27-11-2020 - 15:15

MỘT NGƯỜI CON CỦA NÚI HỒNG SÔNG LAM: LA SƠN PHU TỬ

Tạp chí Hồng Lĩnh số 171 trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Ngọc Tuấn "Một người con của núi Hồng sông Lam La Sơn Phu Tử".

 

               MỘT NGƯỜI CON CỦA NÚI HỒNG SÔNG LAM: LA SƠN PHU TỬ                                             

      La Sơn phu tử (1723 - 1804) tên thật là Nguyễn Thiếp, quê ở làng Nguyệt Ao (nay thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông có nhiều tên tự, hiệu. Hoàng đế Quang Trung trân trọng gọi ông là phu tử. Nhiều người đương thời và về sau tôn xưng ông là phu tử (bậc thầy của thiên hạ). Điều này thật ý nghĩa. Thói thường thì người ta rộng lượng với người đã qua đời bao nhiêu thì càng khắt khe với người đương thời bấy nhiêu. Hơn nữa xưa kia những nước chịu ảnh hưởng của nền văn minh Khổng giáo người ta thường đề cao đạo đức hơn đề cao trí tuệ. Người được tôn xưng là phu tử không nhiều.

Nơi chôn rau cắt rốn của La Sơn phu tử ngày nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Từ xa xưa nơi đây và phần phía bắc kề cận núi sông liền một dải. Trong văn chương, nhiều lần La Sơn phu tử nhắc đến Hoan Châu. Tên gọi này có từ thời Bắc thuộc để chỉ vùng đất rộng lớn, ngày nay thuộc cả Nghệ An và Hà Tĩnh.

Điều đáng chú ý là con người được người đời coi là bậc thầy thiên hạ này không đỗ đạt cao. Ông chỉ đỗ Hương giải (đỗ kỳ thi Hương - tức thi hàng tỉnh) năm 1743. Đỗ đạt như vậy nên ông chỉ làm Huấn đạo (trông coi việc học hành) và làm tri phủ (quan đứng đầu huyện lớn). Đỗ tiến sĩ trở lên mới được gọi là đỗ đại khoa. Người ta kính trọng ông chủ yếu là từ cách hành xử trong một thời kỳ xã hội có nhiều biến động.

Sau một thời gian làm tri phủ, ông từ quan về dạy học, làm nhà trên núi Thiên Nhẫn để ở. Xưa kia, đây là sự hành xử thông thường. Sự lựa chọn này cho thấy xã hội đương thời hợp với lẽ sống của phu tử.

Nhân sinh quan của người trí thức này bộc lộ rõ qua thái độ hợp tác hay bất hợp tác ở những công việc của triều chính. Chúa Trịnh Sâm mời ra làm quan, ông từ chối. Phải nói ngay rằng chế độ vua Lê chúa Trịnh đương thời quả là một quái thai chính trị. Nhà nho được dạy rằng mỗi quốc gia chỉ có một vua trị vì, giống như thế gian chỉ có một mặt trời. Vậy mà bên cạnh vua Lê lại có chúa Trịnh. Hơn nữa chúa càng ngày càng lấn át quyền vua. Nhà nho có lương tri không đời nào cộng tác với những kẻ như vậy.

Khi Nguyễn Huệ lên ngôi vua, ngài cũng mời Nguyễn Thiếp cộng tác. Thoạt tiên ông từ chối. Điều này chúng ta có thể hiểu được. Sự nghiệp của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ như tiếng sét giữa trời quang. Ông đã thay thế cơ nghiệp nhà Lê ngót ba trăm năm giờ đây suy tàn rệu rã. Điều này khiến nhà nho mang tư tưởng trung quân ngơ ngác, không nhanh chóng dễ dàng chấp nhận. Nhưng rồi trước thái độ trọng vọng thiết tha của vị hoàng đế khiến ông thay đổi ý kiến. Ông làm việc ở Viện sùng chính, dịch các trước tác chữ Hán ra chữ Nôm.

Nói về quan hệ giữa một người và một vùng đất nào đó, người ta thường không quên các chi tiết: đó là nơi chôn rau cắt rốn của người này, nơi người này đã sống nhiều năm… Điều này có lý của nó, nhưng quan trọng hơn là chất lượng của mối liên hệ. Điều đó càng có ý nghĩa ở người trí thức. Các nhà nghiên cứu nhận thấy thơ Nguyễn Thiếp không có tính cách ẩn dật mấy(1). Một nội dung nổi bật của thơ ông viết về quê hương Hoan châu: Hoan châu luôn chịu lính/ Người của chẳng còn bao/ Liền năm mùa thất bát/ Dân nghèo tựa chốn nào… (Hoàng Xuân Hãn dịch). Mấy câu thơ này bộc lộ cảm nhận cô đọng về mảnh đất này. Từ lâu, các triều đại phong kiến đã nhận thấy người Hoan châu được tôi luyện trong hoàn cảnh khắc nghiệt nên có sức sống mạnh mẽ và đặc biệt trung thành. Nhiều triều đại chọn người xứ này vào đội quân tâm phúc. Một vị vua Trần trong lúc xã tắc nguy nan vì ngoại xâm đã nhớ đến lực lượng còn ở Hoan châu như là của để dành quý giá: Hoan Diễn tồn thập vạn binh (Hoan Diễn còn mười vạn lính). Lời thơ của La Sơn phu tử chân chất mà ẩn chứa niềm tự hào về quê hương mình.

Ở bài thơ khác, ông không nói về nỗi khổ của quê nhà, trái lại bộc lộ niềm tự hào về địa linh nhân kiệt:

                                      HOAN CHÂU

                             Trung thổ đa tài kiệt

                             Minh thời thuộc Diễn Hoan

                             Long chi phân hữu cán

                             Địa thế cực Nam man

                             Thủy khoát Song Ngư hải

                             Thiên cao vạn nhẫn san

                             Niên lai văn khí thịnh

                             Quang xạ Đẩu Ngưu gian

                             (Trung thổ nhiều người giỏi

                             Vượng ở châu Diễn Hoan

                             Mạch rồng chia nhánh hữu

                             Thế đất giáp Nam man

                             Đảo Song Ngư biển rộng

                             Núi Vạn Nhẫn trời cao

                             Năm nay văn khí thịnh

                             Dọi đến sao Đẩu Ngưu)

                                      (Nguyễn Sĩ Cẩn dịch)

Đất Hoan châu nhiều di tích lịch sử. La Sơn phu tử đã đến nhều nơi trong số đó. Điều đáng nói là ông không bàng quan du lãm mà luôn nghĩ về lẽ tồn vong của con người. Lên núi Nghĩa Liệt (nay thuộc huyện Hưng Nguyên) ông nhớ đến tấm gương oanh liệt của nghĩa sĩ Nguyễn Biểu, khẳng định người anh hùng bất diệt như cỏ cây sông núi, còn kẻ phi nghĩa mai một:

                             Liệt sơn sơn thượng tối cao phong

                             Tứ cố vân yên nhập vọng trung

                             Anh Quốc thành hoang phương thảo lục

                             Nghĩa Vương kiều tại tịch dương hồng

                             (Trên đỉnh cao nhất của núi Nghĩa Liệt

                             Trông ra bốn phía mây khói nằm trong tầm mắt

                             Thành Trương Phụ hoang vắng cỏ thơm đã phủ xanh

                             Cầu Nghĩa Vương còn đó dưới bóng chiều đỏ ối)

Lên thành Lục niên trên núi Thiên Nhẫn, ông nhớ đến nơi đây người anh hùng Lê Lợi đã sáu năm bền gan chống giặc Minh, (Lục niên thành hoài cổ). Qua đền Mai Hắc Đế ở Nam Đàn, nhà thơ cảm thấy sự nghiệp oanh liệt của vua Đen thừa sức thắng thời gian, khiến hơn ngàn năm đã qua người đời còn truyền tụng.

Sở trưởng của La Sơn phu tử là ở văn hóa giáo dục và ông cũng chủ yếu cống hiến cho đời ở lĩnh vực này. Thực ra điều này không mới lạ. Xưa kia con đường của kẻ sĩ đã được vạch sẵn là “tiến vi quan, thoái vi sư” (tiến lên thì làm quan, thoái lui thì làm thầy). Làm thầy không chỉ dạy học mà còn là thầy thuốc, thầy địa lý, thầy tướng số… Nhiều người trong số họ càng học hành nhiều càng thoát ly thực tế, khiến lâm vào bi hài kịch mà dân gian chế diễu sâu cay là “thông chữ mù nghĩa”. La Sơn phu tử luôn kết hợp học với hành (Luận về phép học). Ông là ẩn sĩ nhưng không bưng tai gài trốc trước những biến động của đời sống nên không hợp tác với bạo chúa, không chỉ một lần xuống núi phục vụ tân triều khi đã tin rằng chính thể đó phù hợp với quyền sống của những kẻ cần lao và kiên quyết bảo vệ giang sơn.

Thơ La Sơn phu tử ít ngôn từ, cấu tứ hoa mỹ mà chân thành, bộc trực như tính cách con người quê ông.

Ông là một hình ảnh đẹp về người trí thức xưa sinh ra và gắn bó với quê hương Hoan châu không giàu có về vật chất nhưng trái lại, rất giàu có về lịch sử.

         Ngọc Tuấn

______________

(1). Từ điển văn học (bộ mới). Nxb Thế giới, 2004, tr.1188.

. . . . .
Loading the player...