03-05-2020 - 07:35

Tác giả TRẦN HẬU THỊNH

 

 

 

Ngày tháng năm sinh: 12.9.1961

Quê quán:  Thạch Hội- Thạch Hà - Hà Tĩnh

Nơi công tác hoặc thường trú hiện nay: Phường Bắc Hà - Tp Hà Tĩnh

Hội liên hiệp VHNT Hà tĩnh,  chuyên ngành:   Văn xuôi     Năm kết nạp: 2005

Địa chỉ liên lạc:  số 16- Hải Thượng Lãn Ông- Tp Hà Tĩnh

 Điện thoại: 0974824738     

Tác phẩm chính đã công bố, xuất bản: 

Tác phẩm đã công bố:

  • Thao thức ( tiểu thuyết.  NXB Hội nhà văn, 2005)
  • Cái sự đời ( tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2017)
  • Duyên muộn (tập truyện ngắn, NXB Nghệ An, 2007)
  • Thời nông nổi (tập truyện ngắn, NXB Hồng Đức, 2011)

 

 

Tác phẩm tự chọn

CÁI SỰ ĐỜI

                                     (Trích tiểu thuyết)

 

…Gần đó có mấy cửu vạn nơi vùng quê làm muối đang lật mở cặp lồng cơm xúc ăn vội vàng, súc miệng qua loa, nhổ toẹt nước xuống vỉa hè rồi lăn nằm chèo ngheo dưới bóng cây ngô đồng. Mệt mỏi hay sao, họ vừa đặt lưng xuống là kéo khò khò, mặc cho ánh nắng chói chang lọt qua kẽ lá đang xuyên thẳng vào khuôn mặt đen đúa. Họ cũng sung sướng chán bởi có bao người bỏ tiền mua giấc ngủ mà không được đó sao. Hắn nhìn khuôn mặt đen sạm của họ mà nghỉ vậy.

Đường phố thưa dần những dòng xe qua lại, lúc này Triệu thấy như có kiến bò trong thành ruột, bởi lúc sáng chưa kịp ăn gì liền búa xua: Bác ơi chúng ta ngồi đây lâu e không hợp. Mà xưa nay thế gian đã bảo “bầu rượu túi thơ” chứ chưa ai nói “bầu cà phê túi thơ” cả.

Nhà thơ thấy tinh thần sảng khoái, liền nhanh chóng trả tiền hai ly cà phê và rủ hắn hồi lại quán thịt chó Tửu Mập hôm nọ. Với nhà thơ từ ngày gặp hắn, ông như thấy hồn nhiên và trẻ lại vài chục tuổi.

Đang lo khoản rượu thịt cứu nguy cho cái dạ dày, chưa kịp bù khú thì trước cổng tự nhiên xuất hiện một chiếc xe lăn, người ngồi trên xe bị hạn chế chiều cao với cái đầu hơi méo và cái trán xu hào rất khó đoán tuổi, nó đưa ra mấy tập que xoi tai và khoảng hai tá bút chì. Còn người đẩy xe phục vụ cao gầy và cố giữ im lặng nhưng ánh mắt sâu như thể nhìn được vào tận đáy ruột gan thiên hạ. Họ đang di động và từ từ áp sát vào hai thi sỹ, rồi đưa khay hàng ra mời chào như cầu mong ân cứu nạn cứu khổ của bề trên.

Hắn nhìn, trái tim thổn thức và động cựa.

Nhà thơ liếc mắt nhìn qua: Người gì mà lèn lẹt thế này cha. Chú mày dân tộc nào vậy? dứt lời ông gửi lại cho kẻ khuyết thân hai tờ mười ngàn và cầm lấy tập que ngoáy tai - cho mày một. Ông nói và đưa cho Triệu một tập.

Ngồi xuống bàn, trong lúc ngự giá thân chinh đợi chủ quán thái dồi, nhà thơ như luận ra một ý gì đó liền nói với hắn, loại này bỏ túi khi nào buồn thong thả lấy ra xoi xoáy đã ngứa thích vô tận, lại làm mất buồn ngủ, thậm chí nó còn có thể duy trì nguồn cảm hứng cho sáng tạo nữa nữa đấy. Mẹ! tạo hoá quá đểu đã sinh ra cái dạ dày chứa chấp mọi thứ, còn sinh ra cứt trong lỗ tai làm quái gì không biết.

Nghe nhà thơ bảo vậy, hắn buồn tình cũng bóc ra, lấy một que vừa xoi vừa trả lời: Bác không biết hả, có cứt trong lỗ tai là để tìm công việc cho mấy em sấy tóc gội đầu làm trò tiêu khiển cho thượng đế. Cũng như cái lỗ dốn sinh ra để xoa dầu Lục Thần Thuỷ khi đau bụng trở trời, tìm công ăn việc làm cho mấy bà bán dược phẩm. Tạo hoá sinh ra con người và vạn vật chẳng có gì thừa phải không bác?

Nhà thơ gật gật cái đầu. Tính cụ xưa nay vậy, một khi nghe khoái cái lỗ tai là gật liên hồi để thay câu trả lời đồng ý.

Ông nói: Mày tranh thủ ngồi xoáy đi, chứ về nhà làm gì có thời gian tận hưởng cái cảm giác này. Triệu nghe nói vậy móc ngoáy liên tục.

Trước lúc nâng ly, nhà thơ cầm bản thảo buộc cẩn thận trước yên xe máy. Cụ nói: Vất mẹ nó đấy, ăn uống thoải mái đàng hoàng, gét nhất vừa ăn vừa bình thơ. Nhiều anh chị cứ làm như rượu chỉ dành cho những người hiểu làm thơ không bằng ấy.

Nhìn đĩa dồi chó bốc hơi nghi ngút với những gọng sả thon dài như đùi bóc vải và lớp lá mơ lông trải nệm dưới đáy đĩa, hắn đẩy nhà thơ đi đến cao trào: Bác giống em vô kể, trời thật có mắt chèo kéo cho anh em mình gặp nhau. Tìm bạn ăn chơi khó hơn tìm vàng dưới bể chứ ạ.

Niềm sung sướng cứ dần dần được tăng lên và hai người cứ bình đẳng với tỷ lệ “bác một - em một”. Còn những ly sau lại “chăm phần chăm”. Hai người cùng say ngất ngơ ngất ngưỡng. Hắn mệt nhừ vì lúc sáng vội ra đi nên chưa có gì lót dạ, rượu say lúc đói thì có khác gì lũ quét trong dạ dày. Châm thêm một ly khoá đuôi, nhà thơ càng phấn khích hăng hái. Ông như muốn khoe khoang cái cơ địa và thần khí của mình. Mà xưa nay rượu vào hay nói thật: Gần nhà tao có con thị Tẹt, không chồng hai con, gấp ghé tuổi tứ tuần trông sồn sồn, bữa nào gặp tao đi đánh máy về là hong hóng chạy ra ngõ đòi đọc thơ và xem báo ảnh. Dạng đàn bà quềnh quàng, luộm nhuộm vậy là trí nhớ tài đáo để. Đọc xong hôm sau lại đọc vanh vách chẳng sai sót một từ. Nhiều hôm gặp là cười như nắc nẻ, mà đỏ hây hây như mào gà trống tới thời đạp mái. Hôm trước cách đây ba tuần, trên đường đi chơi nhà thằng bạn về, rượu vào tê tê, máu hăng lên rạo rực tao ghé vào buồng nằm chung với ả. Bây giờ mà ả có bầu thì nguy to. Nghe bảo đàn bà lúc hớn mỡ gặp đàn ông dễ dính lắm. Đời ba thứ phỉ gió, bỏ mẹ mày ơi… Rồi lúc ấy lâm vào cảnh cha già nuôi con mọn thiên hạ cười chê, vợ con chúng nó coi thường và chắc không còn thời gian lo thơ phú nữa đâu.

Hắn ra bài an ủi nhà thơ, giọng nửa đùa nửa thật: Bác nói chuyện mang bầu ở đàn bà sao đơn giản vậy. Nói như em đây là vợ chồng vất vả, con cái bừu rứu nhưng tháng vẫn đôi ba lần tòm tem động viên nhau. Nếu vậy thì bây giờ cả tá con rồi hả.

Nhà thơ nghe vậy thấy an tâm, mọi suy tư mệt mỏi đều tan biến trong men nồng, ông hăng hái: Bây giờ chú mày vào chợ huyện gửi xe, rồi chúng ta vào lại trong ấy, xem hai con em mọi dạo này thế nào.

Hắn chần chừ đưa chiếc Wayapha tồi tàn vào quầy gửi xe nời đình chợ, rồi tất bật đi ra. Gặp lại cụ hắn nói, ta đi rồi về nhanh nghe bác, chiều nay em còn đi vãi đạm cho hai rào lúa bào thai, tranh thủ thuỷ nông vừa xả nước. Nói thật bác làm nông là phải kịp thời vụ, chứ không phải như làm thơ đâu.

Nhà thơ trấn an hắn: Số mày khổ là phải, đi đâu cũng vội vàng. Con người sướng khổ hay giàu sang nghèo hèn đều có số cả chứ. Đời được bao nhiều, rồi vất đó mà đi thôi à.

Đó là bác chứ đời em sợ không có gì mà vất, rồi sau này vợ con chúng nó lại hận.

Hắn dứt lời, hai người lịch kịch lên xe. Chiếc Suzuki phấn khởi lớn lao vù vù lướt qua những cánh đồng trơ gốc rạ sau mùa mãn gặt. Mấy con cò trắng ngơ ngác rỉa cánh bên bờ, mắt mỏi nhìn dòng nước bạc từ miền sơn cước mới chảy về. Một vào thửa ruộng nước mới vào xăm xắp như chuẩn bị cho mùa cày ải. Con đĩa mạ to gần bằng nửa cái lưỡi hái, dẫn đàn con mới nở bò ngo ngeo lên mép ruộng. Mấy cái vỏ bao thuốc sâu trôi lấp lửng dọc bờ kênh, nó trôi dạt về đâu, chẳng ai thèm quan tâm. Nhưng biết đâu lại là mầm mống của những cái bào thai tật nguyền khi còn trong bụng mẹ. Hoặc những khối u ác đang hình thành trong cơ thể của bao kẻ sức vóc còn hoành tráng.

Gần tiếng đồng hồ sau, hai người có mặt tại điểm hẹn nơi Bến Bưởi. Quái lạ, hôm nay quán sập cửa, nhìn trước ngõ sau không thấy bóng con em, con út nào. Quán xá buồn tênh, cửa ngõ xộc xệch như vắng hình thân chủ. Trước cổng nhăng nhít những mạng nhện và mấy con ruồi chết khô đang treo lắc lỏng trên bức tường nham nhở. Con nhện đực hình chum béo nân nẫn như đã quá no nê. Hắn buồn tênh nhìn ra cửa biển, biển càng buồn hơn không bóng một con thuyền. Thỉnh thoảng xuất hiện vài ngư phủ bước đi dạt dẹo bên mé nước, mắt săm soi vào vách đá như cố tìm một vận may gì đó. Những con sóng bạc vẫn xô nhau vào bờ như giận hờn trước tai ương. Và thương xót những phận người ốm yếu.

Gã cô hồn có bộ râu quặp cá trê hôm nọ, tay chống nạnh mặt mày hốc hác bước ra. Hai má gã hóp sâu vào mỗi khi cố rít bằng hết đoạn thuốc cuối cùng trên miệng. Nhìn hắn gả nói: Nhìn gì ngoài kia. Ngư dân bỏ đi hết rồi.

Hắn dừng xe bước xuống: Hai con em dạo ấy đâu anh.

Gã cô hồn lạnh lùng: Con bé ngày nào thường du hí với ông già nghe bảo chuyển sang giai đoạn ết rồi. Nay về quê đâu đó, hay đi làm đĩ dưới âm phủ thì không biết, còn con kia tối qua sổng chuồng quẳm luôn mấy chục triệu của chủ rồi trôi theo cánh xe tải dạt vào nhà hàng năm sao, gia nhập đội quân săn bắt sếp thì phải.

Vất cái đầu tóp trên miệng, gã rê tiếp điếu thứ hai, rồi nói giọng bực bội, chầu này tôi khô như rơm, hút thuốc rê giải sầu. Kể cả một con đĩa ngoài chuyện mua vui đổi gió cho quý ngài nó còn kiếm được việc làm cho bao người thất cơ lỡ vận như tôi, để khỏi phải bán làm nô lệ ở nước ngoài.

Nhà thơ nghe vậy, thần hồn nát thần tính như trời hốt vía. Gã chủ chứa khuôn mặt ủ ê, từ trong nhà bước ra nhìn chằm chằm vào gã cô hồn rồi lí nhí như thả đoàn kiến lửa hầm hồ vào lỗ tai nhà thơ: ông khôn hồn về xét nghiệm si đa ngay. Ông đã thấy một súc thịt khi bị phân huỷ nó ôi thối vữa nát thảm hại thế nào chưa. Vi rút si đa khi đến thời kỳ sung sức nó phá hoại tàn bạo như thế đấy. Ngày nay có xét nghiệm. Họ giữ bí mật cho mình. Ông xem chừng ngỏm lúc nào không hay đấy nha.

Nhà thơ hồn văng lên chín tầng mây trán toát mồ hôi, tưởng như roi vào vùng tâm chấn địa. Trong khi Triệu hơi men đã tản mát lại sốt sắng muốn về nhà.

Hai người lặng lẽ quay xe. Trước mặt vạn vật như tối sầm đen xực…

(Trích từ tiểu thuyết “Cái Sự Đời”)

 

. . . . .
Loading the player...