26-08-2021 - 08:00

Bút kí dự thi TRÀ SƠN, TAY EM CẦM NHẬT THỰC của Ngô Đức Hành

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bút ký dự thi TRÀ SƠN, TAY EM CẦM NHẬT THỰC của tác giả Ngô Đức Hành trên tạp chí Hồng Lĩnh số 180, tháng 8/2021

ngô đức hành

trà sơn, tay em cầm nhật thực

                                                                                                        Bút ký dự thi   

 

Trần Thu Hà, cán bộ Phòng Văn hóa huyện Can Lộc đưa tôi ngược Trà Sơn. Trời lất phất mưa. Con đường này, tỉnh lộ từ ngã ba Nghèn, qua ngã ba chợ Đình, rẽ trái về Đồng Lộc rồi lên Thượng Lộc cất giữ giúp tôi bao nhiêu kỷ niệm.

Thị trấn Nghèn từng là “tọa độ lửa”, trong chiến tranh, trường cấp 3 (bây giờ là Trường THPT Nghèn) giải thể, thay vào đó là Trường Cấp 3 Thanh Lộc. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngành Giáo dục Hà Tĩnh thành lập thêm Trường Cấp 3 Đồng Lộc. Tôi lớn lên, theo học ở trường này, trên quả đồi nhỏ, nhìn ra dòng suối Tùng Cóc.

- Mình đi lên hơi muộn đó anh? Thu Hà, nói với tôi, lo lắng.

- Mong mần răng gặp được ông chủ trang trại là được. Tôi đáp.

Chiếc xe lầm lũi qua mưa chiều.

*

Hai anh em vào xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc, đến trang trại Thanh Hiền, tên ghép của vợ chồng Trần Văn Thanh và Trần Thị Hiền thì đã 16h00. Đây là lần thứ hai, tôi có cơ duyên được đến thăm đôi vợ chồng nông dân nức tiếng này. Năm trước, cùng với Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, Bùi Huy Cường. Lần này với một “á khôi” của ngành Văn hóa thông tin huyện nhà. Tôi và Thu Hà lọt thỏm giữa một vùng sinh thái. Xanh mơ màng.

Vợ chồng Thanh Hiền đều thế hệ 7X, “đời đầu”. Khuôn mặt Hiền tươi sáng, tần tảo; Thanh, vóc dáng giống giáo làng hơn nông dân một nắng hai sương. Họ xung phong lên vùng núi phát triển kinh tế vườn đồi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa do hoàn cảnh, vừa như cơ duyên.

- Năm rồi nắng nóng kéo dài nhưng sản lượng cam cao hơn, chất lượng quả cũng tốt hơn so với mọi năm. Năm nay, dù chưa đến vụ thu hoạch nhưng theo kinh nghiệm, doanh thu năm nay sẽ cao hơn, dự kiến cỡ tỷ đồng. Thanh tự tin giới thiệu.

- Nhìn mê quá đi. Thanh này, hoàn cảnh nào “đưa đẩy” gia đình ta lên đây? Ngoài gia đình mình, còn ai khác? Tôi hỏi.

Thanh chia sẻ, vợ chồng vốn là công nhân của Công ty Cao su Hà Tĩnh, thu nhập từ đồng lương eo hẹp không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Khi vợ chồng anh đang loay hoay làm sao để thoát nghèo thì cơ hội đến, khi năm 1992, Chính phủ có Quyết định 327/CT về chương trình quốc gia về tạo mới và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, gọi tắt là “Chương trình 327”. Vợ chồng Thanh, Hiền cùng cùng 8 hộ dân khác ở vùng Trà Sơn được Nhà nước hỗ trợ các loại cây giống như cam, chanh, bưởi. Thế là lên.

- Những tưởng mọi việc thuận lợi. Tuy nhiên, khi đặt chân lên đây, tôi ứa nước mắt khi tứ bề đều là đồi núi, đất đai cằn cỗi không có gì ngoài cây cỏ dại. Nhiều lần vợ chồng tôi định bỏ cuộc, nhưng được sự động viên của gia đình hai bên, đánh liều phát quang rừng rậm trồng các loại cây hoa màu như khoai, sắn, đậu... Để sống trước hết phải có cái ăn. Thanh nhớ lại, khuôn mặt biểu cảm, nhiều cảm xúc.

Tôi hình dung đó là một quyết định “dũng cảm”. Họ vượt qua rào cản tâm lý truyền thống, không hề nhẹ nhàng. Vượt qua mình, bao giờ cũng khó. Thanh và Hiền đã quyết định nghỉ việc ở doanh nghiệp Nhà nước để lên đây và đối mặt với những khó khăn mới… Những năm đầu không mấy hiệu quả vì cây giống, phân bón không đảm bảo chất lượng, chưa có kinh nghiệm. Một số hộ dân chán nản, từ bỏ về xuôi, riêng Thanh và Hiền kiên trì bám trụ. 5 năm thử nghiệm, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, trầy trật. Cuối cùng anh chị nhận ra cam, chanh phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Tất cả các cây trái khác được phá bỏ. Cam, chanh trở thành cây chủ lực.

Từ một gốc đến hai, ba... Đất không phụ người. “Thuận vợ, thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”, câu ca xưa thật đúng với vợ chồng Thanh, Hiền. Cuối năm 2005, vườn gia đình anh chị đã có 200 cây cam Chanh; cuối năm 2015, trồng được 1.200 cây cam, Chanh; trong đó 600 cây đã cho thu nhập, cây nhiều nhất khoảng 200 kg/vụ. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm vợ chồng Thanh Hiền thu hoạch từ 26 - 30 tấn cam trở lên, doanh thu từ 1 - 1,2 tỷ đồng/năm. Trừ chi phí, họ có lãi từ 700 - 800 triệu đồng/năm. Năm 2019 và 2020, sản lượng đạt trên 40 tấn/năm.

Được gọi là “bà chủ” từ năm 2014. Đó là năm Trần Thị Hiền lập ra Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ cây ăn quả Thanh Hiền. Hợp tác xã có 7 hộ thành viên, diện tích trồng cam đạt gần 14 ha với hơn 4.500 cây cam. Từ khi Hợp tác xã ra đời, không những thu nhập gia đình tăng trưởng mà gia đình chị mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tuy diện tích của mình chỉ có 2,7ha, nhưng vợ chồngThanh Hiền trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm nên người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng. Sản phẩm khi thu hoạch được thương lái đến tận vườn thu mua với giá cao. Sản phẩm cam giòn của vợ chồng Thanh, Hiền từng đạt hai giải Nhất tại hội chợ về hoa quả do Hà Tĩnh tổ chức. Hai năm 2015, 2016 Trần Thị Hiền được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen; năm 2017, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 - 2017. Và, năm 2019, chị được đích thân bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương (nay là Trưởng ban Tổ chức Trung ương) trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”.

- Kinh nghiệm của anh có thể chia sẻ với bà con khác? Nhìn Thanh, tôi hỏi.

- Gia đình nào trong vùng muốn phát triển kinh tế vườn thì dù mưa hay nắng, bọn em sẵn sàng đến từng vườn từng nhà chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đến khi thành công mới thôi. Thanh chia sẻ.

Trang trại của Thanh, Hiền đã và đang tiến hành ươm cây giống, hỗ trợ cây giống cho những người muốn làm giàu từ cây cam. Đặc biệt chị đã hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng cho nhiều hộ nghèo không lấy tiền vốn. Toàn xã Thượng Lộc hiện có gần 300 hộ trồng cam, riêng thôn Anh Hùng có 143 hộ, trong đó có 120 hộ trồng cam. Nhiều hộ được vợ chồng Trần Thị Hiền trợ giúp.

Không dừng lại ở cây trái. Năm 2016, vợ chồng Thanh, Hiền kinh doanh sản phẩm gỗ lâm nghiệp, đầu tư tiếp hơn 20 tỷ đồng mở xí nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động, mức thu nhập hàng tháng hơn 10 triệu đồng/người. “Buôn có bạn, bán có phường”, thành ngữ luôn đúng. Bây giờ là thời buổi của chuyển giao và liên kết. Tôi mừng vì Thanh và Hiền, những “nông dân trí thức” có tư duy hiện đại, từng bước tiếp cận “kinh tế số”. Không chỉ riêng tôi mà ai một lần đến thăm “cơ ngơi” của vợ chồng Thanh, Hiền đều mừng và khâm phục. Thời điểm này cam chưa đến vụ nhưng tương lai trong bàn tay. Dạo quanh khu vườn gần ngôi nhà trong trang trại của Thanh, Hiền, tâm hồn đầy lên cảm xúc. 

*

Trở lại Nghèn, tôi gặp lại Phó Chủ tịch Bùi Huy Cường. Anh đã chuyển từ phụ trách mảng văn hóa sang mảng kinh tế của Huyện từ đầu nhiệm kỳ 2021- 2025.

- Từ xa xưa, Trà Sơn là vùng đồi hoang, khô cằn đá sỏi. Người dân được giao đất, giao rừng, được hỗ trợ các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nên phấn khởi. Đặc biệt những năm qua, thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, giờ đây Trà Sơn đã là vùng kinh tế phát triển của huyện đấy. Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường không dấu được niềm vui.

- Can Lộc đang tính chuyện lớn, từ Trà Sơn?

- Tất nhiên, đó sẽ là vùng nông sản, ăn trái chất lượng cao. Kết hợp du lịch văn hóa, lịch sử với du lịch văn hóa sinh thái. Can Lộc đang tập trung thu hút đầu tư, phối hợp với các đơn vị lữ hành xây dựng nơi đây thành tuyến du lịch trải nghiệm.

Trà Sơn là tên dãy núi thuộc hệ Trường Sơn. Trà Sơn là tên gọi chung cho 7 xã gồm Thường Nga, Phú Lộc, Gia Hanh, Thượng Lộc, Đồng Lộc, Sơn Lộc, Mỹ Lộc; ước có 30 ngàn dân. Đây là các xã “ôm” quốc lộ 15 vào lòng. Không chỉ Ngã ba Đồng Lộc mà các 6 xã kề cạnh, vùng đệm của Đồng Lộc trở thành “túi bom” thời chiến tranh.

- Những năm tháng chống Mỹ cứu nước toàn vùng này, kéo dài đến Khe Giao bị bom Mỹ đánh phá ác liệt. Đường 70, một tuyến tránh của quốc lộ 15 đi qua xã Nga Lộc có 23 liệt sỹ Thanh niên xung phong hy sinh. Nơi đây, Tổng đội Thanh niên xung phong 559 từng đóng quân. Bùi Huy Cường nhắc tôi. Anh tự hào về lịch sử, truyền thống. Tôi đọc được trăn trở về trách nhiệm.

Đường Đồng Lộc, đường Khe Giao, đường hiên ngang vượt qua sông suối...”. Đến vùng đất này, bất cứ trái tim nào cũng biết hát ca khúc “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh” của cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Tôi nhớ năm 2014, khi dẫn đoàn nhà văn miền Trung đi thực tế tại Đồng Lộc, khi vào thắp hương tại Đài Tưởng niệm nhân dân hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, nhà thơ Lê Đình Cánh cứ tỷ mẩn hỏi từng cành cây, ngọn cỏ. Vâng, tất cả đều thấm xương máu của những ngày đã xa. Không chỉ tượng đài mà đầu tư cho Trà Sơn cũng là “Đền ơn đáp nghĩa” đối với nhân dân. Không có hôm qua, không có hôm nay và ngày mai.

Bây giờ Trà Sơn đã “nức tiếng” cả nước về kinh tế trang trại. Cam Trà Sơn đã là thương hiệu có giá trị của Can Lộc. Trên con đường tôi vừa qua, về với xóm Anh Hùng, về với Thượng Lộc, nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đoàn Chính phủ Lào, các địa phương kết nghĩa với Can Lộc như Tuy Phước (Bình Định), Mai Châu (Sơn La)...đã về đây khảo sát, học tập với hy vọng nhân rộng, lan tỏa.

- Không chỉ mô hình Hợp tác xã Thanh Hiền, vùng này còn nhiều mô hình đặc biệt. Đó là Hợp tác xã Gia Phúc (Nga Lộc) có 40 ha cam, bưởi, thanh long... đi đầu công nghệ 4.0 vào trang trại, ứng dụng công nghệ Ixraen. Ngay Thượng Lộc, còn có Hợp tác xã cam Thanh Hà, chuyên trồng cam giòn; Hợp tác xã Thanh Đồng với mô hình trồng cam trong nhà lưới... Đấy là chưa nói đến phong trào xây dựng “vườn mẫu” trong dân. Phó Chủ tịch Bùi Huy Cường sôi nổi.

Phó Chủ tịch Bùi Huy Cường thông tin khá cụ thể việc huyện nhà đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Với nông nghiệp, nông dân mạnh dạn tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học kỹ thuật... tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích. Sản lượng lương thực nay đã đạt 8 - 10 vạn tấn/năm,  giá trị thu nhập từ 35 lên 100 triệu đồng/ha. Can Lộc đang đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Anh Cường tự hào nói tôi, những người nông dân Can Lộc hôm nay đang viết tiếp “Bài ca Xô viết anh hùng” của cha anh trên mặt trận kinh tế. “Tinh thần Xô Viết” mãi là cảm hứng, động lực trong hành trình phát triển quê hương. Toàn huyện đang nỗ lực xây dựng huyện nhà đạt huyện nông thôn mới nâng cao trước năm 2025.

Không có đâu bằng quê hương mình. Nhà thơ Nga Raxun Gamzatop từng viết, “Mỗi lần trở về làng, trên mỗi bước đi, tôi gặp lại mình, gặp lại thời thơ ấu của tôi, gặp lại những mùa xuân, những cơn mưa, những bông hoa và những chiếc lá rụng mùa thu của tôi”. Ông khẳng định, không thể đổi làng lấy bất cứ thứ gì. Câu chuyện kinh tế trang trại, làm giàu nhờ trang trại từ vùng Trà Sơn, Can Lộc, minh chứng hùng hồn, không có gì tuyệt vời bằng làm giàu ngay chính trên quê hương mình. Bất giác, tôi nhớ câu thơ “một phía Trà Sơn cam vàng, tay em cầm nhật thực”. Nhật thực, hiện tượng thiên nhiên kỳ thú và lộng lẫy đã xuất hiện phía mặt trời đang lên ở quê nhà.

                         12/5/2021

                                 N.Đ.H

Vườn cam kiểu mẫu ở Hà Tĩnh 

 

. . . . .
Loading the player...