05-07-2021 - 09:21

Bút ký dự thi SÔNG NÚI CÒN XANH của Trần Ngọc DIệp

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bút ký dự thi SÔNG NÚI CÒN XANH của tác giả Trần Ngọc Diệp

trần ngọc diệp

 

sông núi còn xanh

                                 Bút ký dự thi       

Chiếc xe máy Jupiter chạy được nửa độ đường từ Phố Châu tới Sơn Hồng thì chết máy. Tôi nhảy khỏi xe, sức nóng từ động cơ quyện với hơi mặt đường nhựa phụt vào mũi giày phầm phập. Bác xe ôm bảo: “Qua hai dốc nữa mới tới nông trường. Đoạn đường này mới làm, dễ đi hơn nhiều so với trước đây rồi đấy cô ạ. Nắng nôi thế này với vượt dốc liên miên xe chết máy là chuyện thường”.

Tôi tìm một bóng mát hiếm hoi ngồi nghỉ. Gần nửa tiếng sau chúng tôi lại tiếp tục hành trình. Trải qua những lượn cua vòng vèo và cảm giác ruột gan tụt ngược về phía sau khi xe leo dốc. Nhìn ra trước mặt, phía bên kia dãy vành đai gia cố con đường níu ngang sườn núi lại vẫn chỉ thấy núi cách núi, đồi cách đồi, xen giữa chúng là những nghách sâu thăm thẳm. 5 giờ sau xe mới lên tới nông trường. Tôi lặng im nhìn ngắm nông trường chìm ngập trong nắng chiều mùa hạ. Ba dãy nhà sơn vàng xây thẳng hàng nằm gọn trong khu sân bê tông vuông vắn. Phía cuối sân, qua khoảnh rau dền cơm bị cắt cụt đang đợi mưa lên mầm mới là bể nước nằm lọt trong hàng mía vừa trổ quá đầu người.

 Nông trường Sơn Hồng là một trong những đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê. Thành lập từ tháng 2 năm 2009 nhưng phải đến tháng 12 năm 2010 nông trường mới thực nhận quản lý diện tích đất rừng nằm trên địa bàn xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; vùng đất phía tây giáp ranh Nghệ An và biên giới Việt Lào. Hơn bốn năm trôi qua, những triền đồi dãy núi hoang dại chằng chịt dây leo, bìm bìm, cỏ gai, dẻ dại đã nhường chỗ cho từng rặng cao su rải đều trên thửa đất đồi vỡ màu đỏ nhựa, trải dài thành dạng bậc thang xếp thẳng tuột kéo xuống chân lũng.

 Hồi anh tôi mới sang đây, qua nhà thấy cô tôi kêu suốt: “Không biết nó ăn ở thế nào mà đen thui như cột than”. Anh bảo: “Tụi con ở bên đó chỉ có núi, rừng và sông suối thôi”. Đợt này nhân tiện qua thị trấn Phố Châu tôi quyết chí làm chuyến ghé thăm cái xứ rừng và suối ấy. Ông anh họ chạy ra ngạc nhiên: “Sao không báo trước anh xuống đón”. Tôi cười: “Em tự lên được, biết dạo này anh đang bận.”

Đặt vali, nghe mồ hôi giọt giọt từng hạt từ trên mặt lăn xuống cổ, tôi quay nhìn chiếc quạt cuối góc phòng đang thong thả quay từng tiếng phành, phạch, phành, phạch mà ngao ngán. Anh cười: “Ở đây không có điện lưới, đi lên phía trên khoảng một cây số bọn anh có ngăn một đập thủy điện nhỏ, điện chạy tua bin nên yếu lắm, cốt để thắp sáng”. Tôi định hỏi các anh sống với cái nóng làm sao nổi, nhưng lại thốt lên: “Heo hút quá”. Anh bảo: “Tí nữa anh em nông trường về là nhộn nhịp ngay thôi”.

6 giờ chiều. Mọi người đi làm về.

Tiếng xe máy, tiếng người cười nói rổn rảng đổ về khu sân vốn đang yên ắng. Thấy có khách lạ, lại là nữ, anh em ùa đến hỏi thăm.

Tôi gặp anh Vỵ, giám đốc nông trường Sơn Hồng mà ngỡ ngàng không nhận ra. Nhớ hồi cuối năm ngoái gặp anh ở Hương Khê, giờ vẫn là anh, con người ấy, đôi mắt cương nghị và rắn rỏi ấy, nhưng mái đầu xanh qua nửa năm vật lộn với nắng gió nông trường đã phủ đầy muối tiêu lòa xòa trước trán. Anh bước về phía tôi:“Lâu quá mới gặp em, sức khỏe công việc tốt cả chứ?”. Tôi trả lời: “Dạ, trông anh khác quá”. Anh bảo: “Anh sút đi năm cân, công việc ở đây không như ngồi bàn giấy, phức tạp và nhiều biến động, lại còn thời tiết nữa”. “Ở đây nhân lực đông không anh?”.“Cán bộ và nhân viên nông trường gồm mười người, còn công nhân thuộc quân số nông trường hơn sáu mươi. Nhiều người trong đó là hộ gia đình, họ nhận giao khoán từng lô đất về phụ trách. Số còn lại thường 7,8”.

Tôi nhìn bóng chiều nhạt dần sau vách núi úp lưng vào dãy nhà chúng tôi đang đứng nhìn anh ba xắng xở nấu cơm tối. Bữa cơm tối với canh rau muống tự trồng, nhút xào và thịt gà bắt ở trại tăng gia. Bác Thành, phó giám đốc nông trường, cũng là người nhiều tuổi nhất ở đây vừa ăn vừa ngâm nga: “Quê anh mở mắt là đồi, mở nồi là nhút”. Anh Vượng, đội trưởng đội bảo vệ, kể lại: “Bọn anh tăng gia được hơn hai chục con gà với vài con lợn. Em không lên sớm, hôm trước chú Thông đây vừa tóm được một chú lợn rừng”.

Nghe kể đến chuyện lợn rừng, cả đơn vị cười kể lại chuyện hôm trước trời mưa to, nửa đêm anh em bảo vệ phải đi kiểm tra rừng, chú Thông phát hiện ra một con lợn đang cạy ủi vườn ươm, bắn mang về thịt. Nó mừng rỡ: “Em bắt được lợn rừng!”. “Chao ôi cái anh chàng chân tay nõn nà nhà mặt phố mới lên đây chưa được bao lâu, kiếm đâu ra cái giống lợn rừng màu trắng chứ. Sáng ra anh em sang trại thấy đàn ba con lợn chỉ còn hai mà cười chảy nước mắt”. Câu chuyện tếu trong bữa cơm với các anh, những con người sống giữa núi rừng, xóa tan đi ngăn cách giữa chúng tôi, những người xa lạ, xua đi cái oi bức bát cơm chan lẫn mồ hôi, dưới ngọn đèn vàng lúc đầu hôm.

Đang ăn bỗng điện thoại đổ chuông. Anh Vỵ cầm máy ra ngoài tránh mất sóng rồi đột ngột chạy vào kêu: “Có cháy ở lô 26!”. Ngay lập tức, tất cả đều thả bát đũa xuống, lao ra bãi xe, vơ mũ cối đội lên đầu rồi nổ máy. Xe vụt lao đi.

Tôi chạy ra sân nhìn theo, trong phút chốc, đoàn xe vừa khuất sau rặng cao su trước cổng đã lao lên mảnh đồi phía trước rồi biến mất trong cụm khói. Còn lại tôi và bác Thành, bác nói: “Lần trước cháy mình theo xe, ngồi sau mấy đứa chở mà lên dốc chạy nhanh xóc như xóc bì gạo, về mà ruột gan lộn hết ra ngoài. Mình già rồi anh em không cho theo nữa, cũng nóng ruột lắm”.

Sau gần một tiếng rưỡi, anh em trở về, mặt mũi đen sạm, mồ hôi chảy ướt đẫm, quần áo khét lẹt. Anh Vượng vừa ngồi lại vào bàn ăn vừa nói: “Cháy nhỏ nên không sao, mất khoảng non nửa héc rừng, may phát hiện sớm đã dập kịp rồi.” Mâm cơm trên bàn giờ nguội ngắt, cứng queo. Mọi người ngồi xuống ăn ngon lành. Anh Vỵ nói nông trường đã cấm triệt để cán bộ công nhân đi rừng hút thuốc nên ít khi xảy ra cháy do tàn thuốc, thường cháy là bởi dân mình đi rừng đốt ong, lùi tro còn hơi lửa để lại gặp gió bén vào rừng.

Tôi rút điện thoại gọi về nhà, máy không có sóng. Lò dò khắp nơi thấy tín hiệu chập chờn, lúc được lúc không nên lại thôi. Người thanh niên đang ngồi giữa sân, trong bóng tối không nhìn rõ mặt, tàn thuốc đỏ lốm đốm rụng xuống, chạm vào nền bê tông, vỡ ra sáng lòe rồi vụt tắt. Tôi lại gần anh  nói chuyện. Anh kể anh tên Duy, sinh năm 1986, tốt nghiệp đại học Lâm nghiệp, người Sơn Lĩnh, cách đây 18 km. Mặc dầu gần vậy nhưng lâu lắm rồi anh không về nhà:“Công việc ở đây nó như thế, bọn anh thay nhau trực, tối có hai người nằm ngoài trạm gác chắn xe đề phòng gỗ tải ra khỏi rừng. Anh và một người nữa trực tại nông trường, phòng khi biến động. Cả giám đốc, phó giám đốc như anh Vỵ, anh Thành cũng công việc ôm không hết, hai ba tháng mới về nhà. Công ty vẫn cho nghỉ đúng tiêu chuẩn nhưng công việc thực tế thì nhiều quá nên anh em ít khi nghỉ. Vùng này dân cư thưa thớt chủ yếu là đồi núi, đất canh tác trồng hoa màu ít, được vài khoảnh thì trồng ngô sắn. Dân ở đây không có cái ăn thường đi rừng chặt gỗ mang về dưới xuôi bán. Nhiều tán rừng đổ xuống. Nhưng từ khi nông trường cao su thành lập đã tạo được công ăn việc làm cho người dân. Ban đầu dân không quen từ bỏ tập quán của mình, nhưng rồi Nông trường với Ủy ban đi vận động, dần dà người ta bỏ nghề rừng vào làm cho nông trường, thu nhập cao hơn mà ổn định. Bọn anh ở đây ngoài nhiệm vụ sẻ phát, trồng mới, ươm cây, phủ đồi hoang hóa còn bảo vệ rừng đầu nguồn. Em xem, xung quanh khu vực này chủ yếu trồng cao su ở lũng và các đồi thấp, các núi cao là vùng phối hợp cùng kiểm lâm giám sát và bảo vệ”. Anh nói rồi chỉ cho tôi dưới chân ghế anh ngồi hai vết than gạch chéo. Anh nói đó là anh đánh dấu nơi sóng điện thoại khỏe nhất, khi kê ghế lên gọi về nhà đỡ đứt đoạn.Tôi nhìn anh, nhìn vết than hằn trên nền sân, rồi nhìn ra xa.

Đêm nông trường càng về khuya càng lạnh. Nhiệt độ xuống thấp một cách nhanh chóng và bất ngờ. Ngày nắng bao nhiêu đêm lạnh bấy nhiêu. Tôi không ngủ được, một mình tôi ngồi ngắm trăng nghiêng mình trên chóp núi, nghe hơi nước phả vào không khí, lùa qua tai đập vào gáy lạnh buốt. Mới mấy tiếng đồng hồ trước còn nóng hừng hực, vậy mà lúc này như đang giữa tiết thu đông lạnh giá. Thế mới biết, để tồn tại được ở nơi đây các anh đã phải vất vả biết nhường nào.

Mắt tôi nhìn hút vào những cánh rừng cao su sâm sẫm màu dưới ánh trăng… Những triền đồi đất mới vỡ đang chờ đợi mùa ươm mầm mới. Sông vẫn xanh và núi vẫn xanh, cả những mảnh đời cũng vẫn còn xanh mãi.                                                           

                                                                                     T.N.D

Vườn ươm cao su của Công ty tại Nông trường Sơn Hồng (ảnh: Chính Thu) 

. . . . .
Loading the player...