20-05-2021 - 17:37

NHÌN LẠI CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA I NĂM 1946 ĐỂ HIỂU THÊM VỀ BẦU CỬ QUỐC HỘI

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết "Nhìn lại cuộc bầu cử Quốc hội khóa I năm 1946 để hiểu thêm về bầu cử Quốc hội" của tác giả Nguyễn Tùng Lĩnh

 

NHÌN LẠI CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA I NĂM 1946

ĐỂ HIỂU THÊM VỀ BẦU CỬ QUỐC HỘI

                    

Vào lúc 14 giờ ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, tại vườn hoa Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc ta bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tựu do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Tuy giành được chính quyền nhưng giai đoạn 1945 - 1946 là thời kỳ vô cùng khó khăn đối với cách mạng Việt Nam. Chính quyền non trẻ bị thù trong giặc ngoài bủa vây, đất nước như một tâm điểm của thế giới, là nơi để các nước lớn thực hiện mưu đồ chính trị riêng của mình. Lãnh đạo đất nước trong giai đoạn này đòi hỏi bộ máy chính quyền mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh phải hết sức nhạy bén, sáng suốt và đầy bản lĩnh chính trị. Và một trong những thắng lợi to lớn đầu tiên sau khi giành được chính quyền đó chính là việc tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu đại biểu ở phòng bỏ phiếu đặt tại nhà số 10 phố Hàng Vôi 

(nay là phố Lý Thái Tổ) ảnh tư liệu

Ngày 8/9/1945, tức chỉ chưa đầy một tuần sau ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Lâm thời Việt Nam ký bản Sắc lệnh mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội. Nội dung Sắc lệnh nêu rõ: 1. Trong một thời hạn hai tháng kể từ ngày ký sắc lệnh này, sẽ mở Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội; 2. Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường; 3. Số đại biểu của Quốc dân đại hội ấn định là 300 người; 4. Quốc dân đại hội sẽ có toàn quyền ấn định Hiến pháp cho nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; 5. Một Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử sẽ được thành lập; 6. Để dự thảo một bản Hiến pháp đệ trình Quốc hội, một Ủy ban khởi thảo Hiến pháp 7 người sẽ thành lập…

Tiếp đó, ngày 20.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với 7 thành viên, gồm Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng và Đặng Xuân Khu.

Việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hàng ngày, vừa thực hiện sách lược tạm hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc. Chính phủ lâm thời thành lập nhưng ngân sách Đông Dương đã hụt tới 185 triệu và nợ 564 triệu, “ngân khố trung ương tổng cộng còn 1.230.000đồng, trong đó có 586.000 đồng là hào nát”. Ngày 8.10.1945 Bộ trưởng Bộ Giáo dục Vũ Đình Hòe cho biết, số người có đủ quyền bầu cử và ứng cử bị mù chữ (chủ yếu ở Bắc Bộ) là 10 triệu người…

Mặc dù vậy, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 12.1946, Chính phủ lâm thời còn ban hành tiếp 4 sắc lệnh về bầu cử gồm Sắc lệnh về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín; Sắc lệnh bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử, Sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày Chủ nhật 6.1.1946.

Việc Chính phủ lâm thời ban hành một loạt các sắc lệnh đã thể hiện sự cố gắng hết sức để cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên giành thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ quyết tâm: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà... Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”

Về công tác chuẩn bị Tổng tuyển cử, các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã trong cả nước. Danh sách cử tri và ứng cử viên được niêm yết công khai. Những người ra ứng cử hoặc được giới thiệu ra ứng cử đều có chương trình hành động cụ thể. Ứng cử viên Vũ Đình Hòe, ứng cử tại Hà Nội: “Tôi ra ứng cử với một chương trình chung, tôi cũng có một chương trình riêng có hai phần chính bao quát: Chống ngoại xâm; Diệt nội phản; Xây dựng nước Việt Nam mạnh và dân chủ; Giáo dục: Lập nhiều trường, Tổ chức nền học thực nghiệp và chuyên nghiệp, Mở rộng đại học và gửi sinh viên đi du học ngoại quốc, Cấp học bổng cho sinh viên nghèo, Nâng cao đời sống giáo viên, Khuếch trương Bình dân học vụ”.

Ngay trước bầu cử một ngày (ngày 5.1.1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu: “… Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…”.

Ngày 6.1.1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tính chung trong cả nước đã có 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong số này có 50 đại biểu của Việt Nam Quốc dân đảng, 20 đại biểu của Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất tại đơn vị bầu cử Hà Nội (98,4%).

Tại Hà Tĩnh, tại cuộc Tổng tuyển cử khóa I năm 1946, chúng ta đã bầu được 7 đại biểu là Tạ Quang Bửu, Lê Lộc, Trần Hữu Duyệt, Hồ Văn Ninh, Nguyễn Trọng Nhã, Vương Đình Lương và Trần Bình.

Báo Cứu quốc số 136, ngày 8.1.1946 thuật lại: “Quang cảnh toàn nước Việt Nam ngày chủ nhật 6.1.1946 phải khắc ghi vào lịch sử dân tộc những chữ vàng rất lớn. Từ các đô thị lạc lõng đến các thôn ổ lạc lõng ở núi rừng, đâu đâu cũng sôi lên vì Tổng tuyển cử. Như một cơn gió lốc mạnh mẽ, cái không khí tưng bừng náo nhiệt của Tổng tuyển cử đã lôi cuốn hết thảy, lôi cuốn cả những kẻ thờ ơ với thời cục vào một ý nghĩ: Tổng tuyển cử.

Toàn quốc đã thấy mạnh hơn, trẻ hơn, tin tưởng hơn trong ngày Tổng tuyển cử và sau ngày Tổng tuyển cử. Toàn thể dân Việt Nam đã tham dự việc nước một cách thiết thực. Toàn thể dân Việt Nam mặc dù còn một số đông không biết chữ, nhưng vẫn đủ sáng suốt để lựa chọn người đại biểu của mình. Tên các vị thu được nhiều phiếu ở Hà Nội và ở các tỉnh đưa về đã nói rõ rằng dân Việt Nam đã đủ tư cách chọn mặt gửi vàng. Với Tổng tuyển cử, dân Việt Nam đã thắng một trận lớn, một trận quyết liệt có tính cách định đoạt số phận của mình”.

Trả lời phỏng vấn báo Quốc hội số đặc biệt, ngày 6.1.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nước nhà cố nhiên chưa theo kịp được nước ngoài, vì lần đầu chưa có kinh nghiệm, vả chăng những phương tiện tuyên truyền của nước ngoài khá hơn, ví dụ họ có sẵn tàu bay, sẵn nhà chiếu bóng, sẵn giấy vân vân, là những thứ hiện ta thiếu cả. Nhưng lần đầu mình làm được thế này cũng đã khá lắm… Đặc biệt, Người còn cho rằng: “Ở Pháp đã có mấy chục lần tuyển cử rồi nhưng mãi năm ngoái phụ nữ Pháp mới được hưởng quyền bỏ phiếu. Xem như thế, thì ta có cái chậm hơn nước ngoài, nhưng cũng có cái ta đi quá họ…”.

Năm nay, dù 75 năm đã trôi qua, chúng ta cũng đã tổ chức thành công thêm 14 cuộc bầu cử Quốc hội, nhưng nhìn lại cuộc Tổng tuyển cử lần thứ nhất năm 1946 vẫn thấy còn nguyên rất nhiều giá trị. Cuộc Tổng tuyển cử lần đầu này đã đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có đầy đủ các cơ quan quyền lực tối cao, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại, giành quyền quản lý đất nước và xã hội thuộc về toàn dân.v.v. Đây cũng chính là những thắng lợi vô cùng quan trọng của Chính quyền non trẻ Việt Nam kể từ sau ngày tuyên bố độc lập 2.9.1945.

                                                                                       N.T.L

           

. . . . .
Loading the player...