31-10-2024 - 00:47

Cuộc độc thoại thơ của Như Bình

Tạp chí Hồng Lĩnh số 218 trân trọng giới thiệu bài viết “Cuộc độc thoại thơ của Như Bình” của Đặng Huy Giang (Đọc “Sự im lặng biếc xanh” của Như Bình, Nxb Hội Nhà văn, 2024)

Đến tháng 6 năm 2016, thơ của nhà văn Như Bình chỉ có chừng 10 bài. Nhưng trong cái gia tài thơ ít ỏi và khiêm tốn ấy, tôi đã không ngần ngại chọn “Con thú” in trong tập thơ chọn và lời bình mang tên “Một chữ tình” ấn hành năm 2017 theo sự đặt hàng của Nhà xuất bản Dân trí. Hình như bài thơ này chưa đăng, in ở đâu cả. “Một chữ tình” có cả thảy 99 bài, với sự góp mặt của nhiều nhà thơ, trong đó có những tác giả tên tuổi của nước ngoài như Trung Hoa, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Pháp, Nga, Bungari, Ba Lan, Tây Ban Nha, Ai len, Anh, Áo, Mexico, Chi lê…cùng nhiều nhà thơ Việt Nam khác.

Tôi đã viết lời bình: “Khi chọn con thú như là biểu hiện cụ thể, sinh động của nỗi nhớ, thì cũng là đã chọn một cách đối mặt trực diện với cô đơn của chính mình trong tình yêu rồi, chưa kể con thú ấy còn là con thú hoang. Nỗi nhớ ấy có tên là “phờ phạc”. Nỗi nhớ ấy có tên là “rạc gầy”. Nỗi nhớ ấy như axít ăn mòn. Đến nỗi em “chỉ còn trơ lại hốc mắt khô”. Ngỡ như chưa có nỗi nhớ nào lại đau đớn một cách thành thực, khốc liệt và để lại hậu quả lớn đến vậy. Và khi em nói với anh những lời này cũng là nói với chính mình: “Đừng giày vò em, đừng đánh thức em/ Ta đã không thuộc về nhau một ngàn năm trước/ Thì hãy để một ngàn năm sau nữa vẫn lạc nhau/ Em sợ những ngày trên thế gian thảm sầu” thì anh phải tự biết hoặc hãy tự biết, bởi vì em “không thể chạy đến anh để ngã vào cô đơn thêm một lần nữa”. Con thú ấy đã dọa dẫm (nhe răng), đã sợ hãi (cụp đuôi), đã ra đòn (cắn), đã làm em mệt mỏi đến kiệt sức (phờ phạc). Như thế cũng có nghĩa: Trong trường hợp xấu nhất, dù có thể không gặp nhau nữa, nhưng anh vẫn luôn luôn trong em.

Từ bài thơ này, tôi nhận ra: “Khả năng thơ và phẩm chất thơ của Như Bình đã manh nha. Bằng cảm tính và dự báo, tôi tin đó là sự thật. Tôi cũng tin: Cá tính của một người làm thơ, đồng thời cũng là cá tính của ngòi bút Như Bình cũng bắt đầu lộ diện. Mà trong thơ, nói theo học giả Phan Kế Bính thì tính tình (cá tính hoặc cá tính sang tạo) là vô cùng quan trọng.

Bảy năm sau, Như Bình trình làng tập thơ có tên gọi rất lạ: “Sự im lặng biếc xanh” với 52 bài thơ mà mở đầu là “Con thú”. Về mặt thời gian, bảy năm là mau hay lâu, chúng ta hãy bàn sau, nhưng theo tôi, đây là sự bứt phá rất đáng kể trong thơ của một tác giả nữ vốn có sở trường về văn xuôi. Thật ra đây cũng không hẳn là cuộc vượt mình, mà là cuộc khai thác triệt khả năng tiềm ẩn của mình, trong văn chương, từ Như Bình.

Có cảm giác Như Bình tiếp tục khai thông một mạch thơ mang tính tiếp nối sau “Con thú” bằng “Trầm cảm 1”: anh yêu ơi, thế gian rời bỏ em rồi/ cả anh nữa cũng đã rời xa em sau những bã bời giày xéo / em ngồi đông cứng như bức tượng lạnh lẽo/ trên giá đinh vĩnh viễn vít vào em

Trong bài thơ này, sự dồn nén như được đẩy cao hơn, được bộc lộ gần như hết chiều kích trong câu “trong khuôn ngực rỗng tiếng giãy giụa của thời gian” và chi tiết đắt nhất thuộc về “tiếng giãy giụa của thời gian”. Riêng: “Chúng ta đã chơi một trò chơi định mệnh/ trò chơi của những kẻ thất bại ngay từ đầu” là hai câu lạ và có sức nặng đáng kể, có tác dụng như một chiếc đinh đóng vào trí nhớ. Vậy là tình yêu là một trò chơi định mệnh, của định mệnh. Một sự xác quyết cực đoan và tuyệt đối như thế, kể cũng hiếm hoi! Câu “trò chơi của những kẻ thất bại ngay từ đầu”, có thể giải mã: Không phải nhân vật em thất bại trước nhân vật anh hay ngược lại, mà là cả nhân vật em và nhân vật anh sẽ thất bại trước tình yêu, nếu như hai ta không nuôi nấng nó, gìn giữ nó bằng những nỗ lực tự thân từ bên trong. “Thất bại ngay từ đầu” cũng cho thấy sự mong manh của tình yêu. Và ở đời, tình yêu cũng không khác một loài hoa đẹp mấy nỗi, càng đẹp thì lại càng mong manh, càng mong manh lại càng đẹp.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến “Lại nói về em nữa” của nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ Nadim Hikmet. Trong tứ thơ này có hai câu: “Khi ta đạt tới em/ Thì ta biết em là nơi không đến được bao giờ”. Trong tình yêu, anh hoặc em nếu ngày một cũ đi thì lập tức nhàm chán xuất hiện, những dấu hiệu của đổ vỡ xuất hiện. Còn luôn làm mới mình bằng nhiều cách sẽ làm cho tình yêu luôn luôn mới và làm gia tăng lực hấp dẫn. Cho nên khi ta đạt tới em (của ngày hôm qua) trong khi em (của ngày hôm nay) đã khác, thì ta không đến được bao giờ, cũng là hợp lẽ, hợp với đòi hỏi và hợp với logic của tình yêu.

Tôi dám chắc ít có người cảm nhận và định nghĩa về bản chất của tình yêu muôn thuở sâu sắc, đau đớn, vừa rất đời, vừa rất người như Như Bình trong “Mộng du”: nghĩ đến tình yêu như nghĩ một tai ách/ nhân loại vẫn thản nhiên bước vào tai ách/ hứng khổ đau/ hoan hỉ đón những vết yêu sắc như dao/ trùng trùng máu rỏ.

Và tôi cũng dám chắc ít người yêu tự do, khát khao tự do nhân bản như Như Bình trong “Âm thanh cuối”: thành phố này đến cái cây cũng chẳng được tự do xanh/ cây đau đớn chịu hành hình để sống/ em thương những cái cây trên phố chật đông người/ cây thương em như thương một tuyệt vọng.

Đọc những câu thơ dưới đây trong “Một mình”, ta càng hiểu thêm nỗi một mình của Như Bình toát ra từ bản thể lớn đến mức nào:

một mình

chỉ với

mình thôi

chanh chao nắng nỏ ngày côi cút gầy

mở bàn tay ngắm bàn tay

bơ vơ năm ngón đắng cay phận buồn

và:

một mình uống với cách xa

một mình nhắm cả bôn ba đời mình

Theo tôi, “Một mình” cũng cho thấy cái tài và cái tình của người viết. Nếu tôi không nhầm thì đây cũng là một trong hai bài thơ lục bát thuộc diện “của độc” trong “Sự im lặng biếc xanh”. Bên cạnh đó, “Một mình” còn có giá trị tâm sự rất đáng kể.

Sau “tiếng giãy giụa của thời gian”, ta còn có thể tìm thấy những câu thơ lạ khác kiểu Như Bình: “Những sợi tóc long lanh nước mắt” trong “Viết cho anh”, “trong bủa vây mùi em trên từng nốt rêu ẩm mốc” trong “Ảo giác”, “ngoài kia phố chảy như sông/ sông trào như biển/ biển cào nát vách núi/ núi lửa phun lên mây” trong “Trầm cảm 2”, “cơn đói yêu thương” trong “Viết về một nỗi sợ hãi”, “ngôi nhà bừng cơn sốt” trong “Sự lãng quên trùng kiếp”, “em thoát xác từ loài bướm đêm sặc sỡ u sầu” trong “Trầm cảm 3”, “thịt da ngời khóc” trong “Trong vực gió”, “những bông hoa vì kiêu hãnh mà tàn/ cánh rụng xuống còn thơm lên mặt đất” trong “Không đề”…

Với Như Bình “niềm vui đã khó/ nỗi buồn còn khó hơn nữa” (“Bóng”). Điều này giống như tâm trạng của người ra trận, phải vào nơi sống chết cận kề, kiểu “xưa nay chinh chiến mấy ai về”, khi phải rời xa một người nào đó: “Chia tay nhau đã khó/ Gặp lại còn khó hơn”.

Thơ Như Bình róng riết và gắt bẳn, có tâm trạng. Từng câu, từng chữ xoắn xuýt nghẹt thở đến từng chi tiết. Nhờ đó, chữ mới sinh nghĩa, tạo kết nối mới tới độc giả, dù đó là độc giả khó tính. Đó cũng là một lối viết, một cách viết. Và cuộc độc thoại thơ của Như Bình hình như chỉ mới bắt đầu...

Phố Khuất Duy Tiến, đêm 10 - 10 - 2024

Đ.H.G

. . . . .
Loading the player...