Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Nhớ người hiền tài” của nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng
NSND Lê Huy Quang
Vào lúc 10 giờ sáng ngày 22/8/2023, nhà văn Hoàng Dự (Tổng Biên tập Thời báo Văn nghệ thuật) gọi điện cho tôi: “Anh Thắng ơi! Anh Lê Huy Quang...”, mới nói đến đó thì như nghẹn lời. Tôi linh cảm thấy điều chẳng lành, hỏi dồn: “Nhà thơ Lê Huy Quang làm sao?...”. Nhà văn Hoàng Dự sau đó bình tĩnh thông báo ngắn gọn: “Nhà thơ Lê Huy Quang kính yêu đã ra đi lúc 21 giờ 30 phút ngày 21-8-2023, nhằm vào ngày 6 tháng 7 âm lịch. Mọi thông tin và công việc tiếp theo, Tòa báo sẽ thông tin cập nhật anh sau!”. Thế là rõ. Đó là sự thật đau đớn không thể không chấp nhận vì quy luật “sinh lão bệnh tử”, ai rồi cũng tới, không thể tránh khỏi, như là định mệnh, hay là số phận vậy, bởi “người tính không bằng trời tính” như cổ nhân nói. Mới hôm nào gần lắm, tôi còn đối ẩm với nhà thơ đồng hương tại quán ca-fe quen thuộc trước cửa Tòa soạn Thời báo Văn học nghệ thuật (số 32, phố Hào Nam, Hà Nội). Anh hỏi thăm gia cảnh, đặc biệt quan tâm cuộc sống cá nhân sau khi nghỉ hưu của tôi từ năm 2011 đến nay. Anh tỏ ra vui mừng và khích lệ: “Chú em đồng hương khá, chỉ hưu lương, không hưu chữ nghĩa văn chương”. Anh còn tận tình chia sẻ với tôi về nghề văn, đặc biệt công việc viết phê bình. Lời cuối của anh nay vẫn còn như văng vẳng bên tôi: “Suy cho cùng, nghề này phải có tâm và có tầm. Phải viết khác. Cố gắng em nhé!”. Đấy là câu anh nhấn mạnh khi nhận xét về bài Tương lai của tiểu thuyết tôi viết nhân Cuộc thi tiểu thuyết 2023-2025 của Thời báo Văn học nghệ thuật phát động tháng 4/2023, đăng trên báo này. Tôi mở Fb của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đọc thấy Một người đi guốc mộc về Thiên đường. Thế là rõ như dưới thanh thiên bạch nhật - MỘT NGƯỜI HIỀN TÀI ĐÃ RA ĐI VÀO CÕI VĨNH HẰNG.
Nghệ sỹ Nhân dân, nhà thơ, họa sỹ Lê Huy Quang, tôi có bận gọi vui và thân mật tình anh em là “Người đồng hương vĩ đại”. Nghe xong anh cười hồn hậu đáp: “Ai trước tiên cũng là con người bình thường cả. Nhưng trong một trạng huống điển hình nào đó thì có thể trở nên vĩ đại. Nhưng đó là những kiệt hiệt. Anh em mình chỉ là những người bình thường và cố gắng để trở thành người tử tế thôi. Nhưng như thế cũng là khó đấy. Em nhớ lấy!”. Anh nói cứ như anh trai thứ của tôi đã từng khoác áo lính từ năm 1958, hy sinh trong chiến tranh Biên giới phía Bắc, 1984 (Liệt sỹ), thường hay chia sẻ tâm tình mỗi khi anh em có dịp gần nhau lâu. Trong bài giới thiệu sách Nhà văn Việt Nam hiện đại tỉnh Hà Tĩnh, nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã dẫn câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du làm nhan đề cho Lời đầu sách VĂN CHƯƠNG NẾT ĐẤT THÔNG MINH TÍNH TRỜI. Hà Tĩnh là không gian địa linh nhân kiệt, cũng vì thế: “Hà Tĩnh là một trong những nguồn mạch có sức nuôi dưỡng và nhuần thắm cho cả nền văn của đất nước”. Viết thế là bao hàm từ những đại văn tài từ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ trong văn học cổ điển; tiếp nối thời hiện đại là Huy Cận, Xuân Diệu, Phạm Ngọc Cảnh, Lê Huy Quang, Ngô Thế Oanh...trong địa hạt thơ ca. Trước nay người ta vẫn gọi (gộp) chung Nghệ An và Hà Tĩnh là xứ Nghệ. Cũng đúng nếu xét theo phương pháp nghiên cứu “Địa - Văn hóa” (Géo - Culture). Xứ Nghệ nghèo nhưng người xứ Nghệ giỏi. Cũng là một xứ chung xét về Địa - Văn hóa, ẩm thực, văn chương, tính cách...song thực sự thì người (nhất là nghệ sỹ) Hà Tĩnh, theo nhận xét của số đông, nhu hòa hơn, duy tình hơn, lãng mạn hơn, trải lòng hơn. Đúng thế chăng?! Quen biết nhau đã lâu tuy không ở mức keo sơn, nhưng giữa nhà thơ Lê Huy Quang với tôi có mối đồng cảm sâu xa về ứng xử, nhãn giới và thẩm mỹ. Không nói nhiều thì bạn bè và đồng nghiệp văn chương trân quý Nghệ sỹ Nhân dân, nhà thơ, họa sỹ Lê Huy Quang, trước hết là ở cái tâm sau mới cái tài (“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” như Cụ Nguyễn Tiên Điền đã viết trong tuyệt phẩm Truyện Kiều). Thi sỹ là một người tiết tháo, rõ như thế. Thẳng nhưng không cứng. Anh thường vận dụng phép “lấy nhu thắng cương”. Anh kiêu hãnh nhưng không hề kiêu căng. Tôi đã hơn một lần chứng kiến tình huống anh “bảo ban” mấy cây viết thơ mới tập tành, vốn có máu “ngựa non háu đá”, “Cao Biền dậy non”, khiến họ phải tâm phục khẩu phục. Anh là người liên tài nên những người chân tài được quý mến là có lý do của nó. Nhưng điều ấy người nào tinh ý, tế nhị mới thấu cảm.
Tiếp nối truyền thống của các bậc tiền bối quê hương, không có gì ngẫu nhiên, mà là tất nhiên thi sỹ tương lai Lê Huy Quang bước chân vào làng văn bằng trình diện thơ như một sự lựa chọn không thể khác, như một cách thế tồn tại và khẳng định bình sinh, bẩm sinh của mình. Anh lựa chọn thể trường ca là có lý do bởi “tạng” văn: Hồ Chí Minh (1990), Hồi ức tuổi hai mươi (1994), bộ ba trường ca Tóc trang em - Mắt trang em - Tuổi học trò (1997), Một thời để nhớ (2004). Dường như viết trường ca với thi sỹ mới “phỉ” (phỉ chí tang bồng, thỏa mãn nhu cầu tinh thần, nỗi đam mê chữ nhĩa). Tôi hình dung tinh thần, khí phách của anh là tinh thần, khí phách của một tráng sỹ. Ăn sóng nói gió. Vùng vẫy khoáng đạt. Nhưng đừng nghĩ thi sỹ chỉ thích viết dài viết lớn, anh vẫn chi chút cho sự ngắn nương theo quy luật của nghệ thuật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, qua Ta về Hà Nội đi em (2022), Phải khác (2009, hình dung như Tuyển thơ Lê Huy Quang). Có điều này riêng tôi cảm nhận khi tiếp cận anh - một thi sỹ “phải lòng” quê hương đất nước, đồng bào mình đến độ mỗi khi viết thì huy động được tối đa cảm xúc. Thi sỹ yêu tha thiết quê hương Hà Tĩnh, nơi chôn nhau cắt rốn đã đành. Nhưng là người sống lâu ở đất Kinh kỳ nên Hà Nội đã trở nên máu thịt như quê hương thứ hai vậy. Tôi cũng đã sống ở Hà Nội hơn nửa thế kỷ, đã đọc nhiều thơ viết về đất Rồng Bay (Thăng Long), nhưng khi đọc bài thơ Đầu ô chuyển gió của thi sỹ Lê Huy Quang vẫn có cái cảm giác ngỡ ngàng, mới mẻ: “Trời chuyển gió nên đầu ô vội vã/ Lạnh ngang đầu một mảnh khăn em/ Và cứ thế ra đi khép lửa tắt đèn/ Thôi mẹ hỡi đừng chờ con gọi cửa. (...)/ Đầu ô nào/ riêng gió/ dẫn đưa anh/ Gió đầu ô gió đầu ô em/ Gió đầu ô gió đầu ô đông/ Khi tóc ai về buông giấc/ Mai này còn bóng ấm lên không?”. Đó là kiểu thơ giàu nhịp điệu (rythme), nói cách khác là “điệu hồn” thắc thỏm của nghệ sỹ. Có một sự kiện vui tôi muốn nhắc lại khi nhớ về thi sỹ Lê Huy Quang. Số là, năm 2019, tôi vinh dự nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội (chuyên ngành Lý luận phê bình) cho tác phẩm Hà Nội từ góc nhìn văn chương. Tôi mang tặng thi sỹ đồng hương sách mới in của mình. Anh xem bìa, lật bìa gấp 1 xem chân dung do một họa sỹ tay ngang vẽ, rồi khen “Sách đẹp, chắc văn cũng hay?!”. Được anh động viên tôi mừng và bật mí chuyện có mấy đồng nghiệp Hà Nội nói mát mẻ: “Ông này người Hà Tĩnh nay nhận giải Hà Nội, mạnh ghê!”. Anh cười hiền từ và trấn an tôi: “Theo kinh nghiệm trường văn trận bút của anh thì, không sợ khó sợ khổ chỉ sợ không thiện chí với nhau, điều đó tổn hại đến đời và nghề!”. Sẽ có người nói, nghệ sỹ Nhân dân Lê Huy Quang là người toàn tài, sao tôi chỉ viết về thơ của người đã ra đi về chốn Mây Trắng, Thiên Đường, Vĩnh Hằng?! Giản dị thôi, vì với Lê Huy Quang, thơ là “hồn vía” của nghệ sỹ. Thơ là nơi nghệ sỹ thể hiện sự tìm tòi đổi mới nghệ thuật đích thực. Vì tôi biết sẽ có nhiều người viết về người nghệ sỹ tài danh này, trên các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật khác nhau trong hơn 50 năm qua (kể từ khi thi sỹ viết trường ca Hồ Chí Minh, từ năm 1970, mãi đến năm 1990 mới được xuất bản).
Khi viết bài NHỚ NGƯỜI HIỀN TÀI như là một nén tâm nhang bái biệt một người anh cả trong đời, cả trong văn, tôi giở lại Thời báo Văn học nghệ thuật số 33 (ra ngày 17/8/2023), ở trang 10 còn lưu dấu ảnh minh họa của họa sỹ Lê Huy Quang cho truyện ngắn Thằng bạn của tác giả Phạm Trường An, với nét vẽ chân phương, giản dị, nhưng sâu và bay. Lại đinh ninh lời anh hôm nào: “Mình với Nguyễn Hiếu viết chung một cuốn tiểu thuyết dự thi cuộc thi tiểu thuyết của Thời báo Văn học nghệ thuật. Khi nào có điều kiện, em đọc trước để biết!”. Thế mà, đến hôm nay cả hai văn nhân đều đã đi về miền Mây Trắng. Nhớ anh, tôi chợt bâng khuâng “Những người hiền tài cứ lần lượt bỏ chúng ta đi, rồi chúng ta sẽ thế nào, sẽ sống với ai?”./.
Hà Nội, 22-8-2023
B.V.T