18-08-2020 - 23:48

Nữ nghệ nhân trẻ của vùng đất hát đắm chìm trong vốn cổ của cha ông

Được sinh ra ở miền đất hát Nghi Xuân, Hà Tĩnh nên Nguyễn Thị Huệ sớm tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Trong đó, những câu hò, điệu ví bay bổng mà sâu lắng, ngọt ngào của dân ca ví, giặm như có lực hấp dẫn cứ cuốn cô vào. Niềm đam mê đó đã giúp cô giáo Huệ xây dựng thành công nhiều chương trình văn nghệ với chất liệu chính là dân ca ví, giặm khi giảng dạy tại trường Tiểu học Xuân Lộc và Tiểu học Ngô Đức Kế (Thị trấn Nghèn – Can Lộc) trong khoảng thời gian từ năm 2005 – 2009. Ngoài ra, Huệ cũng thường xuyên cộng tác với nhiều tổ chức, cơ quan dàn dựng và biểu diễn nhiều chương trình văn nghệ.

       Giọng hát dân ca ngọt ngào, lối trình diễn tự nhiên chân thật và khả năng đạo diễn, dàn dựng tốt của cô giáo Nguyễn Thị Huệ đã được lãnh đạo huyện Can Lộc đánh giá cao và ngỏ ý mời cô về công tác tại Trung tâm Văn hoá (nay là Trung tâm Văn hoá - Truyền thông) huyện. Sau nhiều đắn đo, Nguyễn Thị Huệ đã nhận lời mời về làm Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Can Lộc vì nhận thấy, đây là cơ hội tốt để mình có thể khám phá và cống hiến nhiều hơn nữa cho loại hình nghệ thuật dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh nói chung, Hát phường vải Trường Lưu nói riêng.

       Trong quá trình công tác tại Trung tâm Văn hoá huyện, Nguyễn Thị Huệ đã quyết định đi học để nâng cao trình độ chuyên môn. Cô quyết định học đại học rồi cao học ở Đại học Văn hoá Hà Nội. Khi làm luận văn thạc sỹ, Nguyễn Thị Huệ lựa chọn đề tài hát ví phường vải. Đây là một đề tài không dễ bởi lúc bấy giờ người hát phường vải không còn nhiều. Để thực hiện, Huệ phải tìm tư liệu ở Thư viện Quốc gia, tìm nghe băng đĩa của nghệ sỹ Trần Đức Duy là người hát ví giặm nổi tiếng của làng Trường Lưu. Cô còn thường xuyên về tận làng, tìm những người dân còn hát phường vải như bà Hà, bà Lý… để nghe và tự nghiên cứu đặc điểm của hát phường vải, sưu tầm lời cổ. Trong quá trình đó, Nguyễn Thị Huệ cũng có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về những giai thoại của Nguyễn Du liên quan đến ví phường vải Trường Lưu.

       Ngày trước, vào thời Lê Mạt, con cháu họ Nguyễn Tiên Điền, Nghi Xuân thường xuyên giao du với con cháu dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu, Can Lộc. Họ gặp nhau tại các đêm hát phường vải và đến nay còn để lại một số bài mà đến nay nhiều người biết đến. Tiếng đồn “Xôi nếp cái, gái Trường Lưu” quả là không sai. Con gái làng Trường Lưu vừa đẹp người, đẹp nết, giỏi nghề bông sợi, lại vừa hát hay và có tài đối đáp. Vì say mê Hát Ví mà Đại thi hào Nguyễn Du đã nặng lòng với hai cô gái hát ví phường vải vừa có giọng hát hay, lại có tài bắt bẻ, ứng xử rất văn hoá, đó là là O Uy và Ả Sạ.

       Chuyện kể rằng: Nguyễn Du đã nhiều lần từ bên đông núi Hồng Lĩnh vượt Truông Cộng Khánh và bến Đò Cài để hát ví với các o phường vải thâu đêm suốt sáng. Tương truyền một lần, Nguyễn Du sang Trường Lưu để tham dự đêm phường vải, gặp phải mưa to, gió lớn. Đang loay hoay tìm kiếm người chèo đò qua sông, bỗng có tiếng Ví trong trẻo cất lên phía bên kia sông Cài: Sóng to, thuyền nhỏ khó sang/ Thiếp nguyền thiên địa giúp chàng một phen. Vì quá vội vàng, Nguyễn Du vừa vào đến sân thì ngã oạch một cái, làm cho mọi người cười ồ cả lên. Có một người đẹp lại còn cất giọng trêu chọc: Chàng đi hát buổi đầu xuân/ Cúi đầu bái lạy trước sân làm gì? Nhưng Nguyễn Du (Chiêu Bảy) vẫn tỏ ra bình thản và liền hát trả: Đất chi có đất lạ lùng/  Đứng thì không chịu, nằm cùng lại cho? Chỉ vì say mê hát ví, Nguyễn Du tới Trường Lưu rồi dan díu với các cô phường vải. Vốn là kẻ đa tình, đa cảm nên Hầu dan díu với hai O Uy, Ả Sạ và đã nặng lời thề thốt. Một hôm trong khi trai thanh, nữ tú đang tự tình, con trai hàng xóm ghen tuông lập mưu phá đám. Đứa tắt đèn, đứa đốt pháo lói sau nhà, làm “Hầu” mất vía. Vì sợ tai tiếng, Nguyễn Du không dám sang làng Trường Lưu nữa, để lại trong lòng các o phường vải sự nhớ thương vô hạn. Trước tình cảnh đó, Nguyễn Huy Quýnh đã viết bài Thác lời con gái Trường Lưu gửi trai phường nón Tiên Điền. Sau khi nhận được bài thơ này, Nguyễn Du cũng rất mủi lòng và nhà thơ đã đáp lại bài Thác lời trai phường nón Tiên Điền gửi gái Trường Lưu và bài Văn tế Trường Lưu nhị nữ bằng cả sự ân hận, dày vò, tiếc nuối.

       Trong chương trình lễ vinh danh dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Nguyễn Thị Huệ được tham gia phục dựng tiết mục đối đáp giao duyên “Trai phường nón Tiên Điền với gái phường vải Trường Lưu”, trong vai Ả Sạ. Với Huệ, đây là sự đồng điệu trong tình yêu nghệ thuật xưa - nay, khiến chị càng thêm gắn bó với loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc sắc này. Hiện nay, trong vai trò là người chăm lo cho phong trào văn hoá cơ sở ở Can Lộc, Nguyễn Thị Huệ còn đặc biệt dành nhiều thời gian cho việc sưu tầm và dàn dựng những bài hát cổ, khôi phục các không gian truyền thống đã mai một. Năm 2017, tiết mục Hát Ví phường cấy của Câu lạc bộ dân ca ví giặm xã Tùng Lộc do Nguyễn Thị Huệ trực tiếp sưu tầm, phục dựng đã được mời trình diễn trong chương trình “Ân tình Ví Giặm” tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Hà Nội.

       Việc tìm kiếm lời hát cổ rất khó, nhiều khi phải may mắn mới gặp, nhưng với chị Huệ thì đó là một công việc rất thú vị. Và trời không phụ lòng người khi đã mang tới nhiều mối duyên gặp gỡ để cô có thể có được nhiều tư liệu quý về những lời hát cổ của cha ông. Như việc tìm thấy lời bài hát “Ví giặm phường đan” ở xã Khánh Lộc ngay trước thềm Liên hoan dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh 2018 là một điển hình. Sự may mắn và niềm đam mê, nhiệt huyết của Phó giám đốc Trung tâm Văn hoá - Truyền thông trong việc sưu tầm tư liệu để dàn dựng lại làn điệu này đã giúp Can Lộc có một tiết mục xuất sắc với hiệu ứng âm thanh tự nhiên vô cùng độc đáo tại sân khấu liên hoan.

       Ngoài việc dàn dựng và biểu diễn hiện nay, Nguyễn Thị Huệ còn tập trung công tác đào tạo hạt nhân ngay chính đơn vị của mình cũng như truyền dạy cho các thành viên của các câu lạc bộ trên địa bàn huyện. Đến nay, tại Trung tâm Văn hoá - Truyền thông huyện Can Lộc đã có nhiều cán bộ chuyên môn giỏi trong lĩnh vực dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, tiêu biểu như Phạm Thành Trung, Trần Thị Cẩm Tú, Nguyễn Văn Tình…

       Với động lực, học để cống hiến nhiều hơn, bây giờ cô giáo tiểu học Nguyễn Thị Huệ ở thị trấn Nghèn (Can Lộc - Hà Tĩnh) đã trở thành Thạc sỹ Văn hoá. Với Huệ, đó là kết quả của mối duyên đậm sâu với những điệu hát ví, giặm quê nhà(1)./.

Phan Thư Hiền

_______________________

(1). Trong bài có sử dụng một số tư liệu của  tác giả Phong Linh

. . . . .
Loading the player...