Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tác giả Nguyễn Sỹ Thiện, Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành Sân khấu - Biễu diễn
Bút danh: Sỹ Thiện
Ngày tháng năm sinh: 20 - 1 - 1941
Quê quán: Sơn Bình, Hương Sơn, Hà Tĩnh
Nơi thường trú: Phường Nguyễn Du, Tp. Hà Tĩnh
Nơi công tác: Nguyên Giám đốc VHTT huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh
Hội viên Hội Liên hiệpVHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành: Sân khấu – Biểu diễn Năm kết nạp: 1969
Địa chỉ liên lạc: Số nhà 89, Đường Chính Hữu, Tp.Hà Tĩnh, ĐT: 0326015505
Tác phẩm chính đã công bố, xuất bản:
- Giờ ra đi (tập kịch, Ty VHTT Hà Tĩnh, 1967)
- Ba cân thóc (tập kịch, Ty VVTT Hà Tĩnh, 1969)
- Bức tường phá vỡ (tập kịch, Ty VVTT Hà Tĩnh, 1971)
- Ống kính tầm xa (tập kịch, Sở VHTT Nghệ Tĩnh, 1977)
- Món của quý (tập truyện ngắn, Nxb Báo văn nghệ, 1986)
- Bên dòng sông con (tập truyện ngắn, Nxb văn hóa Quân đội, 1990)
- Qua cầu con ma (vở kịch, năm 1996)
- Chọn sống (tập kịch, Hội LHVHNt Hà Tĩnh, 1999)
- Chuyện thật như bịa (Vở kịch, năm 2005)
Giải thưởng VHNT:
- Giải C giải Văn học Nguyễn Du lần I (1995), Giải B giải Văn học Nguyễn Du lần II (2000).
Tác phẩm tự chọn:
HỘI NGHỊ SƠN LÂM
NHÂN VẬT:
- Một con hổ - 6 con công
- Một con khỉ - Một ông kiểm lâm
- Một con báo - Hai anh Sơn tràng
- Một con hươu sao
CẢNH TRÍ:
Cảnh núi rừng Trường Sơn, chính giữa một gốc cây cắt cụt cao bằng trống lớn, phía trước đặt rải rác 3 gốc cây cắt cụt cao từ 30-50 cm.
Trên phông treo một lá cờ tượng trưng, màu xanh lá cây có ngôi sao bằng hoa 5 cánh và tiêu đề “ Hội nghị Sơn Lâm – bàn định luật rừng”. Bên trái dựng pano có tiêu đề “ Kiên quyết ngăn chặn nạn phá rừng”. Bên phải dựng pano có tiêu đề “ Tích cực bảo vệ môi trường sinh thái” và “ Hãy giữ lấy màu xanh cho sự sống”.
MỞ MÀN
(Hậu trường đánh một hồi 3 tiếng trống, rồi có tiếng hô to vang vọng núi rừng)
Hỡi muông thú đất rừng Hương Sơn!
( Hổ đi ra bằng 4 chân, liệng một vòng, lại bên gốc cây to (tức trống), đánh một hồi ngắn, nhảy đứng lên gốc cây)
Hổ: Hôm nay ta triệu tập Hội nghị Sơn Lâm để bàn định “Luật rừng”. Mời các ông trong hội đồng Muông thú khẩn trương trèo đèo, lội suối về đỉnh Bà Mụ để họp trù bị!
( Hổ nhảy xuống rung trống, Báo, Hươu, Khỉ ra theo điệu múa “Vượt rừng”
Hổ: Chú khỉ đột!
Khỉ: Có tôi!
Hổ: Chú kiểm tra lại hình thức trang trí để chuẩn bị tiến hành hội nghị.
Khỉ: Kính thưa chủ tướng!
Hổ: Thôi, hãy gọi theo danh từ hiện đại là “ Chủ tịch”
Khỉ: Kính thưa chủ tịch! Mời ban nhạc vào chỗ nữa là xong ạ.
Hổ: Ban nhạc chuẩn bị! Đại hội bắt đầu. Tất cả chú ý. Ngh..i..êm!
(Tất cả chắp tay đứng nghiêm như chào cờ, nhạc cử 1 đoạn 2 câu cuối “ Bài ca người thợ rừng” của Phạm Tuyên)
Hổ: (Hô) Thôi! Mời mội nghị ngồi xuống! Kính thưa hội nghị! Tình hình rừng xanh ngày càng bị thu hẹp, màu xanh bị tàn phá nghiêm trọng, nạn lũ lụt ngày càng to, nguy cơ muông thú sẽ không còn chỗ nương thân. Vì vậy chúng tôi triệu tập Hội nghị Sơn Lâm để bàn định luật rừng!
(Tất cả đồng thanh hô): Nhất trí! Hội nghị Sơn Lâm, bàn định luật rừng!
Hổ: Chú khỉ, mang bản đồ Hương Sơn ra đây!
Khỉ: Tuân lệnh ( Vào mang bản đồ ra)
Hổ: (Cầm que chỉ vào bản đồ) Đây, các đại biểu thấy không? Hương Sơn chúng ta có diện tích 110 nghìn ha. Vùng đất canh tác và thổ cư chỉ có 12 nghìn ha. Rừng càng ngày bị eo hẹp, nay chỉ còn lại 64 nghìn ha. Nhan nhản đồi trọc. Đồi trọc hiện nay đã chiếm gần 1/3 tổng diện tích rừng. Với tình hình này, hành tinh của chúng ta sẽ dần biến thành sa mạc. Bây giờ tôi mời các ôn g phụ trách các địa hạt báo cáo tình hình. Xin mời anh Minh Hươu!
Hươu: Báo cáo chủ tịch! Nguy cơ, rất nguy cơ! Vụ nắng vừa qua rừng thông mới trồng ở Đòi Long đã cháy mất mấy hecta. Có những phần tử người tham lam một cách tệ mạt. Họ đang tay đốt cả khu rừng để nhặt củi khô. Nhà nước đã đổ ra trên đất Hương Sơn hàng chục ngàn tấn gạo để trồng, thông mới lớn bằng chân tôi mà họ đang tay chặt hàng loạt.
Hổ: Diện tích rừng thông bị chặt là bao nhiêu?
Hươu: Tôi không đo được. Nhưng nói chung vùng núi Mồng Gà, Núi Nầm bị tàn phá ít nhất một phần ba. Nếu không ngăn chặn chỉ một vài năm nữa sẽ bị con người tàn phá hết!
Hổ: Chính quyền sở tại không có ý kiến gì hay sao?
Hươu: Hình như họ dửng dưng, phó mặc kiểm lâm.
Hổ: Mấy ông kiểm lâm vùng này làm ăn ra sao?
Hươu: Lẻ tẻ họ cũng bắt được vài ba vụ. Nhưng lực lượng của họ khác nào muối bỏ biển. Có lúc hàng đoàn người đến chặt phá, họ chỉ la hét chán rồi về. Lực bất tòng tâm.
Hổ: Thật là phí cơm của nhà nước. Hiện nay nhà nước còn nuôi hàng ngàn công nhân lâm trường về hưu, về mất sức chưa biết đến bao giờ mà rừng trồng hầu như đã cạn.
Khỉ: Việc này theo tôi không đáng trách, chỉ trách họ không trồng cây ăn quả để Tôn Ngộ Khỉ tôi kiếm trái.
Báo: Trách nhiệm bảo vệ rừng là trách nhiệm chung của mọi người chứ. Ai lại tham đĩa bỏ cả mâm như vậy?
Hổ: Thôi, mời hai anh ngồi xuống, tiếp tục suy nghĩ và có những đề nghị chín chắn để bổ sung vào nghị quyết. Bây giờ mời chú Tôn Ngộ Khỉ.
Khỉ: Thưa chủ tịch. Việc phá rừng ở vùng tôi có đỡ hơn.Nhưng hàng năm vẫn chảy ra nạn cháy rừng. Rừng thì không trồng thêm được mấy, cứ mỗi năm phá mất một ít, chẳng bao lâu núi đồi giơ ra như đầu khỉ. Mảnh đất Lễ- Tiến thật là khô cằn mà họ không biết giữ.
Hổ: Có phải chính quyền báo cáo với huyện là do các em nhỏ đốt tổ ong không?
Khỉ: Có một số em dại dột, vô trách nhiệm, phần nhiều là con những gia đình vô giáo dục.
Hổ: Dẫu cho các em dại dột đi nữa thì chính quyền địa phương cũng cần răn bảo, cần có biện pháp ngăn chặn chứ.
Khỉ: Thực ra đó là cái cớ để họ lẩn tránh trách nhiệm.
Hổ: Chính quyền mà vô trách nhiệm thì bầu họ làm gì?
Báo: Tôi xin ý kiến!
Hổ: Mời anh phát biểu.
Báo: Đề nghị cho chúng tôi giải quyết theo luật rừng.
Hổ: Luật rừng tức là Lâm luật. Nhà nước, con người đã ban hành. Tôi đã phát tài liệu cho các anh tham khảo rồi còn gì?
Báo: Luật học mặc họ. Luật của chúng ta không dài dòng gì hết; bắt tất cả bọn phá hoại, lôi vào rừng đánh chén!
Khỉ: Anh định đục nước béo cò đấy hả? Định tham nhũng đấy!
Báo: Tham thì chỉ có khỉ. Tham ăn như khỉ!
Khỉ: Còn hơn anh ăn tham uống tục. Toàn bàn chuyện ăn.
Hổ: (vỗ tay lên bàn) Trật tự, trật tự! Đề nghị đại biểu trật tự. Chúng ta họp là để hành thực sự, chứ không phải họp để bàn chuyện ăn.
Báo: Nhưng tôi cho rằng hội nghị là phải có đánh chén, có người chỉ thấy đi họp chứ có thấy họ làm gì đâu. Cho nên cứ vẽ ra họp hành mà ăn là nhất!
Hổ: Thôi, thôi! Bây giờ anh Báo cho biết về quản lý rừng bằng biện pháp giao đất, giao rừng ở địa phương anh theo dõi.
Báo: Báo cáo chủ tướng!
Hổ: Lại xưng hô thủ tướng!
Báo: Báo cáo chủ tịch. Có nhiều gia đình làm ăn khôn ngoan lắm. Họ biết bỏ vốn trồng rừng, không phải lo chăm nom, cỏ dã mấy mà thu hoạch lại cao. Có những đồi bạch đàn, đồi keo xuất khẩu cho Nhật trị giá hàng triệu đôla.
Hươu: Theo tôi không nên giao đất cho những gia đình siêng ăn, nhác làm, không phát huy được nguồn vốn nhà nước. Có nơi giao cho họ cả rừng Mỡ mới trồng họ đẵn sạch. Nhìn thật đau lòng!
Báo: May sao có chủ trương giao đất, giao rừng. Nếu không các khu rừng mới trồng của Lâm trường Hương sơn tan thành mây khói.
Hổ: Còn những khu rừng quốc gia và rừng phòng hộ thế nào?
Báo: Vừa rồi kiểm lâm khu vực chúng tôi đã bắt trọn một tốp sơn tràng lén lút chặt trộm chò nâu, gỗ quý xuất khẩu.
Hổ: Tốt, tốt! Xử lý đến đâu rồi?
Báo: Tống họ vào trại giam Cầu Đông rồi.
Hổ: Hừ!Loại người tham lam phá hoại ấy đáng ăn thịt!
Báo: Khu vực chúng tôi quản lý là những xã chạy dọc Trường Sơn trùng trùng, điệp điệp. Lực lượng chúng tôi thì mỏng nên rất khó.
Hổ: Dễ mấy lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong. Hãy học tập xã Sơn Lâm có đội Vệ lâm thì không cá ai dám bén mảng phá rừng.
Hươu: Báo cáo chủ tịch! Theo tôi việc này cần lưu tâm: Đã có lệnh đóng cửa rừng mà tình hình gỗ quý vẫn không cánh mà bay. Vừa rồi tôi đi trên một chuyến xe khách, thấy gỗ xẻ chất đầy gầm ghế hành khách. Vậy mà không thấy bóng dáng kiểm lâm. Người đi xe đông như thế mà không thấy có ai mách báo. Thật là vô trách nhiệm!
Khỉ: Có một người lái buôn chở gỗ và dắt tôi ra Hà Nội bán. Tôi thấy hàng chục lần bị kiểm tra dọc đường. Mỗi lần ông chủ của tôi đều tỏ ra tay bắt mặt mừng, nói cười nhăn nhở. Mấy chú mũ bằng trước sau vẫn giữ nguyên bộ mặt lầm lỳ, phớt tỉnh. Cuối cùng ông chủ của tôi cũng ra thấu Hà Nội, nụ cười duyên biến mất, chỉ còn lại bộ mặt đưa ma và những câu chửi tục.
Hổ: Tại sao vậy?
Khỉ: Tại vì vất vả thế mà chỉ hưởng được phần lãi rất nhỏ.
Hổ: Anh Hươu! Nhờ anh xuống núi mời ông trưởng trạm Kiểm lâm cửa rừng lên tôi gặp.
Hươu: Xin vâng! (ra)
Báo: Báo cáo chủ tướng! Có cần xử theo luật rừng không ạ.
Hổ: Hãy khoan! Đây là hai tổ chức làm việc với nhau. Chúng ta không nên nhìn vào miếng ăn trước mắt mà bỏ mất giá trị lâu dài. Nhưng anh cũng phải canh chừng hộ tôi!
Hươu: (Vào) Báo cáo chủ tịch! Họ đã tới!
Hổ: Tất cả lui ra (Hổ cũng vào)
(Kiểm lâm ra, ngó trước ngó sau, tay phải đút túi áo, quay đi một đoạn thì hổ ra)
Hổ: Kính chào ông trạm trưởng!
( Kiểm lâm quay phắt lại, chĩa súng vào Hổ)
Hổ: (Điềm nhiên) Ông cất súng đi! Tôi không nói chuyện với ông bằng súng và móng vuốt của chúng tôi. Con người các ông nên dùng trí khôn thì hơn. Ngày xưa tổ tiên chúng tôi vì muốn ăn thịt trâu của các ông, đã bị trí khôn của các ông đốt cho xây xém. Nay chúng tôi còn chịu mang dấu tích di truyền trên thân thể.
Kiểm lâm: (Cất súng) Ông cần gì?
Hổ: Nhiệm vụ của các ông là là bảo vệ tài nguyên rừng của đất nước, trong đó có chúng tôi!
Kiểm lâm: Vâng! bảo vệ rừng là nhiệm vụ chung.
Hổ: Tại sao anh không làm tròn phận sự?
Kiểm lâm: Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ cây rừng, còn các ông thì mặc xác các ông. Các ông cũng cẩn thận đấy. Xương các ông nấu cao rất có giá trị.
Hổ: Ông lầm rồi. Ủy ban bảo vệ của thế giới và Việt Nam đã phải lên tiếng tình trạng thú quý đang có nguy cơ bị hủy diệt.
Kiểm lâm: Bảo vệ cây để chóng xói mòn, để giữ nước đầu nguồn là có lý. Còn bảo vệ các ông để làm gì? Bảo vệ các ông để các ông ăn thịt chúng tôi à?
Hổ: Chúng tôi cũng là tài sản quốc gia. Rừng Việt Nam chỉ còn vẻn vẹn 200 con hổ. Chính phủ đã ra sắc lệnh cấm săn bắn thú quý. Vậy mà dòng họ Tôn Ngộ Khỉ phải chạy sang Lào. Tại sao khu rừng Kim Cương các ông đã sát hại hai bác Voi để lấy ngà kiếm tiền. Chẳng lẽ ông không dính dáng gì trách nhiệm gì hay sao?
Kiểm lâm: Việc đó chúng tôi đã lập biên bản và có tờ trình với cơ quan Pháp luật điều tra. Nhưng con người của chúng tôi cũng có công trong việc bảo vệ thú rừng đấy chứ. Vừa rồi bà con Sơn Lĩnh đã bắt được chị Sao La thuộc động vật quý hiếm, mới chỉ thấy xuất hiện ở rừng Hương Sơn. Họ không những không ăn thịt mà còn nuôi nấng chu đáo và gửi ra vườn thú Hà Nội đó sao?
Hổ: Hoan hô! Hoan hô!
Kiểm lâm: Hoan hô gì? Gặp cáo ông thì các ông đã xơi tái rồi.
Hổ: Thế các ông không ăn thịt chắc? Bụng của các ông đã chứa đến vài chục con lợn, dăm con bò và vài ngàn con gà. Phần lớn là thịt hối lộ chứ gì?
Kiểm lâm: ( Rút súng chĩa về phía hổ) Ông không được vu khống!
Hổ: Đã bảo ông cất súng đi. Ngày xưa ông nội tôi bị ba phát đạn AK vào ngực mà vẫn còn đủ sức quất chết tên hung thủ. Còn loại đạn tù súng lục của các ông không xây xát nổi da tôi đâu. Lịch sử cho biết chúng tôi chỉ thua các ông về đấu trí kia mà?! Xin hỏi ông lần nữa, nhà nước giao cho các ông bảo vệ rừng, sao còn tình trạng rừng bị phá?
Kiểm lâm: Rừng bát ngát mênh mông mà lực lượng chúng tôi mỏng như tờ giấy. Bảo vệ tài nguyên đất nước là trách nhiệm toàn dân. Chính quyền địa phương phải có biện pháp tổ chức, tuyên truyền và giác ngộ cho dân.
Khỉ: (Vào) Báo cáo chủ tịch. Tôi trèo cây phát hiện được hai tên lạ mặt vai vác rìu đang lén lút lên đây.
Hổ: (Lại nhìn xuôi quan sát) Ông thấy chưa. Bây giờ mời ông hãy tạm lánh vào trong theo dõi, việc này để mặc chúng tôi
( Hổ và tất cả lui ra. Hai tên sơn tràng vào, sau một hồi quan sát vội vã chặt cây)
(Có tiếng quát): Dừng tay lại!
( Hai người quay lại dùng rìu thế thủ)
Hổ: Hỡi ba quân! (đồng thanh: Có!) Bao vây cửa rừng lại! (Hai tên luống cuống định tìm đường tháo thân)
Hổ: Anh Báo! Bắt lấy hai tên phá rừng cho tôi! (Báo nhảy ra, gầm gừ. Hai bên nhào lộn đánh nhau. Khỉ cũng chạy xung xăng. Nhè lúc hai tên quay lưng lại, hổ xông ra, chặt mạnh vào cánh tay, hai tên bị văng rìu, khỉ nhanh nhẹn nhặt 2 cái rìu vác chạy. Cuối cùng Hổ, Báo đã bắt được hai tên, trói lại)
Báo: (Lột mặt nạ ra) Tôi cứ tưởng là gấu ngựa. Té ra mặt người da thú.
Hổ: Mời bác kiểm lâm ra đây. Tôi xin gửi bác 2 nhân chứng.
Kiểm lâm: Đã có chỉ thị rồi, sao các anh còn lén lút…….!
Sơn tràng 1: Dạ chúng em ở vùng xa xôi, rét mướt, không có củi đun ạ.
Sơn tràng2: Đun ạ! (là kẻ thật thà, dại dột nên đi theo, chỉ nói lẻo và làm việc bậy do kẻ gian xúi dục)
Hổ: Nói láo! Cây gỗ lim to bằng 3 vòng tay người ôm không xuể, mà ông định bổ củi ?
Kiểm lâm: Quê anh ở đâu?
Sơn tràng 1:Quê em ở Sơn Thịnh ạ.
Sơn tràng 2: …. Thịnh ạ!
Kiểm lâm: Trước đây gọi là “Thịnh Văn” chứ gì?
Sơn tràng 1: Dạ! Đúng dân Thịnh Văn, học giỏi lắm ạ.
Kiểm lâm: Thịnh Văn tức Văn Thịnh, sao anh thiếu văn hóa như vậy?
Sơn tràng1: Dạ, xin anh tha thứ, em nói học đến lớp 3, cha mẹ lo đi buôn gỗ trên rừng, để em mặc sức chơi bời, nên em thiếu “Văn” đấy ạ!
Kiểm lâm: Trách gì! Xã “Thịnh Văn” lại đổi tên xã Sơn Thịnh! Quê anh có phải cái đìa của huyện Hương Sơn không?
Sơn tràng1: Dạ, Sơn Thịnh thấp nhất huyện đấy ạ.
Sơn tràng 2: ……. Nhất huyện ạ!
Hổ: Ông có biết lũ lớn là do không giữ được nước đầu nguồn không?
Kiểm lâm: Năm nào Sơn Thịnh cũng bị lụt to. Cơn lũ 89 xã anh bị trôi bao nhiêu nhà?
Sơn tràng1: Dạ, vì thế chúng em xin các anh gỗ về để đóng thuyền chống lũ đấy ạ!
Hổ: Ai dùng gỗ lim đóng thuyền?
Sơn tràng 1: Bác Hổ ở trên rừng không biết chứ, lim vẫ đóng được ạ.
Sơn tràng 2: …. Đóng được ạ!
Kiểm lâm: Thôi trả lời câu hỏi của tôi đi! Trôi bao nhiêu nhà?
Sơn tràng 1: Dạ, ba chục ạ!
Sơn tràng 2: … Chục ạ
Hổ: Trôi bao nhiêu bò?
Sơn tràng 1:Năm chục ạ!
Sơn tràng 2: …Chục ạ!
Hổ: Tiếc của thật!
Báo: Trôi bao nhiêu lợn?
Sơn tràng 1: 200 con ạ!
Báo: Ôi, ôi! Tiếc quá! Thảo nào hội nghị không có thịt lợn ăn.
Kiểm lâm: Tổng số thiệt hại là bao nhiêu?
Sơn tràng 1: Dạ, lớn lắm! có đến vài tỷ ạ.
Sơn tràng 2: …. Tỷ ạ!
Hổ: Anh có biết sao ngày nay lại hay xẩy ra bão không?
Sơn tràng 1: Bão là tại gió nhiều ạ!
Sơn tràng 2: …. Gió nhiều ạ!
Hổ: Nguồn gốc của cơn lốc, cơn bão có hiện tượng là do một vùng khí hậu bị đốt nóng. Mà cây cối chính là cái máy điều hòa nhiệt độ.
Sơn tràng 1: Em chưa hiểu ạ
Sơn tràng 2: …. Hiểu ạ!
Hổ: Nói tóm lại là cây cối rất quan trọng cho sự sống. Giải thích cái này còn phải dài dòng, mà xem chừng anh thì quá “ngắn chữ!”
(ngừng chút) Anh có thể nhịn đói được bao nhiêu ngày?
Sơn tràng1: (Ngơ ngác tý chút) À! …à dạ! Trận lụt dạo đó thuyền em bị trôi, vợ con sơ tán lên núi Thiên Nhẫn, gạo lúa ngập hết. Em ngồi thui thủi trên nóc nhà, nhịn đói mất 3 ngày ạ.
Hổ: Anh nhịn thở được mấy ngày?
Sơn tràng 1: (Hỏi Sơn tràng 2) có đến một giờ không nhỉ?
Sơn tràng 2: Một tiếng đồng hồ chứ mấy!
Hổ: Loài người có lắm trí khôn mà sao anh dốt thế? Anh có biết rằng giữa thực vật và động vật trao đổi nhau dưỡng khí và thán khí không?
Hành tinh này sắp biến thành sa mạc, mà loại người đã có trên 5 tỉ. Người ta có thể nhịn ăn 7 ngày chưa chết. Nhưng nhịn thở một vài phút là chết. Vậy mà các người không quan tâm đến cái thở.
Sơn tràng 1:Vài phút mà chết thì em không tin ạ!
Sơn tràng 2: Không tin ạ!
Hổ: Không tin à? Tôi làm thử cho anh tin nhé! (gọi) chú Báo!
Báo: Có tôi!
Hổ: Chú lấy khăn bịt cái thở của anh ấy lại!
Sơn tràng 1: (Gập đầu xin) Ấy chết! Em xin các anh tha tội chết…
Báo: (Vừa làm vừa nói) Vì các anh không tin kia mà?!
(Sơn tràng 1 bị bịt miệng, vật vã hốt hoảng)
Hổ: (Lẩm nhẩm đếm giây) Thôi! Tháo khăn ra!
(Báo tháo khăn, tên Sơn tràng ngã lăn ra)
Báo: (Sờ nắn Sơn tràng, kêu lên) Ô kìa! Người này chết mất rồi. Nguy to! Xẩy ra án mạng rồi!
Hổ: (Nhổ sợi lông mép của mình đặt vào mũi người, kiểm tra, gọi giật) Thổi! mau lên!
Báo: (Luống cuống tìm được ống nứa, thổi lấy thổi để)
Sơn tràng1: (Sống lại nhưng ngẩn ngơ, khóc hu hu) Em xin các anh đừng giết em. Em còn vợ non, con dại; chết đi, em tiếc vợ trẻ lắm ạ! (Khóc)
Kiểm lâm: Thôi được! Tha cho các ngươi. Lần sau tái phạm đừng trách!
Hổ: Anh Báo! Con người này đã biết nhận lỗi, cởi trói cho họ!
Sơn tràng: Dạ, em đội ơn các anh!Em xin hứa từ nay không phá rừng nữa ạ!
Sơn tràng 2:…Phá rừng nữa ạ!
(Hai Sơn tràng lui ra)
Hổ: Chú khỉ đâu?
Khỉ: Có tôi!
Hổ: Mời hội nghị giải lao! Chú cho vài tiết mục văn nghệ!
Khỉ: (Ra) (Giới thiệu điệu bộ) Mở đầu chương trình, kính mời Đại biểu nghe chị Mỹ Công trình bày bài thơ: “Em đi đắp đê”.
(Công ngâm):
Em ở trên ngàn về đắp đê quê anh
Thêm gánh đất, nặng tình miền ngược
Ở trên em mỗi lần con nước
Lại thương quê anh trống giục liên hồi
Đêm mùa thu nghe nặng hạt mưa rơi
Em không ngủ, nghe đài báo bão
Lại thương anh mưa dầm vạt áo
Thức thấu đêm, canh từng đợt sóng xô về
Rét tím bầm vẫn bám giữ thân đê…!
Giữ mãi quê hương Tân – Mỹ đẹp giàu
Xứ sở làng tơ, chín vàng nong kén
Giữ trọn ước mơ, mùa vui hò hẹn
Mẹ đón em về trên đê…trên đê!
Khỉ: (Ra giới thiệu tiếp)
Đến đây hoa nở giữa rừng
Đưa tay ngắt lấy, xin đừng phụ hoa
Đó là nội dung điệu múa “Em hái hoa rừng” Tốp nữ công biễu diễn!
(6 cô phục trang con công ra múa trong nhạc dân tộc vui duyên dáng).
Hổ: Kính mời đại biểu ổn định chỗ ngồi! Mời các chị em văn công cùng tham gia, nghe tôi thông qua “luật rừng” của chúng ta!
(Các cô công ra ngồi xuống thẳng hàng phía trước)
Hổ: (Đọc) Chương I – Điều 1:
Nghiêm cấm tất cả động vật rừng ăn lá, không được phá mầm cây non do người trồng hoặc quản lý! Nếu ai vi phạm sẽ bị tôi và anh Báo ăn thịt! (Với Hươu) Anh Hươu! Anh coi chừng với đấy!
Điều 2:
Theo dõi và báo cáo cho kiểm lâm biết….(nói ngang) cơ quan kiểm lâm là cơ quan rất hữu quan với chúng ta đấy… những phần tử chặt phá gỗ quý và cây non mới trồng. Người nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo pháp luật.
Điều 3:
Ngăn cấm các chú chồn bắt chim trái phép. Vì chính loài chim rất có ích. Chúng đã chuyển tải hạt cây đi gieo trồng khắp nơi làm cho rừng ngày càng phong phú.
Điều 4:
Kiên quyết trừng trị những chị lợn lòi, những gã xuyên sơn đã đào bới đất đai lung tung, gây nên tình trạng xói mòn, đổ cây, ảnh hưởng đến mùa màng, nhà cửa, và đời sống của mọi người, nhất là vùng dân thường xuyên xẩy ra lũ lụt.
Chương II – Điều 1:
Ai phát hiện được động vật quý hiếm báo cho các nhà chức trách (nhắc ngang) Đừng báo lung tung nhất là những phần tử lợi dụng và máu rượu, họ chén mất đấy! (tiếp) … Báo cho các nhà chức trách biết sẽ được trọng thưởng. Ai săn bắt động vật quý hiếm do Nhà nước con người quản lý sẽ bị trừng trị.
(Nói ngang) Chú Báo! Nhắc lại lần nữa, chú cẩn thận, đi nhà lao Cầu Đông đấy!
Kêu gọi tất cả các loại muông thú quý hiếm hãy tự nguyện đến với người, sẽ được ủy ban bảo vệ môi sinh môi trường thế giới và Việt Nam bảo vệ chu đáo để bảo tồn nòi giống.
Chương IV:
Chương này là chương cuối cùng chỉ có một điều luật, nhưng là điều quan trọng nhất:
“Để bảo tồn con người và động vật trên đất nước này, kêu gọi mọi người phải có ý thức trồng cây, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Để màu xanh và sự sống vĩnh hằng trên hành tinh chúng ta” (ngừng tí)
Tôi đã thông qua toàn văn “Luật rừng’ của chúng ta. Xin ý kiến Đại hội.
(Tất cả đồng thanh) Nhất trí!
(Tất cả nhất tề đứng dậy, hát vang “Bài ca người thợ rừng”, 6 chị công múa hát tưng bừng.)
HẠ MÀN