01-05-2020 - 21:18

Chùm truyện ngắn mini của Tác giả Phan Tấn Linh

Chùm truyện mini của Phan Tấn Linh

 

TÀU CHẠY VỀ KÝ ỨC

 

 

Anh công tác ở xa, cuộc sống khó khăn khiến anh ít có dịp về quê thăm cha. 

 

Mẹ mất lúc anh chào đời, cha từ chối tục huyền, vật lộn nuôi bốn anh em anh khôn lớn. Là con út, lại thiếu hơi ấm của mẹ, cha dồn tình thương cho anh. Anh học xong được đại học cũng là nhờ cha ki cóp, dành dụm. 

 

Gần đây đời sống khá hơn, con cái đã lớn, anh giục vợ về thăm cha, cha già như chuối chín cây...

 

Chị bảo “Cha đã có các bác ở quê, thỉnh thoảng biếu cha ít tiền là được rồi. Chứ về thì nhà cửa, hàng quán của em thế nào” 

 

Ở quê, cha buồn rượi, chống gậy than thở vắn dài với các bác:”Cái thằng đến khổ, làm không ra ăn còn gửi tiền cho cha. Các anh thu xếp đưa cha ra thăm vợ chồng con cái chúng nó trước khi cha trăm tuổi nhé”

 

Sáng nay, anh ra ga một mình. Tàu chạy rẽ về ký ức làm mắt anh nhoà lệ./.

 

 

 

BIỂN VẪN SÓNG

 

"Bài ca bao giờ cũng hiểu bài ca". Anh thường đùa như vậy, mỗi lần chị có tâm trạng muốn giãi bày. 

 

Chị đi qua 7 mối tình và 2 cuộc hôn nhân. Trong đó, anh là mối tình đầu day dứt của chị. Hồi ấy, chị đã bỏ anh, cuống cuồng lao theo ảo vọng. Anh ở lại quê biển, chấp nhận với nghề dạy học.

 

Hồi anh chưa lấy vợ, cứ mỗi lần thất bại trong một cuộc tình, chị lại đến với anh, nói: "Em về, không có nghĩa là trở lại". Vậy thôi, và anh phải ngồi nghe đủ thứ tâm sự của chị ngay trên bãi biển quê hương, cách một bước chân là tới mép sóng.

 

Thực lòng, anh chẳng muốn nghe. Những lúc như thế, anh chỉ muốn giang tay, ôm chị vào lòng. Nhưng, có cái gì đó, kiểu như cái bờ kè chắn sóng, cản ngăn anh.

 

Rút cục, anh chỉ nói được vài ba câu an ủi, rồi im lặng, trên bờ kè, giữa biển và bờ.

 

Mặc ngoài kia, biển vẫn hồn nhiên sóng./.

 

 

 

CHUYỆN CỦA HOÀNG

 

 

Lúc mua chút đồ ở siêu thị quay ra, bất thần gặp cơn mưa hối hả, Hoàng có cảm giác như đã đánh rơi cái gì. Cảm giác qua nhanh, cửa ô tô đóng lại, xe chạy loang loáng.

 

Thế mà rơi thật. Mà rơi hẳn cái ví đựng điện thoại, tiền bạc, thẻ visa, giấy tờ.

Hoàng thất thần, nghĩ: Rơi mất dọc đường. Thôi không mong tìm lại cái ví đầy tiền giữa phố phường đô hội này. Coi như hạn Thái bạch, của đi thay người. Hoàng tặc lưỡi.

 

Vậy mà chiều nay, khi công an thông báo, Hoàng đã không tin. Trên đường đi nhận lại ví, Hoàng đã nghĩ, chắc chỉ còn lại giấy tờ, thế cũng là phúc ba đời nhà mình rồi.

 

Anh phụ hồ lem luốc đã nhặt được cái ví của Hoàng đang đứng kia, ví kia, tiền kia, thẻ visa kia. 

 

Tất cả đều ở đó, nhưng niềm tin rơi đi đâu cả rồi, Hoàng hoang mang nghĩ./.

 

 

MẮM CÁY

 

 

Nó học trường cấp ba nội trú. Mấy hôm được nghỉ, nó tranh thủ về quê. Ở quê lên, rụt rè trước nhà cô giáo dạy văn, ấp úng rồi nó cũng gửi cho cô được lọ mắm cáy: "Biết cô thích, mẹ em tự làm, gửi biếu ạ!".

 

Nó nhớ, có lần cô giảng về quê kiểng, về mắm cáy. Cô bảo chấm rau khoai luộc, rất ngon. Cô còn giảng, là "Bầu dục chấm mắm cáy" chứ không phải "Dùi đục chấm mắm cáy" như ta thường nghĩ về câu thành ngữ này lâu nay. Và, cô bảo, cô rất thích... Nó ngồi học, ký ức vọng về tiếng lạo xạo của những con cáy mẹ bắt từ bờ sông quê.

 

Chiều nay, tranh thủ sang nhà bạn mượn cuốn sách, đi ngang nhà cô giáo, nó bàng hoàng nhận ra ở góc ngõ, lọ mắm cáy còn nguyên, lăn lóc với rác rưởi.

 

Tiếng lạo xạo của hàng trăm con cáy mẹ bắt ở bờ sông quê vọng về, váng vất./.

 

 

RỪNG XANH XAO XÁC

 

 

Bền mệt mỏi vớ điếu cày, mồi thuốc làm một hơi rồi ngả người xuống tấm liếp, tay vắt lên trán.

 

Không đi rừng, đồng nghĩa với đói. Bao đời nay, dân làng Kềnh sống bám vào rừng. Trai tráng thì vào sâu trong rừng kiếm gỗ. Người già trẻ em thì quẩn quanh kiếm bó củi, nhọc nhằn gánh ra quốc lộ bán mua gạo.

 

Nhà Bền sáu miệng ăn, mấy đứa con chỉ còn cái Ngà đi học. Ruộng vườn, trang trại chả kiếm ra ăn.

 

Phải đi thôi. Bền bật dậy lao xe máy xuống huyện. Chiều, Bền mang về một máy cưa cầm tay. Ánh thép lưỡi cưa xanh lấp lánh lên trong mắt Bền.

 

Mùa mưa năm ấy, cơn lũ quét khủng khiếp trườn qua làng Kềng. Nhà Bền lại màn trời chiếu đất, may mà con cái không mất đứa nào. Gỗ lạt, trâu bò, lợn gà trôi hết.

 

Bền hướng mắt về rừng. Phía ấy rừng xanh xao xác./.

 

 

VU LAN

 

 

Năm tôi lên 13, mẹ bỏ nhà ra đi cùng cùng tay lái vải. Bốn cha con tôi lăn lóc trên đồng ruộng quê nghèo, vật vã rau cháo qua ngày. Thằng Tuân được ưu tiên đi học. Hai chị em gái tôi chỉ học hết cấp hai. Mẹ vẫn bặt tăm tích. Cha từ chối mấy đám mai mối, làm lụng nuôi chúng tôi lớn lên.

 

Tuân vào đại học. Tôi và Hoa lấy chồng. Cuộc sống đỡ hơn. Càng bớt khó khăn tôi lại càng thấy thương thằng Tuân hơn. Cứ mỗi mùa Vu lan, nó lại ngơ ngác hỏi: “Chị, mẹ bây giờ đang ở đâu, mẹ còn sống không chị. Sau này em sẽ đi tìm mẹ”. Những lần như vậy, cha tôi lại lảng đi, bờ vai rung rung.

 

Vu lan năm nào cũng vậy, mấy chị em tôi ôm nhau mà khóc. Cha ngồi bậu cửa, bờ vai mỗi ngày nhỏ lại, rung rung.

 

Vu lan là của cha, cha ơi!

 

 

CHA

 

Con lớn lên đã nhìn thấy một bên chân khập khiễng của cha. Cha bảo:  "Mảnh bom thằng Mỹ sơ ý làm cái chân cha ngắn đi một tý đấy". Rồi cha cười, hiền như ông bụt. 

 

Con nhớ, có lần, mấy đứa bạn đến chơi, đã hỏi cha về vết thương, đại ý, bây giờ bác có còn căm thù thằng Mỹ nữa không. Trong khi con sợ cha buồn, giận thì cha cười, hiền như ông bụt, bảo: Vết thương đã lành, rồi đây trái tim nhân loại tiến bộ không còn chỗ chứa đựng hận thù nữa các con ạ.

 

Ngày ấy, con đã ranh mãnh đưa lời cha vào một bài tập làm văn và giành điểm 9. Về khoe cha, cha cười, hiền như ông bụt.

 

Cha khập khiễng như thế để chăm bẵm con cho đến ngày con lấy chồng xa.

 

Năm nay, cả nhà con về đây, chỉ còn nhìn thấy cha cười, hiền như ông bụt, trong bức ảnh trên ban thờ. 

 

Cha ơi!

 

 

. . . . .
Loading the player...