09-02-2021 - 10:42

Bút ký ĐỜI HOA, ĐỜI NGƯỜI của tác giả Trần Hải Vân

Tạp chí Hồng Lĩnh số tết Tân Sửu trân trọng giới thiệu bút ký ĐỜI HOA, ĐỜI NGƯỜI của tác giả Trần Hải Vân

trần hải vân

đời hoa, đời người

                               Bút ký

Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây giới sành chơi hoa đào vẫn gọi Cẩm Hưng là “thủ phủ hoa đào” của Hà Tĩnh. Bởi không ở nơi đâu trên mảnh đất miền Trung khô cằn nắng cháy này hoa đào lại được trồng nhiều và thắm sắc như ở đây. Từ quốc lộ 1A rẽ vào địa phận xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đã bắt gặp những ngả đường quang đãng thênh thang nông thôn mới, đã thấp thoáng bóng những vườn hoa đào, hoa mận đang xôn xao đơm nụ khấp khởi đón xuân về.

Cẩm Hưng luôn tự hào là quê hương của cố Tổng bí thư Hà Huy Tập - một người cộng sản kiên trung bất khuất, một người lãnh đạo tài năng của Đảng. Trên khu lăng mộ của ông được xây dựng ở thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng còn khắc ghi câu nói nổi tiếng, kết tinh ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của một người chiến sỹ cách mạng đã hiến dâng đã cuộc đời, cả tâm hồn và trí tuệ cho Đảng và cho Đất nước “Tôi chẳng có gì để hối tiếc. Nếu còn sống tôi sẽ vẫn còn hoạt động”. Thật kỳ diệu là thôn Hưng Thắng, nơi cố Tổng bí thư Hà Huy Tập sinh ra và lớn lên là thôn trồng nhiều hoa đào nhất ở xã Cẩm Hưng. Con đường dẫn bước chân tôi đến thăm viếng khu lăng mộ Hà Huy Tập nên thơ như một bức tranh, hai bên đường tập trùng đồi núi xanh thắm và thấp thoáng những vườn đào bạt ngàn chạy mãi đến tận chân đồi.Tôi thầm nghĩ liệu có mối liên hệ gì không giữa loài hoa biểu tượng của mùa xuân, của cốt cách tinh thần và niềm tin chiến thắng này với người chiến sỹ kiên trung của Đảng. Hoa đào đẹp mong manh tinh tế nhưng thân cành cứng cáp, rắn rỏi, gốc cội xù xì bám rễ sâu vào lòng đất quê mẹ. Có lẽ nào cốt cách, tinh thần, anh linh thể phách của người chiến sỹ cách mạng kiên trung Hà Huy Tập đã hóa thân vào hình sông thế núi, đã thấm đẫm vào trong từng thớ đất, mạch nguồn nơi đây để nuôi dưỡng từng nhành hoa ngọn cỏ, để vun đắp nên những cây đào tươi thắm mà mạnh mẽ vươn lên trên mảnh đất quê hương của Người.

Đón tôi ở Khu lăng mộ của Tổng bí thư Hà Huy Tập là ông Hà Huy Chân - một người con của dòng họ Hà Huy. Ông Chân mộc mạc hồn hậu, dáng người nhanh nhẹn hoạt bát dù đã hơn bảy mươi tuổi. Là người trong dòng họ Hà Huy, ông được trao một trọng trách thiêng liêng là trông coi và chăm sóc khu mộ của Hà Huy Tập. Ông vui vẻ kể cho tôi về vườn đào có khoảng hơn 200 gốc của ông ở thôn Hưng Thắng. Ông Chân kể ở thôn ông nhà ai cũng trồng hoa đào, cây đào là cây không thể thiếu trong vườn của người dân ở đây. Vườn ít thì trồng dăm ba chục gốc, nhiều thì đến cả bốn, năm trăm gốc. Cây đào không chỉ tô điểm cho thôn xóm mỗi độ Tết đến xuân về mà nó còn là cây chủ lực, là ngồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Vào mỗi vụ Tết, người dân trông chờ hết cả vào vườn đào, buồn ở đấy mà vui cũng ở đấy, tất cả mong chờ, hi vọng thấp thỏm một năm đều gửi cả vào những gốc đào này. Vào những ngày giáp Tết, cả thôn náo nức vì có rất nhiều khách thập phương tìm về Hưng Thắng để mua đào chưng Tết. Khi đã vào vụ, đào nở đúng dịp sẽ được giá, nhà thấp nhất cũng bán được tầm 10 đến 20 triệu đồng, nhà cao nhất cũng bán được hàng trăm triệu đồng.Với những người nông dân nghèo khó nơi đây thì quả một nguồn thu nhập không hề nhỏ, đủ để họ sắm một cái Tết sung túc. Đó là những ngày còn vương lại cái rét se sắt cuối đông, trời đã bắt đầu hưng hửng nắng xuân, những mầm nụ non tơ bắt đầu cựa mình khe khẽ trong những thân cành khẳng khiu gầy guộc, rồi một ngày những bông hoa khắp các ngõ xóm chợt bung nở khoe sắc ửng hồng đôi má thiếu nữ. Đường làng bỗng rộn rịp tiếng bước chân khách đến ngắm hoa, tiếng người xôn xao ngả giá mua đào, tiếng trẻ em chạy theo reo cười ồn ĩ, những mặt người nông dân suốt một năm lầm lụi tất bật ánh lên tươi vui hồ hởi hi vọng.

Vườn đào của ông Hà Huy Chân không phải là vườn lớn trong thôn nhưng đấy là tất cả tâm huyết của đời ông. Bên chén nước chè chát ngọt thoang thoảng hương đồi, ông Chân cho hay cây đào ở đây không phải được du nhập từ đâu về mà nó đã có từ ngàn xưa trên mảnh đất cha ông để lại. Đất ở Hưng Thắng vốn dĩ là đất đồi cao ráo phù hợp với sự sinh trưởng của cây đào. Cũng ở Cẩm Hưng nhưng có điều lạ là chỉ có ở thôn Hưng Thắng và Hưng Trung mới trồng được hoa đào, mà thôn Hưng Thắng là trồng được nhiều nhất, còn những thôn khác người dân cũng thử mang giống đào ở đây về trồng nhưng cây không phát triển được. Trong mỗi vườn đào thường có một cây đào mẹ đã nhiều năm tuổi, đã trải bao mùa nắng mưa sương gió, gốc cội xù xì, cành lá gân guốc. Hạt từ cây đào mẹ này khi được gieo xuống đất sẽ mọc lên thành những cây con. Những cây đào con ấy khi đã bám rễ vào đất thì cứ thế mà hồn nhiên lớn lên. Và chỉ cần đâu khoàng tầm 2, 3 năm một cây đào đã đủ lớn, đã bắt đầu đơm hoa đơm nụ, đã có thể bứng lên bán cho người về chưng Tết. Một cây đào được đem bán đi, người trồng vun xới lại đất đai và mang một cây khác được ươm sẵn trồng vào, cứ thế đời này nối tiếp đời kia, cây này nối tiếp cây kia, những vườn đào của người Hưng Thắng không bao giờ hết cây hết trái. Đào Cẩm Hưng được khách sành chơi hoa đào ưa chuộng bởi cây có thế đẹp, lá nhỏ và ít, nụ và nhánh nhiều, bông đào năm cánh tròn đều, sắc hồng tươi tắn. Cây càng lâu năm, gốc cội càng xù xì gân guốc người chơi đào càng yêu thích. Những năm gần đây, xu hướng của khách sành chơi đào là chọn mua cây có nhiều nhánh lẻ như 3 nhánh, 5 nhánh, 7 nhánh, 9 nhánh… Cây càng nhiều nhánh lẻ càng đắt tiền. Những ngày đầu năm mới, khách đến Cẩm Hưng mua đào không chỉ có người trong tỉnh mà thương lái thập phương nghe nức tiếng đào Cẩm Hưng cũng tìm đến săn cho được những gốc đào ưng ý.  

Theo lời ông Chân kể thì với lợi thế về tự nhiên, đất trồng, cây đào ở Cẩm Hưng không tốn quá nhiều công sức để chăm sóc. Kể cả nơi đất khô cằn cỗi cây vẫn vươn lên mạnh mẽ. Nhưng để trồng được một cây đào có thế đẹp, hoa đẹp, nhiều nụ, nhiều lộc nõn và quan trọng hơn là nở đúng dịp Tết thì lại đòi hỏi một sự công phu. Khoảng tầm giữa tháng 11 âm lịch, người trồng đào đã bắt đầu trảy lá cho cây. Việc trảy lá đào đòi hỏi một sự cẩn trọng tỉ mẫn nhất định. Nếu vì hấp tấp vội vã mà tuốt ngược lá đào là sẽ ảnh hưởng đến những mầm nụ đang ngủ yên trong những cành nhánh. Vì lẽ đó người trồng đào phải cẩn thận trảy từng lá một, nâng niu gìn giữ những nụ mầm đang say ngủ. Những vườn có quy mô lớn, trồng nhiều gốc đào, đến mùa trảy lá chủ vườn phải thuê đến bốn năm nhân công về làm. Tôi nghe Anh Phan Xuân Thủy - hộ trồng nhiều đào nhất thôn Hưng Thắng chia sẻ rằng: “Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, nhà tôi tỉa lá theo đợt, không tỉa đại trà như mọi năm để dự phòng thời tiết thay đổi, đào nở sớm hoặc muộn hơn so với dịp Tết”. Với những người trồng đào lâu năm và có nhiều kinh nghiệm như anh Thủy thì đây là một trong những bí quyết về kỹ thuật của người trồng đào nếu muốn đào nở đúng dịp Tết.

Nhưng tỉa lá mới chỉ là một phần trong rất nhiều công đoạn chăm sóc để có được một cây đào đẹp đến tay người mua. Vào tận vườn đào của các hộ dân nơi đây mới thấy hết được sự cẩn trọng, tỉ mỉ và tinh tế trong quá trình chăm sóc đào cũng như tâm huyết của họ đối với nghề như thế nào. Để cây đào hợp mắt người mua còn phải có dáng đẹp, thế đẹp. Người trồng đào phải bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian, không chỉ là một năm hai năm mà có khi rất nhiều năm để uốn cành tạo thế cho cây. Dáng cây càng phức tạp thì thời gian càng dài, có gốc thậm chí phải mất đến dăm năm. Từ việc trồng, bấm đọt, khứa da, tạo dáng, tỉa lá… tất cả đều phải tuân theo từng thời điểm nhất định. Ở một góc độ nào đó, thật không quá lời khi nói rằng một người nông dân trồng đào cũng còn là một nghệ nhân khi với mỹ cảm và bàn bàn tay tài hoa, khéo léo của mình đã biến một cái cây thô mộc của tự nhiên thành một tác phẩm nghệ thuật, đẹp từ hoa đến lá đến cả thế cây hàm chứa những thông điệp cuộc sống trong đó.

Nghiệp trồng hoa công phu tỉ mỉ là vậy nhưng rồi còn bao nhiêu nỗi lo, bao nhiêu nỗi canh cánh thời tiết, “nắng nhiều hoa chóng nở, rét quá lại khó ra hoa”. Chỉ cần qua một đêm, chỉ cần một trận gió to, một cơn mưa lớn hay một đợt sương muối thôi cũng đủ khiến người trồng đào phải bạc tóc với nỗi lo mất mùa. Có những năm thời tiết chuyển biến thất thường, gần Tết mà trời cứ nắng mãi, người trồng đào thấp thỏm âu lo vì hoa đã bung nở hết mà chưa có người đến mua đào. Hoa cứ hồn nhiên nở rồi lặng lẽ phai tàn trong nỗi xót xa của người trồng cây. Có lẽ không có cây hoa nào phụ thuộc nhiều vào thời tiết như cây đào. “Trồng đào phải canh thời tiết để có cách chăm sóc phù hợp để hoa nở rộ đúng dịp Tết. Những năm trước thời tiết các năm tương đối giống nhau nên làm dễ ăn hơn. Mấy năm trở lại đây, thời tiết thất thường nên trời cho ăn thì được ăn mà không thì cả năm coi như làm công không”, nén tiếng thở dài, anh Thủy kể với tôi. Nhìn người nông dân dáng vẻ gầy gò khắc khổ đang đăm đăm dõi mắt ra ngút ngàn vườn đào đang đến dịp trảy lá mà chưa biết năm nay thời tiết sẽ như thế nào, trong tôi cũng thoáng nỗi ngậm ngùi, âu lo. Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, người dân trồng đào ở xã Cẩm Hưng bị thất thu lớn cũng vì thời tiết nắng ấm kéo dài khiến hoa đào nở rộ sớm không có cách nào kìm hãm được. Trồng cây đào phai phục vụ Tết thực sự đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương, nhưng đây là năm đào bị thất thu lớn nhất từ trước đến nay. Người trồng đào dẫu có nhiều kinh  nghiệm, dẫu đã áp dụng nhiều cách để hãm đào cho hoa nở đúng Tết nhưng nhiều lúc cũng đành bất lực mà phó mặc cho tự nhiên vậy.

Nghề trồng đào nhiều niềm vui mà cũng nhiều nỗi lo âu nhọc nhằn nhưng người dân Cẩm Hưng chưa bao giờ hết gắn bó với cây đào. Người dân nơi đây yêu cây đào từ trong máu thịt, từ trong tâm hồn bởi dẫu có năm được năm mất thì cây đào cũng đã giúp họ thoát nghèo và mang đến những cái Tết no ấm đủ đầy. Cây đào đã trở thành một phần trong đời sống tinh thần của họ. Một đời cây cũng đã gắn bó với bao đời người. Nhưng một cây đào già cỗi cứ đến mùa hoa vẫn bung nở rực rỡ hết mình, dốc hết nhựa sống trong những thân cành khẳng khiu trơ trụi mà nở hoa cũng là để làm đẹp thêm cho đời, mang niềm vui và sự an nhiên hạnh phúc cho con người. Dường như cũng thấu cảm được cái triết lý tự nhiên giản dị trong mỗi gốc đào lớn lên trên đất Cẩm Hưng, ông Hà Huy Chân vừa rót cho tôi một chén trà ấm nóng vừa chậm rãi nói: “Người ta quan niệm một cành đào đẹp là có cả nụ, cả hoa và lộc. Cây đào hôm nay trên đất Hà Tĩnh, dù là đào được mang về từ Nhật Tân hay cây đào nguyên gốc Hà Tĩnh như đào phai… đã không còn là một sản phẩm thuần túy vật chất mà nó còn chuyển tải trong đó những giá trị tinh thần, một ý nghĩa văn hóa, tâm linh trong từng quan niệm của mỗi người”.

Có lẽ vì yêu cây đào, gắn bó nhiều đời với cây đào mà người dân Cẩm Hưng đang từng bước xây dựng chiến lược phát triển cây đào trong tương lai, hình thành thương hiệu đào Cẩm Hưng để giới thiệu khắp cả nước. Người dân Cẩm Hưng đang dần xóa bỏ vườn tạp, mở rộng diện tích trồng đào, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây đào mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Chính quyền xã Cẩm Hưng cũng xác định cây đào là cây kinh tế chủ lực, góp phần xây dựng nông thôn mới ở xã. Ông Nguyễn Đình Hoạt - Chủ tịch UBND Xã Cẩm Hưng cho tôi biết toàn xã hiện nay có đến hơn 350 hộ trồng hoa đào cho thu nhập tương đối cao. Là một người đứng đầu xã, ông thấy rất vui khi đến mỗi mùa Tết nhìn người dân nhờ có thu nhập từ cây đào mà khấm khá hơn, sung túc hơn. Xã đang có chính sách hỗ trợ người dân về cây giống và khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây đào hiệu quả hơn. Với những hộ trồng đào có quy mô lớn xã hỗ trợ thêm 2 triệu đồng mỗi năm. Với những sự hỗ trợ tích cực cả về vật chất và tinh thần ấy từ chính quyền xã, người dân Cẩm Hưng sẽ gắn bó hơn với nghiệp trồng đào của mình.

Những ngày cuối năm, thong thả dạo bước qua những con phố xôn xao muôn sắc hoa xuân được mang về đón Tết, lòng lại bồi hồi khi bắt gặp những gương mặt nông dân hồn hậu, lặng lẽ khiêm nhường bên những cành đào lốm đốm nụ hồng thắc thỏm chờ mong người mua. Những người dân ở “thủ phủ hoa đào Cẩm Hưng” có lẽ đã có mặt khắp nơi, từ chợ hoa chốn thị thành cho đến một góc chợ quê bình dị nào đó. Và trong sự háo hức của du khách có xen lẫn niềm vui, sự mong mỏi hi vọng của những nông dân được coi là “nghệ nhân trồng đào” trên đất quê Hà Tĩnh.

                                                                                                    T.H.V

. . . . .
Loading the player...