Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu chân dung Nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan sinh năm 1976, quê quán P.Hà Huy Tập- Tp.Hà Tĩnh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, được rút từ tập sách "Những gương mặt nhà văn Hà Tĩnh".
Nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan
Bút danh: Nguyên Hạnh, Hạnh Loan
Sinh ngày 21/07/1976
Quê quán: Phường Hà Huy Tập - Thành phố Hà Tĩnh
Nơi công tác: Phòng Thời sự - Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ tháng 1/2019. Chuyên ngành: Thơ
* Quá trình công tác:
Từ 1986 - 1991, học sinh chuyên văn trường Năng khiếu Thị xã Hà Tĩnh, nay là trường THCS Lê Văn Thiêm, Thành phố Hà Tĩnh. Sau đó, là học sinh chuyên Văn khóa 1 của trường THPT chuyên Hà Tĩnh (khóa 1991-1994). Năm 1998. Tốt nghiệp Khoa Kinh tế, khóa 19, trường Đại học Luật Hà Nội, sau đó về công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh. Tốt nghiệp Đại học Báo chí hệ Tại chức năm 2005. Năm 2011, tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Báo chí học. Hiện nay là Phó Trưởng phòng Thời sự, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh.
* Tác phẩm đã xuất bản:
1. Hãy nói yêu khi hoa hồng nở (Thơ, NXB Văn học 1/2017)
2. Khoảng trời sau cửa sổ (Thơ thiếu nhi, NXB Văn học 3/2017)
3. Sải cánh giữa chiêm bao (Thơ, NXB Văn học 9/2018)
* Giải thưởng:
1. Giải Nhì - Cuộc thi Thơ văn tuổi học trò lần thứ I; Hà Tĩnh năm 1992.
2. Giải C - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc 2018 (Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam)
Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết “Trái tim hoa hồng” của Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo được rút từ tuyển sách “Những gương mặt” Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh, Nxb Hội Nhà văn, 2019.
TRÁI TIM HOA HỒNG
Ai cũng biết, hoa hồng là biểu tượng của tình yêu bất tử. Màu hoa đồng sắc với trái tim, và hương hoa thì thơm tho tinh khiết luôn âm thầm lan tỏa. Trong câu chuyện tình yêu của nữ hoàng Cleopatra và Anthoni từ thời xa xưa khiến người đời nhớ mãi, bởi vì nàng quá yêu hoa hồng đến nỗi, khi xa nàng, chàng vẫn cảm thấy mùi hoa hồng luôn bên cạnh mình. Chọn tựa đề “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở” để đặt tên cho tập thơ, là một chọn lựa trẻ trung và tinh tế của Hạnh Loan. Phải chăng nàng cũng đang mang một “trái tim hoa hồng” trước tình yêu vĩnh cửu?
Hãy gắn chặt môi nhau bằng nụ hôn da diết
Khi tim ta đã bừng nở những đóa hồng...
(Hãy nói yêu khi hoa hồng nở)
Và mãnh liệt hơn, Hạnh Loan còn làm thơ về “Hoa hồng Ecuador” bởi nó nở bên miệng núi lửa gần đường xích đạo chan hòa ánh sáng.
Hoa lắng nghe những thanh âm của thiên hà bất tận
Hoa chắt ra từ miệng núi lửa phun trào bao giọt sống
Để bừng dậy sắc hồng Ecuador
Và anh hãy tin
Trên trái đất này
Không có nơi nào để hoa hồng đẹp như Ecuador
Trên cõi người này, không ai yêu anh bằng em…
(Hoa hồng Ecuador)
Người ta thường nghĩ, thơ nữ giới là phải thầm kín, ý nhị và thậm chí yếu đuối như là một bản chất của phái yếu. Đọc Hạnh Loan, tôi cũng nghe tiếng khóc, hơi thở cô đơn và cả tiếng kêu gào kìm nén phía sau con chữ, nhưng tôi cũng đọc thấy trong thơ nàng cả một trời khát khao, mơ mộng cùng với những mệnh lệnh thức nổi loạn trong con người nữ quyền của thời hiện đại. Đó là sự khám phá lật tẩy những mặc cảm tự ti trong tình yêu của nữ giới để bước đi tự tin trên con đường đầy cạm bẫy về phía hoa hồng.
Người con gái nào sẽ thay em hôn lên mắt
Anh hãy nói với cô ấy rằng:
“Em mới là người anh yêu nhất”
Bởi cô ấy cũng như em
Yêu anh chân thật
Và cũng nghẹn ngào
Khi anh nói chia ly...
(Với anh)
Nỗi đau chia ly dường như được giải thoát khi dám chấp nhận mất người mình yêu? Nhưng sự chấp nhận lại mang về cho mình nước mắt đau thương. Có thể đó là một tâm lý phức tạp mà ai cũng phải trải qua trong tình trường, và nàng đành thỏa hiệp: “Giữ sao được/ Bước chân lữ thứ/ Người xa người/ Khuất bóng mới thương hơn”.
Hoặc là sự mâu thuẫn giằng xé trong tình yêu :
Bên bờ vực sâu
Lương tâm và tình yêu cãi nhau
Những cuộc tình gục đầu xin tha thứ
Để rồi:
Tôi biết câu chuyện này sẽ không đi đến đâu
Nhưng tôi mong bình yên về trong cõi lòng người thiếu phụ
Nàng sẽ quay về bến cũ
Ôm con đợi chồng
Đôi mắt đàn bà sóng sánh ánh hoàng hôn.
(Không đề)
Vào đầu thế kỷ trước, phụ nữ làm thơ đã là một sự dấn thân can đảm vì thường bị phụ, mẫu cấm đoán. Nữ sĩ Anh Thơ đã từng trốn cha mẹ để viết nên tập thơ “Bức tranh quê” đoạt giải thưởng khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn, dù nội dung chỉ tả những vẻ đẹp của cảnh quê. Đến thời nay thì phụ nữ làm thơ như một phong trào rộng rãi đến nỗi có người phải thốt lên như một nhận xét tổng kết “Văn học âm thịnh”. Điều đó cũng chẳng có gì lạ. Nhưng cái lạ là thơ nữ giới ngày nay không chỉ tả cảnh, mà còn công khai những bí mật tâm hồn không hổ thẹn. Đó là điều cần quan tâm hơn cả. Dám công khai bí mật trước bàn dân thiên hạ, dù chỉ bằng thơ cũng là điều đáng nể. Người khoét sâu vào những bí mật thầm kín. Người táo bạo tiết lộ những bí mật phòng the. Người tuyên ngôn về tự do ái tình. Thơ tỏ tình, thơ sex xuất hiện nhiều chưa từng thấy với ngôn ngữ ma mị hay ngôn ngữ bình dân, v.v… Hạnh Loan cũng xuất hiện trong trào lưu ấy, nhưng nàng có một đặc tính can đảm riêng. “Nói gần nói xa chẳng qua nói thật”, phải chăng đó cũng là đặc tính của thơ nàng?
Đó không phải bài thơ em viết cho anh
Bài thơ ấy em viết cho người khác
Người đến bên em khi tình anh phai nhạt
Và yêu em thật nhiều như anh đã từng yêu.
(Điều giản dị)
Hoặc:
Dẫu anh yêu em em vẫn chỉ người thứ hai
Đừng an ủi, nước mắt em vẫn chảy
Giọt lệ yêu anh, giọt lệ ghen tuông
Đông đặc tim em nỗi buồn hoang dại
…Anh hãy để một lần em câm lặng
Nghẹn nuốt nỗi buồn của kẻ đến sau....
(Ghen)
Dù nhiều lúc “nghẹn tình” thì người thơ vẫn can đảm chấp nhận, vì tình không chỉ một.
Nếu quan niệm thơ nữ quyền (feminist poet) là thuốc giải độc cho sự nhẫn nhục, quẫn trí hay tuyệt vọng về chính trị xã hội thì đó là thơ của những nhà thơ phụ nữ khác chứ không phải Hạnh Loan. Hạnh Loan thể hiện tính nữ quyền về tình yêu trong những bài thơ của mình. Nàng thoát khỏi hai từ “gái ngoan” để trở thành một người thơ khát khao tình yêu tự do đích thực, kêu đòi quyền yêu cho phái đẹp. Nàng thoát khỏi hai từ “kìm chế” để nói về tình yêu từ trong vô thức. Đó là bản ngã của nàng: Quẳng hết đi những lụy phiền, những cô đơn, những hanh hao, những cay đắng gặm nhấm tâm hồn em như một thứ a xít ăn mòn kim loại/ Em thanh tao, em kiêu hãnh bởi trái tim người phụ nữ biết yêu và biết sống riêng mình…(Quẳng) Và nàng tuyên bố: “Hãy yêu thương thật nhiều đừng chờ tới ngày mai!!!”.
Quan niệm sống cho hiện tại, sống gấp đã được những nhà hiện sinh phương Tây giữa thế kỷ XX đưa lên thành một trào lưu, thành chủ nghĩa. Đến thi sĩ Xuân Diệu cũng kêu lên: “Nhanh với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em ơi em tình non sắp già rồi”. Sự nghiệt ngã của thời gian đã khiến con người lo sợ, và quan niệm “sống gấp” như một quan niệm triết học “sống-chết” thế nào cho ý nghĩa. Trong chủ đề tình yêu, Hạnh Loan muốn cháy tận cùng niềm khao khát, say mê mà con người đáng được thụ hưởng. Nhiều bài thơ của nàng nói đến thời gian và cái chết với một tinh thần nhân văn. Có lẽ nhờ thế mà động chạm đến trái tim và thức nhận của người đọc. “Hãy hôn em đi/Giây phút nào cũng là/Giây phút cuối” (Những giây phút cuối cùng); “Em sẽ yêu anh/Bằng tất cả những người đàn bà của đời anh cộng lại”; “Nếu anh chết bia mộ anh sẽ gió”, “Giá có thể tan cùng anh/Thịt da chỉ là vá víu/ Nhưng nói nhiều về nỗi sợ thời gian, nói nhiều về cái chết lại chính là để đề cao tình yêu, khẳng định tình yêu là bất tử: “Cốt xương chỉ là hình hài/Hồn ta mới bên nhau mãi” (Nếu em có thể là anh), “ Còn tình yêu ta còn mãi trên đời”(Mình còn thấy bao nhiêu lần biển biếc)… “Như tình yêu trong tim ta ngự trị/ Cháy lên kiêu bạc như loài hoa dẫu đối diện với u linh/ Để cái chết sẽ cúi đầu cô độc”…(Hoa hồng Ecuador).
Thơ Hạnh Loan thường dùng những từ to tát, sáng loáng vẻ đẹp, và thường dùng từ mệnh lệnh thức “hãy” như là những vỏ chữ bên ngoài, nhưng đọc kỹ, ta thấy phía sau những vỏ chữ ấy là tiếng kêu đòi giải cứu những khát vọng cuồng cháy luôn nổi lên trong lòng người thơ đa đoan phận kiếp đàn bà. Sau sự cuồng điên của phong ba bão tố là sự dịu dàng của biển. Sau niềm đam mê mãnh liệt yêu thương là nỗi buồn cô đơn tưởng như kiệt sức. Và nàng tự thú khi cầm lên chiếc điện thoại để gọi cho người mình yêu:
Phone cho anh sao đo đắn trước sau
Sao cứ phải dùng dằng trước dòng tên quen thuộc
Trong im lặng em nghe tim mình thức
Vẫn thương nhớ thật nhiều
Dù
không
gọi
cho
Anh...
(Sao không phone cho anh)
Đọc thơ Hạnh Loan, ta gặp hình ảnh những bông hoa hồng đủ màu sắc. Kể cả hoa hồng đen tượng trưng cho cô đơn, lạnh lùng và bí ẩn vẫn được yêu, được viết thành thơ:
Bông hồng đen kỳ bí và lạnh lùng
Kiêu hãnh dẫu bầm dập trong tim
Dẫu đen mà hương nồng thơm ngát
Lặng lẽ để tang cho chính mình
(Hoa hồng đen cho em).
Những câu thơ trân trọng ngợi ca cô đơn của hoa hồng đen đã nói lên sự bình đẳng của mọi loài hoa trước tình yêu cuộc sống. Điều đó chứng tỏ Hạnh Loan luôn chấp nhận thực tiễn và hòa mình vào cuộc sống để khám phá vẻ đẹp muôn màu, không thiên vị. Bởi vậy nên tôi tin ngay sau khi đọc tập thơ “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở”, trái tim của người thơ cũng chính là “trái tim hoa hồng”, mang hương sắc tình yêu dâng tặng cuộc đời này?
Hà Tĩnh, 30.12.2016