02-06-2020 - 10:36

Nguyễn Du sau hai trăm năm, nhìn lại một cách nhìn

Bắt đầu từ số 165, tháng 5/2020, Tạp chí Hồng Lĩnh đã mở chuyên mục "Hướng tới kỷ niệm 200 năm năm mất Đại thi hào Nguyễn Du (9/1820 – 9/2020). Tạp chí Hồng Lĩnh mong nhận được bài viết của các tác giả quan tâm và yêu thích Nguyễn Du và Truyện Kiều

 

 

Nguyễn Du sau hai trăm năm, nhìn lại một cách nhìn

 

     Nguyễn Du (1765 – 1820) là một trong số những nhà thơ lớn, lớn nhất, của lịch sử văn học dân tộc Việt Nam. Đó là điều không cần phải bàn cãi. Thế nhưng, cũng như mọi văn thi hào tự cổ chí kim, di sản văn chương của Nguyễn Du chắc chắn không phải là một khối tác phẩm đồng nhất về chất lượng. Nếu muốn, người ta có thể khẳng định dưới ngòi bút của thiên tài thì tác phẩm dở nhất cũng vẫn có những chỗ phát sáng theo cách chỉ thiên tài mới có thể làm được. Tuy nhiên, dẫu sao mặc lòng, lập luận này không thể đánh đổ một sự thật lạnh lùng rằng: chỉ một, hoặc một vài tác phẩm trong văn nghiệp của một tác giả mới đủ sức làm nên diện mạo thiên tài cho tác giả ấy mà thôi.

     Căn cứ vào những gì mà ngành văn bản học và ngành nghiên cứu văn học sử Việt Nam cung cấp cho đến nay, ta có thể liệt kê di sản văn chương của Nguyễn Du: Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh), Văn chiêu hồn, Văn tế Trường Lưu nhị nữ, Thác lời trai phường vải, Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâmBắc hành tạp lục. Trong số bảy tác phẩm kể trên (bốn Nôm, ba Hán), tác phẩm nào mới thực sự phác nên và in hằn diện mạo thiên tài của Nguyễn Du qua dằng dặc mười một thế kỷ văn học Việt Nam? Với rất nhiều người đọc nói chung, trả lời câu hỏi này ắt là dễ như thò tay vào lấy đồ trong túi. Họ sẽ chúng khẩu đồng từ mà bảo rằng tác phẩm đó chỉ có thể là Truyện Kiều!

     Cách nhìn này không phải không có lý (Hegel: Tồn tại là hợp lý). Và tôi cho rằng, cái lý ấy chủ yếu xuất phát từ một “tập quán đọc” đã hình thành và liên tục được củng cố trong suốt hai trăm năm qua, kể từ khi Nguyễn Du viết Truyện Kiều. Ở thế kỷ XIX, ngay sau khi Truyện Kiều ra đời, nó đã được đọc và tạo ra một ảnh hưởng khá lớn trong xã hội, ít nhất là ở tầng lớp có văn hóa cao. Các vị vua như Minh Mạng, Tự Đức, các nhà Nho như Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Vũ Tông Phan, Nguyễn Xuân Ôn, Đào Nguyên Phổ v.v… đều có bình luận về Truyện Kiều, trong đó cực tả là những bình luận của Mộng Liên đường chủ nhân: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”. Tới đầu thế kỷ XX, khi Truyện Kiều đã được chuyển dịch từ chữ Nôm sang quốc ngữ, nó lại được ca tụng, ở mức cao hơn, trong bài diễn thuyết kỷ niệm một trăm năm ngày mất Nguyễn Du của Phạm Quỳnh. Với ông chủ bút “Nam Phong tạp chí” thì Truyện Kiều: “vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc”. Ông so sánh nó với văn chương Tàu để thấy nó “đột ngột như một ngọn cô phong ở giữa đám quần sơn vạn hác”. Ông so sánh nó với văn chương Pháp để thấy ở nó tính chất phổ cập rộng khắp (tính toàn dân) mà các tuyệt tác của văn chương Pháp không sao có được. Và ông xác quyết: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Kể từ năm 1945, trong nền khoa học văn học Việt Nam, Truyện Kiều đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều tác giả uy tín, từ đó những công trình “Kiều học” dày dặn cứ đều đặn ra đời: Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Hoài Thanh (1949), Đặc sắc của văn học cổ điển Việt Nam qua nội dung Truyện Kiều của Đặng Thai Mai (1955), phần viết về Truyện Kiều trong Thi hào dân tộc Nguyễn Du của Xuân Diệu (1965), Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du của Lê Đình Kỵ (1970), Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm của Đặng Thanh Lê (1979), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc (1985) v.v và v.v… Ở đó, Truyện Kiều được nhìn nhận, phân tích, lý giải, chứng minh từ nhiều chiều và bằng nhiều phương pháp. Để, tổng hợp lại, chúng ta thấy tác phẩm này bật lên như một kiệt tác thể hiện tính/ chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc, tính/ chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt, lý tưởng thẩm mỹ mới mẻ, năng lực kiến tạo tình huống kịch và phân tích tâm lý trác tuyệt v.v… của thiên tài Nguyễn Du. Có thể nói, trong tương quan với sáu tác phẩm còn lại của Nguyễn Du, về lượng của sự diễn giải, Truyện Kiều vượt trội. Chính bởi thế mà việc nó tạo ra ấn tượng mạnh với người đọc nói chung, như một xác tín, rằng đây là tác phẩm tiêu nhất của thi hào Nguyễn Du, cũng là dễ hiểu. (Cần phải kể thêm một nhân tố nữa: từ nhiều chục năm nay, Truyện Kiều được đưa vào chương trình Ngữ văn phổ thông với số đơn vị bài giảng nhiều hơn bất cứ tác phẩm văn chương trung đại nào khác. Nhà trường – như cách hình dung của triết gia Pháp L. Althusser: “cỗ máy sản xuất ý thức hệ” - hiển nhiên cũng đã góp phần đáng kể để củng cố xác tín nói trên về Truyện Kiều).

     Thế nhưng, tất cả những diễn giải, bình luận về Truyện Kiều đã sản sinh theo chiều dài của lịch sử đều là những diễn giải, bình luận từ-bên-ngoài-đưa-vào. Diễn giải, bình luận từ-bên-trong thì sao? Ít nhất, ta có một câu của Nguyễn Du, ở cuối tác phẩm: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”. Từ trước đến nay, để xử lý câu thơ có tính chất “tự phán” này, người ta đã rất dễ dàng coi nó như một thể hiện cho đức tính khiêm tốn của Nguyễn Du. Tôi thì không tin một danh sỹ, tác giả của những câu: “Tính thành hạc hĩnh hà dung đoạn/ Mệnh đẳng hồng mao bất tự tri” – Nghĩa là: Trời sinh ra cái chân con hạc vốn dài, làm sao cắt được? Mạng sống mỏng manh như đặt trên sợi lông hồng mà không tự/ cần biết – đầy chất “kiêu ngầm” đến thế lại cần phải tỏ ra khiêm tốn trước chính tác phẩm được ông viết “như có máu chảy trên đầu ngọn bút”. (Ở các nhà Nho tài tử như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát và hàng loạt người khác nữa, “thị tài”, chứ không phải “khiêm tốn”, mới chính là nét tính cách trội của họ). Theo chủ quan của tôi, với câu bình luận từ-bên-trong như vậy, Nguyễn Du đã phát ngôn quan điểm của mình về Truyện Kiều, một cách rất thành thật.

     Hãy chú ý tới hai từ khóa có liên hệ rất chặt chẽ với nhau: “lời quê” và “mua vui”. “Lời quê”, bởi Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm. “Mua vui”, bởi có lẽ, mục đích ban đầu của Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều không ngoài để thư giãn, giải trí, một thứ thể dục tinh thần. Nhìn lại chín thế kỷ của văn học Việt Nam trung đại, ta sẽ thấy rằng về cơ bản đây là một nền văn học viết bằng chữ Hán, và viết theo những mô hình thể loại đã trở thành điển phạm của văn học Trung Hoa. Chữ Nôm – thứ văn tự ghi âm tiếng Việt trên cơ sở những bộ thủ của chữ Hán – xuất hiện sớm nhất là vào cuối thời Trần, với bài Văn tế cá sấu của Hàn Thuyên. Theo thời gian, chữ Nôm ngày càng được các tác giả Việt Nam sử dụng nhuần nhuyễn trong vai trò của một văn tự dùng để sáng tác văn học, thể hiện qua những tác phẩm thơ Nôm sáng giá của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm v.v… Và đột khởi, là giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, với sự xuất hiện của ba thể Nôm “thuần Việt” là ngâm khúc, truyện thơ Nôm và hát nói. Tuy nhiên, chữ Nôm chưa bao giờ là văn tự được sử dụng trong các công việc hành chính quan phương, và chưa bao giờ là ngôn ngữ của văn chương khoa cử. Tất cả đều là chữ Hán. Có lẽ, trong một sự ước định nào đó của nhà Nho Việt Nam, chữ Nôm… thấp hơn chữ Hán. (Câu thành ngữ Nôm na mách qué chính là một cách “ló ra” của sự ước định này). Để bộc lộ Tâm, Chí của mình qua thơ văn, họ dùng chữ Hán. Để “chơi” – tức để “vui vẻ”, “văn nghệ”, theo cách nói xuồng sã của thời nay – họ dùng chữ Nôm. (Có thể nhìn nhận được thực tế này từ sáng tác của một nhà thơ “song ngữ” khá độc đáo: Nguyễn Khuyến. Rất nhiều bài thơ của cụ Tam nguyên Yên Đổ có hai phiên bản, một Hán một Nôm. Cụ sáng tác bằng chữ Hán trước, sau đó tự dịch sang Nôm, và khi sang Nôm thì ít nhiều đều có ý vị trào phúng, hài hước, khác với nguyên tác Hán văn). Ngay như ở thể loại truyện thơ Nôm, những tác phẩm có giá trị nghệ thuật xuất sắc nhất đều là những tác phẩm lấy cốt truyện từ các tiểu thuyết tài tử giai nhân của văn học Trung Hoa thời Minh Thanh. Tống Trân – Cúc Hoa, Phạm Tải – Ngọc Hoa, Hoa Tiên v.v… đương nhiên là cả Truyện Kiều nữa, đều nằm trong trào lưu truyện thơ Nôm hóa các tiểu thuyết tài tử giai nhân. Trai tài gái sắc, những mối quan hệ luyến ái nằm ngoài vòng cương tỏa của đạo lý truyền thống, đó chính là món ăn tinh thần đầy sức hấp dẫn, đủ khả năng thỏa mãn nhu cầu giải trí/ thẩm mỹ mới – chứ không phải nhu cầu bộc lộ hoặc noi theo những tấm gương đạo đức - của lớp độc giả thị dân đang dần hình thành và lớn mạnh trong lòng các đô thị Trung Hoa và Việt Nam thời trung đại. “Mua vui cũng được một vài trống canh” - vậy thì cái không “mua vui”, cái thực sự là gan ruột, cái phản ánh trọn vẹn nhất và trực tiếp nhất diện mạo tinh thần của Nguyễn Du nằm ở đâu? Có thể trả lời ngắn gọn: nằm ở thơ chữ Hán (ba thi tập), bộ phận tác phẩm mà trong cuốn Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943), học giả Đào Duy Anh đã đưa vào phụ lục kèm một nhận định: “Về hình thức cũng như về nội dung, tôi tưởng thơ Nguyễn Du có thể để cùng hàng với thơ Cao Bá Quát và có thể đem so sánh với thơ Đường”. Ở đó, là tài năng thiên phú của Nguyễn Du, là nỗi sầu đau xuyên thấu không gian và thời gian của ông. Ở đó, là khuôn mặt Người Thơ hoàn chỉnh nhất của Nguyễn Du, một Người Thơ đã nguyện làm con bướm chết giữa trang sách (điệp tử thư trung).

     Mặt khác, khi ngành văn học so sánh đã phát triển như hiện nay, không thể nói về Truyện Kiều mà không đặt nó trong tương quan với tác phẩm gốc, tức Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Trước đây, nhiều công trình nghiên cứu phê bình Truyện Kiều đã cắt bỏ sợi dây liên hệ này, do đó, những tán dương trời biển về đề tài, cốt truyện, nhân vật, tính cách, hành động, chi tiết v.v… cho Nguyễn Du và Truyện Kiều, hóa ra lại là những tán dương rất đúng nếu ghép cho… Thanh Tâm Tài Nhân và Kim Vân Kiều truyện. May mắn, khoa “Kiều học” của chúng ta có Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc và Thi pháp Truyện Kiều của Trần Đình Sử, là hai trong số rất ít những công trình thoát được khỏi tình trạng “khen nhầm địa chỉ” này. Dù xuất phát từ những bệ đỡ lý thuyết khác nhau (phong cách học và thi pháp học), nhưng với hai nhà nghiên cứu kỳ cựu Phan Ngọc và Trần Đình Sử, tài năng của Nguyễn Du chỉ có thể được nhìn nhận theo “độ chênh”, “độ khúc xạ” giữa hai tác phẩm văn học. “Độ chênh”, “độ khúc xạ” ấy hiển nhiên thể hiện những lựa chọn của Nguyễn Du trong việc dịch chuyển từ một tác phẩm do người Trung Quốc viết cho người Trung Quốc đọc sang một tác phẩm do người Việt Nam viết cho người Việt Nam đọc, từ một tiểu thuyết chương hồi sang một truyện thơ Nôm. Tuy vậy, vẫn không thể phủ nhận rằng, về loại hình, Truyện Kiều là một trần thuật hư cấu. Và trên phương diện một trần thuật hư cấu thì những sáng tạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều không khác bao nhiêu so với những sáng tạo của Thanh Tâm Tài Nhân trong Kim Vân Kiều truyện. Với lý do này, một lần nữa, việc xem Truyện Kiều như tác phẩm tiêu biểu, đại diện cho thiên tài Nguyễn Du đã bị một điểm trừ, và ngược lại; bộ phận tác phẩm thơ chữ Hán của ông càng hiện lên như một khả năng đáng được cân nhắc hơn.

     Lẽ dĩ nhiên, để làm bật lên cho được đầy đủ giá trị thơ chữ Hán Nguyễn Du, để chứng minh một cách thật thuyết phục về tính đại diện của bộ phận tác phẩm này trong toàn bộ di sản văn chương của Nguyễn Du, là điều không dễ. Trong khuôn khổ của bài báo này, sau hai trăm năm Nguyễn Du qua đời (1820 – 2020), tôi chỉ dám đặt vấn đề gợi ra một sự nhìn lại về một cách nhìn đã trở nên quá quen thuộc, đã thành rãnh thành nếp trong đánh giá của chúng ta về thiên tài Nguyễn Du. Xin được kết bài bằng một ghi chú: lịch sử có thể kéo dài sự nhầm lẫn của nó lâu hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Và biết đâu đấy, chừng nào còn tiếng Việt thì chừng ấy Truyện Kiều vẫn cứ “như một cô phong ở giữa đám quần sơn vạn hác”?

             Hoài Nam

. . . . .
Loading the player...