, nhạc họa.

       Tựa lưng vào núi Thiên Nhẫn, An Ấp xưa An Hoà Thịnh nay vừa được tiếp nhận linh khí của "nhất cận thủy " vừa được tiếp nhận linh khí của "nhị cận sơn". Sơn thần trong lòng người An Ấp là Thiên Nhẫn - một ngọn núi được xếp vào loại cổ sơn hình thành vào khoảng Đại Tân Sinh cùng thời với Trà Sơn, Hoành Sơn. Có nhiều cách giải thích vì sao có danh sơn Thiên Nhẫn? Có học giả cho rằng núi cao ngàn trượng nên gọi Thiên (ngàn) Nhẫn. Theo chúng tôi cách lý giải thuyết phục nhất là từ vị thế địa chính trị của núi này. Núi trông xa như bức trường thành có dáng hình giống ngàn con ngựa hướng về biển Đông tung bờm, phi nước đại. Dân gian vùng này gọi Thiên Nhẫn bằng cái tên rất nôm na "Núi Nghìn”, "Núi Ngàn". Núi Thiên Nhẫn không cao nhưng được xếp vào loại "linh sơn" vì mỗi tấc đất nơi đây đều trầm tích trên thân mình bao danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, chứng nhân cho công cuộc chống thù trong, giặc ngoài và xây dựng quê hương của cư dân xứ Nghệ. Dáng núi khoáng đạt, thanh cao, hình sông mượt mà uốn lượn và cũng vì thế vùng đất này là chốn nặng lòng của biết bao tao nhân mặc khách. Biết bao lữ khách, danh nhân khi đến đất này đều có thơ, văn để lại. Những áng thơ văn tả cảnh, tả người lưu bút của cố nhân đều thấm đượm tình người, tình đất. Vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) đi tuần thú phương Nam cũng đã dừng chân và có lưu bút về đất này. Trần Nhân Tông khen đây là một vùng đất khí tượng tươi sáng, phong tục trọng hậu, con người hiếu thuận nên đã cho dựng ở núi Tháp một ngôi chùa Phật. Qua bao năm tháng dâu bể, chùa Phật đã trở thành phế tích nhưng cái tên núi Tháp vẫn gợi lên trong lòng hậu thế một ngôi chùa cổ bề, trầm mặc thế tĩnh lặng giữa rừng cây chiều chiều tiếng chuông chùa vọng vang ngân nga làm xao động cả một vùng sơn cước. Thời hậu Trần, Hoàng hậu Trần Thị Bạch Ngọc đã cùng gia nhân thân tín rời kinh thành về đây xây dựng An Ấp trở thành một trong những trang ấp giàu có, tích tụ lương thực, khí giới, chiêu mộ luyện tập tráng sỹ làm hậu thuẫn cho Lê Lợi khi vào giải phóng Nghệ An.

       Đất lành chim đậu, cổ tích về những cuộc chuyển cư của các danh gia cự tộc trên mọi miền Tổ quốc về với An Ấp, An Hoà Thịnh đều thấm đượm tình người, tình quê hương xứ sở, thấm đượm đạo lý "Bầu ơi thương lấy bí cùng". "Hương yên phổ tự" cuốn gia phả cũ nhất của họ Đinh Nho đã ghi lại truyền thuyết "Am Bạch Vân" một truyền thuyết có tính nhân văn sâu sắc về tình bạn, tình người. Chuyện kể rằng: Năm 28 tuổi Đinh Nho Công bỏ nghiệp cày bừa theo thầy tới kinh đô dùi mài kinh sử. Những ngày "lạ nước, lạ cái" trên đất Bắc, Ngài đã được quan giám sinh họ Trần quê ở Châu Ái hết lòng cưu mang, giúp đỡ. Tháng 3 năm Kỷ Dậu, Đinh Nho Công tạm biệt Trần Giám sinh về quê chuẩn bị ứng thi hương. Đến ngày hồi kinh khảo hạch, ngài đi đến dưới núi Eo Trèo (một dốc núi thuộc núi Thiên Nhẫn nằm trên lối mòn từ Thịnh Xá, Văn Giang sang Nam Đàn) thì bỗng thấy một vầng mây bạc (bạch vân) cứ bay theo che nắng cho mình. Rồi Trần Giám sinh xuất hiện, ân cần cầm tay ông mà nói rằng:

       - Chúc mừng ông sang năm đăng khoa, công thành, danh toại xin đừng quên cố nhân. Xin ông nhớ tình xưa lập cho tôi một am nhỏ hương hỏa vạn đại.

       Trần Giám sinh nói xong thì biến mất. Trời đang nắng chang chang bỗng dịu mát, nâng bước chân Đinh Nho Công.

       Khảo hạch, đậu đạt, thành danh, vinh quy bái tổ xong, quan nghè Đinh Nho Công cho người xây một cái am nhỏ ở xứ cồn Mai thờ Trần Giám sinh gọi là am Bạch Vân (vị trí cồn Trúc ở phía sau đền Thịnh Xá hiện nay) quanh năm hương khói tưởng nhớ. Không những dựng am Bạch Vân, ông còn nhận cháu của Trần Giám sinh là Trần Xuân Đậu về làm con nuôi. Mẹ Trần Xuân Đậu quê làng Gôi Vị vì thế trong gia phả họ Tống Trần An Ấp có ghi:

                "Theo quê mẹ về nơi Gội Vị.

                Làm con nuôi Đinh Thị Đại Vương”.

       Theo khảo sát gần đây của Tống Trần Tùng trong cuốn "Nghĩa Quận công Tổng Tất Thắng" thì Trần Xuân Đậu là thần tổ di duệ họ Tống Trần An Ấp. Được Đinh Nho Công cưu mang nhận làm con nuôi, về lập cư trên đất An Ấp họ Trần phát đinh, phát lộc, con cháu sinh sôi, học hành giỏi giang, nhiều người đậu đạt thành danh. Nhớ đức tổ mình vốn là họ Tống là di duệ của Nghĩa Quận Công Tống Tất Thắng vì phải chạy loạn vào miền Văn Giang (thuộc tổng An Ấp xưa) cư trú rồi phải đổi thành họ Trần nên con cháu của Trần Xuân Đậu đã đổi lại họ mình là họ Tống Trần. Họ Tống Trần An Ấp nhiều đời có người học cao, tài rộng, chí lớn giúp nước, giúp dân Nhà thờ họ Tống Trần An Ấp đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa.

       Một trong những cự tộc sớm có mặt trên đất An Ap là hậu duệ đời thứ 3 của Cương Quốc Công Nguyễn Xí, Thần sách Vệ úy Nguyễn Đình Quang, con trai trưởng Thái bảo Nguyễn Kế Sài (nhà thờ ở Quỳnh Mỹ - Quỳnh Lưu Nghệ An) đã cho con trai là Nguyễn Đình Lô làm quan dưới triều Lê sơ được phong tước Thiên Lộc hầu đưa gia đình về lập nghiệp ở đây làm nên dòng họ Nguyễn Đình An Ấp. Thiên Lộc hầu Nguyễn Đình Lô đã sinh hạ ra Nguyễn Tự Trọng người khai khoa đậu Tiến sỹ đầu tiên của huyện Hương Sơn. Gia phả họ Nguyễn Đình đã ghi lại tóm tắt tiểu sử Nguyễn Tự Trọng như sau:

       "Tiến Sỹ Đô đài Ngự sử Nguyễn Tự Trọng hiệu Nguyễn Tướng Công sinh năm Ất Tỵ (1485) niên hiệu Hồng Đức (thứ 25) đời vua Lê Thánh Tông. Sinh ra trong dòng dõi Nguyên tộc nhiều đời là cựu đại thần triều đại Hậu Lê. Cha là Nguyễn Đình Lô đại thần triều Lê Thánh Tông có công lớn được nhà vua vinh phong tước bậc 2: Thiên Lộc hầu. Cháu đích tôn Thần sách đô vệ úy Nguyên Đình Quang, chắt Thái bảo Thượng trụ quốc Nguyễn Kế Sài, hậu duệ đời thứ 5 Cương Quốc công Nguyễn Xí người hai lần khai quốc triều đại Lê sơ”. Nhà thờ và mộ phần của Tiến sỹ khai khoa Nguyễn Tự Trọng đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá (cấp tỉnh).

       Viễn tổ của dòng họ Nguyễn Khắc An Ấp ở làng Thanh Liệt huyện Thanh Trì, Hà Nội. Theo giáo sư Nguyễn Khắc Phi (hậu duệ đời thứ 14) thì thần tổ Nguyễn Khắc Văn cũng là một quan đầu triều sau khi nghỉ hưu đã đưa con cháu vào lập cư ở Nam Đàn Nghệ An. Một người cháu của cụ là Nguyễn Khắc Kinh thấy vùng đất An Ấp vượng khí đã sang Thịnh Xá lập nghiệp và lập nên chi phái Hương An (Hương Sơn - An Ấp) của dòng họ nổi danh này. Tuấn kiệt hợp phong thổ, dòng họ Nguyễn Khắc về đất An Ấp đã sinh ra nhiều danh nhân tên tuổi lẫy lừng. Đời thứ 13 có Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm. Ông sinh năm 1889, 18 tuổi đậu Đệ nhị giáp Tiến sỹ khoa thi Đinh Mùi.  Khi đậu Đại khoa, được cùng các vị tiến sỹ đồng khoa triều kiến vua Thành Thái, nhà vua đề nghị góp kế sách để phục hưng quốc gia. Nguyễn Khắc Niêm ứng khẩu đọc 4 câu thơ: “Tôn tộc đại quy/Tôn lộc đại nguy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy”. Dịch nghĩa: Tôn trọng nòi giống ắt đại hoà hợp, tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan. Tôn trọng tài năng ắt đại phồn thịnh. Tôn trọng siểm nịnh ắt đại suy vong.

       Ông nguyên là Thượng thư Bộ Lễ, phủ Doãn Thừa Thiên, Tổng đốc Thanh Hóa. Đời thứ 14, các con Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm đều là những bậc tài danh, đó là: Nguyễn Thi Vàng (chuyên viên cấp cao y học cổ truyền), Nguyễn Khắc Viện bác sĩ, nhà nghiên cứu lỗi lạc, nhà văn hóa lớn, người đã được nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Bác sỹ nhà thơ Nguyễn Thị Thiếu Anh, TS thần học, TS văn học Nguyễn Khắc Dương, nhà văn Nguyễn Khắc Phê nguyên Chủ tịch Hội văn nghệ Thừa Thiên - Huế, Giáo sư văn học Nguyễn Khắc Phi, nguyên Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản giáo dục.

       Tộc phả “Hương Yên phổ tự” họ Đinh Nho cho biết gốc tích dòng họ Đinh là hậu duệ của Đại tướng quân Đinh Điền, tông thất của nhà Đinh ở Trường Yên, Ninh Bình (Đinh Bộ Lĩnh). Nhưng rất tiếc, tộc phả chỉ ghi được từ thủy tổ Đinh Phúc Điền là thuộc tướng của Lê Tuấn Mậu thuộc phe phù Lê chống Mạc. Sau khi Lê Tuấn Mậu bị sát hại, Đinh Phúc Điền và hai em là Phúc Tiên và Phúc An đưa gia quyến lánh vào Nghệ An. Phúc Điền định cư ở làng Bình Hòa (nay là xóm 3, An Hoà Thịnh, Hương Sơn); Phúc Tiên lập nghiệp ở huyện Nghi Lộc và Phúc An ở huyện Hưng Nguyên. Phả dòng Phúc Tiên là chi thứ ở làng Kim Khuê (nay thuộc xã Nghi Long, Nghi Lộc, Nghệ An). Anh em nhà Đinh Phúc Điền có 4 người chứ không phải ba nhưng ông út tung tích về sau không rõ. Bà mẹ và anh em Đinh Phúc Điền lúc đầu đến Kim Khê nhưng sau chỉ Phúc Tiên ở lại, con trưởng là Phúc Điền vượt Sông Lam lên lập nghiệp ở An Ấp nay là An Hoà Thịnh.

       Gia phả họ Đinh ở An Ấp còn ghi lại truyền thuyết: Ngài Đinh Hữu Luân (1602 - 1676) lúc làm huyện tá ở Đông Ngạn (Thanh Hóa) đã cứu được một chiếc thuyền buôn của Tàu trôi dạt. Ngài đã cấp lương thực, tiền bạc cho họ về nước. Nhớ ơn sâu, chủ chiếc thuyền kia sau đó đã mang sang một thầy phong thủy họ Ngô và nói rằng:

       - Cảm ơn tái tạo của ông, không dám đem vàng, bạc để tạ lòng trắng trong, chúng tôi đem vị tiên sinh này từ bản quốc đã ban phúc ấm cho nhiều nhà sang cốt để báo đức thiện của ông.

       Ngài Hữu Luân nghe nói vui mừng khôn xiết, cáo bệnh từ quan cùng Ngô Tiên sinh về lại quê nhà An Ấp. Ngài thưa với Ngô tiên sinh:

       - Tiện gia này từ Ái Châu vào đây đã gần trăm năm, đời đời độc đinh, trai gái muộn màng. Đời nào cũng chăm chỉ học hành mà khoa giáp chưa tới.

       Ngô tiên sinh trầm ngâm chốc lát rồi nói rằng:

       - Nhà ông tích thiện đã mấy đời nên mồ mã đều yên cả. Ta chí cốt báo cái đức cho nhà ông nên xem sơn thủy ở Hương Sơn sẽ quyết không tiếc gì. Phúc nhà ông tới đâu mắt ta nhìn thấu suốt tới đó, nào là phú quý, thế xuất danh nho đã bày ra trước mắt.

       Ngô Tiên sinh ở lại một vài tháng, ngài điểm một âm phần ở núi Trai Sơn (thuộc Sơn Tiến), đưa hai thân hợp táng ở đó. Ngài nói:

       - Đây là địa cát, kế thế đăng khoa.

       Ngô Tiên sinh còn lập một dương cơ ở Nương cơ vốn của quan Đô đài ngự sử Nguyễn Tử Trọng đỗ Tiến sỹ khoa Nhâm Tuất (1502) làm quan đến Đô đài ngự sử, có hai con cùng đỗ trường sinh nhưng về sau con cháu khinh phí đất đai bỏ hoang hóa. Họ Đinh đã đem ruộng tốt đổi cho họ Nguyễn để lập nên dương cơ này. Có địa linh (mồ mả cha ông, nơi ở thuận phong thủy phù trợ) con cháu Đinh Phúc Điền ở An Ấp kế thế đăng khoa, đời đời phát đinh, phát lộc.

       Hậu duệ đời thứ 7 của Đinh Phúc Điền là Đinh Nho Công (1637 - 1695) là lương nông nhưng chăm chú kinh sử, thi đậu Tiến sỹ khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị 8 (1670) trở thành đức tổ khai khoa của dòng họ. Cụ Đinh Nho Công từng giữ chức Tham chính xứ Sơn Nam sau được điều về kinh thăng Thiêm Đô Ngự sử. Cụ có 2 vợ 6 con trai, người con thứ 6 của cụ là Đinh Nho Côn sang định cư ở làng Thanh Liên (nay là xã Thanh Tiên huyện Thanh Chương, Nghệ An), lập thành một nhánh thứ của họ Đinh Hương Sơn. Đời thứ 4 của nhánh này có Tiến Sỹ Đinh Nho Thận tác giả "Thu dạ hoài ngâm" - một khúc ngâm mà Giáo sư Đặng Thai Mai đánh giá: "là một trong 4 khúc ngâm hay nhất của văn thơ cổ điển Việt Nam”.

       Đinh Nho Công là vị quan liêm năng, nhiều truyền thuyết còn ghi lại những hành xử đúng mực của ông. Một trong những câu chuyện đó là chuyện minh oan cho vị quan thủ bộ ở Hưng Nguyên Nghệ An làm nên huyền tích Phan Thị Viên.

       Đinh Nho Hoàn là con trai thứ 3 của Đinh Nho Công và phu nhân Đặng Thị. Đặng Thị xuất giá từ dòng họ Đặng danh gia cự tộc ở Võ Liệt, Thanh Chương.   

       Em ruột Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn là Đinh Nho Côn đậu Giải nguyên là một người văn võ song toàn, tính tình khẳng khái đã từng được chúa Trịnh Doanh cử làm Đốc lĩnh Nghệ An đồn trú ở Kỳ Hoa, được phong tước Hương Nghĩa hầu. Gia đinh cụ Đinh Nho Công có 3 cha con là: Đinh Nho Công, Đinh Nho Hoàn, Đinh Nho Côn và con dâu Phan Thị Viên (vợ Đinh Nho Hoàn) được Vương triều phong kiến phong Vương tôn vinh Danh Thần, Phúc Thần  được làng lập đền thờ, triều đình cắt ruộng hương hoả, vì thế bài tán về "Bốn vị phúc thần họ Đinh” của Hy Tăng Đinh Nho Tĩnh có câu:

                "Trên hộ nước, dưới che dân.

                Một nhà bốn vị phúc thần vinh bao"

       Một nhà bốn vị phúc thần, có lẽ đây là kỷ lục về sự thành danh, cống hiến của một gia đình với đất nước, quê hương.

       Sinh ra trên một miền quê địa linh, trầm tích chiều sâu văn hóa dân tộc, lớn lên giữa những anh hào, tuấn kiệt trong chiếc nôi đằm thắm nhân văn của gia đình, Đinh Nho Hoàn đã trở thành một danh sỹ, danh thần một cách tự nhiên, dung dị. Có lẽ vì thế nên trong các trước tác của công còn lại, hậu thế bắt gặp nhiều việc làm tri ân quê hương, gia đình của ông và trong tập thơ duy nhất còn sót lại của ông: "Mặc Trai sứ tập" người đọc cảm nhận được biết bao tình cảm nồng thắm của ông với nước, với nhà với bậc sinh thành.

       Địa linh sinh hào kiệt, truyền thông văn hóa của vùng đất An Ấp xưa đang được lớp cháu con kế thế, phát huy. Lại tiếp tục có những người con ưu tú của quê hương An Ấp sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này và cuộc đời sự nghiệp của họ lại tiếp tục làm vẽ vang thêm truyền thống quê hương. Đó là nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Đinh Nho Liêm, Trung tướng Nguyễn Đường, nguyên Thứ trưởng Bộ nông nghiệp Tống Trần Đào, PGS, TS Hà Học Hợi nguyên Phó ban Thường trực Ban tư tưởng văn hóa TW, GS TS KH  NGND nhà thơ Đinh Phạm Thái phó Chủ tịch Hội đồng chức danh GS ngành luyện kim, PGS, TS nhà giáo ưu tú Đinh Nho Chương, GS-TSKH Đinh Dũng, PGS TS Tống Trần Tùng Đại tá Đinh Nho Bát nguyên Thường vụ Đảng ủy Quân khu 4, Chủ nhiệm chính trị Quân khu 4, Đại tá Nguyễn Đình Quế, nguyên Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu 4... Nhiều gia đình như gia đình ba anh em ruột Đinh Nho Dật, Đinh Nho Bát, Đinh Nho Chú, con trai, con gái, dâu, rể ai cũng là tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư.

       Nhiều con cháu họ Đinh Nho đã phát huy được truyền thống hiếu học của tổ tiên, dù trong điều kiện khó khăn vẫn phấn đấu say mê học tập nghiên cứu để đạt được chí ước của mình. Điển hình như cụ Đinh Xuân Vịnh (1911-2015, đời 16 chi thứ), tuy chỉ có trình độ “đậu đíp lôm” (tương đương tốt nghiệp THCS bây giờ), thế mà cụ đã tự sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian rồi chép tay vào vở học trò đến 3 lần (lần đầu do chiến tranh bị thất lạc, lần 2 bị thời tiết làm hoen ố). 40 cuốn vở, mỗi cuốn 120 trang, tổng số mục từ khoảng 4 vạn từ, với công trình tự nghiên cứu mò này năm 1994 cụ được Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam trao thưởng giải nhất, và cũng năm đó cụ được nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba...

       Một vùng quê dân không đông, đất không rộng nhưng hiện có trên 100 GS, TS, nhà khoa học, nhà văn... đã và đang âm thầm cống hiến trí tuệ cho đất nước. An Ấp vùng đất địa linh đã và đang sinh ra bao tuấn kiệt cho công cuộc đổi mới hôm nay. Truyền thống hiếu học, thành danh, cống hiến cho đất nước, quê hương của các thế hệ kế tục ở An Hoà Thịnh đang làm rạng ngời truyền thống đất học, khoa bảng An Ấp xưa.

N.K.T

. . . . .
Loading the player...