Tạp chí Hồng Lĩnh tháng 4/2023 trân trọng giới thiệu bài viết “Díu dan với núi sông, díu dan với đời” của Nhà thơ Lê Quốc Hán (Díu dan với núi sông - Đinh Nho Tuấn, Nxb Hội Nhà văn, 2021)
Díu dan với núi sông là tập thơ thứ ba của Đinh Nho Tuấn, sau hai thi tập Em hãy cho anh đợi (2018) và Em tôi (2019). Tên tập thơ đã nói rõ phạm trù rộng lớn và tình cảm sâu sắc tác giả muốn gửi gắm. Đó là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cuộc đời và con người trong cuộc sống thường nhật và bề bộn hôm nay.
Nhà văn Nga Ilia Erenbua từng tâm niệm: “Tình yêu Tổ quốc bắt nguồn từ tình yêu những vật bình thường nhất. Yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu lạch nước đổ ra bờ sông hay vị thơm chua mát của trái lê mùa đông hay vị thơm chua mát của trái lê mùa đông với hơi rượu mạnh”. Đinh Nho Tuấn không ngoại lệ. Tình yêu quê hương đất nước của tác giả bắt nguồn từ tình yêu thiên nhiên tươi đẹp, diễm lệ nhưng cũng vô cùng hùng vĩ. Hơn một lần Đinh Nho Tuấn gọi tên “Mẹ thiên nhiên”: Với con người, mẹ chưa bao giờ khép cửa/ Một bông hoa cũng chưa khóa bao giờ/ đêm và ngày, thẳm sâu từng hơi thở/ Mẹ nhân từ, luôn dang rộng vòng tay/…/ Theo tháng năm chưa bao giờ khép cửa/ Mẹ nhân từ luôn dang rộng vòng tay/ Vì con người cũng là loài cỏ dại/ Xanh một đời, chết theo gió sẽ bay. Dưới con mắt của tác giả, thiên nhiên không chỉ đẹp tươi tráng lệ mà còn trong sáng, hồn nhiên và độ lượng. Mở đầu mỗi ngày, khi bình minh mở ra, thiên nhiên luôn dành tặng cho con người “Một buổi sáng tốt lành”: Tôi cám ơn buổi sáng này trong lành/ Tiếng gió reo những bông hoa hoàng yến/ Hạt sương mai là hạt ngọc trên cành/ Có bầy chim râm ran kể chuyện// …// Tôi cám ơn buổi sáng này trong lành/ Thêm một ngày cho tôi được sống/ Được yêu em, tôi luôn được yêu em/ Được quên đi buồn đau thất vọng (Cám ơn buổi sáng trong lành). Và khi hoàng hôn buông xuống, thiên nhiên lại dành tặng cho tác giả món quà bất ngờ: Khi tôi ngủ bầy chim vẫn hát/ Tiếng chim dính đầy giấc mơ tôi/ Những âm thanh diệu kỳ thánh thót/ Tiếng suối reo dăng kín bầu trời//…// Khi tôi ngủ bầy chim vẫn hát/ Tiếng vô tư êm ái tự tình/ Giấc mơ tôi dính đầy nốt nhạc/ Vườn địa đàng e ấp đóa rưng rưng (Khi tôi ngủ bầy chim vẫn hát). Từ tình yêu thiên, theo thời gian biên độ được mở rộng thành tình yêu quê hương. Đinh Nho Tuấn sinh ra và lớn lên bên bờ sông Lam, con sông trong xanh quanh năm, trừ mùa lũ nước dâng lên ngập cả xóm làng. Nói riêng, quê cha tác giả bên dòng Ngàn Phố, một nhánh thượng nguồn sông Lam, cảnh lũ lụt năm nào cũng tái diễn: Những con sông không uống dùm hết nước/ Thương sông Lam chết đuối cả trong vườn/ Nơi Ngàn Sâu ngã ba sông La hò hẹn/ Ngàn Phố gào đứt khúc tiếc thương (Quê hương). Thần đồng Trần Đăng Khoa từng khen: “Viết về những trận đại hồng thủy của Hà Tĩnh, nhà cửa chìm trong nước: Thương sông Lam chết đuối cả trong vườn là một câu thơ thật hay (“Lời mở sách”). Nhưng Hà Tĩnh quê hương của tác giả không chỉ có sông Lam mà còn có núi Hồng sừng sững hiên ngang ưỡn ngực đón phong ba bão táp, che chắn cho mảnh vườn, cánh đồng trải rộng của quê hương: Hồng Lĩnh ơi, sao không biết đi/ Mà chôn chân đứng vạn xuân thì/ Mà không theo gió trôi lang bạt/ Mà thả chiều mây cánh chim di (Díu dan với núi sông). “Núi Hồng sông Lam” đã góp phần tạo nên vùng đất địa linh nhân kiệt với một nền văn hóa bền vững muôn đời: Ngàn đời nay sông Lam còn trọ trẹ/ Bên núi Hồng sừng sững nhớ thương nhau (Tiếng choa). Nếu trong thi tập này, có hai bài cùng tiêu đề “Quê hương”, thì cũng có ba bài “gọi tên Tổ quốc”: Tổ quốc tôi, Khi Tổ quốc nguy nan từ biển, Những hòn đảo Tổ quốc. Trong đó, Tổ quốc tôi là một bài thơ dài - “non trường ca” - gồm sáu khổ. Sau mỗi khổ đều vang lên tiếng lòng da diết: Tổ quốc ơi!. Hai bài sau viết về biển đảo, một chủ đề khá nhạy cảm và nóng hổi hôm nay: Mẹ Việt Nam dù mong manh áo vải/ Chưa gán con, chưa gán nợ bao giờ/ Mỗi tấc đất biết viết trang sử mới/ Con sóng trào, con sóng biết làm thơ (Tổ quốc nguy nan từ biển).
Tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước luôn gắn chặt với tình yêu con người, cuộc sống. Trước hết là tình yêu với người thân ruột thịt trong gia đình. Thân sinh của Đinh Nho Tuấn từng là một nhà báo, nhà thơ nổi tiếng xứ Nghệ, nhưng cũng như những người cùng thế hệ, gia đình ông từng trải qua những vất vả lo toan: Những ngày xa bếp mẹ cha đỏ lửa/ Bát cơm thơm vùi cả trưa hè/ Vùi bóng cha vùi cây rìu khạc lửa/ Vùi đời con con mãi còn nghe (Giữa trưa hè cha tôi bổ củi). Ngày cha vĩnh viễn ra đi, tác giả đã viết nên những vần thơ vừa cảm động, vừa tự hào về người cha đã mở đường cho mình một hướng đi: Con biết cha đi về hướng núi/ Nơi uy linh Thiên Nhẫn đứng chờ/ Nơi Ngàn Sâu ôm nhau, Ngàn Phố/ Nơi xóm Đình gom ủ những vần thơ// Bước chân vội, cuộc đời Cha rất vội/ Thác truân chuyên quăng quật một con đò/ Nhưng hôm nay nước sông tay rộng/ Ôm vào lòng giác ngủ một nhà thơ (Nhớ cha). Với mẹ, một đời tận tụy, nuôi con chăm chồng. Giờ đã ngoài chín mươi, bước đi không còn vững, tác giả luôn dành những tình cảm yêu thương, kính trọng: Mẹ không ngồi được, con nằm bên mẹ/ Như dáng đầu tiên con bú, mẹ nằm/ Đôi chân mẹ - đôi chân thơ trẻ/ Không nhắc nổi mình, không nhắc nổi hư không!//…// Con thì thầm hát bài ca xưa cũ/ Mắt mẹ buồn theo sợi bạc lay lay/ Trái ổi đào vườn nhà con đỡ được khi rơi Nhưng mẹ rơi con làm sao đỡ!(Mẹ). Là một người từng đi nhiều nơi trong nước và trên thế giới, nhưng ngôi nhà thân yêu vẫn luôn là địa chỉ tác giả hướng về: Rót đi bạn bạn ly này ly cuối/ Để tôi về nhà tôi/ Nhà của tôi vợ tôi đang đợi/ Chắc bếp sắp tàn, cơm đã sôi// Nhà của tôi xa lắm, xa lắm/ Đi hết một quãng lòng/ Vườn nhà tôi hoa hồng nở/ Có mẹ già ngồi trông// Nhà tôi những đứa con/ Mấy thằng giờ đang bò/ Tôi về dụi tóc rễ tre/ Lên tay chúng, lên ngực và lên cổ// Rót đi bạn, thêm ly thật đầy/ Cho đôi chân tôi chắc khỏe/ Yên cương sẵn sàng tôi lên ngựa đây/ Nào phóng đi xích thố (Để tôi về nhà tôi).
Thi sĩ vốn đa tình. Đinh Nho Tuấn cũng không vượt qua cái rào ấy. Hai tập thơ trước: Em hãy cho anh đợi và Em tôi chủ yếu là thơ tình, và Díu dan với núi sông cũng có không ít bài thơ tình: Em diệu anh những cơn say, Tôi đi cùng em, Giá em khóc thành tiếng, …. Tôi không mấy tin rằng những bài thơ kia đều viết về người vợ yêu quý của tác giả. Trong từ Em chung chung ấy có bao nhiêu bóng dáng người đẹp tác giả đã gặp. Nhưng khi đọc bài thơ “Lễ cưới vui vẻ” Đinh Nho Tuấn “Tặng vợ Nghiêm Lê nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày cưới” tôi tin anh còn rất chung tình: Ngày trong xanh, bồi hồi tiếng em ru/ Em dát vàng bên rừng thu lá đổ/ Em thiêu ta hay em cưới lòng ta/ Quàng đắm say vòng tay em xa lạ.
Còn một “người tình” không thể không nhắc đến: Nàng thơ. Dẫu là một nhà khoa học, nhà kinh tế học (Thạc sĩ Luật, Tiến sỹ Kinh tế) làm thơ, nhưng đến hôm nay có thể khẳng định: với Đinh Nho Tuấn, Thi ca đã trở thành duyên nghiệp. Chỉ trong vỏn vẹn hơn ba năm, Đinh Nho Tuấn đã trình làng 3 thi tập với hơn 250 bài thơ đã chứng minh điều đó. Thi nhân thành tâm thú nhận: “Những câu thơ thít cổ ta rồi”: Ta đang viết ngàn lời hay ý đẹp/ Những bao dung, những viễn cảnh xa vời/ Giờ phút này ta cảm mình mang tội/ Nhưng câu thơ thít cổ ta rồi! Năm 2022, Đinh Nho Tuấn vừa trình làng tập thơ thứ tư “Ngàn tiếng đời ấp ủ” và được Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh trao Tặng thưởng năm 2022.
Trong bài “Lời mở sách” in trang trọng đầu thi tập Díu dan với núi sông, thần đồng thơ Trần đăng Khoa khẳng định: “Đinh Nho Tuấn là nhà thơ đương đại. Nhà thơ của ngày hôm nay. Hôm nay không phải hôm qua. Đấy là điểm khác biệt giữa Đinh Nho Tuấn với các thi sĩ thế hệ trước”. Xin đọc bài thơ “Xe chạy nhanh, nhanh quá” sau đây kèm theo lời bình của tôi để chia sẻ nhận định trên: Xe chạy nhanh, nhanh quá/ Người ngoái lại kiếm tìm/ Bóng cò trên đồng lúa/ Những cánh đồng lặng im// Mặt sông xanh lấp loáng/ Bươn chải một con đò/ Có thể trên sông rộng/ Vừa loang một câu hò// Bầy trâu, con đê nhỏ/ Vắt vẻo chú bé ngồi/ Gió bỗng mang tiếng sáo/ Nốt nhạc vèo qua tôi/ Chuông nhà thờ ngân vọng/ Uốn cong cả bờ tre/ Lúa mùa này xanh quá/ Mắt lúa mướt đồng quê// Làng mơ mơ ngái ngủ/ Lam chiều chạm tầm tay/ Bếp chiều thêm ngọn lửa/ Tro tàn réo rắt bay// Mùa này đang tháng ba/ Bên đường em gái nhỏ/ Quẩy một gánh hoa đầy/ Xe chạy nhanh, nhanh quá.
Bình. Có một sự đối lập chan chát: Thời gian vùn vụt, đẩy tác giả trôi nhanh về phía trước. Không gian trầm lắng, bất động, lặng lẽ níu hồn thơ. Đối lập mà thống nhất trọn vẹn trong một bức tranh hài hòa có tên gọi: cuộc đời!
Đời người gồm những chuyến hành trình không ngơi nghỉ nối tiếp nhau. Càng về sau, mỗi chuyến hành trình càng trôi nhanh, không sao phanh lại. Oái oăm thay, hành trình càng nhanh con người càng luyến tiếc những gì đã tuột mất, muốn dừng nhặt lại từng kỷ niệm. Nhưng quy luật tạo hóa luôn khắc nghiệt với mọi người. Họ chỉ biết ngoái lại nhìn tiếc nuối.
Người xưa ví: Thời gian như vó câu qua cửa sổ. Ở đây tác giả dùng hình ảnh: Xe chạy nhanh, nhanh quá. Câu thơ được điệp đi điệp lại hai lần: mở đầu và cuối bài thơ, hẳn tác giả quá ngỡ ngàng vì tốc độ khủng khiếp của chiếc xe. Đã qua thời thơ ấu, chưa cảm thấy sự trôi chảy của thời gian. Đã qua thời thanh xuân, chưa bận lòng đến sự mất mát dần của thời gian, bởi con đường đến đích còn xa. Nhưng thời gian có chờ ai đâu. Tác giả chỉ còn biết ngoái lại kiếm tìm. May thay, vẫn còn nguyên vẹn bức tranh quê hương với những hình ảnh sống động, những gam màu tương sáng. Một bóng cò trên đồng lúa lặng im, một con thuyền bươn chải trên dòng sông xanh lấp loáng, một chú bé vắt vẻo ngồi trên lưng trâu thong thả bước dọc con đê nhỏ. Tất cả gợi nhớ những ký ức tuổi thơ trên bức tranh quê đậm chất hồn Việt. Mắt tác giả thật tinh. Xe chạy nhanh, nhanh quá vẫn thấy bờ tre bị uốn cong bởi tiếng chuông nhà thơ ngân vọng, vẫn thấy mắt lúa mướt đồng quê. Tai tác giả thật tính. Xe chạy nhanh, nhanh quá vẫn nghe một câu hò vừa loang trên sông rộng, vẫn nghe tiếng sáo vèo qua khi bất chợt một ngọn gió mang tiếng sáo đến. Hẳn tác giả phải nhìn bằng con mắt thứ hai, con mắt của trái tim; phải nghe bằng đôi tai thứ hai, đôi tai của tâm linh. Nếu không tác giả làm sao vẽ lên được bức tranh quê Việt sống động thế. Hẳn phải yêu quê hương tha thiết, yêu con người thiết tha, phải vương vấn với với những kỷ niệm với những tháng năm ở quê nhà mới viết nên những vần thơ xao động lòng người đến thế.
Hình ảnh bên đường em gái nhỏ, quẩy một gánh hoa đầy giữa tháng ba thật nên thơ nhưng cũng chưa bao nỗi niềm. Tháng ba, tháng cuối cùng của mùa xuân, gợi nhớ câu thơ của thi sĩ đồng quê tài hoa Nguyễn Bính: Anh ạ mùa xuân đã cạn ngày/ Bao giờ anh tới gặp em đây. Hình như cũng nhắc nhở tác giả một cái gì đó rất bâng quơ nhưng rất đỗi gũi gần.
Bài thơ cấu trúc như một cuốn phim với tiết tấu nhanh (qua thể thơ, qua nhịp điệu), với những hình ảnh sinh động, sắc nét (nhờ cách sử dụng từ gợi cảm) đã góp phần làm nên thành công bài thơ.
Đọc qua bài thơ, dễ cảm giảm giác tác giả đang mô tả một hành trình xác định nào đó trong đời. Nhưng ngẫm kỹ, bài thơ ẩn chứa nỗi niềm của tác giả trong chặng hành trình tuổi trung niên, khi đã trải qua hơn nửa cuộc đời đầy lo toan, bươn chải, xa quê và có những thời gian phải xa chính Tổ quốc để hoàn thiện mình.
L.Q.H