Ngày tháng năm sinh: 16- 08- 1981
Quê quán:Khánh Lộc - Can Lộc- Hà Tĩnh
Nơi công tác hoặc thường trú hiện nay: Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh
Hội viên Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành: Văn xuôi. Năm kết nạp: 2006
Địa chỉ liên lạc: Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh
Điện thoại: 0983337293 Email: tranhaivan.vhnt@gmail.com
Tác phẩm chính đã công bố, xuất bản:
- Chuyến tàu mùa thu ( Tập truyện ngắn , NXB Hội Nhà văn, 2018)
Giải thưởng:
- Giải C cuộc thi Truyện Ký Tạp chí Hồng Lĩnh 2014
- Giải B Giải thưởng UBTQ LH Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2019
Tác phẩm tự chọn
TRẦN HẢI VÂN
ĐỒNG QUÊ ÊM Ả
Truyện ngắn
Khánh ít nói. Càng ngày lại càng ít nói. Vốn dĩ ngày xưa anh đã thuộc cái tạng kiệm lời, bây giờ lại càng trở nên lầm lỳ, ai nói gì miễn không liên quan đến mình anh chỉ im lặng, hoặc ừ hử cho xong chuyện. Ở công ty, Khánh chỉ quan tâm đến công việc, công văn, giấy tờ, sổ sách, báo cáo, dự án, soạn thảo… là thế giới của riêng anh. Cái thế giới ấy bình thường đã đủ bộn bề phức tạp lắm rồi, cũng chẳng cần ai can dự vào thêm nữa mà cũng chẳng cần phải can dự đến ai nữa. Không phải Khánh không quan tâm đến những người xung quanh anh, nhưng quan tâm thì chỉ thấy mỏi mệt. Những đấu đá, tranh dành đôi chút quyền lợi của đám nhân viên ở công ty ngày nào chẳng có. Nhưng nếu can dự vào, anh thấy mình cũng chẳng khác gì họ, thành ra im lặng theo kiểu như không biết gì là hay hơn cả.
Quãng đường từ công ty về nhà phải vòng vèo qua mấy con phố ngày nào cũng tắc đường làm Khánh muốn phát điên. Chen chúc qua những đám đông ngột ngạt những xe, những người, những nóng nảy, bực bội, những la ó, chửi thề, anh mới về được đến nhà. Mặt mày xạm xịt khói xe vừa ngồi vào mâm cơm đã nghe vợ anh ca thán không dứt về nỗi bây giờ hàng hóa giá cả leo thang, đồng tiền mất giá, thực phẩm bẩn, đồ ăn nước uống thứ gì cũng ô nhiễm hóa chất độc hại, đi chợ cả ngày cũng chẳng mua nổi cái gì trong lành mà ăn…Thế là miếng cơm trong miệng anh trở nên nhạt nhẽo vô vị, Khánh nhai trệu trạo cho xong bữa mặc kệ vợ với câu chuyện muôn thủa. Nói mãi mà không có người hưởng ứng, vợ anh cũng thấy chán, rồi nói ít dần đi. Đến ngày giữa hai người chẳng còn gì để nói nữa, chỉ lặng lẽ ăn cho xong rồi ai làm việc nấy. Ngày nọ nối tiếp ngày kia, ngày nào cũng như ngày nào, cái sự vô vi làm Khánh phần nào thấy cũng thanh thản.
Nhưng sự việc lần này Khánh thấy khó mà bình thản thêm được nữa, không phải chuyện tranh dành lương thưởng chức quyền, bổng lộc ở công ty, cũng chẳng phải vì cái bản mặt hay cằn nhằn, nhăn nhó, than phiền của bà vợ lắm lời mà là chuyện của thằng Toàn con trai anh. Chuyện của thằng cu bé đang học lớp cuối cấp tiểu học hóa ra lại làm anh phiền lòng hơn tất cả. Sự thể cô giáo vừa gọi điện than phiền rằng thằng bé dạo này học hành sa sút, đến lớp lúc nào cũng mỏi mệt, lơ đễnh không tập trung. Đợt thi học sinh giỏi thành phố vừa rồi, kết quả môn toán của cháu rất thấp… Những lời cuối cùng của cô giáo thằng Toàn hơi chùng lại như thể chính cô cũng không muốn thông báo cái tin không vui đó với anh. Ôi lâu nay quả là Khánh có lơ là việc học của con thật vì anh chỉ nghĩ đơn giản cái việc chăm nom con cái ăn học là việc của vợ, còn anh chỉ muốn được toàn tâm toàn ý làm những việc lớn lao ở công ty, hơn nữa trẻ con như nó phải chơi nhiều hơn học mới đúng. Như anh ngày xưa, thời bằng tuổi nó, có học hành gì mấy đâu mà lớn lên cũng cứ thành người đó cả thôi. Nhưng vợ anh lại nghĩ khác. Trẻ con bây giờ mà không rèn cho nó cái ý thức học hành thì lớn lên khó mà bắt nó vào guồng lắm. Đấy anh xem, con chị C nhà bên kia bằng tuổi con mình mà tiếng Anh đã nói làu làu, toán trên mạng thì làm nhanh còn hơn cả gió, con chị X đầu phố đang gấp rút hoàn thành chứng chỉ nọ, chứng chỉ kia để chuẩn bị đi du học nước ngoài. Con nhà người ta làm vẻ vang cả gia đình, cả họ hàng đó anh không thấy à. Bây giờ không bắt con nó học thì sau này chỉ có mà thua thiệt thôi. Lần này anh thua lý vợ, thì thôi cứ khoán trắng cái việc chăm sóc lẫn học hành của thằng cu con cho mẹ nó lo vậy. Khánh chậc lưỡi cho qua. Thế là thằng cu bé nhà anh tuổi còn ngây ngô chưa phân biệt nổi con trâu với con bò, con gà với con vịt đã bị kéo vào một cuộc đua tranh học hành âm thầm nhưng không kém phần khốc liệt với con chị C, chị X nào đó và không được phép thua kém chúng về mặt thành tích. Và đều đặn mỗi buổi tối, sau một ngày đã miệt mài với các môn học ở trường, thằng bé lại được mẹ chăm chỉ chở đến các lớp học thêm toán, tiếng Anh, đàn nhạc…để bồi đắp thêm kiến thức một cách toàn diện nhất. Ở đâu có cô giáo giỏi, có lớp học chất lượng là mẹ nó đều liên hệ, xin xỏ để con được vào học. Tuổi thơ của thằng Toàn chỉ là những giờ học nối tiếp những giờ học, những bữa ăn vội vàng, những chồng bài tập làm không hết, những tiếng thúc dục, những cái ngáp ngủ, không đá bóng, không thả diều, không có lấy một đứa bạn để trêu đùa cấu chí…
Khánh về nhà đã thấy vợ anh vừa khóc, vừa than thở, vừa lục lọi đống vở học thêm của con, rồi mới ngã ngửa ra ôi thôi lâu nay nó có viết cái chữ nào đâu, trang nào cũng chỉ toàn những những hình vẽ vô thức nghệch ngoạc. Nhìn sang thằng Toàn đang ngồi ở một góc giường nghịch nghịch mấy món đồ chơi từ hồi còn mẫu giáo, ngây ngô như thể không hề biết đến mẹ nó đang đau khổ vật vã như thế nào vì bao nhiêu công sức đầu tư học hành cho con đã đổ sông đổ bể. Khánh nhìn con gầy gò xanh tái, đôi mắt nhợt nhạt vô hồn mà thấy xót xa dâng lên nghẹn lòng.
“Anh sẽ xin nghỉ phép đưa con về quê một thời gian.”- Khánh nói với vợ. “ Mà lâu rồi anh cũng chưa về thăm quê, nốt thể lần này về luôn. Mẹ nhắc cháu suốt.” Vợ anh định phản đối như lẽ thường chị vốn không thích quê chồng và tất cả những gì liên quan đến quê chồng, nhưng lại thôi. Vì một nhẽ hôm trước đưa thằng Toàn đi khám, bác sỹ đã khuyên nó bị rối loạn tâm lý, tạm thời cho nó nghỉ ngơi, đừng bắt con học nhiều nữa. Ừ thì bố con anh cứ đưa nhau mà đi đi, đi hết cả đi, tôi thì thế nào cũng được. Vợ Khánh dằn dỗi nhưng anh chỉ lẳng lặng như thường ngày vẫn vậy, một tay dắt tay con, một tay xách balô lên tàu về quê.
Tàu chuyển bánh, phố xá lùi lại phía sau, người xe lùi lại phía sau, ồn ã cũng lùi lại phía sau, những cánh đồng, những con đường đất thênh thang mở ra phía trước. Đôi mắt buồn bã của thằng Toàn chợt mở to ngỡ ngàng. “Con còn nhớ quê nội nữa không?” Khánh khẽ hỏi. Thằng bé ngơ ngác một lúc rồi như chợt nhớ ra điều gì, nó ghé tai anh thì thào: “Bố ơi con muốn về quê bà nội bố ạ”. Khánh ôm thằng bé, bất chợt thấy lòng nhẹ lâng như một cánh chim vừa thoáng qua cửa sổ.
Quê nội đón hai bố con Khánh vào một buổi chiều ngập gió. Đồng chiều vẫn mênh mang êm ả như cái thuở Khánh mới rời làng ra đi. Bước chân trên những con đường đất phủ đầy rơm rạ, cái cảm giác nhớ nhung thân thuộc bất giác lại ùa về. Khung cửa tre cũ kỹ nhà mẹ mở ra hai hàng chè mận hảo thẳng tắp ngày nào cũng được cẩn thận xén tỉa như thể đã chờ đợi Khánh từ hôm nào. Thằng cu Toàn sà vào lòng bà nội, bao nhiêu là bòng là bưởi, là cam, là ổi đã được bà hái sẵn trong vườn bày hết cả lên bàn cho bố con Khánh ăn. Trong lòng Khánh chợt thấy ấm áp lạ lùng. Thế mà lâu lắm rồi anh đã quên luôn cái ý định về quê, vì bận công việc và còn vì bao nhiêu thứ lý do khác nữa, quê nhà thành ra cứ xa ngái dần. Thằng Toàn đòi ra vườn hái quả với bà nội. Mùa này ổi trong vườn đã chín, từng chùm quả tròn lẳn trắng phau lấp ló sau những chiếc lá xanh sẫm. Nhìn con háo hức len lỏi khắp khu vườn, Khánh lại nôn nao nhớ những ngày thơ ấu ngồi vắt vẻo trên cây mà nhai ngấu nghiến những trái ổi giòn ngọt trong vườn của mẹ.
Buổi chiều, Khánh đưa con ra đồng làng chơi. Đồng chiều mênh mang rười rượi gió. Gió thổi thênh thang trên ruộng lúa, trên con đê tít tắp mươn mướt cỏ xanh. Đêm qua, anh đã hì hụi làm cho con một con diều hình chim phượng thật sặc sỡ. Thằng bé mặt ngời lên vui hớn hở, ở khu phố chật chội nhà anh có chỗ nào cho lũ trẻ con thả diều đâu. Nó cầm con diều chạy trên bờ đê lộng gió. Cánh diều trong tay ngập ngừng bay lên rồi cứ thế vươn cao vi vu ngạo nghễ. Xế chiều, hai bố con buộc diều vào một gốc cây khỏi nó bay mất rồi nằm xoài ra bờ cỏ. Thằng Toàn thiu thiu ngủ. Nó úp mặt vào cỏ non mềm mà ngủ như một đứa trẻ chăn trâu vậy. Nó ngủ say như thể đã lâu lắm rồi chưa hề được ngủ làm Khánh thấy thương thương. Anh nằm bâng khuâng nhìn lên vòm trời xanh loáng thoáng những gợn mây trắng xốp. Chưa bao giờ Khánh thấy lòng mình nhẹ nhõm đến như vậy. Trong một khoảnh khắc anh muốn quên đi hết thảy, những tháng ngày vô nghĩa lý, công việc nhàm chán mỏi mệt, đống công văn báo cáo chồng chất vô cảm mà lâu nay anh vẫn nghĩ là nguồn vui duy nhất của mình, những bộ mặt cằn cỗi nói cười giả lả ngày nào cũng bắt gặp ở công ty, rồi những con đường nghẹn cứng những người những xe những ồn ào khói bụi… ôi cái thành phố mà anh đang sống, cái cuộc đời mà anh đang sống, ngay lúc này đây anh muốn chúng biến mất đi, biến mất như chưa từng ngang qua. Khánh úp mặt vào cỏ nghe mùi ngai ngái thân thuộc của đồng quê thấm thấm đầu chóp mũi. Anh nhắm mắt rồi thấy mình nhẹ lâng bay lên như một cánh chim, một áng mây trời và cứ thế bay mãi, bay mãi vô định. Rồi Khánh thấy mình lạc vào một không gian lạ lùng, một thành phố không bóng xe cộ, một thành phố chỉ toàn là trẻ con. Trẻ con không biết ở đâu mà đông thế, chúng ào ra từ những góc phố, chúng nói cuời hò reo đuổi bắt vui vẻ ồn ĩ và tuyệt nhiên chẳng thấy ai là người lớn cả…
Tiếng lích rích nhảy nhót của bầy chim sẻ ri ở đâu đó làm Khánh sực tỉnh. Đồng quê yên ắng lạ lùng. Thằng Toàn vẫn còn say ngủ. Nhìn quanh, anh bỗng bắt gặp một đôi mắt mở to, một thằng bé đen nhẻm đang ngồi ngắm say sưa cánh diều đang bay lửng lơ trong gió chiều. Nó trạc tuổi thằng Toàn, gương mặt lem nhem bùn đất nhưng đôi mắt thì trong veo đen láy. Nó nhìn mê mẩn con diều có hình chim phượng sặc sỡ như thể trong đời chưa từng trông thấy thứ gì đẹp đẽ hơn thế. Thấy Khánh vừa ngồi dậy, thằng bé định bỏ chạy, nhưng anh đã kêu nó lại. Thằng Toàn cũng vừa tỉnh giấc, đang ngơ ngác dụi mắt ở bên cạnh. Hai đứa trẻ len lén nhìn nhau. “Bạn của con đấy, chơi đi”, Khánh nói với con rồi kéo cái dây diều lại dúi vào tay hai đứa trẻ. Hai đứa e dè một lúc rồi nắm lấy dây diều chạy như bay. Tiếng reo cười vui vẻ của chúng tràn ngập cả đồng chiều. Còn lại một mình Khánh định quay trở về thì bắt gặp phía xa xa kia bóng một người phụ nữ gầy guộc trong ráng chiều. Người ấy có nét gì quen quen làm anh thoáng giật mình. Huệ, hình như là Huệ. Khánh thấy lúng túng, định tránh mặt đi nhưng không kịp nữa rồi. Người phụ nữ kia vừa kịp nhận ra Khánh và cũng ngượng ngùng bối rối chẳng kém gì anh. “Anh Khánh vừa về à?’’ Huệ mở lời trước trong khi Khánh vẫn còn lúng túng chưa biết phải nói câu gì. “Em đang tìm thằng Tủn, không biết nó ở đâu rồi”. Chị nói tiếp rồi tất tả chạy đi như thể muốn che giấu cái sự bối rối trong lòng, còn lại Khánh một mình trơ vơ giữa đồng chiều, câu nói ngập ngừng ở miệng vẫn chưa kịp thốt ra.
Cuối cùng thì về quê thể nào cũng sẽ gặp Huệ. Bao nhiêu lần về Khánh đều muốn tránh mặt để không phải gặp chị vì anh biết trong thâm tâm vẫn còn một món nợ chưa thể trả được cho người phụ nữ ấy. Huệ không còn là cô bé ngày xưa với hai bím tóc đen, đôi mắt đen và hai lúm đồng tiền tròn xoe trên đôi má căng mọng nữa. Giờ hai cái lúm đồng tiền ấy đã trở thành hai vệt nhăn trên khuôn mặt sạm nắng hằn sâu trong đó không biết bao nhiêu là vất vả nhọc nhằn làm Khánh bất giác thấy xót xa. Mỗi lần về quê, mẹ Khánh đều kể chuyện của Huệ, tội nghiệp cái Huệ nó chờ mày mãi, giờ nó vất vả lắm, chồng làm công nhân, mất vì tai nạn năm ngoái, bây giờ còn mình nó tất tả nuôi con. Bà vừa nói vừa thở dài. Sao con không đến thăm nó chút đi, chẳng phải ngày xưa tụi mày dính lấy nhau như sam ấy à. Khánh chỉ ậm ừ nói bây giờ mà con gặp Huệ thì ngại lắm, chắc cô ấy trách con nhiều, con không dám gặp đâu, mẹ giúp con hỏi thăm cô ấy được không. Khánh nói rồi rút từ trong túi ra cái phong bì mới tinh và bỏ vào đấy một số tiền rồi đưa cho mẹ, chẳng ngờ mẹ Khánh không chịu cầm, lại giận nói rằng người thành phố tụi bây cái gì cũng tiền, mẹ không cầm giúp tiền cho mày đâu... Cả ngày hôm ấy mẹ làm mặt giận chẳng nói chuyện gì với Khánh nữa. Lần đó anh không thể lý giải được vì sao mẹ lại giận mình đến như vậy. Khánh muốn mẹ hiểu rằng chuyện anh và Huệ không đi đến đâu là do cái duyên cái số nó thế. Khánh biết mẹ anh thương Huệ, xem Huệ như con gái. Huệ chơi thân với Khánh từ nhỏ, hai đứa đi học với nhau, chăn trâu cắt cỏ với nhau, rồi ngày nào Huệ cũng sang nhà Khánh giúp mẹ anh hái rau, thổi cơm, cho gà ăn nữa. Trong nhà ai cũng nghĩ hai đứa thân thiết thế sau này phải lấy nhau mới phải, và mặc nhiên mẹ Khánh cứ xem Huệ như con dâu trong nhà. Cho đến ngày Khánh lên phố đi học. Mọi thứ đều mới mẻ đối với Khánh. Phố phường hoa lệ có sức mê hoặc thật lạ kỳ, và anh nghĩ đây mới thật sự là thế giới của mình, là cuộc sống của mình. Khánh viết thư về cho Huệ say sưa kể về những con phố đông người mua bán tấp nập, những hàng quán sáng rực ánh đèn mở cửa thâu đêm, những tòa nhà cao tầng lấp lánh biển hiệu…Huệ hỏi chừng nào thì anh về? Khánh mơ hồ nói chừng nào học xong thì sẽ về. Thế mà học xong Khánh không còn ý định về quê nữa. Xoay xở mãi cuối cùng anh cũng xin được vào một công ty ở thành phố, và công việc bận rộn cứ thế cuốn anh đi, anh về quê ít dần, lời hẹn với cô bạn ngày xưa cũng thành ra xa ngái.
Như một lẽ mà Khánh cho là tự nhiên là anh sống ở thành phố, là người thành phố thì dĩ nhiên là phải lấy một cô vợ ở thành phố. Hôm Khánh quyết định cưới vợ, mẹ anh chỉ buồn chứ không phản đối gì. Bà nhắc Khánh dù sống ở đâu cũng đừng quên cái nơi mình đã ra đi. Khánh cười nói con quên sao được. Thực tình lúc đó anh có nghĩ đến Huệ, nhưng Huệ cũng như tuổi thơ của anh, quê nhà của anh, nó đã vĩnh viễn thuộc về một nơi rất xa gọi là ký ức, mà đã là ký ức thì không thể can dự vào cuộc sống hiện tại của anh được.
Mẹ Khánh đã già yếu và khó khăn lắm mới lên được thành phố để thăm cháu một lần. Nhà Khánh ở chung cư tận tầng 5 mà mẹ thì tay xách nách mang nào là bòng là bưởi hái ở vườn ra, nào là gạo quê, nếp quê không phun, không ủ hóa chất, rồi thêm hai con gà trói chân nằm lục cục trong cái lồng nhỏ để thằng cu cháu bồi dưỡng cho có sức mà học hành. Mẹ chật vật leo lên đến nơi thì đôi chân đã nhũn ra, mồ hôi đã mướt trán. Vừa đặt cái lồng gà với túi bưởi bòng xuống cái nền nhà ngày nào cũng được vợ Khánh kỳ cụi lau chùi bóng loáng thì cô con dâu đã la lên xe xé giời ơi mẹ đem gì lên mà nhiều thế không biết, bưởi thì chua thằng Toàn nó không ăn được đâu, rồi gạo ở quê nữa vừa cứng vừa khô tụi con nhai sao nổi, mà cái bu gà này nữa, giời ơi hôi thế này, nhà tụi con là nhà chung cư chật chội lắm biết để đâu bây giờ? Mẹ đứng ngẩn ra với cái bu gà quýnh quáng chẳng biết để vào đâu. Mẹ ở đúng một ngày với thằng cháu nhỏ rồi sáng hôm sau đã lại vội vàng bắt xe về quê. Khánh nài nỉ bao nhiêu mẹ cũng cứ đòi về, mẹ nói mẹ không hợp với thành phố, mẹ sợ đường đông xe cộ, sợ nhà cao tầng nhưng trong thâm tâm Khánh biết là mẹ sợ làm phiền vợ chồng anh. Mẹ ôm thằng Toàn, vuốt ve hai cái má của thằng bé, dặn nó học hành chăm ngoan đừng để bố mẹ buồn lòng rồi quày quả ra về.
Lần nào về quê, Khánh cũng mơ hồ đọc thấy nỗi buồn trong mắt mẹ. Mẹ nói ở nhà thui thủi một mình, may còn có cái Huệ sang chơi. Thế là mẹ lại nói đến chuyện của Huệ. Những lần đầu cứ hễ mẹ nhắc đến Huệ là Khánh bực bội khó chịu lắm. Có khi anh còn gắt gỏng cho qua chuyện, mẹ cũng biết là con đã lấy vợ rồi còn nhắc đến Huệ làm gì nữa, cô ấy mà lấy con thì chắc gì đã sung sướng hơn. Khánh nói thế thôi nhưng trong lòng vẫn cứ cấn cái một món nợ vô hình với người bạn gái ngày xưa mà không sao trả được. Nếu Huệ lấy chồng và sống đầy đủ hạnh phúc thì anh còn thấy đỡ day dứt, đằng này Huệ lại vất vả khổ cực thế anh sống cũng không yên được. Giờ gặp Huệ ở đây, trong bóng chiều nhập nhoạng, nhìn cái dáng gầy gò liêu xiêu của chị mà Khánh thấy nghẹn lòng. Huệ đang gọi con về nhà. Thằng cu Tũn hóa ra là thằng bé lúc nãy. Nó và thằng Toàn mới đó mà đã thân với nhau như thể là bạn bè từ hồi nào. Thằng Tũn mê tít con diều và có vẻ chưa muốn về. Đến lúc mẹ nó phải giục mãi nó mới chịu đi theo. Được một quãng nó chạy lại hẹn với thằng Toàn mai lại chơi nhé rồi hai đứa vẫy tay cười rúc rích. Khánh đưa con về nhà, thằng bé vừa chạy vừa reo cười, chưa bao giờ anh thấy nó vui như vậy.
Thế là chiều nào thằng Toàn cũng được ra đồng làng thả diều với thằng Tũn. Khánh làm thêm cho hai đứa một con diều hình chim phượng nữa làm chúng nó vui như Tết. Mẹ Khánh hỏi thế con có gặp cái Huệ không, nó là mẹ thằng Tũn đó. Khánh nói không, con không gặp cô ấy, rồi lảng sang chuyện khác, mẹ đành im lặng thở dài, ừ thôi tụi bây không có duyên phận thì thôi, mẹ hỏi thì phỏng có ích gì.
Còn mỗi ngày mai nữa là hết mấy ngày nghỉ phép, Khánh cũng có việc gấp ở công ty cần phải về ngay. Nhưng xem chừng thằng Toàn vẫn chưa muốn về. Nó nhớ cái đồng làng ngập gió, nhớ khu vườn của bà nội đầy những ổi, những na, nhớ những buổi chiều thả diều chạy mướt mồ hôi với thằng cu Tũn, nhớ những đêm trăng sáng hai đứa chơi đuổi bắt trốn tìm ồn ĩ. Thằng Toàn đã thay đổi nhiều làm Khánh thấy vui, nhưng hễ anh nói đến chuyện phải về thành phố đi học là nó lại buồn, lại khóc. Khánh phải an ủi mãi rằng từ giờ con sẽ học ít thôi, học như bạn Tũn ấy, vừa học vừa chơi, rồi nghỉ hè bố lại đưa con về quê chơi với bạn ấy… “Bố hứa với con là bố phải giữ lời đó” Thằng Tũn ngoéo tay bố bắt bố phải hứa, nó lau nước mắt rồi thoắt cái lại nhảy nhót như con sẻ non trong khu vườn ngập nắng.
Còn đêm nay nữa là mai hai bố con Khánh lại lên đường trở về thành phố. Thằng Toàn muốn đến tạm biệt bạn của nó. Hai bố con xếp xếp gấp gấp hai bộ quần áo mới, một bộ sách vở cho năm học mới rồi tất cả cho vào một chiếc cặp cũng mới tinh. Bà nội tò mò hỏi thằng Toàn con làm gì mà hì hụi mãi thế thì nó thì thầm vào tai bà nội ra chiều bí mật: “Đây là quà cho bạn Tũn bà ạ”. Xếp xong gọn gàng nó còn không quên bỏ vào đấy con diều hình chim phượng mà Khánh đã làm cho hai đứa. Rồi hai bố con sang nhà Tũn. Con đường đê rười rượi ánh trăng soi rõ bóng của hai bố con. Thằng Toàn giục bố đi nhanh lên, rồi có đoạn nó sốt ruột chạy trước. Bước đi một mình, Khánh bỗng thấy nhớ nôn nao những buổi chiều năm xưa cùng Huệ đạp xe đến trường, rồi những buổi tối đến nhà Huệ học nhóm, lúc về cũng đi qua quãng đường đê này, Huệ ra tiễn một đoạn rồi bí mật dúi vào tay anh lúc thì củ sắn luộc, lúc thì bắp ngô nướng thơm tho nóng hổi, về đến nhà cái bụng hẵng còn ấm.
Thằng Toàn đứng ngoài cái cổng chỉ được ghép sơ sài bằng tre mục mà kêu thằng Tũn ra. Mẹ nó đang ở trong nhà cũng lật đật chạy ra theo. Vừa thấy Huệ, Khánh nép vội vào một góc tối phía sau cổng, sợ Huệ trông thấy. “Ngày mai tớ với bố tớ phải về thành phố rồi Tủn à”. Thằng Toàn nói với bạn. Thằng Tũn còn ngơ ngác thì Toàn đã đặt vào tay nó cái cặp mới nặng trĩu. Đây là quà của tớ và của bố tớ tặng cậu năm học mới đó. Trong này có cả quần áo mới này với cả sách vở mới nữa cậu nha. À còn cái này nữa cho cậu… Thằng Toàn lôi từ trong túi ra con diều mà chiều nào hai đứa cũng thả trên đồng. Của cậu đấy, cậu cất rồi hè tớ về ta lại đem thả nha. Thằng Tũn ôm cái cặp mới trong tay mà nước mắt nó cứ thế ào ra ướt đầm đìa xuống cằm, xuống cổ. Huệ ôm hai đứa trẻ vào lòng, hôn lên má, lên tóc chúng. Trong bóng đêm êm dịu như nhung, Khánh thấy mắt Huệ lấp lánh như có nước.
Ngày mai thành phố lại đón Khánh bằng cái ngột ngạt ồn ã thường ngày của nó, ngày mai anh lại về với những con phố cũ, những công việc cũ, những mặt người đã cũ. Nhưng ngày mai dĩ nhiên vẫn sẽ là một ngày mới.
T.H.V