13-09-2023 - 01:08

Họ Hà Tiên Điền và phó bảng Hà Văn Đại

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Họ Hà Tiên Điền và phó bảng Hà Văn Đại” của tác giả Nguyễn Tùng Lĩnh

Họ Hà đến định cư ở vùng đất Hà Tĩnh từ thời Trần, lúc đầu chọn đất Kỳ Hoa, trấn Nghệ An để sinh cư lập nghiệp. Thủy tổ của dòng họ là Hà Mại (1334-1410), vốn là khai quốc công thần đời Trần. Đến thời thuộc Minh thì họ Hà chuyển về xã Tỉnh Thạch, huyện Thiên Lộc, nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc. Cuối thế kỷ XV, họ Hà Tỉnh Thạch có Hà Công Trình đỗ Hoàng giáp năm Quang Thuận thứ 7, đời Lê Thánh Tông (1466). Cũng từ đây dòng họ Hà ở Hà Tĩnh bắt đầu phát triển thành nhiều chi họ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, ra cả Thanh Hóa và nhiều nơi trên cả nước. Sau khi Hà Công Trình đỗ đạt thì họ Hà ở Hà Tĩnh cũng bắt đầu phát triển rực rỡ về khoa bảng.

Nhà thờ Họ Hà - Tiên Điền, huyện Nghi Xuân

Họ Hà ở xã Tiên Điền (thị trấn Tiên Điền ngày nay) cũng là một chi họ thuộc họ Hà gốc Tỉnh Thạch. Chi họ này ban đầu đến định cư ở Bảo Kệ (Nghi Xuân) vào năm 1584. Sau đó, đến đời thứ tư thì chuyển đến giáp Đông (cũng thuộc huyện Nghi Xuân), lập nên chi họ Hà ở thị trấn Tiên Điền ngày nay.

Gia phả của dòng họ chép: “Họ Hà ta phát tích từ Lạc Dung thuộc Kỳ Hoa. Mộ tổ táng tại bãi cát Ly Hương ở phía trước núi Phượng Hoàng. Cụ thủy tổ húy Mại, là khai quốc công thần nên con cháu đời đời được tập ấm. Về sau chi phái rất đông đúc, và cũng di chuyển nhiều nơi… Một chi họ ở thôn Bảo Khế xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân, rồi từ Bảo Khế lại có chi chuyển đến giáp Đông, chính là chi họ ta… Ngày nay, ta chọn được đất tốt, tìm được long mạch, nên đã cải táng phần mộ tổ tiên. Sau khi hoàn thành công việc ấy, lại biên chép lại thế thứ dòng họ một cách rõ ràng, để làm bằng cứ cho con cháu muôn đời về sau1.

Kể từ ngày chuyển đến giáp Đông đến nay, dòng họ Hà ở Tiên Điền đã có 16 đời. Từ một số hộ gia đình nhỏ nay đã phát triển thành một dòng họ lớn với nhiều thành viên, nhiều gia đình, tỏa đi muôn phương, sinh sống ở nhiều nơi trong cả nước. Ngay từ thời quân chủ, dòng họ đã lập ra ruộng học và đề ra quy ước: con cháu sau này nếu có người thi đỗ thì hội đồng chiếu theo tiền hoa lợi của ruộng học đã đặt này để mừng. Trúng bảng ất kỳ thi Hương thì mừng ba mươi quan tiền, trúng bảng giáp kỳ thi Hương thì mừng bốn mươi quan tiền, trúng kỳ thi Hội thì mừng trên dưới năm mươi quan tiền. Mọi lễ mừng đều chuẩn bị trầu cau, rượu, tiền, đồ chay, quần áo. Trước hết, đến bái yết ở nhà thờ họ, sau đó mới đến nhà người thi đỗ để chúc mừng. Chỉ có những đối tượng như trên mới được ăn ruộng học. Trúng bảng ất thì mỗi năm mỗi vụ được hai gánh lúa, mỗi gánh sáu bó; bảng giáp thì mỗi vụ được hai gánh lúa, mỗi gánh tám bó; trúng Hội thí thì mỗi vụ được ba gánh, mỗi gánh có từ sáu đến tám bó tùy ý.

Cũng chính từ truyền thống tốt đẹp này nên dòng họ Hà - Tiên Điền đã động viên được con cháu phấn đấu học tập, lấy việc học để lập thân lập nghiệp. Rất nhiều danh nhân, người con ưu tú của họ Hà - Tiên Điền đã học hành thành đạt, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước, trong đó có Phó bảng Hà Văn Đại.

Hà Văn Đại sinh năm 1896, trong một gia đình trí thức Nho học ở xã Tiên Điền, nay là thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ là Hà Văn Kỳ, một nhà Nho yêu nước, đã có nhiều hoạt động tích cực ủng hộ bí mật cho cuộc vận động Đông Du và phong trào chống thuế năm 1908. Cụ Hà Văn Kỳ đã từng bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam.

Lúc còn nhỏ, Hà Văn Đại theo học chữ Hán với cha và các thầy đồ trong vùng Nghệ Tĩnh, rồi sau được gửi vào Huế tiếp tục học chữ Hán và cả chữ Pháp. Năm 1915, ông đỗ Cử nhân khoa Ất Mão tại trường thi Hương ở Nghệ An; năm Khải Định thứ tư, năm Kỷ Mùi (1919) ông đỗ Phó bảng. Đây cũng là khoa thi Đình cuối cùng của triều Nguyễn, kết thúc một thời kỳ gần 900 của nền giáo dục và khoa cử Nho học nước nhà.

Khoảng năm 1925, sau khi Phan Bội Châu bị thực dân Pháp đưa về an trí ở Huế, cụ Phan Châu Trinh cũng về nước, phong trào đấu tranh chính trị ở cả ba miền bùng lên sôi nổi, Hà Văn Đại bắt liên lạc với những trí thức tân học như Võ Liêm Sơn, Lê Ấm (con rể cụ Phan Châu Trinh), Nguyễn Đình Ngân (đốc học), Đặng Chánh Kỳ (thầy giáo), Đào Duy Anh (học giả, nhà báo) cùng nhau lập nhóm tọa đàm về thời cuộc, thảo luận về văn thơ yêu nước của cụ Phan Sào Nam.

Cuối năm 1926, được Võ Liêm Sơn và Đào Duy Anh giới thiệu, Hà Văn Đại tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Tuy nhiên do sớm bị lộ nên những dự định, kế hoạch của Hà Văn Đại không thực hiện được. Ông quay trở về con đường công chức nhưng không tham gia đảng phái chính trị nào. Năm 1943, khi đang giữ chức Án sát ở Thanh Hóa, một số người thân Nhật ở địa phương muốn lợi dụng uy tín của Hà Văn Đại đã ra sức vận động ông vào đảng Đại Việt, nhưng ông kiên quyết từ chối. Ông đã thể hiện lòng yêu nước thương dân theo cách của mình như ngầm giúp đỡ những người tù chính trị bị giam giữ, ngăn cản sự đàn áp của địch trong khả năng có thể.

Năm 1945, khi nạn đói ngày càng trầm trọng, Hà Văn Đại đang làm Bố chánh Nghệ An đã tích cực tham gia cứu đói. Ngoài việc cứu tế chung cho Nhân dân trong tỉnh, ông tìm cách lo cho được 2,6 tấn gạo chở về Tiên Điền góp phần chống đói cho người dân xã nhà.

Đầu tháng 8/1945, chính phủ Trần Trọng Kim phế truất Tuần vũ Hà Tĩnh là Nguyễn Khoa Nghi và Bố chánh Hà Tĩnh là Đặng Thành Đôn vì tội tham nhũng và bất lực, Hà Văn Đại được điều về làm Tỉnh trưởng tỉnh Hà Tĩnh. Đây là thời kỳ Việt Minh liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh khẩn trương giành chính quyền. Sách Từ điển Hà Tĩnh đã viết “Hà Văn Đại có cảm tình với Việt Minh nên (ông) tạo điều kiện thuận lợi cho việc bàn giao chính quyền cho cách mạng”.

Tháng 02/1946 Hà Văn Đại được mời ra nhận chức Chánh án tòa án Đệ nhị cấp Hà Tĩnh với nhiệm vụ tổ chức lại bộ máy tư pháp và phụ trách công tác xét xử của Tòa án trong tỉnh. Ngoài cương vị Chánh án tòa án tỉnh, Hà Văn Đại đã được bầu làm Chủ tịch “Hội Binh sĩ bị nạn tỉnh Hà Tĩnh” (1946-1947), Hội trưởng “Hội Công chức kháng chiến” huyện Đức Thọ (1947); ông gia nhập Đảng Xã hội Việt Nam (1955).

Sau ngày hòa bình lập lại (1955), Hà Văn Đại được điều ra Hà Nội làm thẩm phán Tòa án nhân dân phúc thẩm Hà Nội, sau đó chuyển về Ban nghiên cứu pháp luật Bộ Tư pháp. Đầu năm 1960, Hà Văn Đại chuyển sang Viện Văn học làm công tác nghiên cứu văn học cổ, cận đại Việt Nam. Ông đã tham gia biên dịch nhiều tác phẩm như: Thơ văn Nguyễn Thượng Hiền, Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn, Thơ văn Lý - Trần, Thơ văn yêu nước Việt Nam, dịch sách triết học Hiển học Khổng - Mặc của Hầu Ngoại Lư (Trung Quốc).

Đánh giá công lao và đóng góp của Hà Văn Đại, Bộ Tư pháp đã tặng ông Huy hiệu Kháng chiến (1951), Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì (1961)… Phó bảng Hà Văn Đại qua đời ngày 4 tháng 6 năm 1964 tại Hà Nội, thọ 68 tuổi. GS Cao Xuân Huy đã đánh giá: “...Dưới thời Pháp thuộc, vì hoàn cảnh bắt buộc, bác Hà Văn Đại phải gượng ép ở trong hàng ngũ quan lại Nam triều, nhưng bác là một ông quan hết sức chính trực và liêm khiết. Đối với chế độ hồi đó, bác là người đồng sàng mà dị mộng. Đối với Nhân dân, bác một dạ yêu thương. Sẵn sàng có một phẩm chất đạo đức tốt đẹp như vậy cho nên bác đã dễ dàng đến với cách mạng”.

Cùng với Phó bảng Hà Văn Đại, dòng họ Hà - Tiên Điền còn có rất nhiều người đỗ đạt, thành danh trên nhiều lĩnh vực, tiêu biểu như Tú tài Hà Văn Châu (1894-1955), GS.TS.Thầy thuốc Nhân dân Hà Văn Mạo (1928-2016), Đại tá. PGS.TS.BS Hà Văn Ngạc (1928-2006)… và đặc biệt là Giáo sư Hà Văn Tấn - một trong “tứ trụ” của nền sử học Việt Nam hiện đại cùng với các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng.                                  

Điểm qua một vài nét về dòng họ Hà ở Tiên Điền có thể thấy, cùng với dòng họ Nguyễn Tiên Điền, họ Đặng, họ Ngụy, họ Lê - Tiên Bào, họ Hà - Tiên Điền đã có nhiều đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương đất nước, tạo ra nhiều dấu ấn, di sản văn hóa tốt đẹp. Dù đã có lúc phải chịu nhiều thăng trầm, biến cố trong cuộc sống nhưng họ đều biết vượt qua, vươn lên để khẳng định mình. Lịch sử của dòng họ Hà - Tiên Điền trong thời cận hiện đại rất phong phú, sinh động, phản ánh khá chính xác lịch sử Hà Tĩnh cũng như Việt Nam một thời đã qua./.

N.T.L


________________

1. Gia phả họ Hà - Tiên Điền, PGS.TS Đặng Hồng Sơn dịch.

. . . . .
Loading the player...