04-05-2020 - 17:09

Nhớ một thời tham gia Hội sáng tác Văn nghệ Hà Tĩnh

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập và Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh khóa X nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Nhớ một thời tham gia Hội sáng tác Văn nghệ Hà Tĩnh” (Hồi ức của NGND Bùi Thân, hội viên chuyên ngành Hội họa năm 1969)

 

Sau cách mạng tháng Tám, tôi bước vào tuổi mà dân xứ Huế gọi là “choai” tuổi mà cái gì cũng muốn biết, muốn học hỏi. Lớp đàn anh trong xã thường nhắc rằng làm trai xã Châu Phong (tức Tùng Vĩnh ngày nay) mà không biết thơ ca nhạc họa thì không xứng. Với “châm ngôn” của lớp đàn anh vùng núi Tùng sông La đó, tôi lao vào tập đàn sáo, học nhạc lí, vào đội đồng ca đi phục vụ các hoạt động xã hội.

Nhà giáo nhân dân Bùi Thân với những ấn phẩm của một thời

Đến năm 1949, khi bước vào ngành giáo dục, dạy dỗ lớp học sinh tiểu học, tôi thấy những gì đã học được trước đây phải có ích lắm vì phục vụ thiết thực cho nghề dạy học. Bởi thế, vừa dạy vừa tìm tòi học hỏi thêm, có năm học tôi đã giới thiệu cho học sinh lớp lớn về nhạc lí trước khi tập hát.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và những năm hòa bình lập lại, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng ở Thạch Tân khá sôi nổi nhờ Ty Văn hóa chuyển về đóng ở địa phương, nên tôi đã hăng hái tham gia sáng tác ca dao, thơ ca gửi cho phòng văn nghệ Ty Văn hóa. Không hiểu sao thuở đó, tôi thường làm thơ trào phúng, châm biếm các sự kiện trong xã hội lúc bấy giờ. Khoảng năm 1955, có lần vào gặp Tổ sáng tác văn nghệ Ty Văn hóa, các anh Thanh Minh, Vũ Hoàng đều ngạc nhiên nói với tôi, không ngờ Tùng Thạch là thanh niên mà lại làm thơ tựa như người lớn tuổi. Thế rồi vào hè năm 1956, tôi được Ty Văn hóa mời dự Hội nghị sáng tác văn nghệ Liên khu IV tại thị xã Vinh. Hội nghị này ở Hà Tĩnh có các anh Thanh Minh, Vũ Hoàng, nhà giáo Trần Quốc Nghệ, cô giáo Lê Thị Lục, anh Cường ở Đoàn văn công… tham gia. Tôi nhớ anh Phùng Thị ở Liên khu ủy đến nói chuyện và đưa mấy danh ca Huế như chị Mộng Điệp… đến phục vụ.

Sau Hội nghị này, Hội sáng tác văn nghệ liên khu phát động cuộc thi sáng tác kỷ niệm 40 năm cách mạng tháng mười Nga và in thành hai tập thơ là: “Em hãy tự hào” và “Người bạn mắt xanh”. Cuộc thi này, tôi có bài thơ “Sao đỏ, sao vàng” được giải ba, in vào tập “Em hãy tự hào”. Phấn khởi trước thành công ban đầu đó, tôi càng hăng hái sáng tác đủ loại từ ca dao, thơ rồi truyện ngắn, truyện thơ và càng gắn bó với Văn hóa Hà Tĩnh khi cấp Liên khu giải thế. Những năm 60 của thế kỷ trước, phong trào sáng tác văn nghệ trong tỉnh phát triển mạnh, thu hút được nhiều đối tượng tham gia và đã in được nhiều tập thơ văn như: “Tiếng kẻng thôn tôi”, “Hoa mùa xuân”, “Nước sông La” vv…, kể cả thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Thời kỳ này, Ty Văn hóa hợp nhất với Ty Thông tin tạo điều kiện cho văn hóa văn nghệ phục vụ sản xuất và chiến đấu tốt hơn. Vì điện ảnh với màn ảnh rộng không hoạt động được ngoài trời nên ngành văn hóa thông tin khuyến khích hình thức đèn chiếu trong nhà rất có hiệu quả. Tôi đang say sưa với việc sáng tác thơ ca thì các anh ở phòng văn nghệ gợi ý nên làm đèn chiếu. Thế là, với vốn hội họa “quần chúng” sẵn có, được họa sĩ Phạm Lê Khang giúp đỡ, tôi đã say mê vẽ các bộ phim trên giấy bóng kính với mực nho, rồi dùng dầu hỏa xoa lên cho trang giấy, rồi viết kịch bản thuyết minh. Khi đỏ đèn măng sông để chiếu, tôi vừa kéo các hình ảnh vừa đọc lời thuyết minh cho mọi người nghe, khi là học sinh, khi là nhân dân các xóm. Vì thế năm 1965, trong Hội nghị liên hoan phim đèn chiếu toàn miền Bắc ở Sài Sơn Hà Tây, tôi được Ty Văn hóa thông tin cử đi dự thi bộ phim “Trung Tiến quê ta” với các anh Từ Thành, Nguyễn Văn Thơi, Biện Anh và đạt giải Ba. Hoạt động này kéo dài mãi nhiều năm sau vì vừa góp phần phục vụ giảng dạy vừa thiết thực phục vụ xã hội nên đến khi thành lập Hội sáng tác văn nghệ vào đầu năm 1969 thì Họa sĩ Phạm Lê Khang vận động tôi vào tổ hội họa vì đã có nhiều phim đèn chiếu, đã có tranh “Soạn bài trên tuyến lửa” treo ở phòng tranh do Ty Văn hóa thông tin tổ chức tại Thạch Linh.

Thẻ hội viên của Nhà giáo ND Bùi Thân được cấp năm 1969

Từ đó về sau ngày thống nhất đất nước rồi nhập tỉnh, tôi vẫn làm thơ, làm ca dao, còn hoạt động đèn chiếu đã nhường lại cho điện ảnh màn rộng như trước.

Đến lúc này nghĩ lại, tôi thấy mình đã có nhiều tham vọng của thời tuổi trẻ, đã từng là người “điếc không sợ súng” trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, lĩnh vực đòi hỏi phải có tài năng. Tôi không thể là nhà thơ vì thiếu chất mơ màng lãng mạn, như nhà thơ Yến Thanh từng viết:

“Mơ xây nhà bên suối

Cuốn sách gáy vàng

Chiều thu vời vợi

Khóe mắt giai nhân!”

Tôi cũng không thể là họa sĩ vì chỉ là một người quần chúng biết vẽ, không thể ngồi cùng mâm với các họa sĩ chuyên nghiệp của tỉnh. Tôi chỉ là một nhà giáo, cần phải làm tốt trách nhiệm của mình, nhất là đang đảm nhận công cuộc cải cách giáo dục lần thứ 3 từ lớp một. Bởi thế tôi đã báo cáo với Nhà thơ Xuân Hoài xin được nghỉ sinh hoạt Hội và được chấp nhận.

Tôi rất tiếc không đi đến cùng với Hội, nhưng vẫn luôn tự hào vì mình đã từng là hội viên từ những năm 1956 của Liên khu IV, từng được giữ tấm thẻ số 48 của Hội sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh cách đây 50 năm với chữ ký của Nhà nghiên cứu văn hóa Thanh Minh, và giờ đây vẫn tiếp tục sáng tác thơ luật Đường, một nhánh thơ của Hội ta.

                                                                                 Đầu xuân Canh Tý

. . . . .
Loading the player...