13-05-2021 - 21:36

Cuộc phiêu lưu của nghiệp viết phê bình

Nhân dịp Hội thảo Tạp chí 6 tỉnh Bắc miền Trung (được tổ chức tại Thanh Hóa ngày 15/4/2021), Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Hoàng Thụy Anh "Cuộc phiêu lưu của nghiệp viết phê bình".

cUỘC PHIÊU LƯU CỦA NGHIỆP VIẾT PHÊ BÌNH

                                                                                     

1. Tiếng nói của nhà phê bình

Nhà văn sáng tạo trong tâm thế tự do, thoải mái, năng động, không bị gò bó, cứ có cảm hứng/xúc thì đặt bút viết. Còn nhà phê bình, họ vất vả hơn nhiều. Chuyển tải những đánh giá công tâm, chuyên nghiệp, bao quát, đảm bảo được tính khoa học và tính nghệ thuật trong mỗi bài viết, nhà phê bình phải không ngừng nỗ lực sạc kiến thức; nắm bắt các lý thuyết, tiếp thu cái mới cái lạ một cách linh động, sáng tạo; tinh tế, nhạy bén trước các trào lưu, trường phái, khuynh hướng,… Phê bình chuyên (học thuật) hay không chuyên (dạng phê bình báo chí, phê bình từ bạn đọc, phê bình từ nhà văn,...) đều cần thiết. Phê bình không chuyên, xét ở một góc độ nhất định, có thể thiên về cảm tính, chưa bài bản, nhưng đã đáp ứng được tiêu chí nhanh, gọn, kịp thời. Phê bình chuyên sâu, học thuật đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, hẳn nhiên sẽ trầm hơn, nhưng đó là không gian chất lượng, có giá trị thực sự. Bởi vậy, vai trò của nhà phê bình rất quan trọng, tác động đến sự phát triển văn chương, kết nối cuộc gặp gỡ giữa nhà văn/ tác phẩm với bạn đọc. Nhà văn và bạn đọc cần nhà phê bình để rút ngắn mọi khoảng cách, nâng cao tư duy thẩm mỹ. Nhà phê bình do đó cũng là người đồng sáng tạo với nhà văn. Họ không phải là người dựa dẫm, “ăn theo nói leo” nhà văn, mà, từ tác phẩm của nhà văn, họ sáng tạo, làm sống lại tác phẩm theo cách riêng của họ. Qua tay họ, tác phẩm có một diện mạo, một đời sống khác. Họ chỉ ra cách tiếp cận, cách đọc khơi gợi vẻ đẹp và giá trị của tác phẩm trên tinh thần đối thoại, đồng thời thể hiện thái độ thẩm mỹ cũng như ý thức trách nhiệm về phát ngôn của mình trong bài viết.

2. Thực trạng phê bình trẻ ở các tỉnh Bắc miền Trung

Đội ngũ phê bình trẻ hiện nay khá đông đảo. Có thể kể một số cây bút năng nổ, nhiệt huyết, đam mê như: Phùng Gia Thế, Đoàn Ánh Dương, Trần Thiện Khanh, Cao Việt Dũng, Mai Anh Tuấn, Trần Ngọc Hiếu, Đỗ Hải Ninh, Đặng Thái Hà, Nguyễn Mạnh Tiến, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thanh Tâm, Ngô Hương Giang, Thái Phan Vàng Anh, Hoàng Đăng Khoa, Trần Viết Thiện, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Đức Toàn, Phan Trọng Hoàng Linh, Phan Mạnh Hùng, Huỳnh Thu Hậu, Đoàn Minh Tâm,... và còn nhiều gương mặt khác nữa. Họ đa phần công tác ở trường cao đẳng, đại học, viện văn và các cơ quan báo chí. Có thể khẳng định rằng, các cây bút kể trên đều hết sức xông xáo, ý thức được vai trò và trách nhiệm trước đời sống văn chương. Nhiều cây bút đã bứt khỏi kiểu phê bình tác giả tác phẩm, có cái nhìn rộng hơn, tầm khái quát cao hơn, đối tượng của họ là giai đoạn, trào lưu, khuynh hướng,... hoặc dạng phê bình của phê bình. Phê bình của họ không chỉ dừng ở chuyện hay hay không hay, mà đã có những phát hiện mới trên cơ sở lập luận chắc chắn, sắc bén, có chủ kiến, thể hiện sự chuyên nghiệp trong phê bình, khai phá những cách nhìn đầy thuyết phục, góp phần thay đổi tư duy người đọc và kể cả người sáng tạo, chấp nhận, thỏa thuận với cái mới.

Nhìn tổng thể, Hà Nội vẫn là trung tâm của phê bình, vượt trội hơn so với các vùng miền khác. Nhiều vùng trắng phê bình. Tính 6 tỉnh Bắc miền Trung, lực lượng phê bình của Huế nhỉnh hơn hẳn Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa. Huế có Thái Phan Vàng Anh, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Văn Hùng, Phan Trọng Hoàng Linh, Thanh Tâm,... Thanh Hóa có Nguyễn Thanh Tâm và Thy Lan. Quảng Bình có Hoàng Đăng Khoa và Hoàng Thụy Anh. Đây là những cây bút viết đều, nhanh, khỏe. Ngoài ra, chúng ta có một số cây bút trẻ hứa hẹn sẽ chứng minh được danh phận trong lĩnh vực phê bình như: Hữu Vinh, Nguyễn Thanh Truyền, Lê Hương, Hà Vinh Tâm, Nguyễn Đan Quế, Lê Thị Đáng, Bùi Hương Thảo,…

Vì sao có sự thiếu hụt phê bình giữa các vùng miền như thế này? Nhiều người đã cho rằng: do giảng viên ở các trường Đại học chỉ tập trung phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu; do công sức bỏ ra quá nhiều mà thù lao chưa xứng; do sân chơi, in ấn, đầu ra còn nhiều bất cập, tiếng nói trẻ chưa được ghi nhận,v.v... Những nguyên nhân này, đến hôm nay, vẫn chưa được giải quyết triệt để, dẫu đã có nhiều hoạt động, hỗ trợ quan tâm đến phê bình trẻ. Đứng ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là tình yêu và đam mê, sự quyết liệt đối với phê bình của lớp trẻ chưa đủ. Nếu đủ, mọi khó khăn kể trên chỉ là một chút vấp váp, thử thách trên đường, làm cho hành trình vươn tới nghề viết phê bình trở nên có ý nghĩa, giá trị hơn.

Ngoài những cây bút của 6 tỉnh mà tôi đã kể, còn lại, đa phần là cuộc dạo chơi của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, bạn đọc,... Cuộc dạo chơi này cũng ảnh hưởng, tác động đến thị hiếu, tâm lý người tiếp nhận. Trong đó, có không ít bài phê bình khá hay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bài viết mỏng về giá trị, thiếu tính phát hiện, tính dự phóng, viết theo kiểu lăng xê, tâng bốc nhau, chưa đủ khả năng bảo chứng về tính chuyên nghiệp, học thuật, sự “hồn nhiên” của nó nhiều khi lệch/ vênh với người tiếp nhận, trong khi trình độ tiếp nhận hiện nay đã cao hơn.

Tôi lấy ví dụ, trường hợp tập truyện “Cánh đồng bất tận” bị Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau ra công văn đề nghị Hội VHNT Cà Mau phê phán nghiêm khắc nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, các nhà phê bình chuyên và không chuyên đã nhảy vào cuộc, góp tiếng nói, nhận định giá trị của tập truyện. Cuối năm 2006, tập truyện đoạt giải Hội Nhà văn Việt Nam. Và sau đó, “Cánh đồng bất tận” cũng được dịch sang nhiều thứ tiếng và đoạt nhiều giải thưởng ở nước ngoài. Dẫn chứng này cho thấy nhà phê bình sẵn sàng tuyên chiến, nhảy vào cuộc, đứng ra bảo vệ tác phẩm hay, có giá trị. Tuy nhiên, không phải khi nào nhà phê bình cũng song hành với sáng tác, tự bản thân họ nhiều khi đã không công bằng với sáng tác. Số phận của “Nỗi buồn chiến tranh”, sau một năm xuất bản, mặc dù đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, khen chê có cả và số lượng in đến 5.100 cuốn, nhưng sau đó, hầu như không có dư luận gì về cuốn tiểu thuyết này. Bảo Ninh bị lãng quên. Việt Nam là thế, ở nước ngoài thì ngược lại, nóng rẫy, được dịch gần 20 thứ tiếng. Mãi đến đầu thế kỉ XXI, cụ thể là năm 2003, cuốn tiểu thuyết mới được tái bản, và việc nghiên cứu phê bình bắt đầu xôm trò. Tại sao cuốn sách hay, ấn tượng như thế nhưng phải mười mấy năm sau, các nhà phê bình mới đồng loạt lên tiếng? “Vụ án” của Franz Kafka, “Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust, “Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi” của Gabriel Garcia Márquez, “Lolita” của Vladimir Nabokov, đều có số phận đặc biệt, lận đận. Tác gia Proust đã từng nói: “Rồi người đời sẽ đọc tôi. Nhân loại sẽ đọc tôi [...] Stendhal phải mất 100 năm mới được người đời biết đến. Marcel Proust chỉ cần 50 năm thôi” (theo Thụy Khuê: http://thuykhue.free.fr/tk99/proust.html). Như thế, có những khoảng trống, im ắng của phê bình không chỉ ở Việt Nam mà ở nước ngoài cũng cùng chung số phận! Phải chăng có những rào cản, áp lực từ các thể chế, hay nhà phê bình thờ ơ, né tránh, hay phê bình theo kiểu gió thổi chiều nào theo chiều ấy, ngại va chạm, hay phê bình còn nhẹ hơn so với sáng tác,v.v..?

Vậy, làm sao để đội ngũ phê bình, nhất là phê bình trẻ ở các tỉnh Bắc miền Trung, thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình, đáp ứng thực tiễn sáng tạo văn chương và xu thế toàn cầu hóa?

3. Một số đề xuất với các tờ tạp chí Bắc miền Trung

Các tờ tạp chí Bắc miền Trung có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, phát triển và là không gian khẳng định cá tính sáng tạo của cây bút phê bình trẻ. Sự xuất hiện trên các tờ báo cũng phần nào đó bảo chứng cho niềm đam mê và chỗ đứng của họ.

Các tạp chí luôn dành một không gian nhất định cho phê bình. Không gian này, nếu tính theo số trang in ấn trên các tạp chí, và so sánh với các thể loại khác, phê bình vẫn chịu số phận thiệt thòi. Tạp chí Nhật Lệ, Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Sông Lam, Tạp chí Cửa Việt, Tạp chí Hồng Lĩnh, Tạp chí Xứ Thanh đều du di trong khoảng 11 đến 15 trang. Sự phân chia này, tôi nghĩ, ảnh hưởng không ít đến việc phát triển lực lượng phê bình. Vì viết một bài phê bình đã lao tâm khổ tứ, trong khi tạp chí chỉ một tháng 1 số, lại còn bó hẹp về không gian, lại còn quan niệm vùng miền, bài vở thì bị cắt, nhuận bút trả chưa xứng, tất yếu sẽ hạn chế sự kích thích, tâm huyết với nghề. Nếu các cây bút trẻ sa vào dạng phê bình “bình dân”, điểm sách, giới thiệu đơn giản, cảm tính vì cám dỗ mưu sinh thì địa hạt phê bình chuyên nghiệp vô tình bị thu hẹp dần. Tờ tạp chí muốn có sự tươi mới, tránh những bảo thủ, lạc hậu, cũ kĩ, theo kịp xu thế văn chương, không thể thiếu các gương mặt trẻ, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của các cây bút phê bình trẻ. Nếu cứ dễ dãi với các bài phê bình ve vuốt, ngại đụng chạm thì tờ tạp chí ắt ngày một nghèo nàn. Thêm một vấn đề hệ lụy, khi các cây bút phê bình trẻ chọn sân chơi (tờ báo) khác, đồng nghĩa họ cũng phải chọn đối tượng phê bình khác. Có như vậy, bài  họ viết ra mới được dùng, chứ không phải cất tủ. Nhưng việc quá chú tâm đến các đối tượng đỉnh cao, nổi tiếng, hệ quả, họ lơ là những đối tượng ngoại biên, khiến đời sống văn học địa phương trầm lắng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến khoảng trống phê bình ngay trên tờ tạp chí tỉnh nhà. Thiết nghĩ, các tạp chí khu vực Bắc miền Trung cần cởi mở, linh hoạt, tránh định kiến vùng miền, dành sân chơi cho các bài viết có hàm lượng học thuật, tạo đà cho phê bình trẻ phát triển. Khi nhà phê bình trẻ đồng hành với văn học nghệ thuật tỉnh nhà, lúc ấy, văn học nghệ thuật tỉnh nhà mới thể hiện được thành tựu, giá trị và bản sắc.

Chế độ chi trả nhuận bút của các tạp chí còn khiêm tốn cũng là lý do chưa đủ sức thu hút các cây bút phê bình trẻ. Đòi hỏi bài phê bình chất lượng nhưng nhuận bút chưa thích đáng thì làm sao họ có thể một lòng một dạ với nghề? Dẫu biết rằng, viết phê bình không hẳn chăm chắm mấy trăm nhuận bút, nhưng trả ít, chưa xứng với công sức, trí tuệ bỏ ra, thì cũng ức lắm chứ! Cái ức sẽ làm cho sự mặn mà, hứng thú rơi rớt dần. Cho nên, cần xây dựng cơ chế thù lao hợp lý để họ sống được từ nghiệp viết, chuyên tâm cho công việc phê bình, chứ không vì chạy theo cái tức thời trước mắt mà sa vào kiểu tư duy hàng xén, hời hợt, nhạt nhẽo, khó thuyết phục, đáp ứng được nhu cầu của người đọc.

Các tờ tạp chí cần có sự cân đối, hài hòa giữa phê bình văn học với phê bình nghệ thuật khác (như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, điện ảnh, nhiếp ảnh,...), nhằm phản ánh đầy đủ hơn dấu ấn vận động của đời sống văn học nghệ thuật và bồi đắp, hoàn thiện, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ của người đọc. Cần có kế hoạch đặt bài đinh, bố trí “đất” hợp lý đối với mảng phê bình, giúp các cây bút phê bình trẻ có không gian, diễn đàn sáng tạo, tránh sự co cụm vào các nghệ sĩ tên tuổi. Ví như luận bàn về một hiện tượng, một tác phẩm,… (ưu tiên các gương mặt trẻ địa phương) vừa làm cho đời sống của tờ tạp chí trở nên sôi nổi, bài bản hơn, vừa là cú hích để họ tự tin vượt vũ môn. Đối với những bài phê bình hàn lâm, học thuật, sân chơi của nó thường là các tờ tạp chí chuyên ngành. Ở các tạp chí địa phương, cần chọn lựa bài phê bình cân bằng giữa tính học thuật và tính nghệ thuật, nghĩa là vừa đáp ứng được thị hiếu bạn đọc vừa đảm bảo dòng văn học tinh hoa. Các bài phê bình này dù tính năng động, nóng hổi không bằng phê bình báo chí, nhưng với sự đầu tư nghiêm túc nó đảm bảo sự khái quát, sâu sắc, kĩ lưỡng. Đó là một tác phẩm phê bình đĩnh đạc, đứng độc lập với sáng tác.

Phê bình chuyên nghiệp không chỉ đồng hành cùng sáng tác mà còn đi trước sáng tác, đưa đến những cách nhìn, quan niệm thẩm mỹ mới. Bởi vậy, việc tổ chức các chuyên đề, tặng thưởng hàng năm trên các tờ tạp chí cũng là chất xúc tác, cú hích, mời gọi các cây phê bình trẻ tham gia, như tạp chí Sông Hương đã từng làm. Đây là hành động kịp thời, ghi nhận những nỗ lực của họ trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của hoạt động phê bình. Mặt khác, xét tặng thưởng vừa khẳng định bộ mặt, bản sắc, chất lượng, sự chuyên nghiệp của tờ tạp chí vừa góp phần giải trung tâm, xóa khoảng cách giữa các vùng miền.

Thời buổi công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng như vũ bão, trang web, fanpage,... sẽ là nhịp cầu nối kết giữa nhà văn với bạn đọc, giữa nhà phê bình với nhà văn và bạn đọc. Nhiều cây bút trẻ xem mạng xã hội là sân chơi, trải nghiệm và giao lưu với bạn đọc. Các bài phê bình dạng này sẽ mang một tâm thế sáng tạo riêng, tự do, thoải mái, thiên về tính giải trí hơn là tính khoa học. Đây là một thách thức đối với các biên tập viên. Nó đòi hỏi các biên tập viên cần có sự chọn lọc, kịp thời động viên, định hướng, hỗ trợ các cây bút trẻ, tạo đà cho họ biến cuộc dạo chơi thành cuộc dấn thân với phê bình, từ cây bút phê bình nghiệp dư trở thành cây bút phê bình chuyên nghiệp.

Phê bình muốn đạt đến tính chuyên nghiệp thì bản thân các cây bút trẻ phải thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề, trau dồi kiến thức, vốn sống, thể hiện bản lĩnh, chủ kiến, ngụp lặn một cách sành sỏi, thuyết phục. Nghĩ rằng, mỗi cây bút phê bình đầu tư sâu, theo dõi khoảng chục người sáng tác trở lại hoặc chuyên về một thể loại cũng là khá lắm rồi. Hẳn nhiên, bên cạnh đó, không thể thiếu vai trò, trách nhiệm hết sức quan trọng của các tờ tạp chí Bắc miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, góp phần kích hoạt phê bình trẻ phát triển và giúp họ vững chãi, tự tin với cái nghiệp mà họ đã chọn.

Rốt cuối, nói gì thì nói, là nhà văn hay nhà phê bình, sự viết của họ là cuộc phiêu lưu không có điểm dừng, cả hai cần phải viết hay, sâu, mới và hấp dẫn.

Hoàng Thụy Anh

. . . . .
Loading the player...