12-03-2020 - 14:03

Ghi chép TRONG GIÓ MỚI RÀO TRE của Phạm Anh Hoài

Tạp chí Hồng Lĩnh số 163 hân hạnh giới thiệu ghi chép "Trong gió mới Rào Tre" của Phạm Anh Hoài

       Cho tới khi tôi đặt chân lên bản tái định cư Rào Tre (Hương Liên – Hương Khê, Hà Tĩnh), tôi mới hiểu cảm giác mới mẻ khi trở lại vùng đất mình từng đến, khi gặp lại, cũng chừng ấy con người mình từng gặp… Nơi sâu chót của con đường mới mở, sự yên ắng của bản làng dưới chân núi Ka Đay lại đem đến cho chúng tôi rất nhiều xao động…

       Mỗi lần trở lại Rào Tre, tôi cứ tự hỏi, vì sao địa danh ở cái nơi tận sơn cùng cốc này lại mang nhiều màu sắc thôn dã miền đồng bằng đến thế. Nhưng rồi, khi gặp những cán bộ biên phòng, khi dừng chân bên ngôi nhà sàn trò chuyện cùng dân bản, tôi nhận ra rằng, đó chính là “căn duyên” của vùng đất này. Bởi vì thế nên người ta mới cảm nhận được rất rõ nét mềm mại trong dáng vóc vững chãi, mới thấy được sự nồng hậu trong dáng vẻ thô mộc…

       Núi Ka Đay giữa tiết trời mùa thu như càng trở nên tĩnh lặng. Những ngôi nhà sàn trên bản tái định cư (bản mới) im ỉm khoá. Thảng hoặc, dưới một ngôi nhà nào đó, vài đứa trẻ hồn nhiên chơi đùa, chúng không còn lẩn trốn khi thấy người lạ như trước nữa. Chúng nói với nhau ngôn ngữ của người Chứt. Ngữ điệu cứ như một cơn gió trườn qua triền đồi bạt ngàn cỏ. Nhanh và rất phẳng. Hầu như chẳng chuyển tải được chức năng nào của ngữ pháp. Bao nhiêu năm nay, người Chứt ở Rào Tre vẫn quen sử dụng “song ngữ”. Họ chỉ nói tiếng Việt khi có người Kinh đến bản. Còn lại, trong giao tiếp hàng ngày họ vẫn sử dụng thứ ngôn ngữ được cho là gần với tiếng Kinh nguyên thuỷ ấy.

Bản Rào Tre - Ảnh: Huy Tùng

       Đời sống kinh tế - xã hội của người Chứt ngày càng phát triển với những sắc màu tươi mới. Những sắc màu ấy bắt đầu được gieo mầm từ năm 2015 khi UBND tỉnh Hà Tĩnh thành lập “Ban chỉ đạo Dự án bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt bản Rào Tre”. Đến tháng 8/2017, 6 căn nhà đại đoàn kết đầu tiên đã được xây dựng cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất bản. Và đến nay, bản mới đã có 11 gia đình được cấp nhà, cấp đất lên bản mới sinh sống. Họ đã cùng nhau lật giở những trang mới trong đời sống người Chứt ở Rào Tre.

       “Mẹ cả” của bản mới Rào Tre

       Gõ cửa một ngôi nhà sàn lay phay khói bếp, một người phụ nữ trạc ngoài 30 mở cửa đón chúng tôi với gương mặt bình thản như núi rừng buổi lặng yên. Chị chính là người chúng tôi đang tìm – Bí thư Chi bộ bản Rào Tre Hồ Kiên. Sau 8 năm ở lán, năm 2018, Hồ Kiên cùng 5 hộ dân khác di cư lên bản mới, bắt đầu xây dựng cuộc sống mới. Mặc dù ở bản mới, việc thực hiện nhiệm vụ của một Bí thư chi bộ vất vả hơn nhưng với Hồ Kiên, đây là điều ngoài sức tưởng tượng. Hơn một năm qua, mỗi khi trời nổi cơn giông gió, nghĩ đến cảnh ở lán năm xưa là trong lòng chị lại dâng lên niềm biết ơn Đảng, Chính phủ, biết ơn các cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng…

       Chính vì thế, khi về nơi ở mới, Hồ Kiên tích cực cùng với các cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng cùng bà con tham gia trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, quy hoạch vườn tược… Ngoài ra, còn tích cực vận động bà con tìm kiếm việc làm và tích cực kết nối để xin việc làm cho một số người. Giờ đây, mỗi người một nghề, người đi may, người đi làm thợ cơ khí, người đi làm ở các trang trại lớn trong vùng… Những ai không đi làm thì đi rừng và về làm lúa ở bản cũ.

       Nữ Bí thư chi bộ thứ 2 của bản cho hay, có nhà đẹp rồi, ai cũng muốn sắm sửa thêm các vật dụng trong gia đình nên có động lực để đi làm kiếm tiền. Chị cũng sẵn sàng giúp đỡ họ trông coi nhà cửa con cái. Thậm chí có nhiều đứa trẻ ở bên cạnh Hồ Kiên còn nhiều hơn thơi gian ở cùng cha mẹ chúng. Những gia đình đi làm ở tỉnh khác thì Hồ Kiên nhận tiền bố mẹ chúng gửi rồi đi chợ, nấu cơm cho chúng, còn con cái những gia đình đi rừng thì sẵn bữa là gọi vào ăn cùng.

       Trẻ con ở bản mới này sống hồn nhiên như cây cỏ. Hồ Kiên rất thương trẻ. Bản mới có Hồ Kiên như có một người mẹ cả. Chị sẵn sàng nhận sự gửi gắm của bất kỳ ông bố bà mẹ nào trong bản khi họ đi làm. Chị nói, đó là cách tôi giúp họ yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng bản làng ngày càng phát triển. Hơn nữa, đi làm xa cũng là cách để xoá bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết. Qua đó, góp phần giúp mục đích “phát triển đồng bào dân tộc Chứt bản Rào Tre” sớm đạt hiệu quả thông qua các cuộc hôn nhân với người ngoài bản.

       Gieo niềm tin mới

       Ngày thường, bản mới Rào Tre rất yên tĩnh. Hầu hết các ngôi nhà đều khoá cửa. Ấy là bởi, chủ nhân đều đi làm lụng gần xa. Căn nhà gần nhà chị Hồ Kiên chính là của gia đình chị Hồ Núi. Hồ Núi sinh năm 1994, năm 2011 chị kết hôn với anh Hồ Văn Me (dân tộc Chứt ở Quảng Bình) khi 2 người đi làm ở Vinh. Sau đó, 2 người trở về bản Rào Tre, dựng lán tạm để ở và sinh con đẻ cái. Cuộc sống vợ chồng của người Chứt cứ như chim rừng, phải có đôi có cặp nên suốt nhiêu năm dài chỉ “ăn đong” từ nghề đi rừng. Dường như họ không hề có khát khao muốn thay đổi cuộc sống. Cũng bởi, điều quan trọng nhất là chỗ để “an cư” họ cũng chưa có.

       Tưởng như cuộc sống cứ tạm bợ mãi như thế, nhưng năm 2018, khi được cấp nhà ở bản mới, con cái có chỗ ở an toàn, vợ chồng Hồ Núi mới nghĩ đến việc đi làm trở lại. Hiện nay, 2 vợ chồng Hồ Núi gửi con cho chị Hồ Kiên chăm sóc và đi xin việc làm ở Vinh. Nhờ đó, cuộc sống gia đình đã thay đổi hoàn toàn. Vợ chồng con cái không phải chịu cảnh đói, rét, không phải sống những ngày bất ổn nữa.

       Những năm dài sống trong căn nhà tạm, trong sự thiếu vật chất và chờ đợi sự trợ giúp của Nhà nước và tổ chức mà chúng tôi đang đứng nhìn lên là tại, Hồ Kiên đang nuôi dưỡng giúp 2 đứa con của cuộc hôn nhân từ hoạt động đi làm ăn xa như thế. Đó là câu chuyện của chị Hồ Núi. Sau khi đi làm ở Vinh đã gặp gỡ và thành hôn với Hồ Văn Me là người Chứt ở Quảng Bình. Hồ Kiên nói rằng, bất kỳ ai ở trong bản có nhu cầu gửi con để đi làm ăn xa chị đều sẵn sàng trông giúp. Đương nhiên, sau này, khi ở đây có trường mầm non thì mọi việc cũng sẽ nhẹ nhàng hơn.

       Người Chứt vốn quen với cuộc sống di cư. Trước đây, khi đang còn ở lán tạm, nhiều cặp vợ chồng thường mang theo con đi rừng hàng tuần mới trở về. Thế nhưng, bây giờ, nhiều cặp vợ chồng thường đi về trong ngày, dài lắm cũng chỉ đi vài ba ngày là trở về rồi. Nhờ đó, việc học của con cái cũng được chu toàn hơn. Không còn cảnh thầy cô giáo phải đi tìm học sinh hay bộ đội biên phòng phải vào rừng tìm đem học sinh về đi học như trước đây nữa.

       Sửa soạn vội vã đồ nghề để đi rừng cho kịp trở về trong ngày, chị Hồ Mẹt cho biết: “Trước đây ở lán tạm nên ở trong rừng cũng chẳng khác gì về nhà nên những chuyến đi rừng của chúng tôi thường kéo dài cả tuần, thậm chí nửa tháng mới trở về. Tuy nhiên, bây giờ có nhà rồi, chúng tôi chỉ ở rừng vài ngày khi đi lấy mây thôi, còn đi lấy lá nón thì sẽ về trong ngày. Phải về để ở nhà đẹp chứ”. Nói rồi chị đeo gùi lên lưng và bước nhanh về phía con đường dẫn vào rừng.

       Một cuộc sống mới với những niềm tin, niềm hy vọng mới đang thầm lặng nảy mầm trong yên tĩnh Rào Tre. Chúng tôi lặng nhìn núi rừng đang tràn ngập sắc xanh và cũng không thôi nghĩ về lần trở lại trong một ngày không xa. Lúc đó, hy vọng bản mới sẽ có thêm nhiều công trình dân sinh khác, bồi đắp thêm niềm tin yêu cho đồng bào dân tộc Chứt…

P.A.H

. . . . .
Loading the player...