13-08-2020 - 06:20

KHÚC THU CHÍN MUỘN

Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Lê Quốc Hán về một cây bút thơ khá sung sức, một giọng thơ có nhiều đổi mới, sáng tạo trong những năm gần đây - tác giả Phan Trọng Tảo

                             KHÚC THU CHÍN MUỘN

                                                       Rồi bất chợt sau đêm dài lặng sóng

                                                           Mở mắt ra ta gặp được Cuộc đời…

                                                                                       Phan Trọng Tảo

 

     Tác giả Phan Trọng Tảo sinh năm Canh Thìn (1940) tại Thạch Văn, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Hội viên Hội Văn Học Nghệ Thuật Hà Tĩnh. Tác giả của bốn tập thơ: Mùa hoa Plang nở, Thời gian xanh, Khúc thu của lá, Giờ này đang thu. Ông đã nhận được các giải thưởng văn học: Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (2014) và Giải thưởng VHNT Nguyễn Du (2015) cho thi tập Khúc ru của lá. Giải thưởng trong các cuộc thi Kỷ niệm 50 ngành Bưu điện (2001) và Kỷ niệm 170 Hà Tĩnh (2003).

    Sau khi tốt nghiệp Khoa hóa – Trường Đại học Sư Phạm Vinh - rồi vào tham gia chiến đấu ở Chiến trường B, ông xuất ngũ và về giảng dạy ở Trường Trung học phổ thông Kỳ Anh. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã nổi tiếng là một thầy giáo dạy giỏi và mẫu mực, được bạn bè đồng nghiệp nể phục, được phụ huynh tin cậy và học trò yêu mến. Nhưng mọi người còn biết ông là một người đam mê văn chương, đặc biệt là thi ca. Ngay từ khi còn là lính chiến trường, ông  đã có thơ đăng. Năm 1975, ông tập hợp các bài thơ ấy, chọn lấy những bài tâm đắc nhất và trình làng tập thơ đầu tay “Mùa hoa Plang nở” (NXB Đăk Lăk, 1977). Trở lại cầm phấn, mặc dù khá bận rộn về chuyên môn, ông vẫn tiếp tục sáng tác đều và có nhiều thơ đăng ở trên các báo và tạp chí văn nghệ Trung ương và Địa phương. Ông cũng rất nhiệt tình tham gia xướng họa trong các dịp tết nhất hay kỷ niệm các ngày lễ lớn do Câu lạc bộ thơ Đường Luật của Trường và Huyện nhà đề xướng. Cũng như đa số các bạn thơ cùng thế hệ phần nhiều theo một giọng đồng ca đều đều, ít gây được ấn tượng mạnh, chưa thoát khỏi xiềng xích xu hướng “thơ minh họa” thịnh hành một thời. Tuy nhiên, bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt sau đây của ông tôi nghe một lần là thuộc: Không sợ đông giá rét/ Không sợ gió bão xô/ Sợ làn mi em ướt/ Sóng lòng anh trắng bờ (Sợ). Bài thơ này nổi tiếng đến nỗi bạn bè gọi đùa ông là “Thi sĩ sợ”. Ít lâu sau, ông còn có bài thơ lục bát tứ tuyệt “Đi tìm” đăng trên báo Văn nghệ cũng khá hay: Chớp như dao rạch tầng không/ Đám mây nguyên thủy cầu vồng rẽ đôi/ Tôi đi tìm lại một người/ Một người đã ướt dưới trời mưa mưa dông. 

     Đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, thi ca Việt Nam dần lột xác, vừa trở về cội nguồn trong trẻo đầy chất trữ tình của thi ca truyền thống của dân tộc, vừa tiếp nhận có chọn lọc những tinh hoa của thi ca nhân loại. Thơ đòi hỏi “lạ hóa”, giàu trí tuệ hơn. Trong dòng chảy đó, tác giả Phan Trọng Tảo đã có những cố gắng đáng kể để làm mới thơ mình. Không chỉ dừng lại ở mô tả cuộc sống thường nhật, mà từ những hiện tượng riêng lẻ, cụ thể, cố gắng tìm ra những quy luật chung chi phối chúng: Trời đêm thì đen/ Ngọn đèn lại đỏ/ …/ Ngọn đèn bé nhỏ/ Thắp sáng tâm hồn (Ngọn đèn); Khi tát cạn biển cả/ Nhặt lại chiếc kim rơi/ Khi tát cạn tình đời/ Thu về toàn bất hạnh (Không đề); Trang vở ngày ấy mở/ Ngăn ngắt tím trang đời/…/ Bông cúc quỳ khép lại/ Mùa thu thay áo rồi (Một câu thơ đang viết). Khi đã sống quá “một vòng can – chi”, ông mới trình làng tập thơ thứ hai “Thời gian xanh” (NXB Hội nhà văn, 2003), đủ biết ông là người cẩn trọng. Tập thơ gồm 63 bài, đúng bằng tuổi ông lúc ấy. Phần nhiều là những bài được ông sáng tác vào mùa thu của đời mình. Mặc dù trong các bài thơ của thi tập, chỉ có hai bài thơ (“Sám hối thu” và “Thu ơi!”) từ thu xuất hiện trong tiêu đề bài thơ, nhưng trong những bài thơ khác, nhất là những bài thơ về thời gian, người đọc linh cảm gió lạnh heo may đã thổi sau lưng người thơ, và những chiếc lá mùa thu lốm đốm vàng đã bắt đầu rơi trước mặt: Chưa kịp cắm hoa cho tuổi mới/ Trời sau lưng đã uốn gãy vầng trăng. Người thơ không khỏi sửng sốt, ngỡ ngàng khi thu đến nhanh thế: Bấm đốt ngón tay mấy lượt tưởng nhầm/ Thoáng đã bước qua mùa thu cũ. Và người khao khát: Như giọt rượu Thanh minh, như nước mắt/ người muôn sau gửi cỏ về trời (Happy birthday). Người thơ ngỡ như đứng trước ngã ba đường, khi vội vàng “Sám hối trước chiều thu”: Xin nhắm mắt để thời gian trút áo/ Phanh ngực rộng để trái tim rũ bụi/ Mùa thu ơi, mùa thu tím chân mây; Khi ao ước: Ta thay áo cho mùa thu đến sớm. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn mình, người thơ biết mỗi ngày thu đi qua là một ngày quỹ thời gian của mình bị rút ngắn lại, nên không thể không bồi hồi thốt lên: Sáng nay mưa trời đã thu rồi/ Cúc quỳ nở ngang tầm tay với/ Ta giật mình thảng thốt: Thu ơi! (Thu ơi!). 

     Một điều dễ nhận thấy là đa phần các bài thơ trong “Thời gian xanh” viết theo lối truyền thống. Thơ lục bát chiếm gần một phần ba (18 bài). Các bài thơ dạng “hình chữ nhật” cũng chiếm một tỷ lệ tương tự: 20 bài (Thơ bốn chữ: 4, Ngũ ngôn: 6, Thất ngôn: 1, Tám chữ: 4 và năm bài thơ tám chữ có xen một đôi câu bảy chữ). Về lý thuyết, viết theo lối thơ truyền thống vẫn có thể rất hay, rất hiện đại. Nhưng thực tế, viết theo các thể thơ này thường sàn sàn ở  mức đọc được, khó “lạ hóa” bất ngờ. Tuy nội dung quyết định hình thức, nhưng đôi khi hình thức chắp cánh cho nội dung bay cao, bay xa.

     Không biết có phải sau khi nghỉ hưu, ra sống ở Thành phố Hà Tĩnh, vừa có thời gian tập trung cho thơ, vừa có điều kiện giao lưu nhiều hơn với giới văn nghệ sĩ “gạo cội” của tỉnh nhà hay không, mà mươi năm gần đây, thơ Phan Trọng Tảo bỗng có một sự “lột xác” bất ngờ. Thơ ông trở nên hiện đại hơn, trí tuệ hơn, và như có người nhận xét: “Tây hơn”. Ông thiên về sử dụng thể loại thơ tự do với những câu dài ngắn khác nhau, cách gieo vần rất phóng khoáng dẫu vẫn giữ và nâng cao được nhạc điệu trong từng bài thơ. Hãy lấy vài con số trong hai thi tập gần đây để thấy rõ. Trong “Khúc thu của lá” (NXB Hội nhà văn, 2013) chỉ có 6 bài thơ lục bát, bằng một phần ba trong “Thời gian xanh”; các bài thơ dạng “hình chữ nhật” mỗi loại chỉ có một bài; còn trong “Giờ này đang thu” chỉ vẻn vẹn có hai bài thơ lục bát (Người con của đáLàng xưa); các bài thơ dạng “hình chữ nhật” hoàn toàn vắng mặt. Ở hai tập thơ này, chủ điểm mùa thu vẫn được khai thác nhưng sâu sắc hơn, mang tính triết học cao hơn: Bầu trời nhiều màu sắc hơn ta tưởng rất nhiều/ Gió cũng vô cùng, gió cũng thổi rất nhiều/ Và như thế mới hiểu thế nào là tình yêu, cuộc đời và lẽ sống/ và mới hiểu đời là chiếc chăn không rộng lắm.  Người thơ đã nhận thức, ra, hay nói như ngôn ngữ Phật giáo, đã “ngộ” ra: Cả thiên hà rồi sẽ lảo đảo một cuộc chơ/ Và như thế cả Thiên hà xao động/ Rồi bất chợt sau đêm dài lặng sóng/Mở mắt ra ta gặp được Cuộc đời (Cảm thức cuộc đời). Người thơ không còn hốt hoảng vì mùa thu sẽ nhanh chóng trôi qua, thời gian hiện sinh sẽ nhanh chóng trôi qua không để lại dấu vết và hằng vững tin: Chiếc lá thời gian xanh mãi trong đời (Chiếc lá thời gian). Không chỉ thay đổi hình thức, biên độ về không gian và thời gian, thiên nhiên trong thơ Phan Trọng Tảo càng ngày rộng mở. Nhưng dù viết về đề tài gì, sợi chỉ đỏ xuyên qua các bài thơ của ông vẫn là tình yêu không bờ bến: Tình yêu con người mà trước hết là cha mẹ và những người thân, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước mà gần gũi nhất là làng ông – nơi chôn rau cắt rốn trong đó có ngôi nhà xưa đã chở che nuôi nấng ông nên người. Xin bạn hãy thưởng thưởng thức bài thơ “Nhà tôi” của ông đăng trên báo Văn nghệ (20.7.2013) để thấy mức độ “lột xác” trong thơ ông: Từ nhà ra ngõ/ Xa bằng mấy độ dài cơn gió/ Tôi đắp con đường bằng những khúc ru/ Tôi xây cổng nhà bằng những lời hờn dỗi/ Mẹ tôi đi phía vòng cung liềm hái/ Cha men theo bờ cong diệp cày/ Tôi đi chênh chao trên tiếng học bài/ Nhà tôi ở sau nét kẻ hàng mi/ Em gái ngoảnh nhìn trinh nữ tím bờ sông/Phía bóng tre lộn ngược giữa đồng/Rẽ bùn mặt trời chui xuống ruộng/Mẹ cấy hái lên mặt trời nóng bỏng/Con cu cườm gáy rung rặng nắng xanh/ Nơi đi về bàn chân bước bình yên/ Ngôn ngữ kết giao là chè xanh và thuốc lào cuộn khói/ Nơi có người yêu tôi và tôi thương người ấy/ Nơi tôi quét nhặt tiếng gà/ Ném vỡ ban mai (Nhà tôi).

          Mặc dù ít xuất hiện trên các sách báo trung ương, nhưng người yêu thơ ở quê tôi đã đọc và thuộc thơ anh từ lâu. “Sợ’ là bài thơ tiêu biểu một thời của anh: Không sợ đông giá rét/ Không sợ gió bão xô/ Sợ làn mi em ướt/ Sóng lòng anh trắng bờ. Tứ thơ lạ, hình ảnh đẹp nhưng chưa thật mới. Đến “Nhà tôi”, cấu trúc bài thơ lỏng hơn, hình ảnh mới hơn, pha chút siêu thực nhưng vẫn rất gần gũi với cuộc sống đời thường: Từ nhà ra ngõ/ Xa bằng mấy độ dài cơn gió/ Tôi đắp con đường bằng những khúc ru/ Tôi xây cổng nhà bằng những lời hờn dỗi. Sự vất vả lo toan và cái vòng luẩn quẩn của người dân quê được anh vẽ lên bằng những hình ảnh thân thương nhưng giàu tính tượng trưng: Mẹ tôi đi phía vòng cung liềm hái/ Cha men theo bờ cong diệp cày. Và trong cái vất vả của công việc đồng áng sáng lên một tia nắng lạc quan yêu đời, tin tưởng ở tương lai: Rẽ bùn mặt trời chui xuống ruộng/ Mẹ cấy hái lên mặt trời nóng bỏng/ Con cu cườm gáy rung rặng nắng xanh. Giữa bức tranh quê sinh động ấy thấp thoáng bóng hình của một người con gái dễ thương: Nhà tôi ở sau nét kẻ hàng mi/ Em gái ngoảnh nhìn trinh nữ tím bờ sông. Phải chăng đó là điểm tựa để giúp anh vượt lên mọi chênh chao trong cuộc sống để tự khẳng định mình: Nơi có người yêu tôi và tôi thương người ấy/ Nơi tôi quét nhặt tiếng gà/ Ném vỡ ban mai.

     Bài thơ viết với một giọng điệu mới mẻ trẻ trung, ngỡ như tác giả vừa qua độ tuổi trăng tròn.

     Ở tuổi tám mươi, tác giả Phan Trọng Tảo vẫn tràn trề năng lực sáng tạo, sáng tác thơ văn đều. Ông sắp trình làng cuốn tản văn “Nơi bềnh bồng con sóng”. Hy vọng thêm một lần ông sẽ làm kinh ngạc các bạn đọc yêu văn như những khúc thu chín muộn ông đã dâng đời.

 Thành Vinh, cuối Xuân Canh Tý

Lê Quốc Hán

 


 

. . . . .
Loading the player...