06-05-2023 - 00:31

Mấy vấn đề về phân loại, bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu Hán Nôm ở Hà Tĩnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 200 tháng 4/2023 trân trọng giới thiệu bài viết “Mấy vấn đề về phân loại, bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu Hán Nôm ở Hà Tĩnh” của tác giả Bùi Đức Hạnh

Vừa qua, các văn bản Hán Nôm của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu đã được UNESCO ghi nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhân sự kiện này, chúng tôi xin nêu mấy vấn đề về Phân loại, Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh ta như là một giải pháp cấp bách nhằm góp phần vào công cuộc chấn hưng văn hoá theo tinh thần Hội nghị văn hoá toàn quốc và thiết thực Kỷ niệm 70 năm Đề cương Văn hoá Việt Nam 1943.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943). (Nguồn: Cục Di sản văn hóa)

1. Tư liệu Hán Nôm ở Hà Tĩnh, tuy bị mất mát, thất lạc, hư hao do thời gian, chiến tranh và những biến động lịch sử khác nhưng vẫn khá phong phú và đa dạng. 

Việc phân loại các tư liệu Hán Nôm có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, làm căn cứ cho việc bảo tồn di sản, qua đó tiếp tục khơi nguồn cho dòng chảy văn hoá lan toả các giá trị trong đời sống xã hội.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin tiếp cận việc phân loại tư liệu Hán Nôm ở Hà Tĩnh từ điểm nhìn của lý thuyết định hình ngôn từ. 

Như chúng ta biết, nhìn chung các ngôn ngữ đều có sự giao lưu tiếp biến qua lại giữa các quốc gia dân tộc. Trải qua hàng ngàn năm như thế,  từ các yếu tố Hán Việt, đã hình thành một kho từ Hán Việt chiếm số lượng rất lớn bên cạnh lớp từ thuần Việt. Quá trình đó không hề đồng hoá được tiếng Việt với bản sắc riêng có, trái lại đã làm giàu ngôn ngữ dân tộc ta trên cả hai phương diện ngữ âm và ngữ nghĩa. 

Bên cạnh ngôn ngữ nói, Tư liệu Hán Nôm được tồn tại thông qua rất nhiều hình thức khác nhau, nhưng đều được định hình dưới hình thức chữ viết, bắt nguồn từ những mục đích cụ thể. Theo đó, phương thức định hình tư liệu Hán Nôm là cách thức "vật chất hoá" văn bản, từ ngữ bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm trên các chất liệu cụ thể.

2. Từ lý thuyết về phương thức định hình ngôn từ, thì liệu Hán Nôm ở Hà Tĩnh được chia thành các loại hình sau đây:

- Các tác phẩm thơ văn của các tác giả còn lưu giữ được trong thư viện, trong các gia đình, dòng họ.

Loại tư liệu này được chép tay hoặc được in ấn bằng mộc bản trên giấy nam khá bền, thường được viết bằng mực tàu, chữ đẹp, rõ ràng. Có nhiều tư liệu đã lên tới hàng trăm năm tồn tại, rất có giá trị.

Các sáng tác văn chương thường mang dấu ấn cá nhân, riêng tư nên thường ít bị thất lạc, được con cháu giữ gìn chu đáo, cẩn trọng.

Hà Tĩnh là đất khoa bảng, văn chương với 148 vị đại khoa trong các kỳ thi qua các triều đại phong kiến và hàng ngàn nhà nho. Họ đều là những nhà nho đi làm quan hay dạy học nhưng đều tham gia sáng tác thơ văn Hán Nôm. 

Nổi bật là Văn phái Hồng Sơn gắn liền với dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu và dòng họ Nguyễn Tiên Điền với những tác giả nổi tiếng cùng có chung khuynh hướng sáng tác. Các tác phẩm thơ Nôm như "Hoa Tiên truyện" của Nguyễn Huy Tự, " Mai đình mộng ký" của Nguyễn Huy Hổ, " Truyện Kiều" của Nguyễn Du là những tác phẩm bất hủ cùng với rất nhiều tập thơ của các nhà nho khác là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho hôm nay và muôn đời sau.

- Các gia phả, sắc phong các dòng họ ở khắp các địa phương trong tỉnh được lưu giữ, sao dịch. 

Gia phả hay gia phổ là bản ghi chép thế thứ, tên họ, tuổi tác, mộ phần, ngày giỗ, vai trò và công đức của cha mẹ, ông bà, tiên tổ của một gia đình lớn hay một dòng họ.

Gia phả còn được gọi là Phổ ký hay Phổ truyền. Các nhà Tông thất (dòng dõi vua quan), có khi gọi gia phả của vương triều mình hay gia tộc mình bằng từ ngữ trân trọng hơn là Ngọc phả, Thế phả v.v..

Ngọc phả Hùng Vương, gắn liền với truyền thuyết đàn chim phượng trăm con núi Hồng và kinh đô Việt Thường Thị ở Hà Tĩnh thời cổ xưa, được PGS TS Ngô Đức Thọ lần đầu tiên dịch trọn vẹn đã bổ sung thêm nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu về thời đại mở nước xa xưa cũng được ngay chính dòng họ ông sao giữ trong trang ngotoc.vn

Gia phả hoặc sắc phong trước thường được viết bằng chữ Hán và bằng mực Tàu trên chất liệu giấy dó rất bền ( khoảng 500 năm) ít ẩm mốc, mối mọt và được tộc trưởng các dòng họ cất giữ như một bảo vật thiêng liêng. 

Ở tỉnh ta Ths Nguyễn Trí Sơn và nhóm tác giả là các cán bộ Bảo tàng Hà Tĩnh sưu tầm và tổ chức biên dịch công bố trong hai tập sách với nhiều sắc phong có giá trị.

- Văn bia là tư liệu Hán Nôm khá phổ biến ở Hà Tĩnh, có nội dung ghi chép sự kiện, sự tích, ca ngợi công đức danh nhân... tồn tại lâu dài nhờ sự định hình trên các chất liệu đá (bia đá) hoặc chất liệu đồng (trên các bài minh chung, khánh)...

Theo GS TS Nguyễn Quang Hồng có thể phân văn bia ra làm 6 thể loại, bao gồm: Bia đình, bia chùa, bia đền miếu, bia từ đường, bia lăng mộ, bia gắn trên các công trình kiến trúc hay cảnh quan danh thắng.

Văn bia thường mẫu mực về ngôn từ và chữ viết, do các nhân vật có danh phận, uy tín cao trong xã hội, có trình độ uyên thâm phụng soạn, nhuận sắc và được khắc in một cách tài hoa bằng chữ Nôm hay chữ Hán trên các chất liệu như đá, kim loại...

Cuốn sách tập hợp các văn bia ở địa bàn tỉnh ta được sưu tầm, dịch ra quốc ngữ là một công trình khá dày dặn, công phu và đáng trân trọng.

- Tư liệu Hán Nôm còn được lưu giữ trên hoành phi, câu đối tại các đình,  chùa, nhà thờ, miếu mạo và tư gia. 

- Các văn bản giấy tờ hành chính, thư từ, khế ước, hương ước làng qua các triều đại.

- Trên đồng tiền, bảo vật, ấn triện, mộc bản...

3. Từ cách tiếp cận phân loại như trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn, lưu giữ tư liệu Hán Nôm ở tỉnh ta, như sau:

- Đối với tư liệu Hán Nôm là các tác phẩm văn thơ:

Bên cạnh các tác phẩm văn học lớn đã được dịch, xuất bản phổ biến rộng rãi thì cần tiếp tục tổ chức sưu tầm, sao chép bản gốc, dịch, in ấn và phát hành các tác phẩm của các bậc đại khoa, các tác gia trong các dòng họ, cá nhân. Thư viện các cấp, nhất là thư viện tỉnh phải là nơi lên thư mục, lưu giữ đầy đủ và thường xuyên tổ chức giới thiệu, phổ biến các tác phẩm đến bạn đọc. Khuyến khích lập tủ sách dòng họ đặt ở từ đường, cất giữ các tác phẩm thơ văn của tiền nhân để lại.

- Đối với các bộ gia phả, sắc phong trong các dòng họ cần được hướng dẫn bảo quản chu đáo, tránh ẩm mốc, mối mọt, hư hỏng. Trước đây, do nhận thức, hiểu biết không đầy đủ nhiều sách vở, gia phả, đạo sắc không được bảo quản chu đáo, bị đốt trong cải cách ruộng đất, thậm chí có nơi đưa ra phết quạt, quấn hương, làm diều v.v..

Vì vậy, cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn bảo quản các bộ gia phổ, sắc phong và các loại văn bản giấy tờ cho các nhân viên ngành văn hoá, những người quản lý bảo vệ di tích...

- Đối với các loại văn bia.

Phần lớn văn bia được khắc trên đá, đặt ngoài trời hoặc nhà bia chịu nhiều mưa nắng bào mòn huỷ hoại, " trăm năm bia đá thì mòn". Vì vậy, cần thường xuyên vệ sinh, làm nhà bảo vệ bia, tránh những tác động phá hoại vô ý thức của con người. Những bia đã hư hỏng thì có thể phục chế trên cơ sở nội dung và hình thức như đã có trước đây. 

Tổ chức in rập, lưu giữ hình ảnh, kích thước, nội dung, thư pháp văn bia để làm tư liệu lâu dài và quản lý thống nhất tại Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh.

Các văn bia được khắc trên chuông, khánh các đình chùa, nhà thờ miếu mạo trên chất liệu kim loại, (chủ yếu là đồng) cần được vệ sinh đúng cách, tránh bị han gỉ. Ở một số địa phương, có tình trạng trộm cắp cổ vật vì cho rằng các chuông khánh được đúc bằng "đồng đen" có tỷ lệ vàng cao trong đó. Chẳng hạn như chuông và tượng cửu long ở chùa Hương (Thiên Lộc, Can Lộc) trước đây từng đã bị kẻ gian nhòm ngó. Chỉ đến khi việc phân tích thành phần của hỗn hợp dùng đúc chuông được làm rõ thì lại mới được đưa lên chùa để phục vụ các nghi lễ và không còn nguy cơ bị lấy cắp, huỷ hoại.

Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các di tích lịch sử văn hoá nói chung, trong đó có loại hình văn bia để tránh bị hư hại, mất mát.

- Đã có việc sưu tầm, biên dịch, in sách về sắc phong và văn bia ở Hà Tĩnh, nhưng các loại tư liệu khác như hoành phi, câu đối tại các đình chùa, nhà thờ, miếu mạo, di tích hoặc tư gia thì chưa được thực hiện. Nên có sự đầu sớm thực hiện đề án này, chậm còn hơn không, khi những hiện vật này có nguy cơ hư hại.

Các bức hoành phi bằng gỗ, sơn son thếp vàng hoặc để mộc, được đục bằng chữ Hán rất đẹp còn gặp ở nhiều nơi. Nội dung rất phong phú như:   (Đức lưu quang / Đức độ toả sáng );  (Phúc mãn đường / Phúc đầy nhà );  (Ẩm hà tư nguyên / Uống nước nhớ nguồn); Thanh bạch gia phong: 清白家風; Toạ xuân phong: 坐春風...

Câu đối bằng Hán tự cũng thấy còn rất phổ biến ở nhiều cơ sở thờ tự, chủ yếu được khắc trên cổng hoặc trụ công trình. 

Nên có chủ trương sưu tầm các tư liệu nói trên bằng cách sao chụp, xin hiến tặng hoặc mua để lưu giữ trong bảo tàng như một phần tư liệu Hán Nôm gắn với đời sống tinh thần của cha ông ta trong quá khứ...

- Với các loại giấy tờ khế ước, văn tự giao dịch dân sự hay hành chính, ngoại giao thường đã cũ nát, nhưng chứa đựng trong đó nhiều tư liệu quý cần được quan tâm sưu tầm, sao chụp, lưu giữ. 

Chẳng hạn, gần đây các nhà nghiên cứu đã tìm thấy văn thư do Văn lý hầu Trần Tịnh soạn, cho phép tàu buôn Nhật vào buôn bán tại các cảng bên sông Lam, có ý nghĩa đánh dấu về quan hệ ngoại thương với các quốc gia trong khu vực, là một tư liệu quý cần được bảo vệ.

Rất có thể còn nhiều tư liệu Hán Nôm liên quan đến chủ quyền biển đảo, quân sử, ngoại giao, kinh tế, sử liệu, tín ngưỡng tôn giáo... chưa được phát hiện đầy đủ, đặt ra nhiều công việc cấp thiết cho giới nghiên cứu lịch sử - văn hoá và các cơ quan hữu quan.

4. Cuối cùng, để giữ gìn các tư liệu Hán Nôm bền vững, lâu dài bên cạnh đẩy nhanh việc số hoá thông qua các chương trình cụ thể chúng tôi đề nghị ngành Văn hoá và các ngành hữu quan cần quan tâm ba việc sau:

- Ưu tiên tuyển dụng và sử dụng các cán bộ có trình độ về Hán Nôm vào làm việc ở thư viện, bảo tàng tỉnh. Hiện nay, ở tỉnh ta chuyên gia lĩnh vực này rất hiếm, về lâu dài nếu không quan tâm đào tạo, trọng dụng sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các công việc liên quan khi cần giải mã, nghiên cứu, phát huy giá trị khối tư liệu Hán Nôm nói trên.

- Thông qua môn Ngữ văn nhất là phần Văn học trung đại, cần gợi cảm hứng cho học sinh trong các nhà trường về vốn Hán Nôm của cha ông để lại. Chú trọng dạy tiếng Trung hiện đại gắn với dạy vốn yếu tố Hán Việt, từ ngữ Hán Việt cho học sinh phổ thông. Tổ chức các hoạt động ngoại khoá, điền dã, tham quan, giới thiệu sách ... có nội dung liên quan đến các tư liệu và phương thức định hình tư liệu Hán Việt cho học sinh. Tổ chức thi học sinh giỏi về từ, ngữ Hán Việt dưới các hình thức phù hợp, tạo sân chơi cho học sinh làm quen và ham thích tìm hiểu di sản ngôn ngữ cha ông để lại. Điều này liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các hoạt động đối ngoại nhất là về kinh tế văn hoá trong thời kỳ hội nhập với các quốc gia trong khu vực.

- Đặc biệt quan tâm các Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã được UNESCO công nhận với tư cách là những tư liệu quý hiếm, nhất là các tư liệu Hán Nôm gắn với các phương thức định hình ngôn từ phong phú, có giá trị nhiều mặt không chỉ của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu mà là di sản của quốc gia và nhân loại bằng sự bảo quản nghiêm ngặt và có các thiết chế văn hoá gắn với khai thác du lịch hiệu quả.

B.Đ.H

. . . . .
Loading the player...