20-05-2020 - 21:52

LÀNG ĐAN DU

Nhân dịp hướng tới Kỷ niệm 50 năm thành lập Hội LHVHNT Hà Tĩnh, Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu VHDG Thái Kim Đỉnh về làng cổ Đan Du, Kỳ Anh, Hà Tĩnh - một trong hàng trăm bài viết của ông về VHDG của mảnh đất Hà Tĩnh mà ông đã dành cả cuộc đời dày công nghiên cứu, đóng góp vào việc lưu truyền, gìn giữ những vẻ đẹp văn hóa truyền thống của quê hương

                                                    LÀNG ĐAN DU

Đan Du, tên cổ là Kẻ Dua, xưa kia thuộc xã Hà Trung, tổng Đậu Chử; từ đầu thế kỷ XX thuộc tổng Hà Trung; sau cách mạng (1945) thuộc xã Trung Sơn; từ 1954, cùng với hai xóm của thôn Biểu Duệ và một xóm của thôn Thanh Sơn hợp thành xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh.

Theo gia phả thì họ Nguyễn, một trong những họ lớn, là dòng dõi Nguyễn Duy Tuân, quê gốc ở xứ Thanh Hoa. Năm 1742, ông Tuân giữ chức Cai hợp - Chánh đội trưởng Thiên hộ, vào đóng quân ở dinh Hà Trung (Dinh Cầu), lấy vợ quê làng Hưng Nhân (nay là xã Kỳ Hưng), sinh được năm người con trai. Lúc thôi việc quan, ông cùng con trưởng trở về Thanh. Người con thứ hai là Nguyễn Duy Định ở lại làng Nhân Lý (nay thuộc xã Kỳ Châu), rồi lấy vợ Kẻ Dua, và chuyển về ở đây.

Người họ võ còn đến sớm hơn. Tương truyền bà mẹ vị thủy tổ họ này là Trần Thị Phương, vốn quê gốc ở vùng Thái Nguyên (?) vào đây đã 17, 18 tuổi. nhưng tấm bia đá ở nhà thờ họ Võ Khắc tháng quý xuân (tháng ba) năm Giáp Ngọ niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 10 đời Lê Dụ Tôn (1714) đề là “Lịch triều tổ sư luyện súng bi” lại cho một thông tin khác. Nội dung bia ghi: Bia do Thể đường hầu Võ Xuân Thành, là Chánh cục hữu luyện, cục súng tượng và vợ là Võ Thị Phương, quê thôn Đan Du, xã Hà Trung, huyện Kỳ Hoa, chủ trương khắc để ghi nhớ ngày húy kỵ sáu vị tổ sư nghề đúc súng đời Lê. Chưa rõ vợ chồng vị hầu tước trên có phải là thủy tổ họ Võ Đan Du không.

Như vậy, họ Nguyễn và họ Võ ở đây đều là con cháu các võ tướng từ ngoài Bắc vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, nhưng đến Đan Du sớm nhất là Trần Rô, không rõ quê gốc ở đâu. Tương truyền ông có sức khỏe hơn người, thường đi đấu vật trong vùng. Ông lại là tay thợ giỏi, từng tham gia việc đúc súng của triều đình nhà Lê. Trần Rô đưa gia đình về dựng nhà ở phía đông trấn lỵ Dinh Cầu, khai phá đất đai, tôn ông làm Thành hoàng và lập miếu thờ. Ngày nay, người Đan Du còn giữ tục kiêng húy, gọi con cá rô là cá lóc.

Đời Nguyễn, lại có nhiều họ khác đến ở đất Đan Du. Họ Phan, họ Lê, ở Thanh Sơn, Mỹ Lu (nay thuộc xã Kỳ Văn) dời xuống. Họ Trần Công là con cháu Trần Công Thưởng từ thôn Long Trì, xã Kỳ Nam (nay thuộc xã Kỳ Phú) dời vào. Trần Công Thưởng đỗ cử nhân khoa Quý Dậu, năm Tự Đức thứ 26 (1873) làm giáo thụ, thăng đến tri huyện. Thuở trẻ, ông vào Đan Du ngồi dạy học, lấy vợ là con gái bá hộ Nguyễn Duy Tân, rồi về sau ở lại đây…

Căn cư vào truyền ngôn và gia phả mấy họ lớn thì Đan Du chỉ mới có non bốn trăm năm lịch sử, vào loại làng được thành lập muộn ở Hà Tĩnh.

Cũng như các làng khác, ở đây, ngoài ngôi miếu thờ vị tổ khai cơ rần Rô, còn có đến thờ Thánh tiên Phạm Hoành, có đàn Thần Nông,chùa Phật và văn chỉ thờ Thánh Khổng. Tuy nhiên, Đan Du xưa không phải là đất học hành, mặc dầu có một số gia đình võ quan, lại ở cạnh trấn lỵ Dinh Cầu. Mãi đến giữ thế kỷ XIX, khi bá hộ Nguyễn Duy Tân nuôi thầy dạy học thì ở đây mới có học trò.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đã có một số người lều chõng vào trường hương như Nguyễn Thúc Liệu, hoặc là nhà nho có tiếng như đầu xứ (?) Trần Công Tư, Nguyễn Huy Liệu .v.v… Một số người theo tân học cũng có trình độ khá, trong đó hai người sau cách mạng là quân nhân, được phong đến Thiếu tướng là Trần Công Mân, Nguyễn Duy Bi, hiện hoạt động trong lĩnh vực báo chí, khoa học. Ngày nay, Đan Du đã có mấy chục con em tốt nghiệp đại học, cao đẳng, hai người (Võ Xuân Anh, Võ Xuân Tâm) đã làm phó tiến sĩ khoa học…

Nếu việc học chỉ mới khởi sắc sau tháng Tám 1945, thì từ lâu Đan Du thường là nơi xuất phát hoặc là trọng điểm trong các phong trào yêu nước và cách mạng ở huyện Kỳ Anh. Năm Ất Dậu, khi vua Hàm Nghi ra sơn phòng Hà Tĩnh hạ chiếu Cần Vương (20-9-1885), một số sĩ phu, hào trưởng Kỳ Anh, trong đó có người con rể đất Đan Du, cử nhân Trần Công Thưởng, lên bái mệnh rồi về quê mộ quân chống Pháp xâm lược. Trong một thời gian ngắn, trong huyện đã có các đội ứng nghĩa của Trần Công Thưởng ở Long Trì, Nguyễn Tiến Thước ở Hữu Lạc, Dương Xuân Ôn ở Như Nhật, Hồ Du ở Sơn Luật, Lê Nhất Hoàn ở Mỹ Lũ, Nguyễn Văn Bỉnh ở Quyền Hành và Võ Phát ở Đan Du.

Võ Phát đỗ cử nhân võ, nhưng cũng giỏi văn chương. Năm 1887, đội nghĩa quân của ông và các nhà yêu nước khác ở Kỳ Anh đều gia nhập phong trào cần vương dưới quyền chỉ huy của Cao Thắng. Tháng 9-1889, Phan Đình Phùng ở bắc về, Võ Phát được điều động lên coi việc văn thư ở đại đồn Vụ Quang, rồi ít lâu sau được phong chức Bang biện quân vụ (thường gọi Bang Nhu), phụ trách quân thứ Kỳ Anh (Kỳ Thư). Khi Chưởng vệ Cao Thắng hi sinh (1893) ông được cụ Phan ủy nhiệm làm bài văn tế. Đây là một trong những tác phẩm đặc sắc thời kỳ cần vương, đến nay vẫn được lưu truyền rộng rãi. Cuối năm 1895, khi phong trào tan rã, Võ Phát cùng nhiều thủ lĩnh nghĩa quân bị bắt và bị sát hại ở Đèo Ngang.

Đan Du có nhiều con em tham gia nghĩa quân từ buổi đầu, và suốt mười năm đã che giấu, giúp đỡ nghĩa quân đánh giặc. Tinh thần và dũng khí ấy được duy trì mãi về sau. Nhiều địa điểm trên đất Đan Du mãi mãi được ghi vào lịch sử. Nếu Cồn Đìa là nơi xẩy ra trận đánh Pháp thắng lợi thời cần vương thì Cồn Đình là nơi tập trung của dân tổng Hà Trung để kéo về huyện Lỵ dự cuộc biểu tình tranh đấu ngày 9-9-1930 thời Xô-viết Nghệ Tĩnh…

Từ xa xưa cho đến đầu thế kỷ 20, Đan Du vẫn là đất làng cày. Một số ít người buôn bán hoặc làm thợ; có người, như Võ Tái (cố Lợi) là thợ mộc giỏi, nhưng hầu hết dân làng đều sống về nghề nông. Ruộng xấu, dân nghèo, đất Đan Du thường bị người trong vùng chế nhạo:

“Kẻ Dua hay nói giọng dằn

Đồng chua nước mặn, mần chi ăn, em về?”

Đến giữa thập kỷ 30, Đan Du mới có một nghề thủ công mới: nghề làm nón. Rừng có nhiều là nón, vườn có nhiều tre nhưng dân Kỳ Anh vẫn dùng non Thượng (Đức Thọ) hoặc nón Ba Đồn (Quảng Bình), có người còn đội cái “mầu”, một kiểu nón tự tạo đan bằng tre. Khoảng sau năm 1930, một người Đan Du là Võ Xuân Minh thường vào miền trong, qua lại Ba Đồn, mới nảy ra ý định du nhập nghề nón kinh về quê mình…

Buổi đầu chỉ có nhà ông Xà (Võ Tương), nhà ông Bộ Súy (Nguyễn Duy Trường) hưởng ứng, Dần dần, nhiều người trong làng thấy có lợi mà vốn liếng không cần nhiều, lại cũng không khó học, nên đua nhau theo nghề nón ngày cáng đông. Chẳng bao lâu, già trẻ lớn bé đều biết làm nón. Nghề nón trở thành nghề phổ biến trong làng; nhiều gia đình coi đây là nghề chính, đem lại thu nhập khá, có đời sống ổn định. Nón Đan Du đã chiếm lĩnh thị trường trong huyện, trong tỉnh, thay thế nón Thượng, nón Ba Đồn.

Sau cách mạng, nghề nón từ Đan Du – Kỳ Thư lan rộng ra toàn huyện Kỳ Anh. Qua hai cuộc kháng chiến, nghề nón đã nuôi sống một bộ phận không nhỏ dân trong huyện để đánh giặc giữ làng và phục vụ tiền tuyến. Dân quân vừa làm nón vừa trực chiến. Học sinh làm nón để tự túc tiền ăn học. Ở Đan Du, gia đình các thầy giáo Võ Xuân Trinh, Võ Xuân Liệu, Võ Xuân Hạ có tới bốn năm người con vào được trường đại học đều nhờ vào nghề nón…

Nón Đan Du, nón Kỳ Anh nổi tiếng đẹp, bền, được khách hàng ưa chuộng. Chiếc nón không chỉ là sản phẩm hàng hóa, mà còn được coi là sản phẩm văn hóa. Người nhà ông Luân, bà Thuận, bà Tiệm, chị Xuân, anh Long, em Thơm… là những tay thợ giỏi, chuyên nhận đặt làm nón mới, nón tặng làm kỷ niệm… Những người làm nghề thuật ở Kỳ Anh cũng đã sáng tạo nên những câu ca và điệu múa nón của riêng quê mình…

“Ai qua nghiêng nón mỉm cười,

Để ai nhớ mãi con người Kỳ Anh…”

Từ  Đan Du – Kỳ Thư, nghề làm nón đã trở thành một ngành tiểu thủ công quan trọng ở Kỳ Anh. Có thời điểm, hàng năm, Kỳ Anh xuất ra ngoài huyện, ngoài tỉnh tới 1 triệu chiếc nón lá, thu về một giá trị tương đương 1.200 tấn thóc…

Nghề làm nón Đan Du mới có ngót 70 năm, và thật ra mới được nhiều người biết đến mấy chục năm gần đây thôi. Nhưng từ lâu, kẻ xa người gần đều hay Kẻ Dua – Đan Du là một làng hát: “Đất Văn Tràng chạy cá/ Đất Trung Hạ đốt vôi,/ Đất Kẻ Dua bầy tui (tôi)/ Đứa nằm ngả trên nôi/ Cũng biết đàng hát giặm”.

Quả vậy, dân Đan Du từ đứa bé tới bà già, từ chị nông dân mù chữ đến chàng nho sĩ làu thuộc kinh sử đều biết, đều mê hát ví, hát giặm.

Nổi bật trong đám nghệ sĩ dân dã ở Đan Du, ở Kỳ Anh, là cô Nhẫn. Cô Nhẫn – Võ Thị Nhẫn, là con gái một ông chánh tổng, nhưng sớm mồ côi, phải đi ở cho một già đình giàu trong làng là con trai bá hộ Tân. Chủ nuôi thầy đồ ngồi dạy học trong nhà. Một phần công việc của cô là lo việc trầu, nước hầu thầy. Vốn sáng dạ, lại có cậu Liện, cậu Hoán là học trò và bạn hát giúp đỡ, bày vẽ thêm, cô Nhẫn đã học mót được khá nhiều chữ và cả một số điển tích thi, thư, ý nghĩa kinh, truyện. Đặc biệt, từ rất sớm, cô đã có tài ví hát. Cô biết vận dụng tài tình, sáng tạo chữ nghĩa học được để bẻ những câu hát làm cho mọi người sửng sốt:

“Giăng giăng nguyệt dọi sân đình,

Gió phong phanh thổi, sao linh tinh tàn”.

Giăng - nguyệt, sân - đình, gió - phong, sao - tinh… nghe câu hát ấy, ai dám bảo tác giả là người “vô học”. Tiếng tăm cô Nhẫn không chỉ truyền “Nội trong huyện Kỳ Anh”, mà lan khắp cả vùng Nghệ Tĩnh.Bạn hát của cô Nhẫn không chỉ là trai gái dân cày, mà còn cả các nho sĩ như cậu Biên, cậu Chu, cậu Hoán (ở Phú Dẫn), cậu cả Trạch – “con quan phủ Triệu”, ông phó bảng Kỷ (Tuần Tượng), ông đầu huyện Hiến (Nghi Xuân), cậu cả Tranh - “Con cụ Sơn” (Nghi Lộc)… Những cuộc hát của Cô Nhẫn với các nhân vật trên đây đã để lại nhiều giai thoại lý thú. Đến tuổi ba mươi, cô Nhẫn vẫn chưa chồng con. Nhiều người ái ngại cho cô, nhưng cũng có kẻ chê bai này nọ. Cô thường hát để an ủi mình và đáp lại lời bạn:“… Mình em như tấm lựa,/Đem bán trửa đình trung/ Khách mua bán cũng đông/ Chưa có người đáng giá./Trai trong làng, trửa xã,/Thiếu chi kẻ rắp ranh/ Nội trong huyện Kỳ Anh/ Nơi nên thì nỏ có/Nơi có nỏ nên chi…”. Ngoài ba mươi, cô mới đành gia thất. Từ lúc có chồng, có con, và mãi đến khi tuổi đã cao, cô vẫn dự các cuộc hát, bày vẽ cho các trai gái lớp con em. Bà Nhẫn mất năm 73 tuổi, nhưng đối với mọi người thì bà mãi mãi vẫn là “cô Nhẫn” trẻ trung, tài hoa của đất Đan Du, Kỳ Anh. Nhờ cô mà nhiều bạn hát, kể các những người học hành, khoa bảng người sau biết đến…

“Đan Du nổi tiếng Dinh Cầu” xưa nay không phải vì nhiều lúa, lắm chữ, mà trước hết nhờ chiếc nón và tiếng hát, một biểu hiện văn hóa vùng đất Kỳ Anh.            

Thái Kim Đỉnh

 

 

 

 

 

. . . . .
Loading the player...