12-06-2023 - 22:50

Danh thần Phạm Ngộ và bài thơ “Du phù thạch nham nãi tiên tổ tu hành chi địa chu trung tác”

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết Danh thần Phạm Ngộ và bài thơ “Du phù thạch nham nãi tiên tổ tu hành chi địa chu trung tác” của tác giả Phạm Quang Ái

1. Thời đại Lý - Trần là một thời đại hào hùng của quốc gia Đại Việt với những chiến công chống ngoại xâm hiển hách, hai lần chống quân Tống của nhà Lý (1075-1076, 1076-1077), ba lần chống quân Nguyên của nhà Trần (1257-1258, 1285, 1287-1288), khiến cho các thế lực ngoại xâm phương Bắc phải từ bỏ ý chí xâm lược Đại Việt trong một thời gian dài. Thời đại Lý - Trần cũng là một giai đoạn phát triển rực rỡ về văn hóa - kinh tế - xã hội, đặc biệt là về văn hóa. Giai đoạn này xuất hiện nhiều nhà văn hóa, nhà thơ, nhà văn mà tư tưởng thẩm mỹ - xã hội của họ là sự hòa quyện, thăng hoa của tam giáo đồng nguyên (Nho - Phật - Lão cùng một gốc), văn hóa làng xã và tinh thần yêu nước.

Lúc bấy giờ, Hoan Châu (bao gồm Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) là vùng đất biên viễn, vùng đất phên dậu phía nam của quốc gia Đại Việt. Tuy là nơi hẻo lánh nhưng đương thời, có không ít vua, quan của các triều đại Lý Trần, đồng thời cũng là văn nhân, đặt chân đến nơi đây. Đó là Lý Nhật Quang (thời Lý), Trần Mạnh (tức là vua Trần Minh Tông, hoàng đế thứ 5 của triều Trần), Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh,…Trong số các chính khách – văn nhân này, có một vị văn quan và là một nhà thơ tên là Phạm Ngộ. Tác phẩm của ông còn lại không nhiều nhưng đều thuộc vào loại những bài thơ rất hay, và trong đó, có một bài thơ viết về một địa danh, mà qua đó, chúng ta biết được những chi tiết quan trọng về gia thế nhà thơ và truyền thống văn hóa của vùng đất ấy.

2. Phạm Ngộ 范遇, còn có tên là Phạm Tông Ngộ (chưa rõ năm sinh, năm mất),  hiệu là Liêu Khê, người làng Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, phủ Tân Hưng (nay là xã Hoành Sơn, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), sống vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIII, nửa đầu thế kỷ XIV. Ông là em một quan chức và cũng là một nhà thơ tên là Phạm Mại, còn có tên là Phạm Tông Mại, (có tài liệu lại chép là anh ruột). Hai anh ông làm quan cùng triều. Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, ông nguyên là họ Chúc tên Kiên. Vua Trần Nhân Tông cho rằng họ Chúc không phải là một vọng tộc, bèn đổi làm họ Phạm; còn tên Kiên vì trùng tên của Phán thủ Huệ Nghĩa, thuộc dòng hoàng tộc, nên phải đổi thành tên là Ngộ. Về tên của ông, sách Toàn Việt thi lục ghi là (“ngộ” nghĩa là: gặp, gặp nhau, không hẹn mà gặp) nhưng có một số tài liệu ghi là (“ngộ” nghĩa là: hiểu ra, vỡ lẽ), hiện vẫn chưa rõ chữ “ngộ” nào mới đúng là tên ông.

Không rõ ông có thi đỗ học vị gì không nhưng khi Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia vào năm Kỷ Hợi (1299), hai anh em ông đều được cử làm chức Thị nội học sinh để theo hầu. Dưới triều vua Trần Minh Tông (1314-1329), ông được điều động làm Tri thẩm hình viện sự, sau lần lượt được thăng các chức: Tả ty lang trung, Tri chính sự, đồng Tri thượng thư tả ty sự, địa vị ngang hàng với Trương Hán Siêu. Cả hai anh em ông đều được vua tin yêu, làm quan nổi tiếng ngay thẳng, thanh liêm và cẩn trọng, được tiếng khen đương thời, và là những nhân vật nổi tiếng thời Lý – Trần được các nhà Nho đời sau tỏ lòng ngưỡng mộ.

Thơ của ông chỉ còn lại 8 bài, được chép trong Việt âm thi tậpToàn Việt thi lục, nhưng cả 8 bài đó đều được người đời sau xem là những tác phẩm tinh túy, có giá trị cao trong kho tàng thơ văn Lý – Trần. Thơ ông có thơ tả cảnh, có thơ trữ tình. Cảnh trong thơ ông là những bức tranh, nét cảnh được chấm phá đơn sơ nhưng rất sinh động, tài hoa. Cảnh vật hiện lên rất tự nhiên, không có chút gì là đẽo gọt, cầu kỳ nhưng rất hài hòa, thể hiện sự tương hợp cao giữa khách thể và chủ thể, tạo nên sự hồn nhiên, tươi mới, và vì thế, rất hấp dẫn người đọc. Tiêu biểu cho thơ tả cảnh của ông là bài Giang trung dạ cảnh:                                                            

                        江中夜景  

夜月煙凝雪,

幾點哀鴻叫天末。

長江如練水映空,

一聲漁笛千山月。

 Phiên âm:

        Giang trung dạ cảnh

Thê lương dạ nguyệt yên ngưng tuyết,

Kỷ điểm ai hồng khiếu thiên mạt.

Trường giang như luyện thuỷ ánh không,

Nhất thanh ngư địch thiên sơn nguyệt.

 Dịch nghĩa:

           Cảnh đêm giữa dòng sông

Trăng đêm lạnh lẽo, khói đọng [như] tuyết,

Mấy chấm chim hồng buồn bã kêu ở cuối trời.

Sông dài như dải lụa, nước ánh lên tầng không,

Một tiếng sáo làng chài, trăng giãi trên nghìn ngọn núi.

                        (Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988)

Dịch thơ:

Trăng đêm lạnh lẽo, khói như tuyết,

Mấy chấm hồng kêu buồn cuối trời.

Sông lụa, tầng không cùng ánh rọi,

Sáo chài văng vẳng, núi trăng soi.

                           Phạm Quang Ái dịch

Thơ trữ tình của ông chứa đầy cảm xúc trước cảnh vật và con người, hoặc tỏ lòng ngưỡng mộ, tiếc nuối trước cảnh xưa người cũ như trong bài Yết Vạn Tải từ đường (Thăm nhà thờ Vạn Tải) hoặc cảm thấy cô đơn, vô vị, trống rỗng khi một mình trong đêm thu  trong bài Thu dạ tức sự (Đêm thu tức sự). Điều nổi bật trong thơ Phạm Ngộ là dù tả cảnh hay trữ tình thì thơ ông vẫn đượm một nỗi buồn man mác. Ông buồn vì cơn cớ gì ta không biết cụ thể. Nhưng âu là cũng cái buồn thường thấy của một thi nhân có tâm hồn nhạy cảm và cũng là cái buồn của một chính khách luôn cảm thấy gánh nặng trách nhiệm trước cuộc đời.

Tâm sự tuy có lúc buồn nhưng Phạm Ngộ vẫn kiên trì theo đuổi lý tưởng công danh của thời đại mình như con thuyền mải miết bơi giữa dòng sông không biết đâu là bờ bến. Bài thơ Đại Than dạ bạc (Đêm đỗ thuyền ở bến Đại Than) là lời tuyên ngôn hành xử của nhà thơ. Ông không muốn về ở ẩn vì vẫn luôn lưu luyến cảnh đời thịnh trị mà mình đang sống, ông vẫn muốn làm một chiếc thuyền con bồng bềnh mãi giữa dòng đời.

Nhìn chung, thơ Phạm Ngộ hàm súc dư ba, ít lời nhiều ý, ít khi ông bộc bạch hết tâm sự của mình ra mà chủ yếu gửi gắm tình ý trong hình ảnh cảnh vật. Hình ảnh trong thơ ông giàu sức biểu cảm, chứa đựng thi hứng dồi dào. Thơ ông hồn hậu, trong sáng như hầu hết thơ của các thi nhân tiêu biểu thời Lý – Trần.

3. Như trên đã nói, trong gia tài thi ca không nhiều của Phạm Ngộ, có một bài thơ viết về một địa danh với những kỷ niệm và những nỗi vui buồn man mác. Đó là bài thơ Du Phù Thạch nham nãi tiên tổ tu hành chi địa chu trung tác.        

       遊浮石巖乃先祖修行之地舟中作  

昔年曾作浮石遊,

童顏丫髻陪親娛。

題詩叫詠石壁下,

時人竊比眉三蘇。

今年重作浮石遊,

江山如故人白頭。

追歡歲月已不再,

煙波千里生閒愁。

勝遊邂逅那可必,

塵土重來又何日。

悠悠身世倚欄杆,

天外客帆歸鳥疾。

Phiên âm: 

Du Phù Thạch nham nãi tiên tổ du hành chi địa chu trung tác

Tích niên tằng tác Phù Thạch du,

Đồng nhan a kế bồi thân ngu.

Đề thi khiếu vịnh thạch bích hạ,

Thời nhân thiết tỉ Mi tam Tô.

Kim niên trùng tác Phù Thạch du,

Giang sơn như cố, nhân bạch đầu.

Truy hoan tuế nguyệt dĩ bất tái,

Yên ba thiên lý sinh nhàn sầu.

Thắng du giải cấu na khả tất,

Trần thổ trùng lai hựu hà nhật.

Du du thân thế ỷ lan can,

Thiên ngoại khách phàm quy điểu tật.

 Dịch nghĩa:

Cảm tác lúc đi thuyền dạo chơi ở động Phù Thạch là nơi tổ tiên tu hành

Năm xưa từng dạo chơi ở Phù Thạch,

Vẻ trẻ thơ, tóc trái đào, theo hầu thân phụ vui vầy.

Đề thơ ngâm vịnh ở dưới vách đá,

Người đương thời trộm ví [nhà ta] với ba người họ Tô đất Mi Sơn.

Năm nay trở lại dạo chơi ở Phù Thạch,

Non sông vẫn như cũ, nhưng người đã bạc đầu.

Mải vui, năm tháng trôi qua không trở lại,

Khói sóng dặm nghìn gợi buồn nhớ vẩn vơ.

Chuyện gặp gỡ giữa người và cảnh là tình cờ, nào có gì làm chắc,

Trong cõi đời cát bụi, biết có ngày nào còn trở lại đây chăng.

Thân thế mịt mù, tựa vào mái thuyền,

Buồm khách ngoài trời xa, chim về tổ vội vàng.

                      (Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988)

Dịch thơ:

Phù Thạch năm xưa từng dạo qua,

Đầu xanh chầu chực bên mình cha.

Mấy câu đề vịnh dưới sườn đá,

Người lấy Tam Tô trộm ví ta.

Phù Thạch năm nay lại dạo qua,

Non nước in xưa, người đã già.

Ngày tháng thoi đưa nhà xuân vắng,

Sóng nổi cơn sầu nghìn dặm xa.

Gặp gỡ dễ đâu người với cảnh,

Cái duyên trùng phùng thường trở ngạnh.

Cuộc đời dằng dặc lúc nương cầu,

Buồm khách ngoài trời chim thẳng cánh.                                                                                      Đinh Văn Chấp dịch

 Về văn bản bài thơ, trong Thơ văn Lý Trần (TVLT) và trong Toàn Việt thi lục (TVTL) có một số câu chữ khác nhau. Trước hết, là sự khác nhau về tên bài thơ. Trong TVLT chép là 遊浮石巖乃先祖修行之地舟中作 (Du Phù Thạch nham nãi tiên tổ tu hành chi địa chu trung tác) còn trong TVTL lại chép là 遊浮石巖先祖修行之地 (Du Phù Thạch nham, tiên tổ tu hành chi địa). Như vậy, tiêu đề bài thơ trong TVLT vừa cho biết tình huống của chủ thể trữ tình (chu trung tác) vừa cho biết hành vi của chủ thể trữ tình (du Phù Thạch Nham) lại vừa cho biết sự tích (nãi tiên tổ tu hành chi địa); còn tiêu đề bài thơ trong TVTL thì chỉ cho biết hành vi của chủ thể trữ tình (du Phù Thạch nham) và sự tích (tiên tổ tu hành chi địa). Trong bài thơ, chữ thứ 2 của câu thứ 2, sách TVLT chép là (“nhan”: vẻ mặt) nhưng sách TVTL lại chép là (“đầu”: cái đầu, bộ phận từ cổ trở lên); hai chữ 1 và 2 của câu thứ 3, sách TVLT chép là 題詩 (đề thi: đề thơ, ghi bài thơ), sách TVTL lại chép là 詩題 (thi đề: đầu đề bài thơ). Qua phân tích, so sánh, chúng tôi thấy, đầu đề bài thơ như trong TVLT là phù hợp với nội dung sự kiện bài thơ: tác giả đi thuyền đến bến Phù Thạch và đối cảnh sinh tình với điểm nhìn của người đứng trên thuyền. Ở câu thứ 2, bản TVLT dùng chữ “nhan” (vẻ mặt) là hợp lý, còn bản của TVTL dùng chữ “đầu” thì sẽ gây nên sự lặp ý ở hai chữ “a kế” (tóc trái đào) tiếp theo, vì khi dùng hai chữ “a kế” thì cũng là đã trỏ “cái đầu”. Cũng vậy, ở câu thứ 3, hai chữ “đề thi” là kết cấu động – danh thì tương hợp với hai chữ tiếp theo là “khiếu vịnh” (cũng kết cấu động – danh), nó sẽ hợp lý hơn là hai chữ “thi đề” (đầu đề bài thơ) là kết cấu danh – danh. Tổng hợp lại, căn cứ vào ngữ cảnh, logic bài thơ thì chúng tôi cho rằng văn bản bài thơ như trong TVLT là hợp lý hơn, vì thế chúng tôi chọn văn bản này.

Bài thơ gồm 12 câu làm theo lối thơ cổ thể. Bốn câu đầu bài thơ, tác giả nhớ về việc lúc còn trẻ thơ, từng theo cha dạo chơi một cách vui vẻ ở núi Phù Thạch, đề thơ ngâm vịnh dưới vách đá. Khi nhắc đến việc người đương thời từng ví nhà ông với nhà tam Tô ở Mi Sơn (tức là ba cha con Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, ba nhà văn lớn đời nhà Tống Trung Quốc) là có ý tự hào và cũng cho người đọc biết, ngoài hai anh em ông, thì cha của ông cũng là một nhà thơ.

Tám câu tiếp theo nói về việc tác giả trở lại Phù Thạch lần thứ hai. Thời gian là hiện tại, tình cảm man mác đượm buồn. Tác giả buồn vì non sông vẫn như xưa nhưng con người đã già, tiếc nuối thời trai trẻ vui vẻ, hăng hái. Ngắm cảnh khói sóng mênh mông, nhà thơ lại càng buồn vì không biết mai đây còn có dịp trở lại Phù Thạch, chốn thắng cảnh chứa chất bao kỷ niệm. Hai câu cuối đọng lại nổi buồn của nhà thơ khi nghĩ về tương lai cuộc đời và sự thảng thốt, tiếc nuối của ông vì đã đến lúc phải kết thúc cuộc thăm viếng.

Có thể nói, bài thơ là sự giăng mắc, giằng xé giữa cảnh và tình, kỷ niệm hồi cố đầy hân hoan đan xen tâm trạng tiếc nuối trong hiện tại và sự thảng thốt khi nghĩ tới tương lai. Bài thơ là sự thể hiện tinh tế, chân thật “biện chứng tâm hồn” của nhà thơ trong một tình huống trữ tình cụ thể, đồng thời nó cũng tiết lộ những chi tiết quan trọng về gia phả và địa chí.

Từ đầu đề bài thơ, chúng ta biết được rằng, hàng trăm năm trước, vào cuối thời nhà Lý đầu thời nhà Trần, vùng đất Phù Thạch đã là nơi có một vị “tiên tổ” nhà thơ từng tu hành. Chúng tôi nói hàng trăm năm trước là vì căn cứ vào quy ước trong “Cửu huyền thất tổ” của Đạo giáo, vốn được du nhập vào đất Việt từ xa xưa và trở thành hệ thống tôn ti trong tín ngưỡng của người Việt. Nghĩa là, trong trật tự “thất tổ” (bảy vị tổ) của một dòng họ thì “tiên tổ” là vị tổ đời thứ 5, tính từ người đang sống trở lên (trong trường hợp này là tác giả bài thơ). Mà đã cách 5 đời, thì theo ước tính, thường là khoảng trên trăm năm.

4. Vậy địa danh Phù Thạch mà nhà thơ đề cập đến trong bài thơ này là ở đâu?

Sách Đại Nam nhất thống chí, bộ sách địa chí được biên khảo rất công phu của Quốc sử quán triều Nguyễn, chép về địa danh Phù Thạch như sau: Sông La chảy… “Đến đây có sông Phù Thạch, phía đông có bến đò là chỗ cư trú của khách buôn phương Bắc, nhà cửa, thuyền bè tấp nập, gọi là phố Phù Thạch, phía tây phố trước kia là hành dinh của Trung Quang đế nhà Trần. Ở đây nước trong mát, cây cỏ tươi xanh, gần có phố, xa có thôn, phong cảnh như tranh vẽ, thật là một nơi danh thắng xứ châu Hoan. Bài thơ “Qua đò Phù Thạch” của Nguyễn Trung Ngạn đời Trần có mấy câu rằng: “Trào sinh, trào lạc đông tây thủy; Vân hợp, vân khai thượng hạ san; Ngư đĩnh phù trầm yên cảnh ngoại; Tăng gia ẩn ước họa đồ gian” (Thủy triều lên xuống phía đông phía tây; Mây hợp mây tan ở trên núi dưới núi; Thuyền chài chìm nổi ngoài cảnh khói mù; Nhà chùa lờ mờ trong khoảng tranh vẽ)[1]

Nguyễn Trung Ngạn 阮忠彥(1289-1370), tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Vào niên hiệu Hưng Long năm thứ 12 (1304), đời vua Trần Anh Tông, ông thi đậu Hoàng giáp lúc mới 15 tuổi. Ông làm quan trải qua 4 đời vua Trần, quan tước đạt đến đỉnh cao: năm 1355 được thăng Kinh lược sứ trấn Lạng Giang, Đại hành khiển, Thượng thư Hữu bật, kiêm Tri Khu mật viện sự, Thị Kinh diên Đại học sĩ,  Trụ quốc Khai huyện bá; sau thăng đến chức Thái bảo, tước Quan nội hầu và cuối đời được ban tước Thân Quốc công. Ông được các sử thần đời sau liệt vào hạng “Người phò tá có công lao tài đức đời Trần". Như vậy, ông là người sống cùng thời và làm quan đồng triều với anh em Phạm Mại, Phạm Ngộ.

Là một nhà văn hóa lớn của dân tộc, ông để lại cho đời khá nhiều tác phẩm: Giới Hiên thi tập, Hoàng triều đại điển, Hình luật thư, Thanh chinh Đà Giang thực lục, Ma Nhai kỷ công bi văn. Tác phẩm Giới Hiên thi tập của ông bị thất tán, nhưng được các Nho thần đời sau sưu tập, nay truyền lại còn được hàng trăm bài.

Bài thơ của ông mà các soạn giả Đại Nam nhất thống chí dẫn ở trên, vốn có tên là Trùng du Phù Thạch độ 重遊浮石渡  (Lại đến chơi bến đò Phù Thạch), là một minh chứng cho địa danh này. Bài thơ này chắc là được sáng tác khi Nguyễn Trung Ngạn được cử vào làm An phủ sứ Nghệ An vào năm Đinh Sửu (1337). Qua hai bài thơ của Phạm Ngộ và Nguyễn Trung Ngạn, ta thấy, vào thời Trần, bến Phù Thạch đã là một thắng cảnh, bên cạnh cảnh tự nhiên tráng lệ, cảnh sinh hoạt của con người đã tấp nập, dưới sông có dân chài và người qua lại buôn bán, trên bờ có chùa chiền, sư tăng sinh sống.

Tên gọi Phù Thạch là định danh để trỏ đặc điểm địa hình, địa mạo ở nơi đây. Điều này đã được các tài liệu dư địa chí thời nhà Nguyễn giải thích tường tận.  Trước sách Đại Nam nhất thống chí [được các soạn giả Quốc sử quán triều Nguyễn bắt tay biên soạn vào năm Ất Sửu (1865) đời vua Tự Đức] khá lâu, sách Hoàng Việt nhất dư địa chí do Thượng thư bộ Binh Lê Quang Định (1759-1813) biên soạn và hoàn thành vào năm Gia Long thứ 3 (1806) đã giải thích rõ như sau: Sông La “…phía nam thuộc huyện La Sơn, phủ Đức Quang, phía bắc thuộc huyện Hưng Nguyên, phủ Anh Đô. Đến bến đò Triều Khẩu, tục gọi là đò Phù Thạch…Bên bãi sông phía nam có đồi đá nổi thấp thoáng trên mặt nước, nên mới gọi là đò Phù Thạch. Trên bờ có phố Minh Hương, phố xá rất đông đúc, tục gọi là phố Phù Thạch[2]. Ở đoạn tiếp theo, khi nói về sông Phù Thạch, Lê Quang Định nhắc lại rõ hơn: “17. Sông Phù Thạch: sông này là ranh giới giữa hai huyện Hưng Nguyên và La Sơn. Bờ sông nửa bên nam thuộc xã Vĩnh Đại huyện La Sơn, vì có nhiều đồi đá chồng chất, ẩn hiện trên mặt nước nên gọi là sông Phù Thạch. Trên bờ có phố Minh Hương, phố xá rất sầm uất, gọi là phố Phù Thạch. Sông có đò ngang, qua bên bờ bắc là xã Triều Khẩu thuộc huyện Hưng Nguyên, gọi là bến đò Triều Khẩu[3].

Cùng thời với Lê Quang Định, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757-1828) trong tác phẩm Nghệ An ký nổi tiếng ông cũng viết về địa danh này như sau: “Chỗ sông Minh chảy vào có đá nổi, bên đông đá có đò, gọi là bến đò Phù Thạch. Trên bến đò có phố buôn của khách trú. Nhà cửa san sát, thuyền bè tấp nập”.

Như thế là đã rõ, Phù Thạch, trước hết, là bến đò ở bờ nam sông La, thuộc địa phận đất xã Vịnh Đại, huyện Đức Thọ ngày nay; đối diện với nó là bến đò Triều Khẩu ở bờ bắc sông La thuộc địa phận xã Triều Khẩu (nay là xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Phù Thạch là tên gọi Hán Việt, còn người dân bản địa gọi nôm na là gành Đá, bến đò Gành. Từ đó, phố xá người Minh Hương ở trên bờ được gọi là phố Phù Thạch, dòng sông La chảy qua đây được gọi là sông Phù Thạch. Riêng ngôi chùa nằm trên bờ chỗ bến Phù Thạch thì dân gian lại gọi là chùa Gành, tên chữ là Ân Quang tự.

Theo tương truyền, Ân Quang tự được xây dựng vào đầu thế kỷ XIII. Truyền ngôn này cũng phù hợp với nội dung thông tin mà Phạm Ngộ và Nguyễn Trung Ngạn hé lộ trong hai bài thơ nói trên. Nhưng cũng từ những thông tin đó, chúng ta có thể còn suy đoán xa hơn, rằng Ân Quang tự có thể đã được lập nên từ đời Lý, khi mà Thiền phái Vô ngôn thông đã phát triển sâu rộng vào Hoan Châu.

Có bến đò tấp nập người qua lại, có dân chài sinh hoạt rộn ràng trên sông, có gành đá nhấp nhô bến sông giỡn sóng, trên bờ lại có thiền viện u nhã, từ xưa, thắng cảnh Phù Thạch đã là nguồn thi hứng vô tận của các tao nhân mặc khách.

Sau Phạm Ngộ và Nguyễn Trung Ngạn, các bậc quân chủ - nho thần mỗi khi có dịp công cán đến/qua xứ Hoan Châu đều không quên tới Phù Thạch ngoạn cảnh và ghi lại cảm hứng trong thơ văn. Thời Lê sơ, Lê Thánh Tông trong các lần Nam chinh vào các năm 1470-1471, khi qua bến Phù Thạch, nhà vua đã ghi lại thi hứng của mình trong bài thơ Quá Phù Thạch độ (Qua bến Phù Thạch) với những nét cảnh thật kỳ thú:

Sóng lạnh, triều xô ra biển xa

Nhấp nhô gành đá, ánh dương tà.

Đầu non, mũ trắng, chùm mây vấn.

Đáy nước, the hồng, sợi ráng sa.

Lửa đã bốc theo vừng nhật đó,

Rồng còn luyến mãi vực sâu a?

Sửa văn, xếp võ, nay là lúc.

Ban bố đức âm khắp mọi nhà”.

                                    Thái Kim Đỉnh phỏng dịch              

Sang thời Lê Trung hưng, vào cuối thế kỷ XVII, khi những người dân Trung Quốc trung thành với nhà Minh, bất phục nhà Thanh, chạy sang cư ngụ lánh ẩn ở nước ta, bến Phù Thạch lại thêm trù mật, đông vui, vì có các thần dân nhà Minh sang lập làng, lập phố (Minh Hương) ở đây để mưu sinh. Vì thế, phố Phù Thạch và chùa Gành lại càng nổi tiếng, càng được nhiều khách thập phương đến thăm viếng. Năm 1777, Hoàng giáp Bùi Huy Bích (1744-1818), khi vào làm Đốc đồng Nghệ An đã đến phố Phù Thạch làm thơ, trong đó có những câu tả cảnh rất sinh động:

Lô nhô phố khách hương trà ngát,

Thấp thoáng nhà chùa bóng trúc che.

Riêng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp thì vốn là khách quen của nhà chùa,“Ba năm làm quan nhỏ; Mấy lần trọ chùa này”. Trong bài thơ “Gặp ông chài già ở Phù Thạch”, khi tả cảnh chùa Gành, phu tử  đã xác định rõ tọa độ ngôi chùa:

Bên trái chùa Ân Quang là phố khách

Bên phải chùa Ân Quang là bến đò sông Lam.

Thật đáng tiếc là về sau gành đá không còn, phố khách và bến đò cũng biến mất, chùa Gành cũng trở thành phế tích, hình ảnh bến Phù Thạch chỉ còn lại trong sâu thẳm ký ức cộng đồng dân bản xứ và trong các thư tịch bị phủ dày bụi thời gian. Hiện tại, chùa Gành đã được những người dân Vịnh Đại tâm huyết phục dựng lại trên vị trí nền chùa cũ. Cảnh xưa đã được phôi thai hồi sinh. Hy vọng một ngày không xa, khách thập phương sẽ được thấy lại cảnh tượng Phù Thạch xa xưa hiện về trong hồn quê nông thôn mới.

                                                                                 P.Q.A

________________

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006; tr.

[2] Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất dư địa chí, NXB Thuận Hóa – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Huế, 2005; tr. 401;                                         

[3] Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất dư địa chí, NXB Thuận Hóa – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Huế, 2005; tr. 434

. . . . .
Loading the player...