Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu bài thơ "Bữa cơm chiều ba mươi" của nhà thơ Hải Đường qua lời bình của Nhà thơ Nguyễn Văn Thanh
BỮA CƠM CHIỀU BA MƯƠI
Như thể tất niên của mười lăm,
hai mươi, ba mươi năm trước
cũng giò chả, dưa hành, bánh chưng…
cái gì cũng có thể mua ngoài chợ
hoa đào thẳm mắt chiều thương nhớ
hoa rã cánh một thời phiêu diêu khốn khó
rưng rưng năm đói mất mùa
chợ tết mom sông bán mua như cướp
cha lặng im chôn khói thuốc vào tim
các con bàn sang Tết đi Sing (Singapor)
trốn chúc tụng dềnh dang, trốn cỗ
con trẻ lon xon tiếng ngọng tiếng sõi
tiếng Anh chen tiếng Việt lùng bùng
bữa cơm chiều nay nhớ mẹ vô cùng
chúng con lớn từ ca dao thơm lửa trấu
nồi cá kho, bát canh măng mẹ nấu
chuyện Tống Trân Cúc Hoa rủ rỉ về khuya
mưa giăng mờ bóng mẹ về kia
làng lên phố rồi mẹ vẫn áo nâu chân đất
nhớ nghe con đừng bao giờ để mất
gốc nhà mình thanh sạch thảo thơm
30 - Chạp Mậu Tuất (4-2-2019)
Hải Đường
Lời bình:
Nhà thơ Hải Đường quê Vũ Bản, Bình Lục, Hà Nam hiện nay sống ở Hà Nội. Ông đã có 6 tập thơ và hai tập tùy bút, tiểu luận. Tôi hân hạnh được nhà thơ tặng tập Lãng mạn 4.0 (NXB Hội nhà văn, 2019). Bài thơ Bữa cơm chiều Ba mươi được in trong tập thơ này. Thơ Hải Đường hướng nội, hình ảnh chân thực, hàm súc và khơi gợi. Với bài thơ Bữa cơm chiều ba mươi ông đã gửi vào đó những ký ức sâu đậm nhất của đời mình.
Theo phong tục từ xa xưa lưu truyền lại, trưa hoặc chiều Ba mươi Tết mọi gia đình đều bày mâm cỗ thịnh soạn lên bàn thờ tổ tiên thắp nén hương thơm tiễn đưa năm cũ và đón rước vong linh ông bà tổ tiên về vui Tết với gia đình. Bữa cơm chiều Ba mươi cũng là bữa cơm đoàn viên, con cháu xa gần đoàn tụ đông đủ nhất. Trên mâm cỗ ngoài những món ăn khác, giò chả, dưa hành, bánh chưng là những món đặc trưng của ngày Tết cổ truyền Việt Nam không khi nào thiếu. Nhưng với nhà thơ Hải Đường một người ở quê lên thành phố đã lâu ông không còn được đắm mình trong không khí rộn ràng, náo nức của quê nhà mỗi lần giã giò, gói và nấu bánh chưng xanh đón Tết. Hương vị Tết nhạt dần theo năm tháng. Ngày Tết đối với người ở phố, khi cuộc sống đã đủ đầy, chỉ là mấy món thức ăn truyền thống mang tính ước lệ:“Như thể tất niên của mười lăm, hai mươi, ba mươi năm trước…/ cũng giò chả, dưa hành, bánh chưng/ cái gì cũng có thể mua ngoài chợ”. Nhưng với ông “hoa đào” biểu tượng của mùa Xuân thì lại khác: “hoa đào thẳm mắt chiều thương nhớ”. Không phải là thắm mà là “thẳm” mắt. Hình ảnh của hoa đào chiều Ba mươi Tết đã lưu lại tận thẳm sâu trong trái tim ông để mỗi lần nhớ tới ông lại bồi hồi xúc động.“hoa rã cánh một thời phiêu diêu khốn khó/ rưng rưng năm đói mất mùa/ chợ Tết mom sông bán mua như cướp/ cha lặng im chôn khói thuốc vào tim”. Bởi một thời làng quê ông mất mùa đói khổ cơm còn không đủ ăn tiền đâu để mua hoa sắm Tết. Hoa cũng đành“rã” cánh mà rụng dần. Ông thương cha mình một người trụ cột gia đình trong cảnh đói kém cũng đành bất lực“nuốt khói thuốc vào tim” mà không làm gì khác được. Hình ảnh hoa “rã” cánh, “nuốt khói thuốc vào tim”, những ngôn ngữ thông thường được nhà thơ Hải Đường đặt đúng chỗ trở thành một thi tứ “gợi” làm nhịp cầu nối giữa quá khứ khổ đau đói cơm rách áo với cuộc sống hiện tại đủ đầy lắng đọng mãi trong tâm trí ông cho tới tận bây giờ. Những ký ức rất đỗi khiêm nhường đó cứ lớn dần lên theo từng câu từng chữ trong từng khổ thơ, khơi gợi mạch thơ giàu hoài niệm trong ông dào dạt tuôn trào.
Bao nhiêu năm ra thành phố, khi trở thành một thị dân với cuộc sống đủ đầy giữa chốn phồn hoa đô hội. Phần đông những lớp người ở độ tuổi ông cha mẹ ở quê đã về cõi vĩnh hằng thì ngày về quê càng trở nên xa lắc. Ngày Tết, cuốn theo nhịp sống hiện đại ngoài lễ cúng chiều Ba mươi, sang năm mới phần đông các gia đình đều đi du lịch đó đây để “tránh” những thủ tục rườm rà ngày Tết. Gia đình của nhà thơ cũng không ngoại lệ. Bữa cơm chiều Ba mươi là bữa cơm thiêng liêng để ông gửi hồn về quê hương xứ sở. Ký ức thánh thiện dấu kín trong trái tim đa cảm đã dẫn dắt ông tìm lại bóng dáng của mẹ mình, của một thời đầy thương nhớ: “bữa cơm chiều nay nhớ mẹ vô cùng/ chúng con lớn từ ca dao thơm lửa trấu/ nồi cá kho, bát canh măng mẹ nấu/ chuyện Tống Trân Cúc Hoa rủ rỉ về khuya”. Những câu thơ giản dị thoáng chút buồn, dồn nén khắc khoải tâm trí đứa con xa nhà, người luôn lục tìm từ trong ký ức hình ảnh của mẹ mình. Ông thương mẹ đến quặn lòng, hình dung ra hình bóng mẹ đang tìm về trong chiều Ba mươi Tết: “mưa giăng mờ bóng mẹ về kia / làng lên phố rồi mẹ vẫn áo nâu chân đất”. Xã hội ngày một no ấm, làng xã đã đổi thay hồi tưởng về mẹ một thời đói khổ nhà thơ nghẹn ngào không nói nỗi thành lời. Điều duy nhất an ủi ông, vỗ về ông những lúc nặng trĩu ưu tư là lời răn dạy của mẹ. Lời dạy đó vượt qua đói nghèo, vượt qua khổ đau luôn sáng ngời trong tâm trí ông, theo ông suốt cả cuộc đời:“nhớ nghe con đừng bao giờ để mất/ gốc nhà mình thanh sạch thảo thơm.”
Bình An 20-12-2020
Nguyễn Văn Thanh