28-04-2020 - 08:39

Tác giả ĐẶNG THÁI BÉ

 

 

 

Bút danh: ĐẶNG THANH QUÊ

Sinh năm: 1944

Quê quán: Uy Viễn- Nghi Xuân - Hà Tĩnh

Nguyên là cán bộ công tác tại Thư viện Nghệ tĩnh. Hiện đã nghỉ hưu.

Năm vào Hội địa phương:  1993      Chuyên ngành: văn xuôi

Địa chỉ liên lạc hiện nay: khối 2 thị trấn Nghi Xuân - Hà Tĩnh

Số điện thoại: 0985 193 898 Email: Thanhque44@gmail.com

 

 

Tác phẩm đã công bố:

  • Chuyện đời muôn thuở (tập truyện, 1997)
  • Còn vương tơ lòng (tập truyện ngắn, 2009)
  • Thơ Hà Bắc 19651975 (in chung, 1994)
  • 10 truyện ngắn tuyển chọn (Tập truyện in chung, 1995)
  • Văn Hà Tĩnh thế kỷ XX (in chung, 2000)

Chủ biên- viết chính

  • Những sự kiện lịch sử phong trào công đoàn Nghệ tĩnh, 1984
  • Tác gia Nghệ tĩnh thế kỷ XX (2 tập, 1990, 1994)
  • Bóng thi nhân (1997)
  • Danh sĩ Vịnh Kiều (1999)
  • Người Nghi Xuân (2 tập, 2002, 2013)

 

Giải thưởng văn học nghệ thuật

  • Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam
  • Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ III (1995 2000)
  • Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần V (20052010)
  • Giải thưởng cuộc thi truyện ký trên Tạp chí Hồng Lĩnh năm 1994

 

 

Tác phẩm tự chọn

 

ĐỒNG LÀNG  KÝ SỰ

                                                                                              Truyện ngắn

 

Lâu nay dân làng Đồng Nẩy nửa đùa nửa thật phong biệt danh cho ba người đàn ông thân thiện của mình là “Tam Dị’.

Ông Trần Kỳ được gọi là “Kỳ Dị”, bảy lăm tuổi, chủ tịch huyện về hưu, gia đình đang thuộc diện hộ “cận nghèo”, có bảy đứa con thì bốn đứa đẻ thêm sau khi ông đã từ giã công đường.

Hai là ông Đỗ Văn Kinh là “Kinh Dị”, sáu ba tuổi, mười năm cặm cụi biên soạn lịch sử thôn hơn nghìn trang và xúi dục cánh tài xế taxi chống lại trạm thu phí cầu Bàn Thạch, tý nữa bị điều tra khởi tố.

Thứ ba là ông Võ Lập sáu mươi tuổi, y sĩ phục viên, hay làm thơ, chữa bệnh tiêm chích cho dân không lấy tiền, chỉ thích lấy tình, là “Lập Dị”.

Tờ mờ sáng ông Kỳ Dị quét dọn sân nhà đường ngõ, bê chiếc bàn ra giữa sân, ôm chồng ghế nhựa, rút từng chiếc đặt hai bên bàn nước.

- Thằng Thành đâu, con chạy đi mời chú Kinh Dị, chú Lập Dị với các bác, các anh bên nhà sang uống nước…!

Đứa con trai út gầy khô chừng mười ba, mười bốn tuổi bước ra, nhăn mặt:

- Đó nha, cha lại gọi xách mé rồi. Nếu có ai kêu cha là “Kì Dị” cha có điên lên không…?

Ông Kỳ Dị chống chế:

- Mấy năm nay cả xã gọi tau là Kỳ Dị, tau có nói chi mô…!

Bà vợ già lưng còng, gầy guộc, dấu ấn của việc phục vụ và đẻ con cho ông, bưng soong nước chè xanh đặt cạnh bàn, trao chiếc gáo dừa cho chồng, lắc đầu:

- Cha mi thích người ta gọi là ông Kỳ Dị, còn tau ra chợ có người kêu “bà Kỳ Dị”, tau ngượng chín mặt…!

Khách uống nước chè xanh đã đến. Nhanh chân là ông Lập Dị, cao lênh khênh, áo trắng bỏ trong quần sơ mi, mắt lươn ti hý dấu sau cặp kính cận.

Tiếp đến là ông Kinh Dị, cơ thể vặm vỡ, đầu trọc, tay chân ngắn ngủn, cười nói oang oang. Đến sau là một cụ già và hai thanh niên mặc áo lót, quần đùi lợ…

- Mời cố, mời các chú, ta uống đi!

- Ta uống đi hè, chà, ngon quá…

- Xin mời…

Ông Kinh Dị cầm bát nước uống một hơi, đặt bát xuống, tự tay cầm gáo múc cho mình bát thứ hai:

- Lát nữa ta ra Đồng Nẩy xem nước rút chưa, ngày mai ta cùng nhặt rác, ngày mốt tốt ngày cho máy cày xuống ruộng!

Ông Lập Dị nhìn trời:

- Ầy, bỏ thì thương, vương thì tội…!

Ông Kỳ Dị đưa mắt sang phía ông Lập Dị:

- Để ruộng bỏ hoang là có tội với cha ông mình…!

Thấy mọi người im lặng, ông Kinh Dị đứng dậy nói to:

- Nước chè bữa ni chát mà thơm lắm, ngon quá chị Kỳ ơi, anh em bọn tôi đi đây!

Đồng Nẩy trải rộng sau làng, từ đường 48 ra đến Đụn Cát. Trong “Khế ước’ ông Kinh Dị sưu tầm được thì ngày trước đất này là “Thượng đẳng điền”. Hơn bốn chục mẫu ruộng lúa hai vụ, một gieo, một cấy, chẳng cần kênh mương hồ đập. Thế mà mới chỉ ba bốn năm lại đây lực lượng lao động chính của thôn chạy sang thị xã làm thuê, nơi “bờ xôi ruộng mật” biến thành cánh đồng hoang và bãi rác. Cỏ và bao bóng che lấp bờ vùng bờ thửa. Cỏ mọc kín các đường xương cá dọc ngang dưới đồng. Cũng may vẫn còn nguyên vẹn năm hòn mô, gọi là Ngũ Hòn: kim - mộc - thuỷ - hoả - thổ, cây cối um tùm vươn cao giành riêng cho chim, cò, én, vạc… bay về trú đậu. Mùa mưa dài từ “lập thu” năm trước đến “xuân phân” năm sau, chim và người quấn quýt. Đồng lúa đẹp như một bức tranh thuỷ mạc. Dưới đồng, tiếng nói cười, tiếng hát, tiếng chim hót líu lo. Các cụ già ngồi buông cần câu cá. Trai làng nghiêng ngó đặt trúm, đổ lươn. Mấy bác ôm bó que nhựa đánh chim cắm dày dọc bờ ruộng. Lũ học trò mắt nhìn sách vở, tay cầm dây giật chân chim mồi để chúng vỗ cánh kêu “tác”, “tác” gọi đồng loại. Từng đàn bồ nông, sếu, vạc, cò trắng, cò khoang… nhầm tưởng bạn tình vẫy gọi, bèn đua nhau sà xuống, lông dính phải que nhựa, dẫy dụa lật phật, lăn quay. Mấy người đàn ông nấp trong các hòn mô xông ra tóm gọn, bỏ vào sọt gánh về. Thịt chim, thịt cò làng tiêu thụ không hết, phải thồ ra chợ huyện hoặc sang tận thị xã bán lẻ…

Ông Kỳ Dị xắn quần lội xuống bới cỏ rác dò dẫm từng bước ra giữa đồng. Ông Kinh Dị bê tảng đá lớn bên đường vứt xuống mố Cầu Gãy làm chỗ đặt chân nhảy qua trộ nước. Ông Lập Dị thì lơ đãng nhìn đồng hoang đọc thơ:

- … Quê ta nghèo trong cát

Khô hạn bỏng chân bò

Mưa về đồng ngập nước

Chim đè rú chim vô

Nhàu nhĩ trong gió mưa

Những bầy chim mỏi rụng

Người trát lông vạc cò

Bồng bềnh chao thuyền thúng…

Đang nhặt rác dưới chân cầu lắng nghe thơ, ông Kinh Dị gào to:

- Đồng đất bỏ hoang, chim cò sếu vạc có về nữa đâu mà thơ với thẩn…!

- Ông cứ hát nữa đi, tôi đọc tiếp đây nè:

…Bây giờ em đang ở đâu,

Thương nhau thì đợi, nhớ nhau thì chờ

Đồng xanh cò đậu kín bờ

Trời xanh chim trắng lững lờ bay qua

Ta về ta tắm ao ta

Máu và nước mắt, ruộng à, ruộng ơi…!

- Hay quá, đọc tiếp đi, chú mi cũng chính trị đáo để…!

- Bác là người viết sử có tài. Thôn ta lắm người nhiều chữ nhưng có ai viết được như bác đâu?

Ông Kỳ Dị kiên nhẫn vạch cỏ, lúi húi đảo mắt như tìm một vật gì của mình vừa bị đánh rơi. Đây rồi. Ông hồi hộp nhận ra mảnh ruộng của gia đình mình được chia hồi cải cách ruộng đất. Một sào tám thước của cha mẹ ông nằm kề sát với mảnh của bố mẹ ông Lập Dị, ranh giới bằng cọc tre đóng ngập một mét. Một hôm, dạo đó vào mùa hè, bố ông Kỳ Dị ra đây cày ải chuẩn bị đất gieo trỉa. Mấy đứa chăn trâu nhổ cột mốc chẻ làm củi nướng dam nên bố ông Kỳ Dị vô ý cày quá sang đất của bố ông Lập Dị một đường cày. Chiều hôm đó bố ông Lập Dị cũng ra đây cày ải, thấy đất nhà mình bị xâm lấn, liền quay mặt vô làng đè tên bố Kỳ mà chửi. Bố ông Kỳ Dị đang bừa cỏ bên dường 48 nghe được, liền dừng trâu, cầm con rựa hồng hộc chạy đến:

- Mi chửi ai đó…? Bọn trẻ chăn trâu nhổ mất mấy cọc mốc khi mô mà tau không để ý, nên đã lợ cày sang đất nhà mi một đường cày. Mai mốt trỉa hạt thì tau mời nhà mi lấy lại. Có chi mà phải rống lên như rứa…!

- A, a, mi nói tau rống là coi tau như con trâu con bò phải không? Nòi giống nhà mi bất học, bất tri lý, mà vẫn lên giọng à…?

Bị xúc phạm, bố ông Kỳ Dị nóng mặt, cầm con rựa xông vào định đánh bố ông Lập Dị. Bố ông Lập Dị vung chiếc cuốc quay ba vòng rồi phang vào đầu bố ông Kỳ Dị. Bố ông Kỳ Dị ngã vật xuống ruộng, máu trên đầu chảy ròng ròng nhuốm đỏ mặt mũi. Kỳ Dị năm đó mới tám tuổi, nghiến răng, cầm dao rựa xông vào trả thù cho cha nhưng bị mấy thanh niên khoá tay thu mất dao. Từ đó hai nhà coi nhau như kẻ thù. Mãi đến lúc cả làng vô hợp tác xã nông nghiệp thì hai gia đình mới khép lại quá khứ. Trên trán bố ông Kỳ Dị thì vẫn còn một vết sẹo…

 

Buổi tối cơm nước xong, ông Kinh Dị ôm tập bản thảo lịch sử thôn sang nhà Bí thư Chi bộ nhờ góp ý phần hai. Bí thư cũng ngang tuổi tác giả nên nói năng thẳng thắn:

- Trước hết nhân danh Bí thư Chi bộ thôn, tôi hoan nghênh tinh thần và đóng góp của anh trong một thời gian dài đã khắc phục khó khăn vất vả, cố gắng sưu tầm biên soạn, đến nay đã hình thành và kết quả rất đáng trân trọng. Đây là việc làm phải có sự đầu tư của Chi bộ. Cuốn sử này rất cần thiết để đồng bào trong thôn hiểu rõ cội nguồn lịch sử thôn ta, tự hào và phát huy truyền thống của thôn xóm mình…

Nghe đến đây ông Kinh Dị mát lòng mát dạ, như bớt được gánh nặng. Dù cuốn sử của ông chưa hoàn thành nhưng bí thư Chi bộ đã đánh giá được động cơ và công lao của ông. Chi bộ sẽ xua tan những dư luận của một số thanh niên cho rằng đây là việc làm “dị thường”…

Ông chưa kịp cảm ơn thì Bí thư lại tiếp tục:

- Ở chương V, anh viết thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp, tôi thấy chưa ổn và còn thiếu một vài sự kiện cần phải đề cập đến…

- Anh cứ nói…!

- Anh viết chủ nhiệm hợp tác xã được phái về, vừa ăn lương huyện vừa ăn công điểm của xã viên. Chính xác có chuyện đó, nhưng cái việc đội trưởng Đỗ Văn Kinh là anh, ăn trộm thóc của hợp tác xã bị dân quân bắt được sao không thấy anh cho vào lịch sử thôn…?

- À, ừ… tôi quên… chuyện đó rồi…!

Ông Kinh Dị ngạc nhiên. Im lặng. Việc ấy không ngờ tay này cũng biết, nhớ dai thật. Hồi đó hắn bộ đội cơ mà…?

Bị tấn công bất ngờ, ông Kinh Dị thẫn thờ một lúc, rồi ông quả quyết:

- Tôi ghi nhận lời góp ý của anh. Nhưng cái đoạn đó tôi sẽ viết rõ thế này anh nghe có được không nè. “Lợi dụng trời tối đêm khuya Đội trưởng Đỗ Văn Kinh vác trộm của Hợp tác một bì thóc bảy chục kí. Hôm sau toàn Đội họp truất chức ông Kinh, bầu ông Ngọc thay thế. Còn ông Kinh sau đó được phân công làm Trưởng ban Kiểm sát. Ông giữ chức vụ này cho đến ngày giải tán hợp tác xã…”.

Bí thư Chi bộ đứng dậy bắt tay ông Kinh Dị, tươi cười:

- Giỏi…, xuất khẩu thành chương, xứng đáng người Đông Nẩy…!

- Nhưng chú Lập Dị lại góp ý nên đổi tên sách thành “Ký sự Đồng Nẩy”, để tôi chịu trách nhiệm nội dung cuốn sách anh ạ.

- Cũng được, hay, Lập Dị nó có chuyên môn mà lại. Giỏi…!

- Cảm ơn anh…

Bí thư chuyển kênh:

- Có phải các anh đang phở hoang Đồng Nẩy phải không? Chậm lại chờ chủ trương mới đã nhé…!

- Vâng, tôi sang đây cũng định trao đổi với đồng chí việc đó. Tôi thấy chúng ta đang xây dựng nông thôn mới, các đồng chí chỉ lo tô vẽ bộ mặt đầu làng mà chưa quay đầu nhìn cánh đồng phía sau làng. Đồng đất thì bỏ hoang làm bãi rác và làm ổ cho chuột bọ rắn rết. Việc này thì có nguyên nhân. Nhưng lãnh đạo có quan liêu không? Có phải ai ra thị xã cũng làm giàu đâu. Tôi có thằng con lái taxi với ba đứa con gái ra tỉnh làm thuê không đủ tiền thuê nhà, tiền điện, nước, tiền vệ sinh phường phố…Cực khổ lắm chứ. Bạn bè của chúng nó đang tính quay về làm ruộng cả đó…

- Chỉ số ít thôi…

- Mong Chi uỷ khẩn trương tập trung lãnh đạo sản xuất nông nghiệp cho chúng tôi nhờ…

- Để xem nhà đầu tư họ định giá thế nào. Nếu cả thôn đồng ý bán đất thì không cần dọn dẹp nữa!

- Đồng Nẩy nuôi sống dân mình đã ngàn năm, là cánh đồng hương hoả, cùng Ngũ Hòn trở thành nơi tâm linh của làng. Chúng tôi không bao giờ bán…!

Ông về nhà ngồi một mình.

Đúng là gậy ông đập lưng ông. Mình sinh sự ra việc viết sử thôn nhằm giới thiệu và tiêu hoá mấy tập Thần tích, Thần phả đền chùa trong làng và Gia phả dòng họ mà gia đình để lại, ai ngờ lấn sang đến cận đại rồi hiện đại, chi tiết nào cũng muốn đưa vô, một nghìn trang chứ không phải ít…Vết nhơ của mình hồi làm Đội trưởng sản xuất phải bổ sung vào lịch sử thôn, để lại tiếng xấu muôn đời cho hậu thế. Đau quá…

Ông Kỳ Dị dắt xe đạp bước vào:

- Chú Kinh đâu, ngủ rồi à…?

- Em đau đầu như bị cảm gió.

- Tối qua chú có xem truyền hình tỉnh không?

- Có chuyện chi rứa bác?

- Nhà thơ Võ Lập Dị mặc quần áo bộ đội, đeo kính trắng đứng đọc thơ, hay lắm…!

- Thơ nó viết về cái chi rứa bác?

- Một bài buồn thương cánh đồng bờ xôi ruộng mật y chang Đồng Nẩy nhà mình. Bài thứ hai tau không nhớ đầu đề nhưng cứ nghe nó em ơi, em ơi như kiểu đang muốn cặp bồ với đứa mô mới lớn…!

- Riêng chuyện làm thơ tình thì hắn không lập dị đâu bác ạ.

Ông Kinh Dị rót nước mời khách:

- Em vừa đến nhà bí thư chi bộ xin ý kiến cuốn lịch sử thôn, mới biết bác sắp bị cắt diện hộ “cận nghèo”.

- Thật ư…?

Rõ ràng đối với ông Kỳ Dị đây là một tin không vui. Sáu năm vừa qua được bình xét vào diện “hộ cận nghèo”, cũng hèn thật, nhưng ông đành chịu đấm ăn xôi. Mỗi năm ông được hưởng lợi hơn chục triệu đồng, gồm các khoản đóng học phí cho con, cho cháu, được miễn các loại phí của xã, của thôn và được trợ cấp tiền bạc, lương thực mỗi khi gió bão mất mùa…

Tuy hưởng lương chủ tịch huyện nhưng ông về hưu đã gần ba mươi năm, nên bây giờ mỗi tháng chỉ được bốn triệu đồng. Hồi đó được thông báo nghỉ là mừng quýnh lên, chẳng coi ngó chi đến lương với bổng. Khi đã “thoát vòng cương toả” mới có ba đứa con gái, ông quyết đẻ thêm chẳng sợ ai phê bình kỷ luật. Ông bắt bà lão rặn mãi đến đứa thứ sáu, vẫn gái. May quá đứa thứ bảy có thằng Thành, vừa lúc bà tắt kinh nguyệt, ông đành gọi nó là út. Người ta tặng danh hiệu “Kỳ Dị” cho ông một phần là vì thế.

Còn bình quân thu nhập nhân khẩu thì đó: hai vợ chồng già, ba đứa con đang là sinh viên, học sinh, lại còn gia đình vợ chồng đứa thứ tư có ba con nhỏ đang ở chung, ăn chung trong nhà. Làm sao các đồng chí nỡ cắt “hộ cận nghèo” của ông…? Thôi được, việc này đến họp thôn ông sẽ có ý kiến. Bây giờ tập trung làm đất đã.

- Hôm qua chú có thấy mấy anh địa chính huyện về đo đất Đồng Nẩy không…?

- Cả ngày em đi thuê máy cày rồi lai rai với chúng nó…

- Việc của họ thì họ làm, nhưng cũng có vấn đề rồi đó. À, mà nghe đâu có ông tư bản sống ở nước ngoài về mua hết đất Đồng nẩy để làm chi không biết…

- Việc ta, ta cứ triển khai, kệ họ bác ạ…!

 

Sau bữa Truyền hình tỉnh phát chương trình văn nghệ có ông Lập Dị thôn mình đứng đọc thơ, bà con lối xóm lại gọi nhau đến nhà ông uống nước chè xanh và khen nịnh. Những ngày này mũi ông Lập Dị phình to như quả cà chua.

Buổi chiều, biết các con ông đi phụ hồ cho thợ xây chưa về, bà Loan lại đến. Bà là Chi hội trưởng phụ nữ thôn, chồng mất sớm, là mẹ của Hoàng Hải chủ tịch xã đương nhiệm và hai anh con trai chưa vợ đang làm dày da xuất khẩu trong nam. Trên sáu mươi trông bà còn trẻ đẹp, da trắng, mông to, ngực nở, ăn nói có duyên. Bà cười tế nhị:

- Ai bảo anh là người lập dị. Anh là của hiếm đó, anh tài thơ văn và tài nhiều thứ…

- Chỉ thiếu một… thứ thôi…!

- Dê thế vợ nó bỏ là phải. Đứng lui ra…, coi chừng mất dái đó…!

- Phụ nữ ai cũng nâng niu chứ không cắt bỏ của ấy…!

- Tôi sang đây để thanh toán tiền thuốc, tiền công chứ không phải để nghe anh tán tỉnh!

- Mình không lấy tiền công, bạn bè với nhau mình chỉ lấy tình thôi!

Bà Loan nguýt:

- Này, này… nếu không phải bạn học thì…

- Thì tiếp tục tiêm… chứ gì…?

Nói rồi ông Lập Dị ôm chặt mẹ chủ tịch xã. Hai tay ông đặt trên hai bầu vú của bà mà riết.

Bỗng tiếng loa truyền thanh đầu thôn vọng vào:

- Mời đồng bào nghe bản tin của đài truyền thanh thôn Đồng Nẩy. Đúng bảy giờ tối hôm nay kính mời toàn thể đồng bào về Hội quán thôn để dự sinh hoạt. Nội dung gồm có ba phần, một là bình xét hộ nghèo và hộ cận nghèo, hai là nghe phổ biến thông báo quy hoạch đất Đồng Nẩy, ba là chương trình văn nghệ thôn do nhà thơ Võ Lập trình bày sáng tác của mình. Vậy mong toàn thể đồng bào đến dự đông đủ…!

Ông Lập Dị buông bà Loan.

Bà Loan đứng dậy sửa lại áo xống, cười to:

- Lại có nhuận bút rồi, cho khao với nha, ông cuội…!

- Cho cả cành đa lẫn củ đa!

- Được…, mắt kém thế mà còn cành với củ…!

Bỗng ông Lập Dị lo lắng:

- Chết thật, hơn một chục gia đình vừa làm xong đất, định ngoài rằm xuống giống gieo trỉa, mà họ giành dật Đồng Nẩy của mình mất rồi…!

- Mấy bữa nay đi đến đâu cũng thấy người ta khen Tam Dị đi tiên phong lại còn lôi kéo được nhiều gia đình phục hồi đồng ruộng. Tôi cũng nghe loáng thoáng có một ông Việt kiều về đây mua cả cánh đồng. Chuyện động trời như thế mà anh ngồi yên được à…?

- Ba anh em chúng tôi cũng đã  phát tín hiệu lên trên rồi. Việc của nhà nông là kịp thời vụ, không dừng lại được…!

- Thằng Hải là chủ tịch xã mà tôi hỏi họ mua cả cánh Đồng Nẩy để làm gì, nó cứ ỡm ờ, không nói. Ngày kia họp phụ nữ thôn, chúng tôi sẽ vận động các mẹ, các chị ủng hộ Tam Dị.

- Cảm ơn bạn bè nhé…

- Hai thằng con trai tôi đang làm thuê trong nam, nghe tin dân làng phục hồi Đồng Nẩy, cũng đang muốn về…!

- Cho đến giờ này đã có mười lăm gia đình thuê máy cày làm xong đất.

Có tiếng còi xe từ đầu làng. Lúc đầu ông Lập Dị tưởng xe của con trai ông Kinh Dị chở khách bên Thị xã về làng. Nhưng một chiếc taxi bóng nhoáng chạy vụt qua cổng nhà ông, ra đến Cầu Gãy thì dừng lại. Bà Loan biết ý, chào ông ra về.

Đoán biết xe của đại gia về tiếp tục xem xét đất đai, ông Lập Dị bước gấp ra Đồng Nẩy nghe ngóng tình hình.

Trời nắng chang chang. Gió nam thổi rát mặt.

Ông Kỳ Dị đội nón lá đang nhặt rác dưới đồng đi lên, như không chú ý đến mấy người lạ.

Ông Kinh Dị cởi trần cầm xẻng đắp đất sửa lại đoạn đường xuống ruộng trông tướng mạo như Lỗ Trí Thâm đang cầm thiền trượng múa võ trên Lương Sơn Bạc. Là những người từng trải Tam dị thừa biết những vị khách sang trọng kia là ai và họ đến đây có việc gì. Tam dị chỉ ngạc nhiên là cùng đi có cả một anh công an mang quân hàm Trung tá.

Ông Kinh Dị bước lên bờ chào khách. Anh công an nhận ra ông:

- A… Chào bác Đỗ Văn Kinh…!

- Anh còn nhớ đúng cả họ của tôi nữa cơ à…?

- Tên tuổi bác còn lưu ở công an huyện, làm sao tôi lại không nhớ…!

Ông Kinh Dị gật đầu cười mỉm, nhận ra “nghiệp vụ” của anh này, muốn “nhắc nhở” ông đây:

- Anh nhớ cái vụ việc con trai tôi bị giữ xe taxi, rồi tôi xúi dục cánh lái xe trong huyện chống lại “bót” cầu Bàn Thạch có phải không? Nếu không có báo chí thì tôi đã bị bắt rồi…!

(Ông không nói “bê-ô-tê mà nói là “bót” làm cho hai vị khách thấy thú vị, chú ý lắng nghe).

- Bác đầu têu, chứ tài xế trẻ tuổi như con cháu bác làm sao mà hiểu biết được như bác…!

- Chúng tôi chống lại “bót” lợi ích nhóm, và chúng tôi đã chiến thắng, bởi vì chúng tôi biết làm theo pháp luật…

Trung tá chuyển sang chuyện khác:

- Hình như các bác chưa nhận được thông báo…?

- Thông báo gì ạ…?

- Thông báo cho các bác dừng cày bừa để chuyển giao toàn bộ cánh đồng này cho chủ đầu tư!

Ông Kỳ Dị bước đến chào khách. Ông cầm chiếc nón làm quạt, để lộ mái đầu bạc trắng, mỉm cười. Trung tá công an đến bắt tay ông. Ông chào, bắt tay hai người khách lạ.

- Xin giới thiệu đây là bác Trần Kỳ, nguyên chủ tịch huyện về hưu, và đây là bác Đỗ Văn Kinh, một yếu nhân chuyên đổi tiền lẻ trả phí “bê-ô-tê” cầu Bàn Thạch. Trung tá lại quay sang hai vị khách - Còn đây là hai nhà đầu tư, đều quê ở tỉnh ta cả…

Ông Kỳ Dị nhìn khách lạ, từ tốn mà ý tứ:

- Các ông cứ yên tâm, đồng bào vùng này hiền lành và rất am hiểu pháp luật. Tối nay họp thôn, chúng tôi mới được nghe thông báo chính thức…!

 

 

Từ ngày cả nhà quyết định bỏ ruộng, Hà, con dâu bà Loan không có việc làm, hàng ngày chỉ quanh quẩn trong nhà lo quét dọn lau chùi nhà cửa, cơm nước cho gia đình và chăm sóc mẹ chồng. Hoàng Hải chủ tịch xã vẫn lo chu cấp đầy đủ cho vợ để giữ yên nhà cửa. Bà Loan thương quý con dâu bởi nó sống biết điều và tình cảm. Bà nghĩ rằng đàn bà con gái ngồi rỗi rãi thì sẽ sinh ra lắm chuyện. Buổi họp vừa rồi nhận thấy việc làm của Tam Dị là đúng, nhân danh Chi hội trưởng phụ nữ, bà đã kêu gọi các hội viên trở về Đồng Nẩy sản xuất lương thực sạch và rau sạch. Bà bàn với con dâu, trước mắt không cày cấy được một mẫu thì ta làm vài ba sào tự túc lương thực mà ăn. Với lại nghe tin dân làng đoàn tụ với ruộng đồng, hai đứa em cũng muốn quay về lập nông trại chăn nuôi le le vịt nước nhưng thằng Hải cứ một mực “Đồng Nẩy đang bị chuyển đổi mục đích, đừng bây ba cho mệt…”.

Nhiều đêm thấy mẹ chồng thổn thức không ngủ, Hà ôm gối sang nằm với bà. Hai mẹ con ôm nhau khúc khích đến khuya. Hà ghé sát vào tai bà: “sáng qua Huyện mời Bí thư và Chủ tịch xã lên làm việc, không biết có việc gì quan trọng mà anh Hải về có vẻ căng thẳng lắm”. Rồi nó lại thì thầm: “Con vừa được một ngàn đô, do bạn anh Hải tặng con, mẹ phải giữ bí mật, nếu Tam Dị mà biết thì khốn…”.

Đến mờ sáng, thức dậy, Hà xách gối trở về phòng ôm chồng ngủ tiếp.

Bà trằn trọc. Ông ấy mất sớm nằm một mình đã mười bốn năm nhưng lúc này bà Loan thấy lòng mình trống trải xốn xang, vừa khao khát vừa buồn lo. Tim bà đập mạnh. Bà đưa tay quờ quạng bấu vào thành giường. Bà nhớ nhà thơ Lập Dị của bà. Bà thương, bà yêu thật rồi. Bà lại sợ Tam Dị thất bại việc đồng áng…

Bỗng bà nhớ câu nói của Chi hội trưởng người cao tuổi trưa qua đến đây uống nước trao đổi với mẹ con bà: “bán đất đi là phải, có tiền lấy vốn làm ăn, bỏ hoang lãng phí chứ được gì”. À, ra thế, người ta đến từng nhà vận động chuyển nhượng mà chẳng ai hay. Không, bà không bán ruộng đất của cha ông. Năm sào đất của bà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đàng hoàng. Bán hay không là quyền của gia đình bà… Lát nữa bà sẽ sang nhà ông Lập Dị đăng ký nhờ ông thuê máy cày cày nốt cho bà bốn thửa cạnh đất ông. Bà cướp lấy thời cơ máy móc cơ giới đang hoạt động tại đồng làng. Nhưng trong sâu thẳm bà muốn tiếp sức cho “Tam Dị”. Mặt khác mới có ba ngày chưa gặp nhà thơ bà đã nôn nao, nhớ…

 

Buổi chiều ông Lập Dị vai vác cuốc, tay cầm tập thơ mới xuất bản ra thăm đồng. Mới mười lăm ngày mà những ruộng lúa mới gieo hạt đã mượt mà, đẹp như những tấm thảm xanh vuông vắn trải san sát bên nhiều thửa đất mọc dày cỏ rối. Tiết trời đã sang “đại thử”, các ông dang chờ mưa dông đổ xuống là cấy dắm. Bầu trời trong vắt không cỏ một gợn mây. Thỉnh thoảng một con chim lạc đàn bay qua cánh đồng rồi mất hút vào bóng núi. Ông hoài cảm, đọc khe khẽ:

- Bây giờ quạnh vắng đồng không

Người ơi người để cánh đồng cho ai

Chúng mình sương nắng một thời

Đói no khi đất và người có nhau

Nhớ khi gánh lúa qua cầu

Để bây giờ bạc mái đầu, vẫn yêu…

Đọc đến đây ông quay nhìn về phía nhà bà Loan trong làng. Ông đã sáng tác nhiều thơ tình lấy cảm hứng từ tình yêu tuổi già với bà mà người đọc không phát hiện được. Ông thở dài. Cánh đồng với kỷ niệm tuổi thơ và tuổi trẻ đã bị dân làng bỏ quên. Cán bộ địa phương có lý khi kêu gọi các nhà đầu tư về đây khai thác, biến cánh đồng hoang và bãi rác thành một khu công nghiệp và dịch vụ. Thông báo của xã đã kêu gọi và vận động các hộ gia đình có ruộng đất ở Đồng Nẩy chuyển nhượng cho nhà đầu tư theo giá thoả thuận, và cho biết doanh nghiệp sẽ cam kết sử dụng lao động cho những gia đình bán đất. Nhưng người ta đã thiếu minh bạch. Ông Kinh Dị trong hai cuộc họp thôn vừa qua đã yêu cầu nói toạc ra, họ mua dất để làm trò gì, thì Hoàng Hải thay mặt Đảng uỷ và Uỷ ban xã về dự cũng chưa trả lời được. Vì thế nên chủ đầu tư dù muốn đánh nhanh thắng nhanh vẫn gặp trở ngại vì lòng dân chưa thuận. Mới có bốn mươi ba phần trăm số hộ đồng ý chuyển giao…

Ông Kỳ Dị cậy mình “nguyên chủ tịch huyện” đạp xe mười lăm cây cố lên huyện gặp chủ tịch hỏi cho ra ngô ra khoai. Chủ tịch huyện nể nang vị lãnh đạo “tiền bối” đã trình bày dự án Đồng Nẩy cho ông nghe. Nhà đầu tư là một Việt kiều yêu nước quê tỉnh nhà, quốc tịch Úc nhạy bén với thời cuộc định đầu tư vào đây một khu chung cư gồm năm căn nhà bảy tầng ngoảnh mặt ra đường 48, phía sau khu cao tầng là Trường đua chó. Nghe xong ông Kỳ Dị nóng mặt nhưng vẫn giữ được bình tĩnh. Chủ tịch huyện động viên ông: “đúng thế bác ạ, đất bỏ hoang gây tác hại cho môi trường, giữ lại làm gì. Chúng tôi đã bàn kỹ rồi, việc chi có lợi cho dân thì ta làm. Nhưng chưa làm thì đã có kiện cáo rồi..”. Ông Kỳ Dị ngắt lời chủ tịch huyện: “Tôi mười năm làm chủ tịch huyện có thấy ai kiện cáo đâu…!”

Cảm ơn ông Kỳ Dị. Nông dân đang cần những cán bộ hưu trí như ông.

 

Trời đã về chiều, ông Lập Dị đứng dậy định ra về thì gặp ông Hoàng Bốn chú ruột Hoàng Hải quảy đôi quang gánh xuống đồng nhặt rác. Ông Bốn vui vẻ chào ông, bộc bạch:

- Lúa lên đẹp lắm anh ạ, cứ đà này thì vụ mùa sẽ được ăn. Cảm ơn Tam Dị nhé. Lúc đầu bỏ tiền ra thuê máy cày, nhiều người không tin, bảo là “nghe nhà thơ thì bỏ thóc giống ra mà xay…”.

Ông Lập Dị cảm ơn rồi chào ông Bốn vác cuốc ra về.

Mặt trời đang chạy trốn, lấp ló trên đỉnh núi phía Tây, đẩy hoàng hôn phủ xuống không gian thôn làng đồng ruộng. Gió nồm từ biển thổi vào đã xua tan oi nóng. Trên trời cao một đàn thiên nga từ phía Trường Sơn xếp thành hàng ngang lặng lẽ bay ra phía Hòn Ré.

Ông Lập Dị nhìn vào trong làng thấy bà Loan đang từ cổng nhà đi ra. Ông biết bà đang đi tìm ông. Ông hồi hộp bước nhanh lên Cầu Gãy. Bà cũng kịp đặt chân lên cầu đứng bên ông, khuôn mặt ửng hồng, e thẹn:

- Anh có biết chuyện gì vừa xẩy ra không…?

- Không…!

- Chỉ được cái làm thơ, những cái khác thì “dị” lắm!.

Ông cầm tay bà. Bàn tay ấm nóng đang truyền thêm năng lượng cho ông. Hai người không dấu được cảm xúc. Bà gục đầu vào vai ông, mắt đỏ hoe, giọng lạc đi:

- Chúng ta đã thành công rồi anh ạ…!

Ông ngơ ngác, vô tư, đặt tay lên vai bà âu yếm:

- Anh đã suy nghĩ kỹ, anh mời em sang ở chung với anh, có được không…?

Bà gỡ tay ông, lắc đầu:

- Em ngày đêm nghĩ đến anh, nhưng sợ con cái chúng nó cười cho…!

- Ta phải thay đổi cách nghĩ em ạ. Anh chẳng sợ thế gian đàm tiếu…

Bà nhìn thẳng vào mắt ông, gật đầu:

- Thỉnh thoảng em sang… với anh là được nhé…!

Bỗng tiếng loa truyền thanh trong làng vọng ra:

- Mời đồng bào nghe bản tin của Đài truyền thanh thôn Đồng Nẩy.

Thực hiện Nghị quyết của cuộc họp liên tịch giữa Chi uỷ cùng Ban công tác mặt trận và Ban cán sự thôn, Thôn trưởng xin thông báo để đồng bào biết, đúng mười bốn giờ ngày mai, đề nghị tất cả mọi nhân khẩu không phân biệt già trẻ, gái trai, cùng nhau tiến quân ra Đồng Nẩy. Nam giới mang cuốc xẻng để đắp và sửa đường từ Cầu Gãy ra đến Ngũ Hòn. Nữ giới mang theo quang gánh thu nhặt rác chuyển lên đường 48 chất thành đống để xe Tài nguyên Môi trường chở vào bãi rác của huyện. Chúng tôi xin nhắc lại…

 

Trại sáng tác Xuân Thành 2017 -  2018

                                                                                  Đ.T.Q

 

 

 

. . . . .
Loading the player...