30-01-2023 - 07:42

Ngày Tết nghĩ về văn hóa rượu, bia và văn hóa đọc

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Quý Mão (197+198) trân trọng giới thiệu bài viết “Ngày Tết nghĩ về văn hóa rượu, bia và văn hóa đọc” của tác giả Thái Văn Sinh

Rượu là một phát minh vĩ đại của con người sau Lửa. Uống rượu là nét văn hóa của loài người nói chung và người Việt nói riêng. Với người Việt, rượu trước tiên được dùng trong lễ nghi “Vô tửu bất thành lễ”. Trong đời thường, rượu được dùng để xã giao, chia sẻ tâm tình, gắn kết bằng hữu, là thứ xem như không thể thiếu của đàn ông Việt Nam đến mức người xưa có câu:“Nam vô tửu như kỳ vô phong”.

Tuy nhiên, uống rượu là một nét văn hóa khi và chỉ khi có văn hóa uống rượu. Văn hóa uống rượu thể hiện trong cách chọn bạn rượu, cách chọn không gian uống rượu, cách rót rượu, cách nâng ly đối ẩm, cách trò chuyện và nội dung trò chuyện… Chính vì vậy mà có các thuật ngữ: “tiên tửu”“tục tửu”; và có câu: “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, nhân bất đồng tâm bán cú đa” (Người tri kỷ gặp nhau, rượu uống ngàn chén vẫn là ít, người chẳng cùng lòng, nói nửa câu đã là quá nhiều). Nhiều người chỉ biết câu: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, nhưng lại không biết câu: “Ẩm tửu dung hoà đích quân tử” (Người quân tử uống rượu phải điềm đạm, uống chỉ đến mức phấn chấn, suy nghĩ, hành vi có chừng mực).

Thực tế cho thấy văn hóa uống rượu, bia của người Việt chúng ta đang có vấn đề, đặc biệt là tình trạng “quá chén” dẫn đến những hành vi phản cảm, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng cho người thân, bạn bè, xã hội. Văn hóa “dô dô”, “cạn 100%”, ép uống, thách đấu cao thấp về tửu lượng trên bàn nhậu dường như đang “thống trị” các cuộc rượu, bia. Bên cạnh đó số lượng người uống và mức tiêu thụ rượu, bia trên đầu người có xu hướng ngày càng tăng. Theo một khảo sát gần đây Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại. Năm 2020, theo công bố của Tổng cục Thống kê, lượng tiêu thụ rượu bia tăng từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Như vậy nếu tính bình quân năm 2020, mỗi người Việt Nam tiêu thụ tới 15,6 lít rượu, bia.

Có người lập luận rượu, bia là một nét văn hóa trong giao tiếp, đặc biệt cần thiết với các quan chức, doanh nhân trong quan hệ công việc, trong giao dịch làm ăn, buôn bán. Làm lãnh đạo, làm doanh nhân nếu không uống rượu bia sẽ rất hạn chế trong quan hệ và hiệu quả công việc. Làm một người đàn ông không uống rượu, bia sẽ không có bạn bè, sẽ hạn chế trong con đường sự nghiệp. Tuy nhiên ai cũng biết rằng doanh nhân Phạm Nhật Vượng, tỷ phú đô-la đầu tiên của Việt Nam không uống rượu, bia. Tỷ phú Donald Trump, Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cũng không uống rượu, bia. Không uống rượu, bia họ vẫn quan hệ giao dịch với các đối tác những thương vụ đình đám, vẫn tham dự các sự kiện ngoại giao tầm cỡ quốc tế.

Có lập luận lại cho rằng, việc sử dụng rượu, bia giúp cho sự tăng trưởng về kinh tế để bào chữa cho những tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng lợi bất cập hại. Người Ba Tư cổ đại có một danh ngôn thật sâu sắc: “Trước khi làm việc gì, ngoài cái lợi thấy được cần tìm cho ra những cái hại mà việc đó có thể mang lại”. Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2017, bia đóng đóng góp cho thu ngân sách gần 50 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tương đương khoảng 1,3-3,3% GDP. Nếu chỉ tính mức 1,3% GDP đã tương đương 65 ngàn tỷ đồng.

Một nghịch lý đáng quan ngại là người Việt Nam chúng ta uống bia, rượu nhiều nhưng lại ít đọc sách, báo. Theo một công bố của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vào tháng 4/2022 thì chỉ có 21% người Việt đọc sách trong một năm và tỷ lệ 1,4 đầu sách/người/năm. Đây là con số đáng lo ngaị nếu so sánh với các nước trong khu vực. Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng từng công bố: bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách và đọc 7,07 tờ báo trong một năm. Con số này thấp hơn rất nhiều các nước trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Israel trung bình mỗi người dân đọc từ 20 cuốn sách/năm. Các nước trong khu vực như Singapore là 14 cuốn/người/năm, Malaysia là 10 cuốn/người/năm. Những thông tin trên cho thấy văn hoá đọc của người Việt đang là một vấn đề đáng báo động. Mahatma Gandhi từng cảnh báo:“Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa mà chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi”. Một tài liệu gần đây cũng cho chúng ta nhiều suy ngẫm là sau khi chết đi, khá nhiều Tổng thống Mỹ đã cho xây Thư viện thay cho xây những mộ phần hoành tráng, tốn kém. Đến nay đã có 13 Tổng thống Mỹ (có cả những Tổng thống đang sống) đã xây dựng những công trình văn hóa rất có ý nghĩa cho hậu thế. Đó là 13 thư viện của 13 Tổng thống. Các thư viện tổng Thống Mỹ, mang tên từng ông, bắt đầu từ Thư viện Tổng thống Franklin Delano Roosevelt vào năm 1939 và gần đây nhất là Thư viện Tổng thống George W. Bush (Bush con). Điều này cho thấy rằng, người Mỹ có sự ứng xử rất có tầm với văn hóa đọc.

Xin lấy một câu chuyện từng đình đám trên mạng xã hội thay cho lời kết của bài viết này, đó là câu chuyện về cái “tủ rượu” của người Việt và “tủ sách” của người Do Thái. Câu chuyện đó kể rằng ở Việt Nam chúng ta thường xem cái tủ rượu là một thứ không thể thiếu để chứng tỏ đẳng cấp của nhiều gia đình. Nhà càng sang, càng to, càng danh giá thì tất yếu phải có tủ rượu tương xứng ở phòng khách, thậm chí có nhà còn làm cả hầm rượu, bày đủ các thương hiệu rượu danh tiếng thế giới. Còn người Do Thái, một dân tộc nổi tiếng thông tuệ nhất thế giới thì không phải là tủ rượu mà là tủ sách. Trong mỗi gia đình Do Thái luôn luôn có một tủ sách được truyền từ đời này sang đời khác. Tủ sách phải được đặt ở vị trí đầu giường để trẻ nhỏ dễ nhìn, dễ thấy từ khi còn nằm nôi. Để sách hấp dẫn trẻ, phụ huynh Do Thái thường nhỏ nước hoa lên sách để tạo mùi hương cho các em chú ý.

Rõ ràng văn hóa ứng xử với rượu, bia và sách, báo của người Việt và của các dân tộc khác là điều rất đáng để chúng ta quan tâm, suy ngẫm./.

T.V.S

_______________

Tài liệu tham khảo:

https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-truong-y-te-nguoi-viet-tieu-gan-4-ty-usd-tien-bia-mot-nam-3836585.html

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/tieu-thu-ruo-u-bia-tai-viet-nam-tang-739498.html

https://plo.vn/van-hoa/moi-nguoi-viet-chi-doc-mot-quyen-sach-1-nam-829035.html

https://bvhttdl.gov.vn/thuc-day-van-hoa-doc-nhin-tu-cong-nghe-20220527145225623.htm#:

https://vtv.vn/xa-hoi/viet-nam-xep-thu-2-khu-vuc-dong-nam-a-thu-3-chau-a-ve-tieu-thu-ruou-bia-20220707020840737.htm#

. . . . .
Loading the player...