05-05-2023 - 00:36

Di sản Ca Trù từ những thăng trầm đến khởi sắc

Tạp chí Hồng Lĩnh số 200 tháng 4/2023 trân trọng giới thiệu bài viết “Di sản Ca Trù từ những thăng trầm đến khởi sắc” của tác giả Nguyễn Minh Đức

Ca trù là loại hình nghệ thuật từ lâu đời, với các hình thức hát thờ cửa đình, cửa đền và hát thờ Tổ. Làng Cổ Đạm huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có đền Xứ thờ Tổ sư Ca trù. Trước đây hàng năm cứ đến ngày 11 tháng Chạp là giỗ Tổ sư, giáo phường 12 huyện kéo về lễ tổ và mở hội hát rất linh đình. Trước ngày hội hàng tháng, dân giáo phường đã náo nức chuẩn bị bạn hát các nơi về, lo trang trí trong đền cho thật uy nghi, lo việc ăn ở cho phường bạn, lại còn lo ôn lại tiếng đàn nhịp phách, giọng hát để thi thố tài năng với phường bạn. Sau lễ tế Tổ sư trọng thể, các giáo phường lần lượt hát "chầu Thánh", cuộc hát kéo dài suốt 3 ngày đêm mới kết thúc lễ. Hội hát vẫn tiếp tục, giáo phường chia nhau mời bạn hát xa gần về từng nhà tiếp đãi và cùng nhau ca hát có khi hàng tuần, chia tay nhau mà vẫn còn lưu luyến. Hiện nay, đền Xứ đã bị hoang phế, chính quyền địa phương đang tích cực phục hồi nhưng vẫn chưa hoàn thiện.Những năm gần đây, với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, các nghi thức Ca trù dần được phục hồi, việc thực hành di sản Ca trù đã được phổ biến hơn trong đời sống đương đại.

Các thế hệ Ca Trù ở Cổ Đạm, 2005

Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh có 02 CLB Ca trù đang hoạt động với trên 60 thành viên tham gia. Câu lạc bộ Ca trù Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, được thành lập năm 1995, số lượng thành viên tham gia sinh hoạt luôn có biến động hằng tháng, hằng năm, duy trì hoạt động vào tối thứ 7 hàng tuần. Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ, sinh hoạt tại di tích Đền thờ Cụ ở thôn Lam Thủy, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, được thành lập năm 1998, hoạt động của Câu lạc bộ được duy trì định kỳ vào chiều thứ 3 và thứ 5 hàng tuần.

1. Ca trù Hà Tĩnh – những khó khăn trong tồn tại và phát triển

Trải qua hơn 25 năm khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị, hơn 10 năm Ca trù được UNESCO ghi danh, hành trình bảo vệ di sản với nhiều thăng trầm, Ca trù đã đối mặt với không ít khó khăn để tồn tại và phát triển. Các nghệ nhân Ca trù lão thành - những “báu vật sống”- trên địa bàn tính đến thời điểm này đều đã mất. Cụ Trần Thị Gia, sinh năm 1925 - Nghệ nhân Ưu tú là nghệ nhân lão thành cuối cùng tại vùng Cổ Đạm mất vào tháng 12/2020. Việc truyền dạy cho thế hệ nối tiếp di sản hiện nay do các thế hệ nghệ nhân, ca nương, kép đàn kế cận đảm nhiệm nhưng đội ngũ này cũng còn rất ít. Không gian trình diễn cho Ca trù trong đời sống đương đại hạn chế. Nhiều người theo học Ca trù cũng chỉ học để cho biết, không được trình diễn, hoặc hoạt động không mang lại thu nhập hỗ trợ cuộc sống như ở các loại hình nghệ thuật khác nên không mấy mặn mà, đa phần chỉ theo dở chừng. Về nội dung, các tác giả sáng tác được lời thơ mới cho Ca trù rất hiếm, hầu hết đã ở tuổi thất thập cổ lai hy. Không có tác giả trẻ hiểu và sáng tác mới được thơ Ca trù.

Ca trù là loại hình nghệ thuật đã đạt tới đỉnh cao. Để đàn, hát được Ca trù thành thục, ngoài năng khiếu và niềm đam mê, còn đòi hỏi phải có thời gian rất dài gắn bó, tập luyện. Do vậy người trẻ có giọng hát hay, yêu thích Ca trù nhưng không có thời gian để theo đuổi. Số có năng khiếu, đam mê, tâm huyết theo học, thực hành lành nghề nhưng không có công việc ổn định tại địa phương đành giải nghệ đi tìm việc làm ăn. Đây là mất mát lớn nhất trong hành trình bảo vệ sự bền vững của di sản. Dẫu nghệ thuật Ca trù hiện nay đã được xã hội quan tâm tuy nhiên, số lượng người trẻ yêu thích và tham gia sinh hoạt không nhiều. Việc bảo vệ và phát huy di sản Ca trù chủ yếu tập trung ở những địa phương có truyền thống Ca trù lâu đời. Để phổ biến nhân rộng ra các địa phương khác trong cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn.

2. Những khởi sắc mới

Trong thời gian qua, Hà Tĩnh đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản Ca trù: ban hành các chủ trương, chính sách, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản hát Ca trù; đầu tư kinh phí; tôn vinh và hỗ trợ nghệ nhân; tạo điều kiện thực hành, truyền dạy; tổ chức liên hoan Ca trù ở địa phương, tích cực tham gia liên hoan ca trù toàn quốc, quảng bá di sản... Những chính sách đó đã góp phần duy trì được hoạt động thường xuyên của các CLB Ca trù; phát triển được đội ngũ hạt nhân nòng cốt kế cận nghệ nhân đảm đương vai trò truyền dạy cho thế hệ tiếp nối di sản.

Hiện nay Ca trù đã dần sống lại và đi vào đời sống hàng ngày của người dân nơi đây. Ngoài các hoạt động bảo vệ và phát huy của các CLB trong cộng đồng di sản, việc thực hành di sản trong đời sống đương đại có nhiều hoạt động đa dạng hơn. Bên cạnh các hình thức hát phục vụ những dịp lễ hội của địa phương như hội làng, hội xuân, mừng thọ, hát phục vụ các sự kiện chính trị của chính quyền, của tổ chức xã hội, hát trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ thường kỳ như trước đây; hiện nay các CLB còn tham gia hát phục vụ trong tua tuyến du lịch trải nghiệm nông thôn mới, phục vụ khách du lịch khi về thăm quan thắng cảnh ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Thông thường một buổi hát Ca trù hiện nay diễn ra trong khoảng hơn một giờ đồng hồ. Đào nương có thể hát theo một chương trình đã định hoặc hát theo yêu cầu của người nghe hát.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, có nhiều hoạt động Ca trù như hát Ca trù phục vụ lễ mừng thọ các cụ cao niên vào đầu năm mới; biểu diễn Ca trù ghi hình phát sóng các đài Truyền hình trung ương và địa phương; tổ chức nhiều chương trình Ca trù biểu diễn phục vụ tại Lễ đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa các đền, chùa, các nhà thờ dòng họ trên địa bàn; phục vụ tại các hội nghị sơ kết, tổng kết trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; tổ chức chương trình múa hát Ca trù biểu diễn phục vụ Kỷ niệm 240 năm năm sinh và 160 năm ngày mất Nguyễn Công Trứ; biểu diễn phục vụ du khách trong tuyến du lịch Du thuyền trên sông Lam, phục vụ trong tua tuyến du lịch trải nghiệm Nông thôn mới trên địa bàn…

Các thể cách Ca trù thường được biểu diễn tại các Câu lạc bộ Ca trù là Hát nói, Hát mở, Hát mưỡu, Hát múa Tứ quý, Hát múa Chúc Hỗ, Hát múa Nhịp 3 cung bắc, Hát múa Vọng Đại Thạch, Hát ru, Hát xẩm, Tỳ bà hành, Gửi thư, Thét nhạc, Ngâm thơ.

Đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã có trên 20 ca nương, 2 kép đàn, 2 quan viên thực hành thành thục Ca trù, trong đó 4 ca nương, 2 kép đàn và 2 quan viên nòng cốt tham gia truyền dạy cho thế hệ nối tiếp di sản. Hằng năm có từ 10 đến 30 người theo học, có thêm 03 ca nương, 02 kép đàn, 02 quan viên mới đã biết thực hành Ca trù. Các tiết mục, chương trình Ca trù tham gia tại các đợt liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật các cấp đều đạt thành tích cao. Chương trình tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018, giải tập thể Đoàn Ca trù Hà Tĩnh đạt giải A toàn đoàn; giải cá nhân đạt 01 giải A ca nương, 01 giải A kép đàn và 01 giải B quan viên ở nội dung thi “Tài năng Ca trù trẻ”.

Tính đến hết tháng 12/2022, Hà Tĩnh có 03 nghệ nhân được được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và 23 Nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Trong thời gian từ năm 2018-2022, Hà Tĩnh đã có nhiều cố gắng nỗ lực trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản Ca trù. Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản hát Ca trù; đầu tư kinh phí; tôn vinh và hỗ trợ nghệ nhân; tạo điều kiện thực hành, truyền dạy; tổ chức liên hoan Ca trù ở địa phương, tích cực tham gia liên hoan ca trù toàn quốc, quảng bá di sản... Sự chung tay vào cuộc của các cơ quan quản lý từ cấp tỉnh xuống đến tận cơ sở, sự tham gia hoạt động tích cực của cộng đồng di sản cùng với các tổ chức xã hội, các nhà nghiên cứu, cộng đồng, nhóm người quan tâm đến di sản và bảo vệ di sản, di sản hát Ca trù ở địa phương Hà Tĩnh đã giúp duy trì được hoạt động thường xuyên của các CLB Ca trù, phát triển được đội ngũ hạt nhân nòng cốt kế cận nghệ nhân đảm đương vai trò truyền dạy cho thế hệ tiếp nối di sản; mở được các lớp học ca trù phổ cập và chuyên sâu; các CLB Ca trù đều đạt thành tích cao tại các liên hoan, hội thi do các cấp tổ chức; ngoài hoạt động thực hành Ca trù trong cộng đồng di sản thì hiện nay ở địa phương Hà Tĩnh đã dần đưa di sản Ca trù thực hành, phục vụ trong đời sống đương đại góp phần bảo vệ bền vững hơn sức sống của di sản hát Ca trù.

N.M.Đ

. . . . .
Loading the player...