14-02-2021 - 07:27

Ghi chép CỎ XUÂN của Lê Văn Vỵ

Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu Ghi chép CỎ XUÂN của nhà thơ Lê Văn Vỵ

LÊ VĂN VỴ

CỎ XUÂN                      

                                                                     Ghi chép

Còn nhớ, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, lũ học sinh con em nông dân chúng tôi ước được nghỉ tết sớm để đi cắt cỏ cho trâu, bò. Với nhà nông “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Cả làng chỉ dăm chục con mà trâu bò vẫn đói. Lúa gạo cho người khan hiếm chẳng khác chi cỏ cho trâu bò. Vì vậy, để nghỉ ba ngày tết, nhà nông phải lên rừng kiếm cỏ. Ra đi từ tinh mơ, qua đò, vượt đèo, chúng tôi đến trảng cỏ nằm giữa thung lũng. Có lẽ ở trên cao, thiếu nước, ăn sương, gội gió nên cỏ già bạc phếch. Cả một trảng cỏ, lốm đốm, thiếu màu xanh non tơ. Gánh cỏ về nhà như gánh rơm rạ.

Thương trâu bò trệu trạo nhai cỏ khô, chúng tôi lại vào rừng tìm cỏ tươi xanh cho trâu bò ăn tết. Men theo khe suối, bươn bả lên sườn núi, chúng tôi mở đường để có thể cắt được những bó cỏ léch. Để có được một gánh cỏ, tay chân tứa máu. Nhưng bây giờ, quanh năm suốt tháng, người dân quê tôi không còn phải vào rừng cắt cỏ. Bạn đã có lần nào đi dọc đê Tân Mỹ Hà lên đến Sơn Kim, qua Sơn Lễ, Sơn An, vào Sơn Trường, Sơn Phú. Không chỉ hai bên đường, dưới chân núi, bên bờ ruộng, góc vườn đâu có đất trống, đồi trọc thì nơi đó cỏ lên xanh tốt. Không chỉ mùa xuân mà mùa hè, mùa thu hay mùa đông cỏ đều mơn mởn.

Hươu sao Hương Sơn ( ảnh Đậu Bình) 

Nghị quyết 01-NQ/HU“Về tăng cường lãnh đạo chỉ đạo phát triển ngành chăn nuôi trong giai đoạn mới”; Nghị quyết 02-NQ/HU ngày 28/12/2011 của Ban chấp hàng Đảng bộ huyện Hương Sơn về việc:“Tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trong thời gian tới” với định hướng quy hoạch phát triển chăn nuôi, vùng chăn nuôi tập trung; đưa chăn nuôi thành ngành chính trong sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất, hình thành các tổ hợp tác, Hợp tác xã, Doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất giống, thức ăn và tiêu thụ sản phẩm đã đột phá vào ngành chăn nuôi mở ra cho nông dân Hương Sơn một trang mới. Để cho Nghị quyết  đi vào cuộc sống, không chỉ là truyên truyền, vận động, không chỉ là tư vấn và hỗ trợ nguồn vốn mà còn là sự dấn thân vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng chính quyền địa phương. Còn nhớ, từ đồng chí Bí thư Huyện ủy, cho đến các đồng chí trong Mặt trận TQ huyện, các tổ chức quần chúng đặc biệt là Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bám sát cơ sở chỉ đạo cụ thể, sâu sát. Để cho Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, biến thành cơm, gạo áo tiền, bao nhiêu khó khăn mắc mớ phải gỡ. Mắc mớ về  cải tạo giống, huyện vào cuộc. Cả huyện mở hàng chục điểm thụ tinh nhân tạo tinh bò lai Zebu, trâu lai Murah, đồng thời bổ sung thay thế khoảng 10%  đàn giống lai Zebu, tiếp tục thanh lọc đàn bò đực giống địa phương chất lượng thấp không để  phối giống tự do vùng có tập quán thả rông, từng bước chọn lọc nâng cao chất lượng đàn nái sinh sản. Về giống dê bổ sung thay thế đực giống dê Bách Thảo, Ấn Độ để cải tạo chất lượng đàn.

Khi đã xác định con hươu là mũi nhọn chăn nuôi, huyện đã chỉ đạo lai xa, tránh đồng huyết, cận huyết. Công tác chọn giống để duy trì gien di truyền vô cùng quan trọng, nhất là lựa chọn những con đầu đàn khỏe mạnh, nhung tốt để lai giống là hướng đi đúng đắn. Cùng với cải tạo giống, những người nông dân được học nghề chăn nuôi trâu, bò, hươu. Các lớp học được mở ngay tại cộng đồng dân cư để nhân dân có thể học tại chỗ. Vì vậy, năm 2006 đàn hươu 22.000 con, thì năm 2020  tổng đàn đã đạt 36.900 con, tăng 17.900 con. Đàn trâu, bò, dê và gia súc, gia cầm cũng tăng trưởng đáng kể. Năm 2015, đàn bò đạt 27.000 con, đàn trâu 11.000 con, đàn dê 4.900 con thì năm 2020 đàn bò đã 38.000 con, đàn trâu 12.360 con, đàn dê đạt 12.653 con. Điều đáng nói là hàng chục trang trại và hàng trăm gia trại chăn nuôi kết hợp với trồng trọt đã ra đời. Nông dân Hương Sơn bây giờ đã mạnh dạn đầu tư, phát triển quy mô đàn gia súc theo hướng làm ăn lớn. Nhà anh Phan Văn Linh (Sơn Mai) phát triển đàn bò gần 100 con và gia đình cô Lê Thị Hương (Sơn Lâm) đầu tư chăn nuôi 75 con hươu, trong đó có 20 con nái… Đi từ Cánh Tàng lên Đại Kim, đặc biệt là hai bên bờ sông Ngàn Phố, những buổi chiều, đàn bò gặm cỏ bên bãi sông vẽ lên bức tranh về cảnh làng quê thanh bình.

Phát triển chăn nuôi đi liền với trồng trọt. Nghị quyết 01-NQ/HU đã xác định quy hoạch 2000 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả, đất bạc màu sườn đồi để trồng cỏ và trong năm 2007, toàn huyện đã trồng mới 262 ha cỏ. Dự tính giai đoạn 2017-2020, toàn huyện Hương Sơn chuyển đổi diện tích  trồng lúa sang ngô, màu, thức ăn chăn nuôi là 1.739 ha, trong đó năm 2017 chuyển đổi 447 ha; năm 2018 chuyển đổi 662 ha, năm 2019 chuyển đổi 441 ha và năm 2020 là 189 ha.Như vậy,  quy hoạch các vùng trồng cỏ đã có lộ trình, các bước thực hiện bài bản. Từ Nghị quyết đến đời sống là cả một quá trình, đòi hỏi cuộc “lột xác”, thay đổi về tư tưởng của người nông dân. Điều đó không phải một sớm, một chiều. Có những cánh đồng ở Sơn Tân, Sơn Lễ, Sơn An, Sơn Trung, Sơn Giang, Sơn Phú trồng lúa không cho hiệu quả kinh tế cao, nhân dân để  nuôi cỏ. Ở những thửa ruộng nước sâu,  cỏ chỉ mọc lan trên mặt nước mềm mại, như thảm. Ở những bãi đất hoang khô cạn, cỏ gừng, cỏ mật xanh tốt quanh năm. Cứ mỗi lần thu hoạch cỏ, nhân dân lại bón phân chăm cỏ. Ngày  xưa chăm lúa như thế nào, ngày nay chăm có như thế ấy!

Để đầu tư phát triển diện tích trồng cỏ, UBND huyện đã đầu tư 36 tấn cỏ giống VA6. Trung tâm chuyển giao Khoa học Công nghệ đã chớp thời cơ, nhân rộng 2 ha giống cỏ VA6 trên địa bàn xã Sơn Diệm, Sơn Giang ngay trong vụ xuân 2008. Cỏ VA6 thích hợp với khí hậu, đất đai Hương Sơn nên nhanh chóng phát triển. Chưa đến một năm, cỏ đã phủ xanh đất trống đồi trọc. Cỏ VA6 thích ứng mọi vùng đất và có sức chịu đựng với sương giá. Tháng 10/2020, bờ bãi hai bên bờ sông Ngàn Phố ngập lũ, ấy vậy mà, cơn lũ vừa đi qua, cỏ đã ngoi lên. Được nuôi dưỡng bởi phù sa Ngàn Phố, cỏ phởn phơ, tốt tươi, sinh sôi, nẩy nở…

Tại Sơn Lễ, từ khi Trang trại nuôi bò sữa của Xí nghiệp Vinamik triển khai dự án với đầu tư 150 tỷ đồng, quy mô tổng đàn trong tương lai 3000 con, (hiện tại 500 con giống bò sữa Úc), Xí nghiệp đã ký hợp đồng với bà con nông dân Sơn Lễ mua ngô nguyên liệu với giá 929.000đồng/tấn. Theo đó, mỗi héc ta ngô nguyên liệu mỗi năm thu 120 triệu đồng/ năm, còn một héc ta cỏ nguyên liệu thu 150 triệu đồng/ năm hiệu quả kinh tế gấp đôi trồng đậu, lạc, cho nên bà con nông dân Sơn Lễ và các vùng phụ cận đã  Hợp đồng với xí nghiệp chuyển đổi cây trồng trên diện tích để tăng thu nhập. Ở những xã khác, bà con cũng tính toán trồng ngô, trồng cỏ chăn nuôi gia súc thu nhập cao hơn trồng lúa, ngô, khoai, đậu lạc. Đó là chưa kể đến trồng cỏ từ kỹ thuật, công bỏ ra, chi phí đầu tư ít hơn rất nhiều so với trồng lúa, lạc, khoai…

Sau lũ, dọc hai bên bờ sông Ngàn Phố, ngô trải dài mượt mà xanh tốt. Đây là thứ thức ăn bổ dưỡng mà không chỉ hươu nai, trâu bò mà cả dê cũng rất khoái khẩu.

Từ cầu Cánh Tàng ngược lên Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Diệm, Sơn Tây, từ Sơn Lễ sang Sơn Trường ở bất cứ nơi đâu chúng ta cũng bắt gặp những cánh đồng cỏ xanh tốt. Cỏ xanh bờ ruộng, dưới đồng ven bãi. Cỏ khoác xanh non dưới chân đồi, xanh thẫm hai bên đường. Về Hương Sơn không chỉ núi non tái sinh trùng trùng điệp điệp xanh đến tận chân trời, không chỉ sông Ngàn Phố xanh trong như dải lụa, mà bạt ngàn cỏ xanh, trải mình trên mặt đất gửi đi thông điệp về sức sống về phát triển bền vững. Đặc biệt, cuối đông, đầu xuân, khi khí hậu ấm lên, sau những làn mưa bụi, cỏ đua nhau mà mởn mởn, non tơ. Những người nông dân ra đồng cắt cỏ không phải mang theo liềm mà mang theo máy cắt. Chỉ cần lia mấy vòng là đầy bì, đầy bao chất lên xe chở về nhà. Những chú bò, chú bê khoan khoái, ngốn những bữa tiệc cỏ ngon lành. Thú vị nhất là đàn hươu. Cỏ voi là món khoái khẩu của hươu nai. Nhìn những con hươu nhung nhai rau ráu những đốt cỏ voi rồi ngẩng đầu lên để lộ bộ lông vàng nâu mượt mà đã lốm đốm ánh sao. Trên đầu, cặp lộc là mầm xuân cũng vừa nhú. Ra xuân, bà con nông dân Hương Sơn lại vào vụ cắt nhung hưởng lộc trời ban tặng.

Từ Nghị quyết của Đảng đến màu xanh của cỏ, đến lộc hươu là trọn cả một vòng bay của cánh én báo hiệu mùa Xuân về.

                                                         Hương Sơn đầu xuân 2021

                                                                              L.V.V

. . . . .
Loading the player...