10-07-2020 - 21:01

GIỮ TRỌN NIỀM THỦY CHUNG

Hồng Lĩnh số đặc biệt chào mừng Đại hội Hội LHVHNT Hà Tĩnh Nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kỷ niệm 50 năm thành lập Hội trân trọng giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu văn hóa Thanh Minh, nguyên Chủ tịch đầu tiên của Hội sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh.

giữ trọn niềm thủy chung

Trích hồi ký của Nhà nghiên cứu văn hóa Thanh Minh

(tức Nguyễn Hưu, nguyên Chủ tịch đầu tiên của Hội sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh)

 

Năm 1949, đang là Trưởng ban Thông tin xã (lúc này đã gọi là thông tin), tôi được điều lên công tác ở Ty thông tin tỉnh Hà Tĩnh, sống hẳn vào đồng tiền trợ cấp thuộc biên chế bộ máy Nhà nước. Tôi li dị hẳn với cây dao cầu, với tất cả lý luận của Trường Sa, phương thang của Hải Thượng, mang xắc lên Ty. Hồi này, Ty có một cái máy thu thanh cỡ lớn. Không có điện. Không có pin. Chẳng có ắc-quy…! Hàng ngày, buổi sáng, buổi tối người ta mở đài được là nhờ “cỗ máy” xe đạp, do hai lao công gò lưng, cùng đạp cật lực để phát điện. Đồng chí phụ trách lấy tin, đánh máy thành nhiều bản, cả bản tin sáng và bản tin chiều, gửi lên Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh cùng gửi cho một số các đồng chí lãnh đạo có trọng trách. Hồi này Tỉnh ủy, Ủy ban cũng như các đồng chí lãnh đạo chưa có ai có máy thu thanh riêng. Những bản tin đánh máy này là bản tin mật!

Tôi lên Ty, được giao công tác biên tập và văn nghệ. Tôi đọc bản tin mật, đánh máy gạch bỏ đi tất cả những tin xấu, xuyên tạc, thiếu chân thực của các đài BBC, đài Pháp Á… còn những mẩu tin của đài ta, thì tôi đánh dấu chữ nhân, rồi chuyển đến bộ phận in đá li-tô, in thành nhiều bản, gửi về tận xã. Những bản tin ban đêm đọc ở xã, ở xóm chính là những bản tin này. Giá có lúc nào đó, để sổng một mẩu tin xấu, in đưa xuống, y như là người truyền tin phải chịu trách nhiệm, phải chịu sự kiểm điểm ngay. Hồi chiến dịch biên giới, địch có đưa một thông báo thừa nhận sự thất bại của chúng trong chiến dịch. Tôi nghĩ rằng cho in nguyên văn cái thông báo ấy là sẽ tăng được niềm tin cho quần chúng vào thất bại của địch. Không dè khi in li-tô ra rồi. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy bắt thu hồi, hủy đi và kiểm điểm tôi tại sao cho in thông báo của địch, tuyên truyền cho địch. Cạch đến già!

Còn văn nghệ thì tôi đã làm như thế nào? Tôi làm ca dao, làm hò, làm đoạn vè dặm ngắn, cả những bài thơ… để cho in vào các bản li-tô… gửi về ở xã, xóm, sau khi đọc tin, hứng lên anh chị em thường hò hát kể vè, đọc ca dao… chỉ có thế thôi mà bà con thích đáo để.

Trong các buổi phát thanh trên cành cây cao, bà con xúm nhau, đông đảo dưới gốc cây, chăm chú nghe từng mẩu tin, nghe từng câu hò rất say sưa và bàn tán sôi nổi. Thêm nữa, ở Ty còn có anh Lê Bá Tuân là một cán bộ tuyên truyền lưu động từ thời khởi nghĩa (1945) có khả năng làm vè, kể vè, vè cổ, vè kim, vè cũ, vè mới… anh nhớ thuộc lòng. Cuộc họp nào có anh đến tức là có vè. Chẳng thế mà người ta đã tặng anh một cái tên dí dỏm: Lê Bá Vè! Nay Lê Bá Vè đã mất rồi, đã mất từ lâu. Anh không kịp thấy được đội ngũ cán bộ văn hóa văn nghệ sau đó.

Từ cái ấu trĩ bước đầu của hoạt động tuyên truyền, văn hóa văn nghệ chúng ta mãi mãi đi lên, không ngừng trưởng thành, để dần dần có những mùa hoa, mùa trái xum xuê phong phú…Từ một anh Thanh Minh bẻ hò, làm thơ, từ một anh Lê Bá Vè hát dặm, dần dần Ty đã tập hợp và tổ chức được một đội văn nghệ lưu động gồm sáu, bảy diễn viên nam nữ. Đội ngũ này không ngừng phát triền cả về số lượng và tài năng.

Có một điều không thể quên là qua từng bước trưởng thành, cái tên của cơ quan này cũng không ổn định. Ở Trung ương thì từ đầu có Bộ Tuyên truyền. Lúc bỏ Bộ tuyên truyền thì công tác tuyên truyền lại thuộc về Bộ Nội vụ. Còn ở tỉnh thì thật là người ta không nhớ kịp được cái tên! Lúc thì Ty tuyên truyền, khi là Ty thông tin tuyên truyền, khi lại Ty tuyên truyền và văn nghệ (có thêm chữ và) rồi mãi về sau dịnh hình và rút gọn thành Ty thông tin. Mà mỗi lần đổi tên có phải đơn giản đâu. Trước hết Ty phải tổ chức cho cán bộ công nhân viên nghiên cứu học tập thông báo đổi tên của Bộ, rồi phải in lại giấy ăng-tét, đúc lại con dấu. Tuy nhiên, cái rắc rối nhất vẫn là cán bộ các ngành khác, kể cả một số cán bộ lãnh đạo ở Tỉnh ủy, Ủy ban vẫn không bao giờ nhớ kịp và gọi cho đúng cái tên của Ty qua từng lúc. Mãi đến khi cái tên đã được định hình là Ty thông tin rồi mà có đồng chí cứ gọi là Ty tuyên truyền, thậm chí có người còn gọi là Ty văn nghệ…

Cho đến năm 1955, Bộ Văn hóa được chính thức thành lập. Rồi ở tỉnh cũng lại phải có Ty văn hóa. Về tính chất, nhiệm vụ, Ty Văn hóa hoàn toàn khác Ty Thông tin. Tuy nhiên về cơ sở vật chất, về con người…, thực chất Ty Văn hóa là cơ cấu sẵn có của Ty Thông tin chuyển sang.

Tôi vẫn làm công tác văn nghệ. Lúc này lực lượng chỉ đạo văn nghệ ở Ty đã được tăng cường. Bộ phận làm công tác văn nghệ đã có người làm thơ, viết kịch, đã có nhạc sĩ, nhạc công, đã có họa sĩ, người kẻ vẽ, đã có người sáng tác và người biểu diễn. Do cơ cấu tổ chức mới, được Bộ Văn hóa hướng dẫn, Ty đã hình thành các phòng: phòng Thông tin, phòng Văn hóa đại chúng, phòng Văn nghệ quần chúng, phòng Bảo tồn bảo tàng, phòng Thư viện… Quản lí chung thì có phòng Kế hoạch, phòng Hành chính…

Tôi được giữ chân trưởng phòng Văn nghệ quần chúng, hướng dẫn mọi mặt công tác sáng tác văn học và biểu diễn nghệ thuật, động viên phong trào sáng tác và biểu diễn ở cơ sở, xây dựng các tổ văn nghệ, đội chim xanh ở cơ sở…Đội văn nghệ lưu động của Ty cũng nằm trong phòng. Hiện đã hình thành bước đầu các tập thơ ca, vũ, nhạc, kịch…Về sáng tác, in ấn, hàng tháng, phòng văn nghệ quần chúng đã soạn thảo và cho in được các tập thơ ca, hò vè gửi cho xã.

Đội văn nghệ lưu động không ngừng trưởng thành, được bổ sung thêm lực lượng nghệ thuật, đã chuyển thành Đoàn văn công chuyên nghiệp, trực thuộc sự chỉ đạo của Trưởng phó Ty. Với phòng văn nghệ lúc này, Đoàn chỉ còn quan hệ nghĩa tình phối hợp nữa mà thôi. Lực lượng văn nghệ ở cơ sở xã xóm, cơ quan, xí nghiệp cũng đã được hình thành. Riêng trong lĩnh vực sáng tác, số người tham gia ngày càng đông đảo đã được đoàn kết tập hợp xung quanh phòng văn nghệ.

Ấn phẩm văn học của Ty bây giờ đã có những tập thơ văn đàng hoàng, đảm bảo số lượng trang và chất lượng văn học. Đã có những tập thơ văn chuyên đề: về thủy lợi, giao thông, tiết kiệm, phụ nữ ba đảm đang, quân sự, thương binh xã hội v.v…

*

Từ ngày về Ty (cuối năm 1949) sang đầu năm 1950, tôi đã bước đầu tham gia hoạt động chi bộ và công đoàn. Và công tác ấy đã được kéo dài trong nhiều năm.

“Sáu khóa liền bí thư chi bộ,

Và sáu năm thư ký Công đoàn!

Rồi lăng xăng trưởng phòng, trưởng tổ

Nghề này đeo đuổi cũng bền gan…” (1)

Tuy không là trưởng, là phó Ty, nhưng tôi luôn được các ngành coi như thổ công của cái cơ quan Văn hóa này. Mỗi lần trưởng, phó đi vắng ngắn ngày hoặc dài ngày, tôi lại được nhận lấy cái chức “quyền” để ký giấy tờ và điều hành mọi công việc:

“Chẳng vương, chẳng bá, chẳng là ông

Mà vẫn nhiều phen được giữ cồng…” (1)

Nếu trước đây, cái tên của Ty được thay đi đổi lại “xoành xoạch” người ngoài không kịp nhớ, thì sau này,  từ khi hòa bình lập lại trên nửa nước, Thông tin và Văn hóa lại cứ chia hai, nhập một, nhập một rồi lại chia hai… Lúc đầu, Thông tin được tách ra, chuyển hẳn thành một phòng trực thuộc Ủy ban. Lần đầu phải chia con, chia của… tạm biệt nhau! Rồi phòng Thông tin được chuyển thành Ty Thông tin, Ty Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, còn Ty Thông tin lại thuộc Tổng cục Thông tin ở Bộ Nội vụ. Hòa bình lập lại, Thông tin lại trở về Văn hóa. Và lúc này, ty đã mang tên mới là Ty Thông tin Văn hóa. Riêng công tác thu tin, phát tin thì từ gần đây, tỉnh đã cho phát sóng, xây dựng đài truyền thanh, tách hẳn khỏi Ty Thông tin.

Lực lượng Văn công Hà Tĩnh, cho đến ngày hợp nhất hai tỉnh đã có đoàn ca múa nhạc, các đoàn kịch thơ và kịch nói… bao gồm hàng trăm cán bộ và diễn viên có trình độ. Về sáng tác văn học, hồi đang còn cái Liên khi IV, tôi cũng đã tham gia Ban chấp hành Hội sáng tác văn nghệ Liên khu IV. Rồi Liên khu IV được giải thể, Hội sáng tác văn nghệ ngừng hoạt động, trả hội viên về cho các tỉnh. Các tỉnh về vun vén vườn nhà, lo đoàn kết tập hợp lực lượng của mình. Trong đà chung của các tỉnh trong Liên khu IV cũ, lực lượng sáng tác văn nghệ của Hà Tĩnh cũng đã được tập hợp. Nhân tố các bộ môn nảy nở phong phú. Trước yêu cầu đòi hỏi tập hợp lực lượng, từ năm 1965 - Hà Tĩnh ráo riết chuẩn bị thành lập Hội sáng tác văn nghệ. Cho đến đầu năm 1969, đại hội văn nghệ toàn tỉnh Hà Tĩnh lần thứ nhất, đã tuyên bố thành lập Hội sáng tác văn nghệ tỉnh và bầu ra Ban chấp hành. Tôi được bầu làm Hội trưởng. Sau đó một năm, Hội sáng tác bắt đầu kết nạp hội viên mới trong lực lượng diễn viên, để sang đại hội văn nghệ lần thứ hai (1972), Hội sáng tác văn nghệ toàn tỉnh được chuyển thành là Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh, gọi tắt là Hội Văn nghệ. Tôi tiếp tục được bầu làm Hội trưởng.

 Nhà nghiên cứu văn hóa Thanh Minh và các văn nghệ sĩ gặp gỡ, trao đổi với Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBHC tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Chương những ngày đầu mới thành lập Hội. Ảnh: Tư liệu

Tôi vào làng văn nghệ, văn hóa từ năm 1946. Cho mãi đến năm 1976, tôi vẫn ngồi một nơi, làm một công việc, không thay đổi nhiệm vụ, không xê dịch vị trí một chút nào cả. Nghệ Tĩnh hợp nhất, hai Hội nhập lại, tất nhiên thừa ra một Hội trưởng, tôi được về nghỉ hưu song vẫn giữ trọn niềm chung thủy với ngành.

“Từ năm bốn mươi sáu tới đây,

Năm nay bảy sáu, chia tay ra về!

Ba mươi năm, mảnh tình quê

Nước non giữ trọn lời thề thủy chung…”(2)

Suốt ba mươi năm trời ròng rã, tôi chỉ ở một nơi, làm một việc, tôi càng thấy anh chị em trong ngành đoàn kết, thân yêu nhau như con một nhà:

“Biết bao chua ngọt mặn nồng

Ấm êm có bạn, lạnh lùng nương nhau!...”(2)

Ở ăn thân ái, làm việc nhiệt tình, lâu dần, trước tình cảm cách mạng chân thành, mênh mông, bao la bát ngát ấy, tất cả anh chị em hầu như đã quên hết mọi nỗi niềm ưu tư, suy nghĩ về vun vén cho mình.

Tất cả là thương yêu, sòng phẳng, thẳng thắn nhờ thế mà mọi nhiệm vụ được hoàn thành tốt, nhờ thế mà đội ngũ trưởng thành, đông đảo, mật thiết như hôm nay. Nhìn lại cả một chặng đường dài, tôi vui mừng đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tinh thần Việt Minh, phong cách Việt Minh đã thôi thúc nhiệt tình cách mạng, đã nâng cao nỗi tự hào, đã gắn bó niềm thủy chung của tất cả. Nay - từ nơi tuyến sau nhìn lên phía trước, thấy anh chị em trưởng thành về mọi mặt, số lượng, chất lượng, kiến thức, trình độ, tài năng và nhiệt tình. Mừng… vui… tin… tin vào lực lượng con người mới, tin vào cái sung sức của ngành ta, của tất cả anh chị em chúng ta. Tôi muốn có một sự chuyển tiếp giữa thế hệ này, thế hệ khác. Tôi không muốn có một khoảng cách nào không cần thiết trong sự chuyển tiếp ấy. Tôi cứ tâm tâm, niệm niệm một điều là mong anh chị em sung sức đang ở tuyến trước hãy chấp nhận cho một đôi phần cái ý thức Việt Minh, cái tinh thần, cái phong cách Việt Minh của những người đã lui về tuyến sau này, mãi mãi giữ được niềm thủy chung trong sáng tuyệt vời…

Tháng 4 - 1985

_________________

* In “Văn hóa Nghệ thuật Nghệ Tĩnh” số 4 + 5 tháng 10 – 1985

(1) Trích một số khổ thơ trong bài “Tạm biệt” của Thanh Minh

(2) Trích một số khổ thơ trong bài “Mùa xuân thứ sáu mươi lăm” của Thanh Minh

. . . . .
Loading the player...